Tin Thế giới sáng thứ Năm

Trung bình cứ mỗi 15 giây lại có một người tử vong do COVID-19

Theo số liệu của Đại học Johns Hopkins hôm 5/8, số người tử vong trên toàn cầu đã vượt quá 700.000, trong đó Mỹ, Brazil, Ấn Độ và Mexico đứng đầu trong danh sách các nước có số ca tử vong nhiều nhất.

Tính toán của Reuters dựa trên dữ liệu COVID-19 trong 2 tuần qua cho thấy gần 5.900 người tử vong trung bình sau mỗi 24 giờ, tương đương với 247 người mỗi giờ, hoặc cứ sau 15 giây lại có một người chết do virus corona.

Hoa Kỳ và Châu Mỹ Latinh tiếp tục là khu vực trung tâm của đại dịch và cả hai đều đang vất vả nhằm ngăn chặn sự lây lan của virus. 

Mỹ vẫn dẫn đầu thế giới về số ca nhiễm với tổng số hơn 4,9 triệu ca và đã có hơn 160.000 người tử vong. Chuyên gia về bệnh truyền nhiễm, Tiến sĩ Anthony Fauci, hôm thứ Hai (3/8) cho biết các bang có số ca mắc virus cao nên xem xét lại các biện pháp phong tỏa. Ông Fauci nhấn mạnh sự cần thiết phải giảm thiểu các ca nhiễm xuống mức thấp trước mùa cúm.

Ngay cả ở một số nơi trên thế giới dường như đã ngăn chặn được sự lây lan của virus, dịch bệnh đang quay trở lại với liên tiếp các ca nhiễm tăng cao kỷ lục, báo hiệu cuộc chiến còn kéo dài. Các quốc gia này có thể kể đến như Úc, Nhật Bản, Hồng Kông, Bolivia, Sudan, Ethiopia, Bulgaria, Bỉ, Uzbekistan và Israel v.v.

Tại châu Âu, nhiều quốc gia đã ban bố quy định đeo khẩu trang nghiêm khắc hơn để hạn chế sự lây nhiễm. Thành phố Paris, Toulouse của Pháp và nhiều thành phố khác đã phát đi tuyên bố rằng việc đeo khẩu trang là điều bắt buộc, đặc biệt trên đường phố và tại các quảng trường. 

Một ủy ban khoa học tư vấn cho chính phủ Pháp đã cảnh báo rằng nước này có thể mất kiểm soát về dịch bệnh “bất cứ lúc nào.”

Tại Hà Lan, biện pháp đeo khẩu trang tương tự sẽ được áp dụng tại Rotterdam và khu đèn đỏ nổi tiếng của Amsterdam từ thứ Tư (5/8).

Trong khi đó, Ireland đã hoãn việc mở lại các quán rượu và các tụ điểm giải trí về đêm khác theo lời khuyên của các nhà khoa học trước lo ngại về tình trạng lây nhiễm đang gia tăng.

Tại Úc, tiểu bang Victoria đã ghi nhận sự gia tăng kỷ lục trong ngày về các ca nhiễm mới cũng như các ca tử vong với 725 trường hợp mới phát hiện và 15 người thiệt mạng, biến nó trở thành ngày chết chóc nhất của bang trong đại dịch.

Hiện tại, dịch bệnh chỉ có thể được kiềm chế nếu thế giới tìm ra vắc-xin và cách điều trị. 

Hôm 4/8, Mỹ tuyên bố đã bắt đầu thử nghiệm lâm sàng giai đoạn cuối vắc-xin ngừa COVID-19. Thử nghiệm Giai đoạn 3 sẽ được tiến hành với khoảng 300 tình nguyện viên trên khắp thế giới bị nhiễm COVID-19 từ nhẹ đến trung bình trong thời gian dưới 13 ngày.

Hôm thứ Hai (3/8), Nga cho biết nước này sắp triển khai sản xuất hàng loạt vắc-xin vào tháng 9 tới, dự kiến sẽ cho ra “vài triệu liều” mỗi tháng vào năm tới.

Trước thông tin trên, Tổ chức Y tế Thế giới đã kêu gọi Nga cần tuân theo các hướng dẫn đã được thiết lập để sản xuất vắc-xin an toàn và hiệu quả.

Trung Quốc đề cử ứng viên thẩm phán tòa quốc tế xử lý tranh chấp biển

Tòa Quốc tế về Luật Biển (ITLOS) là cơ quan tư pháp độc lập gồm 21 thẩm phán. ITLOS được thành lập theo Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển (UNCLOS), có vai trò phân xử các tranh chấp về giải thích và áp dụng UNCLOS – một hiệp ước quốc tế vạch ra các quyền và trách nhiệm quốc gia đối với các đại dương trên thế giới.

ITLOS đang có kế hoạch tổ chức bầu cử trong tháng Tám này hoặc tháng Chín để chọn 7 thẩm phán làm việc nhiệm kỳ 9 năm. Theo điều lệ của ITLOS, 1/3 trong tổng số 21 thẩm phán của tòa án này sẽ hết nhiệm kỳ sau mỗi ba năm và cần phải tổ chức bầu bổ sung. Tất cả 168 quốc gia ký kết UNCLOS sẽ được quyền bỏ phiếu. Mỹ đã ký UNCLOS nhưng quốc hội nước này chưa phê duyệt công ước này nên Washington không có quyền bầu cử tại ITLOS.

Trung Quốc hiện có một thẩm phán tại ITLOS là ông Gao Zhiguo, nhưng ông này sẽ hết nhiệm kỳ vào tháng Chín. Đó là lý do thúc đẩy Bắc Kinh đề cử ông Duan Jielong làm thẩm phán mới tại ITLOS. Ngoài Trung Quốc, 8 nước khác cũng đề cử ứng viên thẩm phán cho cuộc bầu cử ITLOS sắp tới.

Mặc dù Mỹ sẽ không được tham gia bỏ phiếu, nhưng điều này không ngăn được Washington phản đối ứng viên do Bắc Kinh đề xuất.

Ông David Stillwell, phụ tá ngoại trưởng Mỹ chuyên trách Sự vụ Đông Á và Thái Bình Dương trong diễn đàn trực tuyến của Trung tâm Chiến lược và Nghiên cứu Quốc tế tổ chức vào tháng trước đã nói: “Việc chọn một quan chức Trung Quốc vào cơ quan này là giống như thuê một kẻ đốt phá làm việc hỗ trợ điều hành Phòng Cứu hỏa”.

Chúng tôi kêu gọi tất cả các nước liên quan trong cuộc bầu cử Tòa án Quốc tế sắp tới hãy cẩn trọng đánh giá hồ sơ năng lực của ứng viên Trung Quốc và cân nhắc xem liệu một thẩm phán Trung Quốc tại tòa án này sẽ giúp sức hay ngăn cản luật biển quốc tế. Với hồ sơ của Bắc Kinh, câu trả lời cho câu hỏi đó là rõ ràng”, ông Stillwell nói thêm.

Năm 2016, một phiên tòa tại Tòa Trọng tài Quốc tế đã ra phán quyết yêu sách chủ quyền của Trung Quốc đối với gần 90% diện tích Biển Đông là không phù hợp với các quy tắc của UNCLOS. Bắc Kinh đã không chấp nhận hay công nhận phán quyết này.

Trung Quốc yêu sách chủ quyền hầu hết diện tích 3,6 triệu km2 trên Biển Đông bằng bản đồ đường 9 chín đoạn mơ hồ. Việt Nam, Philippines, Malaysia, Brunei và Đài Loan cũng tuyên bố chủ quyền một phần Biển Đông.

Theo UNCLOS, các quốc gia bờ biển có quyền chủ quyền đối với nguồn tài nguyên biển trong phạm vi 200 hải lý tính từ bờ biển của họ và trong phạm vi này, các quốc gia ven biển được phép thực hiện các hoạt động kinh tế và nghiên cứu biển nhất định. Đường 9 đoạn của Trung Quốc vượt rất xa phạm vi 200 hải lý tính tờ bờ biển của họ.

Trung Quốc chỉ hoàn thành 5% trách nhiệm mua năng lượng Mỹ trong 6 tháng đầu 2020

Theo Reuters, trong sáu tháng đầu năm nay, Trung Quốc mới chỉ mua được 5% tổng khối lượng 25,3 tỷ USD sản phẩm năng lượng của Mỹ theo cam kết trong thỏa thuận thương mại Mỹ-Trung giai đoạn Một. Trong khi đó, quan hệ giữa 2 nền kinh tế lớn nhất thế giới ngày càng nhích dần đến chiến tranh lạnh.

Theo Reuters, tính đến hết tháng 6, Trung Quốc mới nhập khẩu được tổng cộng 1,29 tỷ USD dầu thô, khí tự nhiên hóa lỏng, than cốc và các loại sản phẩm năng lượng khác từ Mỹ. 

Mặc dù việc thu gom sản phẩm Mỹ của Trung Quốc có tăng trong thời gian gần đây, các nhà phân tích chỉ ra rằng giá năng lượng thấp và mối quan hệ đôi bên ngày càng căng thẳng có thể thúc đẩy Bắc Kinh bỏ qua trách nhiệm mua lượng lớn hàng hóa, dịch vụ của Mỹ cho cả năm 2020 như đã ký kết trong thỏa thuận thương mại hồi tháng Một. 

“Trung Quốc nhiều khả năng sẽ không hoàn thành trách nhiệm Giai đoạn 1 bởi vì ngay từ đầu họ đã quá tham vọng với nó”, Michal Meidan, giám đốc Viện Năng lượng Oxford nói. Meidan nói thêm bà vẫn dự đoán Bắc Kinh sẽ đẩy mạnh mua hàng Mỹ để thể hiện thiện chí. 

Việc không hoàn thành thỏa thuận với chính quyền Trump có thể khiến quan hệ Washington-Bắc Kinh căng thẳng hơn sau khi hai nước đã trở nên đối nghịch ở nhiều mặt sau sự bùng phát của virus corona. 

Mới đây, đại sứ Trung Quốc tại Mỹ xuống giọng nói rằng Bắc Kinh không muốn căng thẳng với Washington tiếp tục leo thang hơn nữa. 

“Tôi nghĩ một cuộc Chiến tranh Lạnh mới sẽ không có lợi cho bất kỳ ai. Vì sao chúng ta lại để lịch sử lặp lại, trong khi vốn phải đối mặt với quá nhiều thách thức mới?“, đại sứ Thôi Thiên Khải ngày 4/8 phát biểu tại Diễn đàn An ninh Aspen được tổ chức trực tuyến.

Dầu thô được coi như một trọng tâm nổi bật trong thỏa thuận thương mại giữa hai nước. Tuy nhiên đại dịch xảy ra đã khiến phí vận tải hàng hóa tăng cao, cộng với nhu cầu mua năng lượng sụt giảm trầm trọng khiến việc nhập dầu Mỹ trở nên đắt đỏ đối với các nhà máy lọc dầu Trung Quốc. 

Trong nửa đầu năm 2020, Trung Quốc chỉ nhập 45.603 thùng dầu một ngày, chỉ hơn một nửa so với cùng kỳ năm 2019. 

Theo Sushant Gupta, giám đốc nghiên cứu tại hãng tư vấn Wood Mackenzie, nói rằng để thực hiện cam kết mua hàng của mình, Trung Quốc sẽ phải nhập khẩu tới 1,5 triệu thùng dầu thô của Mỹ một ngày trong năm 2020 và 2021, con số này được điều chỉnh tăng lên từ gần 1 triệu thùng do giá dầu giảm. 

Trong khi đó, con số thống kê chỉ ra Trung Quốc đang cố gắng tăng số lượng nhập dầu thô Mỹ. Trong tháng 7, Trung Quốc mua thêm 940.000 thùng và dự đoán sẽ đạt mốc 1,01 triệu thùng trong tháng 8, một con số cao nhất từ trước đến nay, nhưng vẫn chưa đủ mức yêu cầu để hoàn thành trách nhiệm mua hàng, theo nhà phân tích Emma Li của hãng Refinitiv. 

Khó khăn sắp tới cho Trung Quốc là tỷ lệ lãi bán dầu giảm và các kho chứa thì ngày một đầy do nhu cầu xuống thấp khiến Bắc Kinh khó mà giữ được đà tăng lượng dầu nhập từ Mỹ. 

Vấn đề về khí hóa lỏng, và than cốc cũng tương tự. Trung Quốc đã tăng gấp 3 số lượng nhập từ Mỹ trong 6 tháng đầu đầu năm nay so với cùng kỳ 2019, lên tới 878.754 tấn, theo Reuters. Tuy nhiên, do giá khí đốt giảm, số lượng này chỉ tương đương với gấp 2 lần về mặt giá trị, khiến cho việc đạt được mục tiêu nhập khẩu tính bằng tiền USD của Trung Quốc ngày càng khó khăn. 

“Các rủi ro chính trị và sự bất ổn nghiêm trọng đang đe dọa mục tiêu mua dầu khí dài hạn của Trung Quốc”, Li Yao, CEO của hãng tư vấn Năng lượng SIA tại Bắc Kinh nói. 

Bắc Kinh phản đối quan chức Mỹ thăm Đài Loan

Ảnh ghép từ Reuters.

[Ref.SCMP 5/8]. Bắc Kinh đã lên tiếng phản đối việc chính phủ Hoa Kỳ có kế hoạch cử Bộ trưởng Y tế Alex Azar tới thăm Đài Loan, trong bối cảnh chính quyền Tổng thống Trump liên tục có các động thái gia tăng sức ép đối với chính quyền Trung Quốc.

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Uông Văn Bân nói rằng Bắc Kinh kiên quyết phản đối các tương tác chính thức giữa Mỹ và Đài Loan.

“Vấn đề của Eo biển Đài Loan là vấn đề nhạy cảm nhất đối với quan hệ Trung-Mỹ. Chúng tôi hy vọng Hoa Kỳ sẽ dừng tất cả các trao đổi chính thức giữa hai bên để tránh thiệt hại cho quan hệ Trung-Mỹ, giữ ổn định eo biển Đài Loan”, ông Uông nói trong cuộc họp báo hôm thứ Tư.

Bộ trưởng Bộ Y tế và Dịch vụ Nhân sinh Alex Azar sẽ dẫn đầu một phái đoàn quan chức Hoa Kỳ tới thăm Đài Loan “trong những ngày tới”, Viện Hoa Kỳ tại Đài Loan (AIT) – Đại sứ quán trên thực tế của Mỹ tại Đài Bắc, cho biết.

Cập nhật thông tin vụ nổ ở Lebanon

[Ref.DPA 5/8]. Số người chết sau vụ nổ lớn xảy ra vào thứ Ba tại Thủ đô Beirut của Lebanon đã vượt quá 100 người.

Ngoài số người thiệt mạng, có hơn 4.000 người bị thương trong vụ nổ, Hội Chữ thập đỏ Lebanon cho biết thông tin.

Sau cuộc họp khẩn cấp do Tổng thống Lebanon Michel Aoun triệu tập, Hội đồng quốc phòng cấp cao Lebanon đã gọi Beirut là một “thành phố thảm họa” khi số người chết dự kiến còn tiếp tục tăng.

Nguyên nhân vụ nỗ vẫn chưa rõ ràng, tuy nhiên ông Abbas Ibrahim, giám đốc cơ quan an ninh của Lebanon, nói rằng khu vực xảy ra vụ nổ chứa nhiều chất kích nổ mạnh.

Hàn Quốc phát triển vệ tinh mới theo dõi Triều Tiên

[Ref.Yonhap 5/8]. Seoul đang thực hiện kế hoạch phát triển các vệ tinh siêu nhỏ để giám sát Triều Tiên hiệu quả hơn, ADD, cơ quan nghiên cứu quốc phòng của Hàn Quốc, cho hay.

Theo ADD, vệ tinh cỡ nhỏ với công nghệ SAR sẽ cho phép Hàn Quốc theo dõi các hoạt động quân sự của Triều Tiên trong thời gian thực.

Khi sử dụng 32 đơn vị vệ tinh như vậy cùng một lúc, quân đội Hàn Quốc sẽ có thể theo dõi nhất cử nhất động của Bắc Hàn liên tục sau mỗi 30 phút bất kể ngày đêm và điều kiện thời tiết.

Nghiên cứu này bắt đầu được triển khai vào tháng 12/2019, hiện đang trong giai đoạn thiết kế sơ bộ, và dự kiến sẽ hoàn thành vào năm 2023.

Đài Loan truy tố doanh nhân làm gián điệp cho Bắc Kinh

[Ref.Taiwan News 5/8]. Hôm thứ Năm, Đài Loan đã truy tố một doanh nhân vì có âm mưu tuyển mộ các gián điệp trong chính phủ Đài Loan để thu thập thông tin tình báo cung cấp cho chính quyền Trung Quốc.

Người đàn ông bị truy tố tên Huang, người Đài Loan nhưng chuyển đến thành phố Ninh Ba của Trung Quốc vào năm 2000 để làm kinh doanh. Vì lợi, ông này chấp thuận đề nghị của các quan chức chính quyền Ninh Ba trở về Đài Loan để mua chuộc các quan chức của hòn đảo nhằm thu thập thông tin về đảng Dân Tiến của Tổng thống Thái Anh Văn, và thông tin về những học viên tu luyện Pháp Luân Công, môn khí công tu luyện theo nguyên lý Chân – Thiện – Nhẫn, CNA đưa tin.

Vào năm 2011 và 2012, Huang đã đưa một điều tra viên về hưu và một cựu sĩ quan quân đội Đài Loan đến thăm Ninh Ba, nơi họ dùng bữa với các quan chức an ninh Trung Quốc.

Trong chuyến đi Đài Loan năm 2012, Huang cũng đã ăn tối với một quan chức phục vụ tại NSB – cơ quan tình báo hàng đầu của hòn đảo. Tuy nhiên, khi Hoang hỏi thông tin về các học viên Pháp Luân Công tại Đài Loan, đặc vụ NSB đã từ chối hợp tác.

Virus SFTS gây chết người tái xuất hiện tại Trung Quốc

[Ref.Taiwan News 5/8]. Bunyavirus, hay còn được biết với tên SFTS, loại virus nguy hiểm có khả năng lây lan đã tái xuất hiện tại Trung Quốc, khiến hơn 60 người phải nhập viên và 7 người tử vong.

Theo CNA, một nông dân trồng chè 65 tuổi ở tỉnh Giang Tô của Trung Quốc gần đây đã ngã bệnh với cơn sốt 40 độ C và ho liên tục. Sau khi được gửi đến Bệnh viện Giang Tô, cô được chẩn đoán bị sốt nặng với Hội chứng giảm tiểu cầu (SFTS), gây ra bởi virus Huaiyangshan Banyangvirus.

Bệnh viện cho biết người phụ nữ là bệnh nhân SFTS thứ 37 mà họ đã tiếp nhận trong năm nay. Trong khi đó, một số tỉnh khác của Trung Quốc cũng báo cáo các trường hợp nhiễm bệnh tương tự.

Related posts