Và với một cái tựa đề như sách dạy triết học phổ thông như vậy, Điều này rồi cũng qua, ngay từ khúc dạo đầu, đã cho ta biết ta nên đợi gì ở đó, ta đừng nên đợi gì ở đó cả, bởi không gì vĩnh viễn hay lưu lại.
Những nhà thần bí Ba Tư kể lại, có một vị vua quyền lực yêu cầu những nhà thông thái tạo nên một chiếc nhẫn có thể khiến ngài hạnh phúc mỗi khi ngài buồn bã. Và cuối cùng, ngài nhận được một chiếc nhẫn với dòng chữ khắc tiếng Ba Tư: “Điều này rồi cũng qua”. Ngài hết buồn. Nhưng khi ngài hạnh phúc, ngài nhìn chiếc nhẫn và ngài cũng không còn hạnh phúc.
“Điều này rồi cũng qua” – không chân lý nào đúng đắn hơn chân lý ấy, đúng ở mọi nơi, đúng vào mọi lúc. Tolstoy đã viết một điều tương tự như thế: “Nó sẽ qua thôi, nó sẽ qua cả thôi” trong Anna Karenina. Tay guitar một thuở của The Beatles là George Harrison cũng đặt tên album cá nhân thành công nhất trong sự nghiệp huyền thoại của ông là: All things must pass – Mọi thứ phải qua đi. Cả những thiền sư Nhật Bản trước khi từ giã cõi đời cũng khép lại kiếp sống của mình bằng nhận thức về cái phù du hư ảo: “Lời cuối của tôi là đây/Khi tôi ngã xuống tôi ném tất cả lên đỉnh núi cao vời/Ôi! Mọi sự tạo thành rồi đều tan vỡ; cho nên/Tôi hủy hoại học thuyết của Thiền”.
Cuốn sách Điều này rồi cũng qua,một bán tự truyện mà Milena Busquets viết về mẹ cô, Esther Tusquets, nữ văn sĩ nổi tiếng người Tây Ban Nha, mà đáng tiếc, chưa phổ biến trên thế giới. Câu chuyện rất mực đơn giản: người phụ nữ ở độ tuổi bốn mươi đón nhận cái chết của mẹ, cái chết như một cơn lốc nhấc bổng cô lên và cuốn phăng cô đi, nhưng cô vẫn cố gắng neo mình, dù bấp bênh, trong sự tồn tại, trong những cuộc tình, trong những cuộc hội hè, trong chốn đồng quê, trong những cuộc tán gẫu về khổ đau, về sex, trong hoàng hôn lụa hồng, trong kỷ niệm, trong mùa hè, trong biển.
Thứ đã chống lại cái chết, chống lại cả sự sống, chống lại cả tình dục, làm cả ba vấn đề hệ trọng đó trở nên tầm phào như một cái hắt hơi, là khiếu hài hước nhẹ nhõm của cô.
Bắt đầu bằng cái chết của một người mẹ, nhưng không phải kiểu “Mẹ tôi chết hôm nay. Hay có lẽ từ hôm qua, tôi cũng không biết nữa”, không như Camus, không triết học một cách gai sắc, lạnh như lưỡi kiếm và không một từ thừa theo kiểu đó. Nếu cần một sự so sánh tương đối, hãy nghĩ rằng nếu Romain Gary là một người phụ nữ sinh vào thập niên 70 của thế kỷ trước, có lẽ ông sẽ viết Lời hứa lúc bình minh với chiều hướng na ná như Điều này rồi cũng qua củaMilena Busquets. Họ cùng là những kẻ lấy sự hài hước như một vũ khí để “chống lại chính mình qua ngôi tôi”, theo cách nói của vị văn sĩ quá cố người Pháp.
Và vì có thể dùng sự hài hước để chống lại chính mình, không có gì mà Milena Busquets không thể chống lại được. Mặc dù cô viết “cứ như tôi biết thì chỉ có một thứ tạm thời xua tan cái chết – cũng như cái sống – mà không gây nhức đầu búa bổ sáng hôm sau, đấy là sex”, nhưng có vẻ không đúng lắm, không đúng với cả chính cô. Thứ đã chống lại cái chết, chống lại cả sự sống, chống lại cả tình dục, làm cả ba vấn đề hệ trọng đó trở nên tầm phào như một cái hắt hơi, là khiếu hài hước nhẹ nhõm của cô. Khiếu hài hước không châm biếm, không chua cay, không hoắt nhọn, mà chỉ hài hước bởi cái cuộc đời này hài hước từ trong trứng nước.
Cô phơi bày sự nhỏ mọn của mình, sự nhàu nhĩ đáng xấu hổ của mình, theo cùng cung cách Romain Gary đã thuật lại chuyện đã từng nhai ngấu nghiến một cái dép nhựa vì tình yêu, đã biểu diễn quần vợt như một thằng hề con trước mặt vua Thụy Điển. Ngày đưa tang người cô thương yêu nhất (nhưng cũng căm hờn nhất), cô chỉ cảm thấy chưa bao giờ mình từng ăn mặc xấu như hôm đó, và cô lại còn quên mũ, và cô tăm tia một anh chàng đẹp trai cũng đến tiễn biệt người đã khuất, và ai đó chửi bậy. Đi xa hơn cả Gary, cô không buộc mình vào một lý tưởng nào, một khái niệm nào về bổn phận của việc làm người, cô làm người một cách dễ dãi và buông thả như thể chúng ta đích thị được làm từ bùn đất.
Thoạt nhiên, Điều này rồi cũng qua có cái gì đó thật lãng mạn, xét như một chủ nghĩa “ưu ái hơn sự hiện diện tức thời của những đam mê, tình yêu và xác thân”. Nó có đầy đủ vẻ lãng mạn, hào hoa, thời thượng. Sự nóng bỏng và khêu gợi của nó vừa đủ để gạt qua lí trí. Và nó có cả một bầu không khí lơ đễnh của những sáng mùa hè miền Địa Trung Hải, “Địa Trung Hải xanh trong bị ngươi đánh thức khi đang say trong giấc mộng ngày hè, ru trên sóng chiều lóng lánh tựa pha lê” trong thơ của Percy Shelley, và cũng là nơi thi sĩ lãng mạn Shelley trầm mình tự vẫn rồi bị sóng đánh dạt vào bờ. Còn gì có thể lãng mạn hơn thế nữa?
Nhưng, sự lãng mạn chỉ như tấm áo mỏng bên ngoài khoác lên vẻ kiều diễm, trữ tình cho tập truyện. Điều này rồi cũng qua thực tế là nơi sự lãng mạn Âu châu đi đến hồi kết, rất lãng mạn nhưng tinh thần ấy không cứu rỗi nổi người châu Âu nữa, cũng không đem tới sự tự do chân chính hay sự hoàn thiện của con người. “Càng nên thơ càng chân lý”1 ư? Chỉ là một huyễn tưởng. Nhân vật ‘tôi’ – cô biết yêu, cô có tình yêu, và cô đang sống ở một nơi chốn tựa thiên đường – nhưng luôn luôn cô nghĩ rằng thiên đường đã mất, cô tưởng như nhảy bổ vào tình yêu một cách không khoan thứ, song lại không thể có một mối tình cho nên hồn: mẹ cô đã chết, người cô hẹn hò là một gã đã có gia đình, những người có khả năng làm người tình thì hoặc là chồng cũ, hoặc là bồ của bạn, hoặc một người bạn đã thành ra quá cũ từ thuở ấu thơ.
Mọi thứ trong cuốn sách này đều óng ánh như dát ngọc. Cả những chiếc bánh mì nướng phết bơ, những ô cửa bằng gỗ thông và đám người trên biển như cầu vồng đều sáng ngời và vỗ về người đọc. Song, sự lãng mạn như một dược chất hóa học ta uống vào hăng say để rồi phát hiện ra nó chỉ là giả dược, nó đã bị vô hiệu hóa. Vương miện lãng mạn đã bị nhấc khỏi mái đầu Âu châu. Sự lãng mạn đã bị mục ruỗng trong chính nó.
Nhân vật chính để tâm tưởng sống trong cõi sống và sống trong cái chết. Khi nó sống trong những nghĩ suy về cái chết, nó đầy triết lý, đầy hố thẳm, đẩy bóng tối và dằn vặt, nó chưa biết mình là ai nhưng nó biết về lòng trắc ẩn. Nhưng khi nó sống trong cõi sống, trong những buổi tiệc tùng, dạo chơi và hò hẹn, nó thành ra nông cạn, nguyên thủy và điều nó rõ nhất là cách làm duyên trước cả những đối tượng sai lầm. Con người là thế, con người có sâu không? Con người sâu không đáy. Con người có hời hợt không? Con người hời hợt đến đáng thương.
Cõi sống không thể có sự sâu sắc. Sự sâu sắc may ra có thể tồn tại trong cái chết, còn chừng nào ta sống, thì ta còn bị dụ dỗ vào những cảm thức tầm thường, những suy tư vặt vãnh, ta sẽ còn hóa thân vào những vai diễn ngu ngốc đến hớ hênh trong những màn kịch nhạt. Sự lãng mạn, như đã nói, đã mục ruỗng trong chính sự lãng mạn. Lord Byron, điển hình của mục ruỗng ấy, viết rằng: “Mục đích vĩ đại của cuộc đời là xúc cảm – cảm nhận rằng ta đương sống, dầu trong đau khổ”.
Nhưng điều này rồi cũng qua, cuộc đời rồi cũng qua. □
—
1. Theo Novalis, thi sĩ, nhà thần bí, nhà triết gia thời kỳ Lãng mạn