Trung Quốc tuyên án tử hình công dân Canada thứ tư
Reuters đưa tin, có thêm một công dân Canada bị tòa án Trung Quốc tuyên tử hình vì vận chuyển và sản xuất ma túy, trở thành trường hợp thứ tư phải nhận bản án này sau khi Ottawa bắt giữ giám đốc tài chính Huawei vào năm 2018, theo Reuters.
Tòa án Nhân dân thành phố Phật Sơn, tỉnh Quảng Châu, hôm nay (7/8) thông báo trên website rằng Ye Jianhui, quốc tịch Canada, đã bị tuyên án tử hình. Truyền thông địa phương đưa tin, cảnh sát tìm thấy 218 kg tinh thể màu trắng có chứa MDMA, thường được gọi là thuốc lắc, trong căn phòng của Ye và 5 người đàn ông khác.
Tòa án cho biết, 5 người này đều mang quốc tịch Trung Quốc, một người đã bị kết án tử hình, trong khi những người còn lại bị tuyên án từ 7 năm tù đến chung thân.
Việc tuyên án Ye cùng đồng phạm diễn ra một ngày sau khi Tòa án Nhân dân Trung cấp tỉnh Quảng Châu tuyên án tử hình với Xu Weihong, cũng là một công dân Canada, vì tội sản xuất ma túy.
“Canada yêu cầu khoan hồng cho tất cả công dân Canada đã bị kết án tử hình và kêu gọi Trung Quốc khoan hồng cho ông Xu”, người phát ngôn Bộ ngoại giao Canada John Babcock nói về trường hợp của Xu.
Trong khi đó, khi được hỏi liệu việc kết án những tội phạm ma túy Canada có liên quan đến vụ án của bà Mạnh Vãn Châu hay không, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Uông Văn Bân hôm nay tuyên bố rằng, các cơ quan tư pháp của Trung Quốc “xử lý các vụ việc một cách độc lập”, đồng thời nhấn mạnh “phía Canada biết nguyên nhân gốc rễ” của những trở ngại trong mối quan hệ hai nước.
Năm ngoái, Trung Quốc đã kết án tử hình hai công dân Canada là Robert Lloyd Schellenberg và Fan Wei về tội buôn ma túy. Cả hai người này đã kháng cáo.
Quan hệ Trung Quốc – Canada nhanh chóng xấu đi sau khi Otawa bắt giữ giám đốc tài chính tập đoàn Huawei Mạnh Vãn Châu theo đề nghị của Mỹ. Sau đó, Bắc Kinh bắt hai công dân Canada là doanh nhân Michael Spavor và cựu quan chức ngoại giao Michael Kovrig, được xem là hành động trả đũa. Hai người này đã bị buộc tội gián điệp vào tháng 6 năm nay.
Hải Lam
Sốc: 1/3 dân số Afghanistan bị nhiễm virus Vũ Hán
Đây là kết quả điều tra mới của chính phủ Afghanistan, con số rất đáng lo ngại.
Dịch bệnh viêm phổi ở Vũ Hán tiếp tục lan rộng ra toàn cầu và nhiều quốc gia đang phải đối mặt với đợt bùng phát thứ hai. Bộ Y tế Afghanistan gần đây đã công bố một số liệu đáng báo động, ước tính rằng khoảng một phần ba dân số nước này, tương đương 10 triệu người, đã bị nhiễm bệnh viêm phổi ở Vũ Hán. Trong đó, thủ đô Kabul có tỷ lệ lây nhiễm cao nhất, ước tính hơn một nửa dân số đã bị nhiễm bệnh.
Theo AFP, Bộ trưởng Y tế Afghanistan, ông Ahmad Jawad Osmani cho biết tại một cuộc họp báo ngày 5/8 rằng Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đã hỗ trợ kỹ thuật và các nhà chức trách Afghanistan đã xác định khoảng 9.500 người trên khắp đất nước để thử nghiệm kháng thể vi rút đã được nghiên cứu.
Ông Osmani chỉ ra rằng tỷ lệ lây nhiễm ở các trung tâm đô thị đông đúc cao hơn ở nông thôn. Theo kết quả của cuộc khảo sát ở nước này, ước tính có 31,5% dân số ở Afghanistan bị nhiễm virus viêm phổi ở Vũ Hán, nếu quy đổi dân số cả nước thì có khoảng 10 triệu người ở Afghanistan đã bị mắc bệnh. Trong đó thủ đô Kabul có tỷ lệ nhiễm bệnh cao nhất, hơn một nửa dân số, khoảng 5 triệu người được cho là đã bị nhiễm bệnh.
Báo cáo cho biết vào tháng 2 năm nay, hàng nghìn người nhập cư đã quay trở lại Afghanistan từ nước láng giềng Iran, nguyên nhân khiến dịch bùng phát. Vào thời điểm đó, Iran là quốc gia bị ảnh hưởng nặng nề nhất ở Trung Đông.
Afghanistan có dân số hơn 30 triệu người, nhưng do khả năng kiểm tra rất hạn chế, các quan chức trước đó chỉ thống kê được hơn 36.000 trường hợp được xác nhận dương tính và hơn 1.200 trường hợp tử vong. Nếu ước tính của Bộ Y tế Afghanistan là đúng, đây sẽ là một dịch bệnh rất đáng báo động.
Sự lây lan của vi rút viêm phổi ở Vũ Hán rất kỳ lạ, và các quan chức Afghanistan cũng không tránh khỏi việc có thể trở thành nạn nhân. Theo một báo cáo của Reuters được trích dẫn bởi một quan chức y tế cấp cao ở Afghanistan vào tháng 4, ít nhất 20 quan chức trong Phủ Tổng thống Afghanistan đã bị nhiễm bệnh và nguyên nhân lây nhiễm là từ một tài liệu có virus được gửi đến Phủ Tổng thống ở Kabul.
Theo Secretchina, Phụng Minh biên dịch
89% người Đài Loan phản đối mô hình ‘Một quốc gia, Hai chế độ’
Taiwan News đưa tin, theo một cuộc khảo sát gần đây do Hội đồng Các vấn đề Đại lục của Đài Loan (MAC) thực hiện, gần 90% người Đài Loan cho biết họ không ủng hộ mô hình “Một quốc gia, Hai chế độ” do Bắc Kinh đề xuất.
Kết quả khảo sát được cơ quan hành chính cấp cao của Đài Loan công bố trong cuộc họp báo hôm thứ Năm (6/8) cho thấy 89% người được hỏi phản đối đề xuất của Bắc Kinh về việc coi Đài Loan là lãnh thổ Trung Quốc với hệ thống pháp luật và lực lượng cảnh sát độc lập. Trong khi đó, 81% không tin tưởng luật an ninh quốc gia Hồng Kông.
Về mối quan hệ hai bờ eo biển, 91% số người được hỏi cho biết họ phản đối sự bành trướng quân sự của Bắc Kinh, trong khi 92% bất bình về việc chính quyền Trung Quốc nỗ lực cô lập Đài Loan về mặt ngoại giao. Hơn 82% ủng hộ Đài Loan tăng cường quân đội để bảo vệ chủ quyền và dân chủ của mình, trong khi 84% cho rằng mối quan hệ giữa hai bên không nên làm suy yếu Đài Loan theo bất kỳ cách nào.
Khi được hỏi về tương lai của mối quan hệ Đài Loan – Trung Quốc, 86% người Đài Loan ủng hộ việc duy trì hiện trạng, 6% muốn độc lập ngay lập tức và 7% không bày tỏ quan điểm.
Liên quan đến nhận thức của người dân Đài Loan về Trung Quốc, 75% cho biết họ có thể cảm thấy sự thù địch của Bắc Kinh, trong khi 61% mô tả cách tiếp cận của Trung Quốc với Đài Loan là “không thân thiện”. Khoảng 90% những người được khảo sát cũng cho biết tương lai của Đài Loan nên do toàn bộ 23,7 triệu dân của hòn đảo quyết định.
Theo tờ Liberty Times, Thứ trưởng MAC Khâu Thùy Chính (Chiu Chui-cheng) nhấn mạnh việc Bắc Kinh không chịu từ bỏ giấc mộng xâm lược Đài Loan đã kìm hãm hòa bình hai bên eo biển. Ông kêu gọi chính phủ Trung Quốc xây dựng mối quan hệ với Đài Loan dựa trên nguyên tắc “hòa bình, bình đẳng, dân chủ và đối thoại”, mà theo ông đó là chìa khóa của sự ổn định.
Cuộc khảo sát được thực hiện từ ngày 29/7 đến ngày 3/8 bằng hình thức phỏng vấn qua điện thoại. Cuộc khảo sát thu được 1.071 câu trả lời hợp lệ, độ tin cậy 95% với sai số 3%.
Mỹ tuyên bố chế tài 11 quan chức Hồng Kông và ĐCSTQ
Ngày 7/8, Bộ Tài chính Mỹ tuyên bố, chiểu theo sắc lệnh hành chính được Tổng thống Trump ký trong năm nay, sẽ tiến hành chế tài quan chức Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) và quan chức chính phủ Hồng Kông tham gia và phá hoại tự trị mức độ cao của Hồng Kông; 11 người được liệt vào danh sách này như Trưởng Đặc khu Hồng Kông Lâm Trịnh Nguyệt Nga, Chủ nhiệm Văn phòng liên lạc Trung ương tại Hồng Kông Lạc Huệ Ninh, Chủ nhiệm Văn phòng sự vụ Hồng Kông & Ma Cao Hạ Bảo Long, v.v.
Theo Bloomberg đưa tin, hôm thứ Sáu (7/8), Bộ Tài chính Mỹ cho biết, Mỹ tuyên bố chế tài 11 quan chức cấp cao của Hồng Kông và ĐCSTQ, bao gồm: Phó Chủ nhiệm Văn phòng sự vụ Hồng Kông & Ma Cao Trương Hiểu Minh; Chủ nhiệm Văn phòng Sự vụ Hồng Kông & Ma Cao Hạ Bảo Long; Chủ nhiệm Văn phòng liên lạc Trung ương tại Hồng Kông Lạc Huệ Ninh; Giám đốc Văn phòng An ninh Quốc gia tại Hồng Kông Trịnh Nhạn Hùng; Trưởng Đặc khu hành chính Hồng Kông Lâm Trịnh Nguyệt Nga; Cục trưởng Cục Bảo an Hồng Kông Lý Gia Siêu; Giám đốc Sở Cảnh vụ Hồng Kông Đặng Bính Cường; cựu Giám đốc Sở Cảnh vụ Hồng Kông Lư Vĩ Thông; Vụ trưởng Tư pháp Hồng Kông Trịnh Nhược Hoa; Cục trưởng Cục Sự vụ Hiến pháp và Đại lục Tăng Quốc Vệ; Tổng thư ký Ủy ban An ninh Quốc gia Hồng Kông Trần Quốc Cơ. Nguyên nhân chế tài là vì những người này phá hoại tự do chính trị của Hồng Kông.
Bộ trưởng Tài Chính Mỹ Steven Mnuchin nói trong một tuyên bố rằng, Mỹ đứng cùng người dân Hồng Kông chế tài những người phá hoại tự trị của Hồng Kông.
Bà Lâm Trịnh Nguyệt Nga bị chế tài là vì đã trực tiếp chấp hành chính sách của Bắc Kinh, đàn áp tự do của người Hồng Kông, phá hoại tiến trình dân chủ của Hồng Kông.
Theo báo cáo, tài sản tại Mỹ của 11 người trong danh sách bị chế tài sẽ bị đóng băng.
Trước đó, ngày 31/7, bà Lâm Trịnh Nguyệt Nga trả lời phỏng vấn của phóng viên đã nói rằng bà không có tài sản ở Mỹ, và cũng không có nhu cầu đến Mỹ, nếu đối phương không cấp visa thì sẽ không đến Mỹ. Ngoại giới dự đoán phương án tiếp sau chế tài sẽ lần lượt được công bố.
Chế tài này được đưa ra căn cứ vào một sắc lệnh hành chính mà Tổng thống Trump đã ký vào tháng trước, sắc lệnh này có mục đích trừng phạt Bắc Kinh đàn áp những nhân sĩ dân chủ Hồng Kông.
Từ khi Bắc Kinh cưỡng chế áp đặt Luật An ninh Quốc gia phiên bản Hồng Kông tới nay, chính quyền Tổng thống Trump vẫn luôn đe dọa sẽ có hành động. Cộng đồng quốc tế cũng liên tiếp lên án Luật An ninh Quốc gia này của ĐCSTQ; nhiều người Hồng Kông đã xuống đường biểu tình vào ngày đầu tiên thực thi luật này, tức ngày 1/7.
Sau khi Luật An ninh Quốc gia được thực thi, chế độ thẩm tra chính trị tại Hồng Kông ngày càng nghiêm trọng, gần đây chính phủ Hồng Kông đã tước đoạt tư cách tham gia tranh cử của 12 ứng cử viên phe dân chủ tranh cử vào Hội đồng Lập pháp, đồng thời cuộc bầu cử Hội đồng Lập pháp cũng bị trì hoãn một năm; truyền thông thân Cộng cũng đưa tin cho biết cảnh sát Hồng Kông dùng danh nghĩa Luật An ninh Quốc gia Hồng Kông để truy nã 6 người Hồng Kông ở nước ngoài, trong đó có 1 công dân Mỹ và 1 người Hồng Kông hiện đang ở Đức, hành động này khiến cộng đồng quốc tế bất mãn, Đức đã chấm dứt thỏa thuận dẫn độ với Hồng Kông.
Trí Đạt
Lao động nhập cư TQ thất nghiệp do COVID-19 và thương chiến Mỹ-Trung
290 triệu lao động nhập cư Trung Quốc đang ở trong hoàn cảnh bấp bênh do ảnh hưởng nghiêm trọng của virus corona và thương chiến Mỹ – Trung.
Theo SCMP, làn sóng thất nghiệp tại Trung Quốc vẫn tiếp tục là một thách thức của chính quyền ông Tập Cận Bình. Rất nhiều trong số 290 triệu lao động nhập cư Trung Quốc đang phải vật lộn để duy trì cuộc sống sau khi các nhà máy họ làm việc phải đóng cửa do không có đơn hàng.
Tờ báo dẫn câu chuyện của bà Rao Dequn, một công nhân nhập cư có thâm niên 25 năm trong nghề sắp rơi vào tình trạng thất nghiệp như một hình ảnh tiêu biểu của những tác động tiêu cực từ đại dịch và thương chiến tới công ăn việc làm của người dân trong nước.
Cuối tháng 7 vừa qua, bà Rao, 43 tuổi, có 2 con, cùng khoảng 900 đồng nghiệp đã được thông báo rằng Công ty giày Dongguan Dingyi sẽ đóng cửa trong 5 tuần tới và tất cả hợp đồng của người lao động với công ty sẽ chấm dứt. Bà là người đã làm việc cho nhà máy giày này trong 10 năm qua, và đã giành gần như cuộc đời mình gắn liền với các công xưởng ở khu sản xuất hàng xuất khẩu Đông Quan.
“Sẽ rất khó để tìm được một nhà máy ổn định khác để làm việc bởi vì nhiều nhà máy gần đó cũng đang đóng cửa hoặc sa thải công nhân,” bà Rao cho biết.
Bà Rao và chồng sống trong một căn phòng hơn 9m2 không có phòng tắm riêng, tiền thuê hàng tháng là 250 NDT (40 USD). Có rất ít đồ trang trí và nội thất, ngoại trừ một chiếc giường tầng, một nồi cơm điện, một máy nước nóng và một quạt điện. Một chiếc bàn gấp nhỏ cũng được dùng làm bàn ăn, vài cái ghế nhựa và một TV màn hình phẳng treo trên tường.
Vợ chồng bà có ba đôi giày thể thao và một đôi giày nữ trên một một kệ nhỏ ở cửa – một con số khiêm tốn của một công nhân đã làm việc trong nhà máy giày hơn một phần tư thế kỷ.
Chồng bà, ông Liu Liang, cũng là một công nhân nhập cư nhưng những tháng qua cũng khó kiếm việc làm. Hai vợ chồng cho biết có thể phải rời Đông Quan bởi vì công việc hiện giờ “rất không ổn định.”
Khu phức hợp Dingyi, một trong số hàng nghìn nhà máy ở Đông Quan đã góp phần khiến Trung Quốc trở thành “công xưởng của thế giới”, hiện phần lớn chìm trong yên lặng.
Trung Quốc hiên không chỉ đang mất đi lợi thế chi phí thấp, mà virus corona còn khiến cho các đơn hàng xuất khẩu bị hủy bỏ. Thời hoàng kim cho mô hình kinh doanh từng thành công này dường như đã chấm dứt.
Chính phủ Trung Quốc đã từng hy vọng rằng việc loại bỏ các ngành sản xuất sử dụng nhiều lao động giống như Dingyi và thay thế bằng các ngành công nghiệp có giá trị gia tăng cao hơn sẽ giúp đất nước đạt được nhiều lợi ích hơn trong chuỗi giá trị toàn cầu.
Nhưng ngày càng có nhiều người tỏ ra quan ngại khi cho rằng Trung Quốc có thể đã đánh giá thấp tầm quan trọng của các nhà máy giống như Dingyi trong việc cung cấp việc làm và ổn định xã hội.
Viễn cảnh ngày một xấu đi của thu nhập và việc làm đối với những người giống như bà Rao, người đã cống hiến sức lao động của mình cho bộ máy sản xuất của Trung Quốc kể từ bà còn là một thanh niên, cũng có thể cản trở chiến lược “phát triển kép” của Bắc Kinh với sự tập trung nhiều hơn vào thị trường nội địa để tăng trưởng kinh tế.
Ông Zhao Jian, người đứng đầu của Viện nghiên cứu tài chính Atlantis, cho biết việc lựa chọn “phát triển kép” của Trung Quốc là nhằm đối phó với xu hướng đảo ngược quá trình toàn cầu hóa, dẫn đầu bởi sự phân tách giữa Trung Quốc và Hoa Kỳ, nhưng việc thành công của một chiến lược hướng nội như vậy vẫn còn là một dấu hỏi, nhất là liên quan đến việc làm và thậm chí là an ninh kinh tế.
Ông cho rằng mặc dù trên bề mặt sự phụ thuộc của Trung Quốc vào nhu cầu bên ngoài đang giảm dần trong một thập kỷ qua kể từ cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu, nhưng lĩnh vực xuất khẩu vẫn đóng vai trò quan trọng trong việc cung cấp việc làm cho người Trung Quốc.
“Các nhà xuất khẩu chủ yếu là các doanh nghiệp tư nhân, trong đó có nhiều doanh nghiệp nhỏ sống dựa vào chuỗi giá trị toàn cầu”.
The Bộ Thương mại Trung Quốc, ngành xuất khẩu tạo ra khoảng 180 triệu việc làm ở Trung Quốc, chiếm hơn 1/3 trong tổng số 530 triệu việc làm phi nông nghiệp ở nước này.
Dữ liệu chính thức của Trung Quốc cho thấy nền kinh tế đã phục hồi trong Quý II nhờ các khoản đầu tư của nhà nước và sự phục hồi của sản xuất công nghiệp sau mức giảm lịch sử 6,8% trong Quý đầu tiên của năm 2020.
Dữ liệu việc làm chính thức cũng vẽ nên một bức tranh khá ổn định với mức thất nghiệp được khảo sát giảm xuống 5,7% vào cuối tháng 6 từ mức 5,9% trong tháng 5.
Tuy nhiên, đội quân lao động nhập cư của Trung Quốc, những người chịu ảnh hưởng nặng nề do tác động của cuộc chiến thương mại với Hoa Kỳ và virus corona, đã không được gộp vào trong số liệu thống kê nói trên.
Việc đóng cửa của các nhà máy giống như Dingyi đã ảnh hưởng đến cộng đồng địa phương như các nhà hàng, khách sạn nhỏ và nhiều cửa hàng vốn dựa vào các công nhân để kiếm thu nhập, SCMP nhận định . Ngoài ra, nó cũng là cú sốc tâm lý đối với các ngành sản xuất khác ở khu vực Đông Quan, vốn cũng đang ở trong tình huống bấp bênh tương tự.
“Nhiều người trong chúng tôi trong ngành sản xuất giày dép đều quen thuộc với nhà máy này. Họ đã hoạt động trong 30 năm qua và đã sống sót qua nhiều cơn bão lớn như khủng hoảng tài chính, thiếu hụt lao động, các vấn đề về vốn khác. Có giông tố nào mà họ chưa trải qua? Họ sẽ không đóng cửa trừ khi họ không nhìn thấy được tương lai”, ông Wang Jie, người điều hành một doanh nghiệp sản xuất giày dép ở Đông Quan, cho biết.
Sa thải và suy giảm việc làm đang lan rộng tại Đông Quan đến nỗi chính quyền địa phương đã bắt đầu thực hiện một “chương trình chia sẻ công nhân,” trong đó chính quyền đóng vai trò như một cơ quan trung gian để chuyển công nhân dư thừa từ các công ty nhàn rỗi sang các công ty đang cần sự giúp đỡ tạm thời.
13.000 công nhân đã tham gia chương trình này kể từ tháng 3. Các công nhân được chính quyền địa phương trả 500 nhân dân tệ (72 USD) một tháng khi tham gia, trong khi các xí nghiệp tránh được việc dư thừa công nhân chính thức bằng cách chuyển các công nhân này sang các nhà máy khác theo hợp đồng lên đến ba tháng.
“Rất ít nhà máy mở rộng sản xuất … hầu hết các xí nghiệp đều thiếu đơn hàng. Nhưng chi phí để đóng cửa một nhà máy cũng rất lớn … do đó nhiều nhà máy chỉ tạm thời ngừng hoạt động,” giám đốc nhân sự của một nhà máy tại Đông Quan cho biết. Ông đã gọi chương trình chia sẻ công nhân là “biện pháp khắc phục trong ngắn hạn tốt nhất”.
Gia Huy (theo SCMP)
ĐCSTQ bắt giữ người dân đến kêu oan trước hội nghị Bắc Đới Hà
Lãnh đạo Trung quốc Tập Cận Bình và các quan chức cao cấp khác đã không xuất hiện trước công chúng trong nhiều ngày, trong khi đó cảnh sát ở thành phố Bắc Đới Hà gần đây đã bắt đầu thắt chặt an ninh, khiến các nhà quan sát dự đoán rằng Hội nghị bí mật hàng năm của ĐCSTQ sẽ sớm diễn ra.
Theo The Epoch Times, cùng với việc sự kiện chính trị quan trọng sắp diễn ra, cảnh sát Trung Quốc cũng bắt đầu bắt giữ những người bất đồng chính kiến, dân oan và những người có các kiến nghị khác.
Bắc Đới Hà là thị trấn nghỉ dưỡng ven biển nổi tiếng hướng ra biển Bột Hải.
Các thành viên Uỷ ban thường vụ Bộ Chính trị cũng như những chính khách đã nghỉ hưu của đảng thường nhóm họp tại đây hàng năm từ cuối tháng 7 hoặc đầu tháng 8 để thảo luận về những thách thức của chế độ, phân bố quyền lực giữa các phe phái, và quyết định sẽ thăng chức hoặc bãi nhiệm ai.
Hội nghị bí mật này được cho là cũng sẽ bao gồm các cuộc thương thuyết không chính thức, thảo luận các chính sách lớn của quốc gia và thông qua lần cuối các quyết định quan trọng. Tuy vậy, thông tin chi tiết được giữ bí mật. Không phóng viên nào được phép tham dự các cuộc họp hoặc phỏng vấn các quan chức. Truyền thông nhà nước cũng không đưa tin về bất cứ thông báo hay báo cáo nào.
Hội nghị Bắc Đới Hà năm nay được cho là sẽ rất căng thẳng vì chính quyền Trung Quốc hiện đang phải đối mặt với hàng loạt khó khăn cả trong và ngoài nước, gồm đại dịch virus corona và tác động của nó đến nền kinh tế; lũ lụt, hạn hán và các thảm họa khác đang xảy ra khắp cả nước làm ảnh hưởng tới hàng triệu người; phản ứng quốc tế dữ dội chống lại hành vi vi phạm nhân quyền của Bắc Kinh ở Tân Cương; cũng như việc ĐCSTQ thắt chặt kiểm soát ở Hồng Kông và những rủi ro an ninh liên quan đến các công ty Trung Quốc.
Gần tới thời điểm hội nghị, an ninh đã được thắt chặt.
Trong các cuộc phỏng vấn qua điện thoại, những người dân đến kêu oan nói với The Epoch Times tiếng Trung rằng cảnh sát ở Bắc Đới Hà đã bắt giữ họ từ các ga tàu hoặc trên đường phố và gửi trả họ về nhà, nhưng không cho biết lý do hoặc đưa ra lệnh bắt.
Cô Ma Bo đến từ Jiamusi là một trong số các dân oan đến thỉnh nguyện ở Bắc Đới Hà khi biết tin các quan chức cấp cao Trung Quốc sẽ tề tựu tại đây. Cô nói rằng cảnh sát đã bố trí các điểm kiểm tra tại các nhà ga đường sắt ở Bắc Đới Hà và Tần Hoàng Đảo, thành phố có thị trấn nghỉ mát. Cảnh sát cũng kiểm tra danh tính của người dân tại các ngã tư đường phố ở Bắc Đới Hà để cố gắng tìm kiếm những người thỉnh nguyện và bất đồng chính kiến.
Theo lời cô Ma, khi cô cùng con và hai người bạn đang đi trên một chiếc xe riêng đến bãi biển vào ngày 27/7, cảnh sát đã chặn họ lại và không cho phép họ đi qua trạm kiểm soát vì cô Ma bị xác định là một người thỉnh nguyện khi cảnh sát dùng thiết bị cầm tay quét gương mặt cô.
Sau đó, tại Công viên núi Lianfeng, cô Ma lại bị cảnh sát chặn một lần nữa. Viên sĩ quan chụp số thẻ nhận dạng của cô và cô bị xác định là một “mục tiêu”. Sau đấy cô Ma bị buộc rời khỏi công viên và quay trở về nhà.
Cô Ma nói thêm rằng chính quyền gần đây đã lắp đặt các máy quay giám sát trong tất cả các xe taxi nhằm nhận dạng khuôn mặt của những người dân đến kêu oan và những người bất đồng chính kiến, sau đó báo cho cảnh sát về sự có mặt của họ.
Xiao Jin là một người thỉnh nguyện ở tỉnh Vân Nam. Cô tới Bắc Đới Hà ngày 25/7 với hy vọng khẩn cầu các quan chức cấp cao trong khi họ tới thành phố, nhưng nhanh chóng bị giam trong ga tàu và bị đưa trở về Vân Nam.
“Cảnh sát… đã giật một trong những chiếc điện thoại của tôi, vì họ sợ tôi sẽ quay lại hành vi sai trái của họ,” cô Xiao nói với The Epoch Times.
Xuân Lan (theo The Epoch Times)
Tổng thống Trump ký sắc lệnh cấm TikTok và WeChat
Tổng thống Mỹ Donald Trump hôm 6/8 đã ký hai lệnh hành pháp để cấm TikTok và WeChat, hai ứng dụng di động của Trung Quốc mà ông coi là “mối đe dọa” đối với an ninh quốc gia Mỹ. Hai lệnh cấm này sẽ có hiệu lực trong vòng 45 ngày kể từ ngày ký.
Theo hai sắc lệnh này, bắt đầu sau 45 ngày, bất kỳ giao dịch nào của Hoa Kỳ với ByteDance (công ty sở hữu TikTok) và Tencent (công ty sở hữu WeChat) sẽ bị cấm.
Trong cả hai sắc lệnh, ông Trump nói rằng ông đã tìm thấy “các bước bổ sung phải được thực hiện để đối phó với tình trạng khẩn cấp quốc gia liên quan đến chuỗi cung ứng dịch vụ và công nghệ thông tin và truyền thông“.
Ông nói thêm: “Sự lan rộng ở Hoa Kỳ của các ứng dụng di động do các công ty ở Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa (Trung Quốc) phát triển và sở hữu tiếp tục đe dọa an ninh quốc gia, chính sách đối ngoại và nền kinh tế của Hoa Kỳ“.
Ông đề cập đến cả hai ứng dụng như một “mối đe dọa“. Cả hai sắc lệnh đều quy định mọi “giao dịch” không xác định với chủ sở hữu Trung Quốc của TikTok và WeChat hoặc các công ty con của họ sẽ bị “cấm“.
Ông lưu ý rằng các báo cáo cho thấy TikTok kiểm duyệt nội dung được coi là nhạy cảm về mặt chính trị, chẳng hạn như các cuộc biểu tình ở Hồng Kông và cách Bắc Kinh đối xử với người Duy Ngô Nhĩ, một dân tộc thiểu số theo đạo Hồi.
Ông cũng nói “giống như TikTok, WeChat tự động thu thập lượng lớn thông tin từ người dùng. Việc thu thập dữ liệu này nguy cơ dẫn tới cho phép Đảng Cộng sản Trung Quốc tiếp cận thông tài sản và thông tin cá nhân của người Mỹ”.
“WeChat, giống TikTok, cũng được cho là kiểm duyệt nội dung mà Đảng Cộng sản Trung Quốc coi là nhạy cảm chính trị và có thể cũng được sử dụng cho các chiến dịch truyền tin sai lệch mang lại lợi ích cho Đảng Cộng sản Trung Quốc. Những rủi ro này đã khiến các quốc gia khác, trong đó có Úc và Ấn Độ, bắt đầu hạn chế hoặc cấm sử dụng WeChat”, ông Trump nói trong sắc lệnh cấm WeChat.
Ứng dụng TikTok đang phát triển nhanh chóng với 80 triệu người dùng hoạt động hàng tháng ở Mỹ. Ứng dụng này đã bùng nổ trong những năm gần đây và được dùng chủ yếu bởi những người dưới 20 tuổi.
Trong khi đó, WeChat dù được mô tả là một mạng xã hội, nhưng nó thực sự còn có nhiều tính năng hơn thế nữa. WeChat cung cấp các phương thức thanh toán, chạy các chương trình nhỏ bổ sung, tìm ngày tháng và nhận tin tức, nhắn tin và các hoạt động xã hội khác. Ứng dụng Trung Quốc này có thể được coi là một loại hệ điều hành thứ cấp cho iOS hoặc Android.
Đức Thiện
Học giả Trung Quốc nói bị ép quyên tiền cho phong trào ‘tự nguyện’ của ông Tập
Chuyên gia phân tích, đây là hành động thường thấy của chính quyền Trung Quốc, chính là “biến tang sự thành hỷ sự”.
Ngô Nghi Xán (Wu Yican), viện sĩ Viện Hàn lâm Khoa học Trung Quốc cho biết rằng, trong thời gian dịch bệnh, bản thân ông đã bị buộc phải quyên góp tiền hai lần, việc quyên tiền “hoàn toàn không phải tự nguyện”.
Trước đó, 7 Ủy viên Thường vụ Cục Chính trị Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) do ông Tập Cận Bình dẫn đầu yêu cầu các đảng viên phải “vui vẻ tự nguyện” quyên tiền.
Theo truyền thông tiếng Hoa hải ngoại Epoch Times đưa tin, ông Ngô Nghi Xán, giám đốc Viện Nghiên cứu Kỹ thuật An toàn Năng lượng Hạt nhân (Viện Nghiên cứu Hạt nhân) thuộc Viện Nghiên cứu Khoa học Vật chất thành phố Hợp Phì, cho biết trong thời gian dịch bệnh bùng phát, bản thân ông bị buộc phải quyên tiền, hoàn toàn không phải là bản thân ông tự nguyện, người ta nói rằng ông là viện sĩ tại Viện Nghiên cứu Khoa học Vật chất, vậy nên hãy quyên góp chút tiền.
Ông Ngô Nghi Xán nói rằng ông đã quyên góp 5.000 Nhân dân tệ. Khi quyên góp tiền, ông được yêu cầu điền vào tờ khai được đưa ra, mục đích là đợi sau khi viện sĩ quyên tiền rồi, tờ khai có thể được sử dụng để tuyên truyền, chính là mấy vị viện sĩ đã quyên góp bao nhiêu tiền, mục đích chính là truyền cảm hứng cho những người khác cũng hưởng ứng hoạt động quyên tiền do ĐCSTQ khởi xướng.
Ông Ngô nói: “Thật ra, tôi vốn không thích như vậy”; “Quyên tiền hay không ấy là việc tự nguyện của bản thân mỗi người, nguyên vấn đề này phải là quốc gia đứng ra giải quyết mới phải. Tôi có quan điểm cá nhân về vấn đề này như vậy”.
Ông nói thêm: “Theo lý, chính phủ nên phải đứng ra giải quyết vấn đề này mới đúng, cớ sao bắt người ta phải quyên tiền, không phải chính phủ có ngân sách quốc gia sao? Điều này nói rõ công tác phòng chống dịch bệnh đã không được thực hiện tốt”; “Nhưng tuyên dương một loại tinh thần cũng không phải là điều không được, vậy nên tôi đã quyên góp”.
Kênh Tân Hoa Xã của ĐCSTQ ngày 29/2 có đưa tin rằng, giới lãnh đạo ĐCSTQ ngày 26/2 đã tổ chức cuộc họp của Ủy ban Thường vụ Cục Chính trị để ứng phó với dịch bệnh viêm phổi Vũ Hán. 7 Ủy viên Thường vụ Cục Chính trị do ông Tập Cận Bình đứng đầu đã đi đầu trong việc quyên góp hỗ trợ công tác phòng chống dịch bệnh, nhưng trước sau vẫn không tiết lộ số tiền quyên góp được là bao nhiêu.
Bà Tôn Xuân Lan – phó Thủ tướng Quốc Vụ viện ĐCSTQ và Ủy ban Trung ương ĐCSTQ đã đến Hồ Bắc chỉ đạo tổ quyên góp. Ngày 28/2, bà Tôn cũng quyên góp tiền để ủng hộ công tác phòng chống dịch bệnh. Các nhà lãnh đạo cấp cao nhất của chính quyền ĐCSTQ tại 31 tỉnh, thành phố và thành phố trên cả nước cũng “đi đầu” trong việc quyên góp tiền.
Trước đó, Ban Tổ chức Trung ương ĐCSTQ đã ra thông báo yêu cầu các tổ chức của ĐCSTQ ở tất cả các cấp ủng hộ công tác phòng chống dịch bệnh viêm phổi Vũ Hán, tuyên bố “phải làm tốt công việc hướng dẫn quyên góp tự nguyện từ các đảng viên”, mọi việc phải kiên trì tự nguyện tự giác, không ép buộc.
Tuy nhiên, những người quá quen với tình hình chính trị của ĐCSTQ cho rằng đây là một động thái “làm màu” chính trị. ĐCSTQ tuyên bố rằng việc quyên góp là tự nguyện, nhưng trên thực tế chính là bị buộc phải quyên góp, chính như ĐCSTQ trước nay vẫn luôn tuyên truyền rằng người dân có thể tự do thoái xuất khỏi đảng, nhưng thực tế lại không được thoái.
Có phân tích của truyền thông hải ngoại cho rằng 7 Thường ủy quyền lực nhất của Ủy ban Thường vụ Trung ương ĐCSTQ đã trình diễn “màn kịch quyên góp” này, trên thực tế có nhiều dụng ý, quan trọng nhất là muốn mượn cơ hội này để tuyên truyền, tô vẽ hình ảnh vinh quang cho giới chức cao tầng của ĐCSTQ, mượn nhờ điều này kích động lòng yêu nước của người dân, thực hiện chiến dịch quyên góp toàn quốc để đạt mục đích quen dùng của ĐCSTQ là “biến tang sự thành hỷ sự”, chuyển dời cuộc khủng hoảng chính trị do chính bản thân ĐCSTQ che giấu dịch bệnh gây nên.
Cũng có người so sánh sự kiện 7 Thường ủy ĐCSTQ đi đầu trong việc quyên góp tiền lần này với việc Sùng Trinh Đế – vị hoàng đế cuối cùng của triều Minh yêu cầu chúng đại thần và hoàng thân quốc thích đứng ra quyên góp tiền.
Tháng 3/1644, quân đội của Lý Tự Thành đã bao vây kinh thành, hoàng đế Sùng Trinh vì muốn phát quân lương cho các binh sĩ đang trấn giữ thành Bắc Kinh cổ vũ nhuệ khí chiến đấu, nên đã yêu cầu chúng đại thần và hoàng thân quốc thích đứng ra quyên góp tiền. Kết quả toàn bộ văn võ bá quan trong triều đều giả ngây giả dại, chỉ quyên góp một chút cho có lệ, căn bản không giải quyết được vấn đề. Ngày 18/3/1644, kinh thành bị thất thủ, hoàng đế Sùng Trinh tự sát thân vong, nhà Minh bị diệt.
Theo Secretchina
Vũ Dương biên dịch
Nghi vấn doanh nhân Nga bỏ lại ‘quả bom nổi’ ở Lebanon
Igor Grechushkin, doanh nhân người Nga được cho là đã bỏ lại con tàu chứa 2.700 tấn amoni nitrat ở cảng Beirut từ tháng 6/2013, dẫn đến vụ nổ “long trời lở đất” rung chuyển thủ đô Lebanon hôm 4/8, theo Greatgameindia.
Số hàng được tàu Rhosus treo cờ Moldova chở từ Gruzia tới Mozambique để làm phân bón, nhưng bị bỏ lại khi tàu gặp sự cố động cơ lúc cập cảng Beirut. Do chi phí phát sinh trong quá trình neo tại cảng khiến Grechushkin sau đó tuyên bố phá sản và bỏ rơi con tàu và các thuyền viên.
Trung Quốc nói Mỹ nên ngừng bán vũ khí cho Đài Loan
Bộ Ngoại giao Trung Quốc hôm thứ Sáu tuyên bố Mỹ nên ngừng bán vũ khí cho Đài Loan, sau khi hãng tin Reuters cho biết Washington đang đám phán bán ít nhất 4 máy bay trinh sát không người lái cỡ lớn cho hòn đảo này.
Người phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Uông Văn Bân nói trong một cuộc họp báo rằng, việc bán vũ khí của Mỹ vi phạm nghiêm trọng nguyên tắc “một Trung Quốc” mà theo đó Trung Quốc tuyên bố Đài Loan là một phần lãnh thổ của họ.
Mỹ gửi 3 máy bay chở hàng cứu trợ tới Lebanon
Quân đội Mỹ đang đưa 3 máy bay chở hàng cứu trợ gồm thực phẩm, nước và vật tư y tế tới Lebanon, Bộ Tư lệnh đặc trách miền Trung Hoa Kỳ thông báo hôm thứ Năm (6/8), hai ngày sau vụ nổ hóa chất rung chuyển cảng Beirut khiến ít nhất 157 người chết và khoảng 5000 người bị thương, theo Fox News. Các quan chức Lầu Năm Góc dự kiến sẽ tổ chức một cuộc họp báo vào lúc 1h30 chiều thứ Năm để phác thảo sơ lược thêm các kế hoạch cứu trợ Lebanon.
Bộ trưởng Y tế Hoa Kỳ sắp đến Đài Loan
Bộ trưởng Y tế và Dịch vụ Nhân sinh Hoa Kỳ, ông Alex Azar dự kiến sẽ đến Đài Loan hôm Chủ nhật tới (9/8) để gặp Tổng thống Đài Loan Thái Anh Văn, phát ngôn viên nội các Ting I-ming dẫn thông báo của Thủ tướng Su Tseng-chang hôm thứ Năm (6/8) cho hay.
Phó tổng giám đốc Trung tâm Kiểm soát Dịch bệnh Đài Loan, ông Chuang Jen-hsiang cho biết, phái đoàn Mỹ sẽ được xét nghiệm nucleic acid trước và sau khi nhập cảnh Đài Loan. Họ cũng phải xét nghiệm trước và sau khi ra sân bay để về nước, tờ Taiwan News đưa tin.
Ông Chuang lưu ý, phái đoàn Mỹ có lịch trình công tác nghiêm ngặt nên sẽ chỉ ghé thăm những địa điểm đã lên kế hoạch trước, trong đó không bao gồm các chợ đêm đông đúc ở Đài Loan. Đồng thời phái đoàn luôn phải đeo khẩu trang và giữ khoảng cách khi gặp các quan chức chính phủ.
Cựu thủ tướng Malaysia lập đảng chính trị mới
Các nguồn tin tiết lộ, cựu thủ tướng Malaysia Mahathir Mohamad dự định tối thứ Sáu (7/8) sẽ công bố thành lập một đảng chính trị mới mà ông là người sáng lập, báo Straits Times đưa tin.
Đảng mới được gọi là Parti Bersatu Rakyat Malaysia, một cái tên thu hút sự chú ý vì nó tương đồng với cái tên đảng cũ của ông là Parti Pribumi Bersatu Malaysia, nơi đã khai trừ ông hồi đầu năm. Theo các nguồn tin, cuộc họp báo của ông Mahathir sẽ được tổ chức ở một khách sạn ở Bangsar, Kuala Lumpur. Tuy nhiên, các trợ lý của ông Mahathir vẫn kín tiếng khi được hỏi về việc này và nói rằng chưa có cuộc họp báo nào được xác nhận.
Hai con mèo ở Mỹ dương tính với Covid-19
Hai con mèo ở hạt Brazos, Texas đã có kết quả xét nghiệm dương tính với nCoV, theo The Hill.
Các nhà nghiên cứu ở đại học Texas A&M (TAMU) cho biết, cả hai con mèo này đều không có triệu chứng và chúng sống với những người có kết quả dương tính với Covid-19, theo thông báo từ nhà trường.
Các nhà nghiên cứu cho rằng, qua kết quả này có thể thấy được “nguy cơ cao” đối với khả năng lây truyền bệnh giữa những vật nuôi trong gia đình.
Bộ trưởng Rishi Sunak: Anh cần thận trọng khi quan hệ với Trung Quốc
Bộ trưởng Tài chính Rishi Sunak ngày 7/8 nói rằng vương quốc Anh nên có cách tiếp cận thận trọng với Trung Quốc và luôn vững vàng trong việc bảo vệ các giá trị của mình, theo Reuters.
Khi được đài LBC hỏi liệu nhà lãnh đạo Tập Cận Bình có phải là một đối tác đáng tin cậy hay không, ông Sunak trả lời đại ý rằng, mặc dù Trung Quốc là một nhân tố trong chuỗi cung ứng và là đối tác thương mại, nhưng Anh nên “thận trọng với mối quan hệ này”.
“Chúng ta nên thận trọng với những nơi mà chúng ta có những giá trị và lợi ích khác nhau. Ngoài ra, chúng ta phải mạnh mẽ đứng lên vì những điều đó và bảo vệ chính mình”.
Mối quan hệ giữa Trung Quốc và Anh đã trở nên căng thẳng trong những tháng gần đây khi London cho rằng Bắc Kinh chịu trách nhiệm đối với việc để virus Vũ Hán lây lan khắp thế giới.
Bên cạnh đó, chính phủ của Thủ tướng Boris Johnson cũng nhiều lần lên án chính quyền Trung Quốc phá vỡ hiệp định Trung-Anh, bóp nghẹt tự do Hồng Kông bằng luật an ninh mới.
Ngoài ra, việc Longdon cấm Huawei tham gia xây dựng mạng 5G cũng làm leo thang thêm căng thẳng trong mối quan hệ Trung-Anh.