Cơ hội cho ứng dụng Ấn Độ sau lệnh cấm TikTok, WeChat và Baidu

Sau cuộc đụng độ biên giới tại Ladakh, Ấn Độ đang tiến hành một cuộc chiến tranh kinh tế toàn diện với Trung Quốc khi ban bố lệnh cấm từ các ứng dụng di động phổ biến cho đến việc đấu thầu các dự án công.

Vào cuối tháng 6, chính phủ Ấn Độ đã cấm 59 ứng dụng của Trung Quốc, trong đó có TikTok của ByteDance, WeChat của Tencent, trình duyệt của Alibaba và bản đồ Baidu.

Đến cuối tháng 7, Ấn Độ tiếp tục cấm 47 ứng dụng khác là bản sao của các ứng dụng đã bị cấm, đồng thời cũng đang xem xét việc loại bỏ thêm 250 ứng dụng nữa, gồm cả PUBG Mobile, trò chơi trực tuyến nổi tiếng của Tencent và Zili, ứng dụng chia sẻ video của nhà sản xuất điện thoại thông minh Xiaomi.

“Đây không chỉ là các ứng dụng mà còn là các công cụ tuyên truyền của chính phủ Trung Quốc,” ông Ashwani Mahajan, lãnh đạo của Swadeshi Jagran Manch, cơ quan kinh tế của tổ chức xã hội quốc gia Hindu Rashtriya Swayamsevak Sangh (RSS), nói với Nikkei Asian Review. RSS là nguồn gốc hệ tư tưởng của Đảng Bharatiya Janata của Thủ tướng Narendra Modi.

Ông Mahajan cũng cáo buộc các ứng dụng Trung Quốc đánh cắp dữ liệu. Ông nhấn mạnh bất kỳ ứng dụng nào không tuân thủ luật pháp Ấn Độ đều sẽ không được phép.

Theo tờ Nikkei, nhiều người dân Ấn Độ cũng ủng hộ chính phủ cấm TikTok vì đây là vấn đề liên quan đến an ninh quốc gia. TikTok được cho là đã có 200 triệu thuê bao tại Ấn Độ.

Để thay thế TikTok, nhiều người đã tải ứng dụng Roposo tương tự do Ấn Độ phát triển. Các ứng dụng khác của Ấn Độ cũng đang nhanh chóng thu hút được sự quan tâm của người dân sau khi các ứng dụng Trung Quốc bị cấm.

Ngoài việc cấm các ứng dụng Trung Quốc, với lý do an ninh quốc gia, chính phủ Ấn Độ đã tuyên bố sẽ hạn chế Trung Quốc và các quốc gia khác giáp biên giới với Ấn Độ tham gia đấu thầu cho các dự án công. Các phương tiện truyền thông cũng đăng tin rằng New Delhi sẽ loại bỏ các công ty công nghệ Trung Quốc như Huawei và ZTE ra khỏi mạng 5G sắp tới của Ấn Độ và tăng thuế quan đối với hàng hóa do Trung Quốc sản xuất. 

Trung Quốc thâm nhập & tuyên truyền bằng kỹ thuật số

Thời gian qua, đã có nhiều quan ngại về việc các ứng dụng của Trung Quốc được sử dụng như các công cụ tuyên truyền cho ĐCSTQ.

Ông Zhang Yiming, giám đốc điều hành của ByteDance, chủ sở hữu TikTok, đã hứa vào năm 2018 rằng công ty của ông sẽ đảm bảo tiếng nói của ĐCSTQ được truyền đi rộng rãi. TikTok đã bị cáo buộc kiểm duyệt các nội dung chỉ trích chính phủ Trung Quốc từ Ấn Độ, bao gồm cả các nội dung liên quan đến Tây Tạng và lãnh đạo tinh thần – Đức Đạt Lai Lạt Ma.

Quỹ Công nghệ Mở tại Hoa Kỳ trước đây đã nhấn mạnh việc chính phủ Trung Quốc đang sử dụng kỹ thuật số để tuyên truyền. Trong một báo cáo vào tháng 9/2019, quỹ này cho biết một ứng dụng gọi là “Học tập Quốc gia Vĩ đại” (Study the Great Nation) được quảng cáo như một công cụ giáo dục, nhưng trên thực tế là nhằm quảng bá hệ tư tưởng của Chủ tịch Tập Cận Bình.

Phản ứng trước động thái của Ấn Độ, Đại sứ Trung Quốc tại New Delhi, ông Sun Weidong đã tweet vào ngày 30/7 rằng đất nước của ông chủ trương hợp tác hai bên “cùng có lợi” và phản đối việc triệt hạ lẫn nhau. “Các nền kinh tế của chúng ta có tính bổ sung, đan xen và phụ thuộc lẫn nhau rất cao,” ông cho biết. “Việc thúc đẩy tách rời là đi ngược với xu hướng này và sẽ chỉ dẫn đến kết quả hai bên “cùng thua”. 

Ông Sun nói rằng Trung Quốc không phải là “mối đe dọa chiến lược” đối với Ấn Độ và lưu ý rằng nhìn chung việc các nước cần phải phụ thuộc lẫn nhau là điều không thể thay đổi. 

Các nhà phân tích nói rằng công nghệ kỹ thuật số chắc chắn là một chiến lược đáng kể của Bắc Kinh đối với Ấn Độ. Theo Gateway House, một tổ chức tư vấn chính phủ ở Mumbai, Trung Quốc đã sử dụng việc đầu tư vào các công ty khởi nghiệp trong năm năm qua để xâm nhập vào hệ sinh thái trực tuyến của Ấn Độ thông qua các ứng dụng và điện thoại thông minh của họ, tuy nhiên đã thất bại trong việc thuyết phục Ấn Độ tham gia “Sáng kiến Vành đai và Con đường.”

“Các nhà đầu tư công nghệ Trung Quốc đã đầu tư khoảng 4 tỷ USD vào các công ty khởi nghiệp Ấn Độ,” Tổ chức tư vấn này báo cáo, lưu ý rằng Alibaba, Tencent and ByteDance đang cạnh tranh với các công ty Mỹ xâm nhập vào thị trường Ấn Độ như Facebook, Amazon and Google. Các điện thoại thông minh Trung Quốc như Oppo và Xiaomi dẫn đầu thị trường Ấn Độ với thị phần khoảng 72%, vượt xa Samsung của Hàn quốc và Apple của Mỹ.

Giải thích cho lời kêu gọi lệnh cấm của mình, ông Mahajan cho biết sản phẩm Trung Quốc rẻ “bởi vì chính phủ Trung Quốc đang trợ cấp rất lớn nhằm giết chết ngành sản xuất của chúng tôi.” Một báo cáo đã được đệ trình lên quốc hội Ấn Độ vào năm 2018 cho biết chính phủ Trung Quốc đã trợ giá lên đến 17% cho các nhà xuất khẩu, nhằm giúp hàng hóa xuất khẩu của Trung Quốc rẻ hơn 5-6% so với hàng hóa của Ấn Độ.

“Đây là một cuộc tấn công kinh tế – đơn giản là họ buôn bán không công bằng,” ông Mahajan nói. Ông cũng cho biết các công ty Trung Quốc nên bị loại khỏi các dự án cơ sở hạ tầng của Ấn Độ để ngăn chặn họ chiếm lấy các dữ liệu nhạy cảm tại các địa điểm trọng yếu. Ông Mahajan tin rằng việc tránh xa các sản phẩm Trung Quốc sẽ giúp Ấn Độ “aatmanirbhar” hơn – một thuật ngữ Hindu có nghĩa “tự lực cánh sinh” được phổ biến bởi Thủ tướng Ấn Độ Modi.

Tự lực Ấn Độ

Hôm 12/5, ông Modi đã thông báo chiến dịch “Tự lực Ấn Độ” bao gồm một gói kinh tế trị giá 20 nghìn tỷ rupee (266 tỷ USD) để giúp đất nước tự lực hơn và nhằm thúc đẩy sản xuất nội địa để vượt qua cuộc khủng hoảng kinh tế do đại dịch COVID-19 gây ra. Tính đến ngày 6/8 Ấn Độ đã xác nhận hơn 1,9 triệu ca nhiễm và hơn 40.000 ca tử vong. Hàng vạn lao động nhập cư đã bị mất việc.

Lời kêu gọi “tự lực” của ông Modi đã có thêm động lực sau khi căng thẳng tại vùng đông Ladakh dọc theo biên giới dãy Himalaya đã tăng lên vào đầu tháng 5, dẫn đến cuộc đụng độ chết người vào giữa tháng 6 khiến 20 binh sĩ Ấn Độ tử vong. Các nỗ lực ngoại giao và các cuộc đàm phán giữa quân đội của hai cường quốc cho đến nay không có mấy tiến triển.

Ông Rahul Kashyap, một nhà phân tích độc lập về quan hệ Trung – Ấn ở New Delhi, nói với tờ Nikkei rằng chủ nghĩa dân tộc hiện đang tràn ngập trong các cuộc đàm luận của công chúng. Trong suy nghĩ chung của người dân Ấn Độ, Trung Quốc đang thay thế Pakistan trở thành “kẻ thù số một” – một thuật ngữ được Bộ trưởng Quốc phòng George Fernandes sử dụng lần đầu tiên vào cuối thập niên 1990.

Giáo sư N. R. Bhanumurthy của Viện Tài chính và Chính sách công Quốc gia đặt tại Delhi, coi chính sách “Tự lực Ấn Độ” là “một chiến lược chính sách rất lâu dài” nhưng không phải là chiến lược hoàn toàn mới mà là dựa trên chiến dịch “Make in India” đã có từ lâu. Ở khía cạnh nào đó, nó là một phần trong triết lý của chính phủ khi họ muốn nhìn thấy Ấn Độ trở thành động lực cho tăng trưởng toàn cầu, giống như cách Trung Quốc đã làm trong thời gian 30 năm qua, ông cho biết 

Tuy vậy, ông Bhanumurthy không coi chính sách “Tự lực Ấn Độ” chỉ là một sáng kiến thay thế hàng nhập khẩu đơn giản bởi vì Ấn Độ sẽ tiếp tục mua các hàng hoá mà họ cần từ Trung Quốc và các nước khác. Ý tưởng chủ yếu là làm cho Ấn Độ trở thành một nhà xuất khẩu hàng hóa lớn ngoài những dịch vụ mà họ đã có khả năng cạnh tranh quốc tế.

Nhưng đối với một số người, chính sách “Tự lực Ấn Độ” chỉ là một khẩu hiệu trống rỗng khác nối tiếp các chính sách “Make in India”, “Stand Up India” và “Start Up India” mà các nhà phê bình cho rằng có rất ít tiến triển.

“Tôi nghĩ rằng nhiều thuyết mà chính phủ đề ra không liên quan gì đến thực tế,” ông Sunil Kumar Sinha, nhà kinh tế trưởng của công ty nghiên cứu và đánh giá Ấn Độ, một đơn vị địa phương của Fitch Group, cho biết. “Chúng ta có hơn 80 tỷ USD thương mại với Trung Quốc. Vào một ngày đẹp trời nào đó, chúng ta có thể đơn giản nói là chúng ta dừng lại và tìm một giải pháp thay thế hay không? Điều đó không thể.”

Giao thương giữa Ấn Độ và Trung Quốc đã rớt xuống mức 82 tỷ USD trong năm tài chính kết thúc vào tháng 3 từ mức 87 USD của năm ngoái. Thâm hụt thương mại của Ấn Độ với Trung Quốc ở mức lớn nhất so với bất kỳ quốc gia nào họ giao thương – hiện đang ở mức 48,6 tỷ USD. Nhập khẩu chủ yếu của Ấn Độ từ Trung Quốc là điện thoại thông minh, dược liệu, linh kiện ô tô và thiết bị viễn thông.

Ông Sinha cho rằng các biện pháp công bố gần đây của Ấn Độ chống lại Trung Quốc chỉ là lời nói khoa trương của giới lãnh đạo chính trị. Ông nói rằng sẽ không có gì thay đổi trong thực tế.

“Nếu chúng ta thực sự muốn thay đổi, tôi nghĩ rằng một số việc cần phải được thực hiện ngay mới có thể thực sự cải tiến năng suất và các ngành kinh doanh của Ấn Độ khiến chúng cạnh tranh hơn trên toàn cầu,” ông cho biết. “Chỉ khi đó chúng ta mới có thể giảm sự phụ thuộc vào Trung Quốc.” 

Sau khi nhậm chức vào năm 2014, các chính sách kinh tế của chính phủ ông Modi trên thực tế cũng không giành được nhiều thành tựu trong những năm gần đây để thúc đẩy nền kinh tế, và mọi thứ đã bắt đầu chậm lại ngay cả trước khi đại dịch COVID-19 xảy ra. Mức tăng trưởng GDP đã giảm xuống 4.2% trong năm tài khóa vừa qua, so với mức 8.3% bốn năm trước.

Tìm kiếm đối tác thay thế Trung Quốc

Ấn Độ đang tìm cách đa dạng hóa gói nhập khẩu của mình với các nước như Việt Nam và Indonesia, theo ông Pankaj Jha, giáo sư về các vấn đề chiến lược của Đại học Toàn cầu O.P. Jindal. “Việc chuyển đổi từ Trung Quốc sang các nước khác sẽ mất một thời gian nhưng Ấn Độ đã chuẩn bị cho việc này,” ông cho biết.

Điều này có thế tác động đặc biệt đến một số lĩnh vực như dược phẩm. Nhập khẩu thành phần hoạt chất dược phẩm hàng năm của Ấn Độ trị giá hơn 3,5 tỷ USD, trong đó gần 70% là nhập từ Trung Quốc. 

Việt Nam rất muốn hợp tác với Ấn Độ, đặc biệt trong lĩnh vực dược phẩm và dệt may. Indonesia cũng muốn phát triển một chuỗi cung ứng trong khu vực cho Ấn Độ. “Có thể sẽ có một sự gia tăng chi phí nào đó nhưng Ấn Độ sẵn sàng để chấp nhận nó,” ông Jha cho biết. “Mất mát của Trung Quốc sẽ mang lại lợi ích cho người khác.”

Chính sách tự lực của ông Modi có thể mang lại lợi ích cho các ngành công nghiệp đã đóng cửa trước đây do bị cạnh tranh bởi hàng nhập khẩu giá rẻ của Trung Quốc, bao gồm đồ chơi, lụa và giấy, nhưng cũng có nhiều rào cản nội tại phải vượt qua. “Tôi sẽ không nói điều đó là không thể, chỉ là Ấn Độ sẽ phải thực hiện một số cải cách cơ cấu nhất định về luật lao động, thu hồi đất, tạo thuận lợi về thuế và hệ thống một cửa. Những việc này sẽ mất một thời gian,” ông Jha cho biết.

Ông Sinha của công ty nghiên cứu và đánh giá Ấn Độ tin rằng Ấn Độ phải tìm ra các chính sách phù hợp nếu muốn thúc đẩy hiệu quả các ngành công nghiệp trong nước, và nên rút ra các bài học từ sự thành công của các quốc gia như Nhật Bản và ngay cả “kẻ thù” Trung Quốc.

Gia Huy, theo Nikkei Asia Review.

Related posts