Bắc Kinh thao túng tự do ngôn luận của sinh viên gốc Hoa ở Úc

Lục Du

Một nhóm sinh viên Trung Quốc (ảnh: Reuters).

Tờ SMH ngày 4/8 cho hay, sinh viên Trung Quốc ở Úc không dám tự do bày tỏ quan điểm về Hồng Kông vì lo sợ ĐCSTQ đưa họ vào danh sách những người bất đồng chính kiến.

Cuối tuần qua, trường Đại học UNSW của Úc đã cho xóa một loạt các bài đăng bảo vệ nhân quyền Hồng Kông sau khi hứng chịu một loạt các chỉ trích từ những người ủng hộ chính quyền Trung Quốc. UNSW cũng đã phải xóa một bài đăng trên Twitter chia sẻ liên kết về bài viết với nội dung này.

Người phát động chiến dịch công kích này là một luật sư gốc Hoa tên là Huang Yuwen. Theo SMH, ông Yuwen có mối liên hệ với lãnh sự quán Trung Quốc tại Úc.

Bài viết của UNSW dẫn lời bà Elaine Pearson, giám đốc Tổ chức Theo dõi Nhân quyền Úc, cảnh báo rằng đã đến lúc phải chú ý đến tình hình xấu đi nhanh chóng ở Hồng Kông, sau khi Bắc Kinh áp luật an ninh quốc gia trừng phạt những người bất đồng chính kiến với mức án tù tối đa là chung thân.

Là một giáo sư của UNSW, bà Pearson cho rằng, ngôi trường này đã đặt sự an toàn của họ cao hơn quyền tự do học thuật. Bà nói thêm rằng, bà đã bị sốc trước phản ứng hung hăng từ các sinh viên thân ĐCSTQ và thất vọng trước động thái của trường UNSW.

Bà Pearson kể thêm, một sinh viên luật người Trung Quốc tại UNSW nói với Tổ chức Theo dõi Nhân quyền rằng các sinh viên gốc Hoa không dám thể hiện bất kỳ thái độ ủng hộ dân chủ nào ở Úc.

“Nếu bạn phản đối ĐCSTQ ở nước ngoài, họ sẽ tìm đến người thân của bạn, tấn công bạn, bắt bạn phải trả giá”, sinh viên này nói.

ĐCSTQ cũng đã thiết lập một cổng thông tin trực tuyến mới có thể truy cập ở Úc, cho phép tố cáo những công dân Trung Quốc ở nước ngoài “tấn công đảng, hệ thống nhà nước và các chính sách lớn”, gây nguy hiểm cho an ninh quốc gia, làm tổn hại hình ảnh quốc gia và nói xấu các “anh hùng” của chính quyền Bắc Kinh

Tiến sĩ Kevin Carrico, một giảng viên cao cấp tại Đại học Monash, cho biết, sinh viên Trung Quốc tại các trường đại học Úc phải đối mặt với “loại áp lực đáng sợ hơn rất nhiều so với bất cứ điều gì mà các sinh viên bình thường khác phải đối mặt”.

“Tôi biết những sinh viên có người thân bị gây sức ép chỉ vì họ đã lên tiếng về tình hình ở Tây Tạng hoặc thảo luận về các sự kiện lịch sử năm 1989”, ông Carrio nói.

Related posts