Nguyễn Đức Tường
Thuở nhỏ học trường tỉnh ở thị xã Hải Dương, tôi thường được thưởng những tờ truyện tranh kể sự tích các nhân vật lịch sử như Bà Trưng, Bà Triệu, Đại úy Đỗ Hữu Vị – Anh hùng Pháp-Việt, Cố Alexandre de Rhodes, vân vân. Nhờ vậy mà tôi tích được một tập truyện tranh, quý hóa lắm, cố giữ mãi nhưng rồi cũng mất hết vì chiến tranh. Ngày ấy, những truyện tranh này chắc phải rất phổ biến, được phát cho học trò trong khắp nước bởi vì, bao nhiêu chục năm về sau, trong một dịp nào đó tôi kể chuyện, viết “Đại táĐỗ Hữu Vị…” một bạn học cũ cùng lớp ở trường Khải Định (nay là Quốc Học, Huế) đọc thấy, bèn gửi email hiệu đính, “Đại úy Đỗ Hữu Vị – Anh hùng Pháp-Việt. Ngày ấy, dân ta đã làm gì có đại tá?” Thì ra bạn tôi cũng có cùng tờ truyện tranh. Cũng được thôi, ông sĩ quan trong tranh đứng cạnh chiếc máy bay đang bốc cháy, trông rất điển trai, mặc quân phục, đầu đội képi, nhưng tôi không biết ông anh hùng như thế nào. Xin lỗi người Anh hùng Pháp-Việt, phải kéo cấp bậc của ông xuống mấy nấc.
Nhưng với Alexandre de Rhodes thì khác. Qua truyện tranh, tôi được biết ông là người đã cho dân Việt ta chữ Quốc ngữ, một công ơn vô cùng to lớn vì nhờ thứ chữ viết này mà một người Việt trung bình có thể học để biết đọc, biết viết trong vài tháng. Tôi biết thế vì mẹ tôi cho tôi chơi với bộ chữ abc … dạy tôi chắp chữ đánh vần năm tôi chừng 4 tuổi. Sau vài tháng, một hôm bố đi làm về, mẹ bảo tôi biểu diễn đánh vần cho ông xem, khiến ông ngạc nhiên hết… lớn. Cho đến nay, tôi vẫn còn mơ hồ nhớ lại mùi gỗ thông thơm ngọt của bộ chữ.
Nhờ có chữ Quốc ngữ mà năm 1946, ngay trong chiến tranh chống Pháp giành độc lập, nạn mù chữ có thể nói hầu như được xóa hết ở Việt Nam, hay ít nhất ở quanh tỉnh Hải Dương và Thái Bình nơi tôi được trực tiếp trông thấy, tản cư, chạy giặc từ làng nọ sang làng kia. Không ai thật sự bị bắt buộc nhưng ông già, bà cả được khuyến khích đi học đánh vần. Bằng phương pháp chủ yếu dựa vào tâm lý làng xã của dân ta nếu so với tiêu chuẩn ngày nay mạnh mẽ kêu đòi nhân vị, nhân quyền… có lẽ sẽ bị coi là xúc phạm, thế nhưng ngày đó lại rất được việc. Thỉnh thoảng người ta cho dựng trên đường cái ở đầu làng hai cái cổng tượng trưng cạnh nhau, với tấm bảng to tướng viết những chữ i, tờ…[1]Ai đánh vần được thì đi qua cổng lớn, không đánh vần được thì đi qua cổng nhỏ! Không mấy người muốn đi cổng nhỏ. Riêng tôi, khi ấy mới vào trung học, nhưng cũng hào hứng cố dành thì giờ đọc chính tả cho vài dân làng người lớn trẻ con viết, ít dòng thôi song cũng gọi là chút lòng đóng góp. Đó là những ngày vui tôi không bao giờ quên mà trái lại luôn luôn ghi nhớ ơn sâu của Alexandre de Rhodes.
Khi bắt đầu viết bài này tôi có ý định khác, sẽ lặp lại ở dưới, nhưng vì câu chuyện chữ quốc ngữ và Alexandre de Rhodes mà tôi phải nghĩ thêm lan man bao nhiêu chuyện khác. Ví dụ, nhớ lại chuyện ông nội tôi hay bảo tôi đi đưa thư cho các cụ bạn. Các cụ hay làm thơ xướng họa, trong thư thường là một hai bài thơ viết chữ quốc ngữ, nhưng đôi khi chữ viết là chữ Hán hay giống chữ Hán nhưng xướng âm như quốc ngữ. Về sau, tôi mới biết đó là những bài thơ viết bằng chữ Nôm. Ngày ấy tôi chưa đủ khôn nên không nghĩ tới chuyện thu thập những bài thơ xướng họa của ông tôi; hay dở chưa biết sao nhưng nhiều lắm. Trong văn học của ta, ngoài các tác phẩm quen thuộc nổi tiếng đã được nhớ nhờ truyền khẩu hay đã được in ra của Nguyễn Du, Nguyễn Công Trứ, Hồ Xuân Hương, Trần Tế Xương… còn biết bao nhiêu tác phẩm đã vĩnh viễn mất đi.
Nói đến Trần Tế Xương và những tác phẩm có thể đã mai một khiến tôi nhớ đến người bạn vong niên của tôi, Giáo sư Đàm Quang Hưng. Anh Hưng kể cho tôi nghe chuyện ông ngoại của anh là bạn cụ Tú Xương. Đời vua Thành Thái, ông ngoại anh đi thi đậu Cử nhân đứng thứ 5 khoa Mỹ Trọng, cụ Tú Xương viết cho bạn một lá thư chúc mừng bằng chữ Nho và hai bài thơ Bỡn bằng chữ Nôm. Anh Hưng giữ được hai bài thơ chữ Nôm, thủ bút của cụ Tú Xương, quý lắm. Ngày vượt biên, anh chỉ mang theo ít giấy tờ cùng hai bài thơ. Chẳng may tàu bị cướp biển chặn giữ, túi hành lý của anh bị chúng lục soát rồi vứt hết giấy má xuống biển. Anh tiếc lắm nhưng đành bấm bụng chịu. Cũng may, anh còn nhớ thơ Bỡn của cụ Tú Xương nên bây giờ ta còn thơ cụ Tú qua thủ bút của giáo sư Hưng, viết bằng chữ quốc ngữ: [2]
Thân phụ của ông ngoại anh thi đậu Tú tài vào đời vua Tự Đức, làm thầy lang ở làng Dịch Lễ, Nam Định, cụ bà bán bún riêu ở chợ Dịch Lễ. Cụ Tú Xương ở làng Vị Xuyên, Nam Định, cách làng Dịch Lễ chừng 30 km. Cụ Tú Xương mỗi lần qua Dịch Lễ chơi, thường ra chợ ăn bún riêu của cụ Cố Bà. Ông ngoại anh là học trò cụ Đốc Tả Thanh Oai.
Cho đến thế kỷ 20, các cụ ta khi làm thơ văn tiếng Việt đều dùng chữ Nôm, và ta đã biết chữ viết là một bộ phận rất nhỏ của văn hóa nhưng tầm quan trọng của nó có lẽ lớn nhất.
Chữ Hán, chữ Nho và chữ Nôm
Tiếng nói là một năng khiếu bẩm sinh kỳ diệu của con người, khiến cho con người khác hẳn mọi sinh vật khác. Trên đà tiến hóa, con người phân hóa thành nhiều bộ tộc và mỗi bộ tộc có một tiếng nói hay ngôn ngữ riêng. Ngôn ngữ có khả năng lưu trữ nhưng quá hạn hẹp, một phương pháp lưu trữ hữu hiệu và lâu bền hơn cần được thiết lập với kết quả là hầu hết mọi bộ tộc cùng đi đến một giải pháp, hoặc tự mình hoặc vay mượn thêm từ những bộ tộc khác, đặt ra một ký tự để ghi lại những gì muốn giữ lại.
Ký tự vì vậy là một hệ thống chữ viết gồm những quy ước, lý tưởng nhất là ghi được cả âm đồng thời chứa đựng ý nghĩa cho mỗi chữ. Chữ viết, do đó, là chiếc xe chuyển vận văn hóa, trở thành một biểu tượng cho nền văn minh của nhân loại; cho phép ta chia sẻ và truyền đạt hiểu biết, tư tưởng, tình cảm cho nhau và cho hậu thế. Xuất hiện đầu tiên ở Sumer, cũng giống như một vài cổ ngữ khác, chữ Sumer cổ đại đã bị mất trong quá trình lịch sử, nhưng một ký tự lâu đời nhất là chữ Hán vẫn còn được liên tục sử dụng cho đến ngày nay.
Ta có thể nói không ngoa rằng tiếng nói và chữ viết là linh hồn của văn hóa một dân tộc. Dân tộc ta có tiếng nói riêng nhưng ở buổi sơ khai chưa có chữ viết. Vì phải liên tục tiếp cận với Hán tộc từ thời cổ đại, cuộc giao lưu trắc trở, nhiều khi bất đắc dĩ ấy đã đưa đến việc chữ Hán trở thành chữ viết chính thức của dân ta.
Trong cuốn sách về văn minh Trung Hoa ở chương đầu, sử-triết gia Will Durant kể chuyện ông Bàn Cổ,[3]một truyện cổ tích rất vui mà lúc còn bé tôi đã được nghe qua nhiều phiên bản khác nhau. Hết chuyện ông Bành Tổ lại đến chuyện bà Nữ Oa đội đá vá trời – Ông Bàn Cổ và ông Bành Tổ là cùng một người? Durant kể sự tích ông Bàn Cổ: ông tổ của loài người là ông Bàn Cổ. Sau mười tám ngàn năm gắng sức, đã tạo nên thế giới vào khoảng năm 2 229 000 trước.CN. Bàn Cổ thở ra thành gió, nói ra thành sấm… Durant có vẻ vui thích kết luận, hoàn toàn không có ẩn ý nhạo báng hay châm biếm. “Chúng ta không có cách nào chứng minh được vũ-trụ-luận tài tình của họ là sai”. Nguồn gốc của chữ Hán có lẽ không lâu đời bằng chuyện ông Bàn Cổ nhưng cũng có lắm chuyện tương tự, nghe như chuyện thần tiên, không kém phần sáng tạo tuy khó mà kiểm chứng.
Vào cuối thế kỷ 19, ta đã có được chứng nghiệm này cho dù nó không cho ta biết nhiều hơn về nguồn gốc của chữ viết Trung Quốc: hàng trăm nghìn xương bả vai của trâu bò và mai rùa được phát hiện ở An Dương, thủ phủ cổ của nhà Thương (1600-1046 tr.CN). Trên các mảnh xương có khắc những cổ tự gọi là giáp cốt văn [4] (Oracle Bone script) hay xương tiên tri, có nhiều đặc điểm của những chữ tượng hình nên một số chữ sớm được nhận ra ngay là cùng một thứ chữ thấy trên những chuông đồng đời nhà Chu (1066-256 tr.CN). Các học giả có thể đọc được những văn bản ngắn trên đó về các nghi thức bói toán và tế lễ. Đó là những dòng chữ cổ nhất, khoảng chừng 1200 tr.CN, thường gọi là chữ viết nhà Thương, dứt khoát được công nhận là ký tự Trung Quốc (TQ) tức chữ Hán ngày nay, không còn nghi ngờ gì nữa.
Qua những văn bản khắc trên xương tiên tri, cấu trúc của chữ viết nhà Thương cho thấy không có khác biệt đáng kể so với ký tự TQ hiện đại. Nhiều chữ trong số đó là kết quả của sự kết hợp của hai hoặc nhiều chữ và có trình độ trừu tượng cao. Sự hiện hữu của chữ viết nhà Thương chứng minh rằng đó là một hệ thống chữ viết đã được phát triển đầy đủ; không có dấu vết thời nguyên thủy thô sơ của nó và, như vậy, có nghĩa là chữ viết này đã được dùng liên tục từ hơn ba nghìn năm cho đến ngày nay.
Tất nhiên mặt chữ nhà Thương thay đổi với thời gian. Khoảng một nghìn năm đầu, bề ngoài trông có vẻ thay đổi đáng kể, nhưng từ đời nhà Hán trở đi, tức là chừng hai nghìn năm về sau cho tới năm 1955, những thay đổi thật ra chỉ còn là một hình thức giải phẫu thẩm mỹ, tô điểm cho thêm đẹp và không ảnh hưởng gì đến cấu trúc cốt lõi. Bảng Diễn biến qua lịch sử của ký tự Trung Quốc ở dưới cho thấy sự biến chuyển qua các triều đại của một vài chữ tiêu biểu: nhân, mộc, thủy, hỏa, xa, mã, điểu, vân (person, tree, water, fire, cart, horse, bird, cloud). Từ năm 1955, chữ Hán qua một thay đổi lớn ở lục địa TQ, từ dạng gọi là phồn thể (chữ Hán cổ điển) sang dạng giản thể (đơn giản, giảm bớt nét).
Chữ Hán là sản phẩm đặc thù của văn minh Trung Hoa, một nền văn minh gần như hoàn toàn cô lập trong suốt quá trình phát triển lâu dài của nó. Những chữ tượng hình như nhật, nguyệt, khẩu, thủy, hỏa… tiến hóa theo một đường hướng riêng, duy nhất, không bị ảnh hưởng hay tương tác với những ký tự khác, khiến chữ Hán trở thành một thứ chữ ngày nay gọi là chữ biểu ý, diễn tả một ý, khác với hầu hết các chữ viết khác gọi là chữ biểu âm, diễn tả âm của tiếng nói, cụ thể như mặt trăng, mặt trời… Cho nên, ví dụ, nếu ta đọc ra được hai chữ “mặt trăng” thì ta đã hiểu nó định nói gì rồi.
Một ưu điểm lớn của chữ Hán: TQ là một lục địa rộng lớn nhưng khép kín, biên giới bên trong là núi non, sa mạc, bên ngoài là biển cả, một thời gồm nhiều nước nhỏ. Người Tàu tùy từng miền, nói nhiều thứ tiếng khác nhau, tuy nghe không hiểu tiếng của nhau nhưng vẫn có thể giao tiếp với nhau bằng chữ viết, thành ra chữ viết chính là một thứ keo giữ chặt đất nước TQ từ ngày Tần Thủy Hoàng thống nhất nước Tàu cho đến ngày nay.
Tuy nhiên, vì đó là chữ biểu ý, mỗi chữ diễn tả một ý, và tiếng Tàu là tiếng đơn âm, mỗi chữ viết là một đơn vị đầy đủ và độc lập. Khi được phát hiện vào đời nhà Thương, giáp cốt văn chứng tỏ đã được dùng thường ngày và giới hạn trong một tầng lớp trí thức đặc biệt. Lưu trữ và truyền bá chữ viết là một công việc khó khăn và phiền phức. Việc học hành phải qua phương pháp truyền khẩu và thuộc lòng, không những để viết (vẽ) tạm thời đâu đó mà còn cả âm của chữ đó nữa.
Ngoài ra, tiếng Tàu còn một nhược điểm bẩm sinh không thay đổi được ở chỗ nó có âm tiết rất giới hạn mà chữ viết lại thuộc loại biểu ý, lắm ý lắm chữ, thành ra nhiều chữ có cả trăm chữ đồng âm, phải trông thấy chữ viết mới phân biệt được. Vì vậy chữ Hán có nhiều khúc mắc nghiêm trọng có thể được tóm tắt trong một chữ “khó,” như một vài tác giả đã kinh qua khi viết và phát biểu: “khó hiểu, khó học, khó viết, khó nhớ, khó dùng”.[5]
Cái khó đầu tiên là phải thuộc lòng từng chữ một. Vì là chữ biểu ý nên có rất nhiều ý, đại tự điển TQ có đến 80,000 chữ, muốn đọc một cuốn sách bình thường, sách nói người đi học chỉ phải nhớ chừng 3 hay 4000 chữ cơ bản. Qua các thời đại, các học giả TQ hệ thống hóa chữ viết, phân loại và xếp đặt dựa vào những chữ đã có sẵn cùng xác định cách sử dụng và cách tạo ra chữ viết mới trong tương lai, gọi chung hệ thống này là Lục Thư [6] (sáu cách để cấu tạo một chữ viết).
Phân tích mặt chữ, người ta nhận ra yếu tố cơ bản để viết (hay vẽ) một chữ là nét bút hay nét (stroke). Một chữ, do đó, là tập hợp gồm một hay nhiều nét. Tất cả có 8 nét cơ bản cùng các biến thể của chúng, tổng cộng là 28 nét. Một số quy luật được đặt thêm để viết/vẽ các nét khi viết một chữ, như thứ tự trước sau, trên dưới, phải trái, vân vân. Một chữ có trung bình 11 hay 12 nét, có ít nhất là 1 nét và nhiều nhất, 64 nét.
Việc đặt ra nét là ký hiệu cơ bản để viết chữ đưa đến một hệ quả quan trọng cho việc lưu trữ và tìm kiếm. Làm sao lưu trữ (ví dụ, tự điển) hàng nghìn chữ hay tìm ra một chữ muốn tìm trong đó? Một người có kiến thức về tin học ngày nay sẽ giải quyết vấn đề dễ dàng như một bản năng thứ hai: sorting (chọn lựa, sắp thứ tự). Cho tiện việc lưu trữ và tìm kiếm, những chữ có cùng một số nét được gom lại thành một nhóm, muốn tìm một chữ, ta chỉ việc đếm số nét rồi tìm trong nhóm của chữ đó. Như vậy, có tất cả 64 nhóm chữ, từ nhóm 1 nét đến nhóm 64 nét; nếu tổng cộng chỉ có 3000 chữ thì nhóm có nhiều chữ nhất cũng chỉ có độ vài trăm chữ.
Bộ thủ là một tiến bộ khác được đặt ra vào đời nhà Hán, đến đời nhà Minh (trên dưới 15 thế kỷ) thì hầu như hoàn chỉnh và được dùng làm tiêu chuẩn cho đến ngày nay. Là thành phần cơ bản cấu tạo nên chữ viết, mỗi bộ thủ có nét vẽ khác nhau và ý nghĩa riêng biệt, và mỗi chữ thuộc một bộ thủ duy nhất tuy có thể được ghép bởi nhiều bộ thủ. Thứ tự của mỗi bộ thủ căn cứ vào số nét. Bộ thủ giản dị nhất có 1 (một) nét và bộ thủ phức tạp nhất có 17 nét. Tổng số bộ thủ di dịch theo thời gian. Ngày nay, sách vở chấp nhận 214 bộ thủ thường dùng, được rút ra từ mấy bộ tự điển lớn như Khang Hy tự điển (1716) hay Trung Hoa đại tự điển (1915). Xếp chữ theo nhóm có cùng một bộ thủ tiện hơn theo số nét vì trước hết có thể có đến 17 nét đã được dấu bớt trong một bộ thủ và có đến 214 nhóm bộ thủ để phân bố tổng số chữ thay vì chỉ có 64 nhóm số nét.
Học chữ Hán bắt đầu với bộ thủ và lục thư là một phương pháp có hệ thống, nếu không làm cho việc học bớt khó thì ít nhất nó cũng khiến cho mọi sự sáng sủa, rõ ràng và giúp trí nhớ quy tắc hơn.
Đó là chữ Hán, cũng là văn tự chính thức của dân tộc ta trong suốt chiều dài lịch sử cho đến tận đầu thế kỷ 20. Sự việc xảy ra như thế nào? Trước hết xin lược lại một chút cổ sử.
Theo sử cũ, vua đầu tiên của dân tộc Việt Nam là Kinh Dương Vương, cháu bốn đời của vua Thần Nông, tiếp theo là những chuyện huyền thoại như sự tích bà Âu Cơ đẻ ra 100 cái trứng, vân vân. Nhiều chuyện tưởng như hoang đường nhưng thật ra đó là những chuyện dân gian, phản ảnh cuộc sống sơ khai của nhóm bộ tộc Bách Việt có mặt rải rác ở khắp miền Đông-Nam châu Á. Dần dà, những bộ tộc Bách Việt hầu hết bị diệt vong hay đồng hóa bởi mấy nước như Sở, Tần, duy có “nhóm Lạc-Việt, là tổ tiên trực tiếp của dân-tộc Việt Nam ở miền trung châu Bắc-kỳ và phía Bắc Trung-kỳ, nhờ không bị quân nhà Tần chinh phục nên giữ được độc lập lâu hơn các nhóm khác.” [7]
Ta không biết đích xác người Lạc-Việt định cư ở miền Bắc Việt Nam từ bao giờ, nhưng biết rằng trước khi Triệu-Đà đánh chiếm được nước Âu-Lạc và sát nhập vào quận Nam Hải để lập thành nước Nam Việt, thì đã có người Lạc-Việt rồi. Nhà Tần suy thoái, Triệu Đà tự xưng vương tức là Vũ Vương. Triệu Vũ Vương lên ngôi, truyền ngôi được mấy đời ở Nam Việt, tổng cộng ngót một trăm năm. Triệu Vũ Vương là người mưu lược nhưng tất cả con cháu đều hèn kém, đến đời Triệu Dương Vương thì bị nhà Hán diệt luôn.
Theo những sử gia nổi tiếng của Việt Nam xưa và nay,[8] chấp nhận nhà Triệu là vương triều đầu tiên của nước ta thì Tàu đô hộ Việt Nam hơn 900 năm, nhưng hiện nay giới sử học chính thống [9] coi nhà Triệu là kẻ đầu tiên xâm chiếm nước ta, mở đầu thời kỳ Bắc thuộc. Nếu như vậy, từ Triệu Đà cho đến khi Ngô Quyền diệt được quân Nam Hán giành quyền tự chủ, nước ta đã bị Tàu đô hộ gần 12 thế kỷ. Chỉ vì Triệu Đà thoạt tiên là một quan tướng nhà Tần mà ta coi triều đại nhà Triệu là ngoại nhập thì có lẽ quá khắt khe và đơn giản. Nước ta ngày nay có biết bao nhiêu dòng họ lớn gốc Hoa như Lã, Vũ, Mạc, vân vân là những thành phần đã có nhiểu đóng góp đáng kể cho xã hội người Việt.
Nhà Triệu không giống mấy ông colons chủ đồn điền Algérie hay Đông Dương, thực dân thuần túy chuyên ăn bám và khai thác dân thuộc địa. Nhiều chứng tích, sử sách để lại cho thấy đó là một triều đại cởi mở, không động chạm đến phong tục bản xứ, giữ nguyên chế độ Lạc hầu Lạc tướng, lấy vợ lấy chồng sinh con đẻ cái mấy đời ở đây, (Triệu Đà rồi Mỵ Châu-Trọng Thủy…) những miếu đền thờ cúng họ rải rác ở nhiều nơi trong nước, chứng tỏ cảm tình của dân ta đối với họ, đã coi họ như người cùng dòng giống. Muốn đẩy họ ra ngoài, cho công bằng, ta cần có những chứng cớ cụ thể, nhiều hơn là mấy câu kết tội tổng quát như “… chỉ do chủ trương kiến tạo một giang sơn giầu mạnh cho mình và cho con cháu chớ họ Triệu đâu có ý phụng sự một dị tộc.” Từ lâu, vẫn có những bàn cãi về vấn đề này, gần đây lại thấy có nhiều bài viết cùng xu hướng [10] xuất hiện trên mạng.
Người Lạc-Việt đã ở nước Nam Việt (do Triệu-Đà lập thành) từ lâu đời, họ có tiếng nói riêng nhưng chưa có chữ viết. Triệu Đà là người đầu tiên mang ít nhiều văn hóa Trung Quốc vào đất Việt. Sau hơn 10 thế kỷ bị người Tàu đô hộ, cọ sát với họ, sau cùng, người (Lạc) Việt dùng chữ Hán làm chữ viết chính thức của nước mình.
Chữ Hán hay chữ Nho (dùng để truyền bá Khổng giáo) là chữ viết của cả nước Tàu nhưng mỗi miền có phát âm riêng biệt, thành ra người dân của hai tỉnh cùng có chữ viết là chữ Hán, cùng nói tiếng Hán nhưng có thể hoàn toàn không hiểu nhau. Du nhập vào đất Việt, do thẩm thấu hay sáng tạo, lâu dần mỗi chữ Hán được người Việt cho âm Việt. Đến thế kỷ thứ 10, khi Việt Nam giành lại được chủ quyền thì hầu như toàn bộ chữ Hán đều có âm Việt. Ngày nay, khi ta dùng danh xưng “chữ Nho,” là với ngụ ý chữ Hán âm Việt hay Hán-Việt. Việc dùng chữ Nho làm văn tự chính thức kéo dài đến tận thế kỷ 20!!!
Như vậy, chữ Nho là cả một hệ thống ngôn ngữ đã ổn định rất lâu đời, là thứ chữ dùng để ghi chép, lưu trữ những văn bản hành chính, giáo dục hay thi cử của nước ta. Vào thăm Văn Miếu và Quốc Tử Giám ở Hà Nội, xây vào đời vua Lý Thánh Tông năm 1070, được tu sửa bởi những triều đại sau, tôi đọc lõm bõm được ít tên quen thuộc khắc trên bia vinh danh những vị Tiến sĩ mới. Con tôi được nghe kể chuyện mấy ông Nghè, nét mặt sung sướng và thán phục, tay lia lịa xoa mấy cái đầu trơn bóng của các chú rùa phủ phục đội bia.
Vì là một ngôn ngữ trọn vẹn, chữ Nho có thể được dùng để giao thiệp hàng ngày như dân sống bên Tàu nếu ta không có tiếng nói riêng. Tôi thường nghe hai người Việt nói chuyện với nhau bằng tiếng Pháp hay tiếng Anh nhưng chưa bao giờ thấy mấy người thông hiểu chữ Nho, như những cụ cao niên thuộc thế hệ ông nội tôi, nói chuyện với nhau bằng chữ Nho cho dù họ vẫn trao đổi thơ văn chữ Nho với nhau. Năm 1946 sau Đại Chiến II, quân Tàu sang Việt Nam để giải giới quân đội Nhật, thường vào chiếm ngụ nhà dân trong thành phố. Đấy là một đại nạn vì lính Tàu ô hợp, bẩn thỉu, rất thiếu vệ sinh, ví dụ cá mè mua về làm rửa ngay trong bể nước mưa dành để nấu ăn – tôi được nghe mấy người hàng xóm kể lể, than phiền về chuyện này và nhiều chuyện khác. Ông nội tôi tuy không nói được tiếng Tàu nhưng cụ thông hiểu chữ Nho. Tôi không biết cụ viện lẽ gì nhưng thấy cụ bút đàm với mấy anh sĩ quan Tàu bằng chữ Nho và nhờ vậy mà nhà tôi không phải chứa lính Tàu. Hú vía!
Hơn 10 thế kỷ chung đụng với người Hoa, người Việt tuy nói tiếng Việt nhưng mỗi khi thiếu chữ hay vì thói quen, lại dùng chữ Hán với âm Việt (chữ Nho), những từ vay mượn này lâu ngày bị Việt hóa thành tiếng Việt hay tiếng Nôm, cách phát âm có thể na ná giống tiếng gốc hay khác hẳn, tương tự như việc sau này ta mượn những tiếng ngoại quốc khác, như tiếng Pháp hay tiếng Anh, ví dụ xà-phòng, mít-tinh… Thế nào chăng nữa, theo thời gian, tiếng Việt phát triển rất nhanh và rất mạnh, luôn luôn là tiếng nói riêng biệt, sẽ không bao giờ bị Hán hóa hoàn toàn và chuyện dân ta “nói” chữ Nho thay cho tiếng Việt sẽ không thể xảy ra được nữa.
Nhưng ta vẫn chưa có chữ viết! Trong suốt chiều dài lịch sử bao nhiêu thế kỷ, Việt Nam không thiếu những nhà bác học thông thái, thâm hiểu chữ Nho, hàng ngày viết chữ Nho nhưng nói tiếng Việt, những khi muốn viết văn làm thơ bằng tiếng mẹ đẻ và muốn ghi lại thì không thể viết ra, chắc hẳn giới sĩ phu và những bậc trí giả phải chạnh lòng nhận biết sự thiếu sót ghê gớm đó. Năm 1282, Nguyễn Thuyên cho ra đời bài thơ Văn tế Cá sấu không viết bằng chữ Nho, đánh dấu một bước ngoặt lớn mở đường cho chữ Nôm đường hoàng tiến vào văn hóa Việt.
Theo Đại Việt Sử Ký Toàn Thư, mùa thu năm Thiệu Bảo thứ 4 (1282) Nguyễn Thuyên khi đó là Hình bộ Thượng thư, theo vua Trần Nhân Tôn đến sông Phú Lương thì có cá sấu nổi lên trước thuyền. Vua sai Thuyên làm bài văn đuổi cá sấu, ông bèn viết bài thơ Văn tế Cá sấu [11] rồi ném xuống sông, con cá sấu tự nhiên đi mất. Nhà Vua thấy việc này giống như việc Hàn Dũ đời nhà Đường bên Tàu tế cá sấu năm 830 ở Triều Châu, nên cho đổi họ Nguyễn của ông ra họ Hàn.
Câu chuyện kể trên là một trong mấy phiên bản về bài thơ Văn tế Cá sấu. Điều đáng chú ý là bài thơ có ít chữ Hán-Việt do đó không thể viết bằng chữ Nho, như vậy phải bằng một thứ chữ mới mà sau này ta gọi là chữ Nôm. Hàn Thuyên có lẽ chỉ là một trong số nhiều nhà Nho trong một thời gian dài, đã đóng góp vào công việc tạo ra chữ Nôm nhưng ông được xem là người tiên khởi hoàn thành trọn vẹn một bài thơ viết xuống bằng chữ Nôm. Ông là người đầu tiên áp dụng luật thơ Đường trong thơ Nôm, nên thơ Nôm theo Đường luật thường gọi là theo Hàn luật. Thiết kế bởi các nhà Nho, tất nhiên chữ Nôm có liên hệ mật thiết với chữ Hán. Dưới đây là một định nghĩa của chữ Nôm chép lại từ Wikipedia:
Chữ Nôm,[12]còn gọi là Quốc âm, là một hệ chữ vuông dùng để viết tiếng Việt, bao gồm bộ chữ Hán phồn thể để viết các từ Hán-Việt và dựa theo quy tắc ký âm của chữ Hán phồn thể, tạo ra các ký tự mới để viết các từ thuần Việt không có trong bộ chữ Hán phồn thể.
“Muốn hiểu chữ Nôm, muốn đọc chữ Nôm thì điều kiện cơ bản là phải biết chữ Hán, nhưng đó là điều kiện cần thiết chứ không phải là điều kiện đầy đủ. Còn phải nắm vững phương pháp cấu tạo của chữ Nôm, nắm vững tình hình diễn biến của chữ Nôm qua các đời, cùng với nguồn gốc của nó, và để nắm được những điều kiện trên thì lại cần nắm được một số qui luật ngữ âm học lịch sử về tiếng Việt Nam và tiếng Hán-Việt.”[13] Với chữ Hán ta phải khắc phục chừng nửa tá cái “khó”, nay ta phải qua thêm một số cái “khó” nữa, cũng may chữ Nho là chữ viết chính thức nên trở ngại cũng không có thêm bao nhiêu.
Tuy những di tích về chữ Nôm trước thế kỷ 15 còn để lại phần lớn là những văn bia, chữ Nôm thật ra đã được lưu hành từ lâu, dưới dạng một vài tên người hay tên đất xen kẽ trong những văn bản chữ Hán. Ông Đào Duy Anh có nói ông đã được đọc nhiều chữ Nôm trên những di tích cổ, cổ nhất có lẽ là ở cái chuông đồng của chùa Vân Bản (Đồ Sơn) được ngư dân trong vùng vớt lên từ đáy biển vào năm 1958. Ông thấy có hai chữ Nôm “Ông Hà” cấu tạo theo phép “giả tá”, giữa những chữ Hán khắc ở thành chuông. Chuông được xác định là đúc vào đời vua Lý Nhân Tôn năm Bính Thìn (1076). Nhớ lại, Nho học nước ta bắt đầu thịnh từ đời nhà Lý: Năm ất-mão (1075) mở khoa thi tam trường, kỳ thi đầu tiên ở nước ta để lấy người văn học vào làm quan; năm bính-thìn (1076) lập Quốc tử giám để bổ những người văn học vào dạy; năm bính-dần (1086) mở khoa thi chọn người văn học vào Hàn lâm viện.
Hơn 200 năm đã trôi qua sau mấy chữ Nôm trên mới thấy xuất hiện bài thơ Văn tế Cá sấu, có lẽ ta phải tự hỏi tại sao thơ chữ Nôm đến muộn thế? Trong suốt 10 thế kỷ, chữ Nôm cũng có hai lần thay thế chữ Nho trong những văn bản hành chính, công văn, khế ước… trong khoảng thời gian tương đối ngắn, 7 năm đời nhà Hồ và 14 năm đời Tây Sơn.
Chữ Nho được dùng hầu hết trong văn xuôi, nhất là những loại sách biên khảo như sử ký. Còn chữ Nôm được dùng trong thơ văn đủ loại, bắt đầu khởi sắc từ thế kỷ 15 với những tác phẩm như Quốc âm Thi tập của Nguyễn Trãi, Hồng Đức Quốc âm Thi tập của vua Lê Thánh Tôn, cùng thơ văn của Tao đàn Nhị thập bát Tú, Bạch Vân Quốc âm Thi tập của Nguyễn Bỉnh Khiêm, vân vân. Thế kỷ 17 cũng chứng kiến sự xuất hiện của văn học Nôm Công giáo với những tác giả như nhà truyền giáo Girolamo Maiorica, biên soạn hơn 45 tác phẩm nhiều thể loại, hay thầy giảng Gioan Thanh Minh viết tiểu sử các thánh nhân…
Thế kỷ 18-19 chứng kiến văn chương chữ Nôm nở rộ với biết bao tài năng, thơ văn uyển chuyển, cách dùng chữ tài tình của những nhà thơ như Hồ Xuân Hương, Bà Huyện Thanh Quan, hay Nguyễn Công Trứ trầm hùng mà ngạo nghễ, rồi những tác phẩm dài của Ngọc Hân Công chúa, của Đoàn Thị Điểm với bản dịch Chinh phụ ngâm tuyệt tác, có thể nói còn trội hơn cả nguyên bản chữ Nho. Tiếp đến là Cung oán ngâm khúc, lên đến đỉnh điểm là Truyện Kiều, một tác phẩm được xem là toàn bích của Nguyễn Du.
Bước sang thời cận đại, xuất hiện rất nhiều những tác phẩm khuyết danh truyền miệng nay được ghi xuống thành văn bản cộng thêm những gương mặt mới như Nguyễn Đình Chiểu, Nguyễn Khuyến, Chu Mạnh Trinh, Trần Tế Xương. Bài Thu điếu của Nguyễn Khuyến vốn được ca tụng là thi phẩm tuyệt mỹ của cụ Tam Nguyên Yên Đổ nhưng nay với tôi, trong ý kiến chủ quan khi không còn là cậu học trò phải lo âu về thi cử, ngồi cắn bút làm luận, mới có thể nhìn ra được nét tinh tế của bức tranh mô tả sự yên lặng sâu thẳm của cảnh trí mùa thu tịch mịch được khơi lên trong tứ thơ, hoàn thành bức tranh so exquisitely! Chỉ với vài ba nét cọ tài hoa, nếu thực sự vẫn có một tiếng động vô âm là hơi thở của bài thơ (hay bức tranh) trong toàn cõi im lìm này thì đó là mặt nước hồ khẽ gợn vì tiếng thầm của con “cá đớp ở chân bèo.”[14]
Tiền nhân ta trong suốt 20 thế kỷ lịch sử chăm đọc sách chữ Hán, viết văn chữ Hán. Danh sĩ Lê Quý Đôn, một trí thức có bộ óc bách khoa, “… một nhà bác học đa tài, trước tác có đến hơn ba chục bộ sách về nho học, lão học, phật học, sử học, binh học, cùng là thi văn tạp bút, tựu trung có tiếng nhất là bộ Vân đài loại ngữ, Kiến văn tiểu lục, Quần thư khảo biện và Đại Việt thông sử.” Với những di sản chữ Hán kể trên cộng thêm 10 thế kỷ chữ Nôm song song với nhau, gia tài văn hóa của ta quả thật rất đồ sộ.
Giao lưu và Đồng hóa
Dân ta thường rất kiêu hãnh về chuyện bị Tàu đô hộ cả nghìn năm mà vẫn không bị đồng hóa. Một trường hợp của căn bệnh “điếc không sợ súng.” Trong cuộc giao lưu bất đắc dĩ này, thật ra ta đã bị đồng hóa quá nửa phần hồn, luôn luôn đứng chênh vênh ở bên bờ vực thẳm mà không hay biết. Mỗi khi ta nói một câu tiếng Việt thì thường có thể có đến quá nửa số chữ trong câu có gốc là chữ Hán (ví dụ, “Em tôi sung sướng 充暢, hạnh phúc 幸福 quá!”). Thêm một chút cố gắng, ta có thể đối thoại với nhau hoàn toàn bằng chữ Nho, giống hệt như ông nội tôi với viên sĩ quan Tàu, chỉ khác là không phải viết ra giấy!
Người dân của bất cứ nước nào nói tiếng Anh: Mỹ, Canada, Úc… đều xem tiếng Anh là ngôn ngữ của họ, không bao giờ quan tâm đến chuyện ngôn ngữ đó xuất phát từ đâu. Ta có chữ viết chính thức là chữ Hán, ta lại có cả một hệ thống chữ Hán với âm Việt (chữ Nho). Cho dù xuất xứ của ngôn ngữ rất phong phú đó là từ ở bên Tàu, và mặc cho hoàn cảnh ta có được nó không vẻ vang cho lắm, nhưng ta đã sống với nó, cha ông ta rất kính trọng tuy không coi nó là của mình nhưng hành văn với nó trong suốt cả chiều dài của lịch sử dân tộc, vậy mà ta sẵn sàng vứt bỏ nó không mấy thương tiếc khi có dịp.
Người dân thuộc hai tỉnh của Tàu nói chuyện có thể hoàn toàn không hiểu nhau, đó là chuyện bình thường, chỉ hơi bất tiện thôi vì họ còn dùng chung chữ viết. Giả dụ dân ta yên phận làm một tỉnh lẻ của Tàu thì, nhìn từ một khía cạnh nào đó, mọi sự đã quá dễ dàng vì chỉ cần vài thế hệ học nói chữ Nho (âm Việt) cho quen, cố học thêm cách dùng vài chữ “chi, hồ, giả, dã…” là tiếng nói của ta sẽ hoàn toàn đúng là một phương ngữ khác của Tàu và đất nước ta có thể đã hoàn toàn giống như bất cứ một tỉnh Tàu nào khác. Chuyện không xảy ra một phần là vì may. May – chữ dùng có lẽ không chuẩn – may mà có những Tô Định với nhiều thủ đoạn thâm độc, tàn ác, nên ta có những Bà Trưng, Bà Triệu, trong suốt bao nhiêu thế kỷ luôn luôn vùng vẫy, nhắc nhở dân ta. Và cha ông ta đã sớm làm quyết định phải lẽ, dứt khoát chia tay, chọn con đường phát triển tinh thần dân tộc mãnh liệt, kiên cường, bền bỉ chống trả ách ngoại xâm để thoát Hán.
Loài trăn anaconda mỗi khi nuốt một con mồi lớn như con nai sẽ cần chừng 10 ngày để tiêu hóa, đôi khi cũng phải nôn ra. Ta bị Tàu nuốt hơn 10 thế kỷ mà vẫn sống sót, vẫn vùng vẫy đến độ phải được nôn ra. Kinh nghiệm thoát Hán để sống còn sau hơn 10 thế kỷ Bắc thuộc tuy tả tơi, rách nát, thật xứng đáng là niềm tự hào to lớn của tộc Việt, nhưng ta cũng nên bình tĩnh kiểm kê lại những thương tổn.
Trong cuộc giao lưu bất đắc dĩ với Hán tộc, hai thế kỷ đầu, dân Lạc Việt sống tương đối thoải mái, phong tục và thể chế cai trị của họ không bị đụng đến. Thế nhưng sự tiếp xúc lâu dài với người Hán không tránh khỏi ảnh hưởng đậm đà về văn hóa. Đến đời nhà Đông Hán, sau khi các Thái thú Tích Quang và Nhâm Diên phải đổi đi, sự mềm dẻo, khéo léo không còn nữa mà thay bằng sự hà khắc và tham lam vô độ của Thái thú mới là Tô Định thì biến cố khởi nghĩa của Hai Bà Trưng rồi Mã Viện xuất quân hẳn là nhân quả tự nhiên. Việc xuất quân của Mã Viện không phải là một hành động lẻ tẻ nhất thời, mà là cả một kế sách, một chiến lược dù viết thành văn hay không, đã được truyền thừa từ triều đại này sang triều đại khác.
Khi Hai Bà Trưng nổi dậy, tinh thần dân tộc mới manh nha, buổi đầu tuy có thể thắng được bọn quan cai trị cô thế nhưng rồi trước sự phản công hùng hậu của Mã Viện, Hai Bà không cầm cự nổi, rốt cuộc hai chị em phải tự trầm ở cửa Hát giang. Sử chép rằng: “Viện đi qua chỗ nào là đặt quận huyện, xây thành quách, đào, tưới ruộng… Lại tâu hơn mười việc về luật người Việt khác với luật người Hán và thi hành pháp chế cũ (của người Hán) đối với người Việt để ước thúc họ.”[15] Theo ông Đào Duy Anh, cuộc kinh lý của Mã Viện là “qui kết của một lịch trình biến chuyển lâu dài chứ không phải là một hiện tượng đột khởi. […] Cuộc kinh lý của Mã Viện chẳng qua là một cuộc thanh toán bằng võ lực những yếu tố bảo thủ để tạo điều kiện thuận tiện cho cuộc đồng hóa mà thôi.”
Những ngấn tích của lịch trình đồng hóa ấy được tìm thấy trong các cổ vật đào được ở Đông Sơn và được xác định ở vào thế kỷ thứ nhất, tức là vào khoảng cuộc kinh lý của Mã Viện. Những đồ cổ ấy, ngoài các vật dụng thuần túy Lạc Việt, còn có những trống đồng sau này được coi là tiêu biểu nhất cho một nền văn minh rất cao và phong phú thường gọi là văn hóa sông Hồng hay văn hóa Đông Sơn (trống đồng Ngọc Lũ hiện nay được lưu trữ tại Bảo tàng viện Quốc gia). Bên cạnh những đồ đồng Lạc Việt còn có một ít đồ người TQ đem đến và đồ do người Lạc Việt chịu ảnh hưởng của người TQ mà chế tạo ra, ví dụ những đồ nửa đồng nửa sắt.
Xem lại những đồ Lạc Việt thuộc thế kỷ thứ nhất khai quật được ở Đông Sơn, thấy phong phú bao nhiêu thì hơn một nghìn năm sau, sau cuộc kinh lý của Mã Viện, kết quả thảm hại bấy nhiêu: đồ đào được ở Đông Sơn vào đời Tống chỉ gồm có những đồ gốm của người TQ, còn đồ đồng của người Lạc Việt đã biến mất không còn dấu vết.
Về chủng tộc, hệ quả cũng tương tự. Người Lạc Việt vào thế kỷ thứ Nhất, nội thuộc nhà Tây Hán, có sự lai giống nhưng yếu tố anh-đô-nê vẫn chiếm phần chủ yếu. Sau cuộc kinh lý của Mã Viện, non nghìn năm sau, kết quả ghê gớm là di tích bộ mặt của người đàn bà Lạc Việt vào đời Tống đào được ở Đông Sơn, không còn nhận ra được nữa vì nó đã trở thành mặt mông-gô-lích.
Ông Đào Duy Anh, một học giả chân chính, đã dùng hai chữ “tàn khốc” để mô tả sự việc đồng hóa này, ông bùi ngùi viết một footnote dài mà tôi xin chép lại dưới đây:
Sự đồng hóa của Hán-tộc là một điều may hay là một điều rủi cho dân tộc ta? Ở đây tôi muốn giữ thái độ hoàn toàn khách quan, không muốn đem sự suy đoán về giá trị để xét vấn đề đồng hóa. Vả chăng lịch sử là lịch sử, dù chúng ta suy đoán thế nào cũng không thể sửa đổi sự tình lịch sử được. Biết vậy mà chúng ta cũng không thể không nhận thấy rằng sau cuộc bắc thuộc thì người Việt-nam mất hẳn cái kỹ-thuật đồ đồng mà không thấy cái tài tinh xảo và cái sức hùng dũng biểu hiện trên các đồ ấy biến hóa vào giá trị mới tương đương, thế là họ đã mất mất những giá trị văn hóa rất quí. Chúng ta không thể không nhận đó là một kết quả tàn khốc của cuộc Bắc thuộc quá lâu dài. Đành rằng trên thế giới xưa nay không có chủng tộc nào và văn hóa nào tự bảo tồn thuần túy được, nhưng nếu sự đồng hóa diễn hành ở trên những điều kiện tự do thì kết quả của nó tất tốt đẹp hơn, vì sự đồng hóa bấy giờ chỉ là dung hòa những yếu tố tốt của người mà không bỏ mất yếu tố tốt của mình. Mỗi lần thấy cái trống đồng, mỗi lần nghĩ cái trống đồng, bất giác chúng tôi có cái hoài cảm rằng đã mất một cái gì quí báu to lớn mà hiện nay không tìm đâu thấy nữa.
Sau khi bình định được Giao Chỉ, trước khi rút về Tàu, Mã Viện sai người dựng cột đồng “Đồng trụ chiết, Giao chỉ diệt”, lại sai người thu thập trống đồng mang về Tàu để đúc một con ngựa. Mười lăm thế kỷ sau Mã Viện, nhà Minh lại có dịp khác xâm chiếm nước Việt. Rất may, lần chiếm đóng này chỉ là một cái nháy mắt trong chiều dài lịch sử, nhưng cũng đủ lâu để thi hành những mục tiêu chính của họ. Ngoài những sách vở Trương Phụ đã cho mang về Tàu, sắc chỉ của Minh Thành Tổ ngày 21 tháng 8 năm 1406 gửi cho viên tướng viễn chinh Chu Năng chỉ huy quân xâm lăng, viết, “… Một khi binh lính vào nước Nam, trừ các sách vở và bản in của đạo Phật, đạo Lão thì không thiêu hủy, ngoài ra hết thảy mọi sách vở văn tự, cho đến những loại ca lý dân gian, hay sách dạy trẻ nhỏ, loại sách có câu thượng đại nhân, khưu ất kỷ… một mảnh, một chữ, đều phải đốt hết. Khắp trong nước, phàm những bia do Trung Quốc dựng từ xưa đến nay thì đều gìn giữ cẩn thận, còn các bia do An Nam dựng thì phá hủy tất cả, một chữ chớ để còn...”[16]
Vẫn cùng một chủ trương “đào tận gốc, trốc tận ngọn” của ngàn đời, không bao giờ thay đổi cho đến tận ngày nay. Vì nước mình không phải là Tây Tạng, Tân Cương… nên họ cần có những thủ thuật khác.[17] Như ông Đào Duy Anh đã viết, “… lịch sử là lịch sử, dù chúng ta suy đoán thế nào cũng không thể sửa đổi sự tình lịch sử được.” Đúng vậy, vấn đề là phải làm sao để thấy không cần thiết phải sửa đổi sự tình lịch sử trong tương lai,khi nó đã trở thành một việc đã rồi, một chuyện hàn lâm (academic) khác.
Giao lưu và đồng hóa là chuyện thường tình trong lịch sử tiến hóa của nhân loại, nhưng chuyện tàn khốc cũng thường xảy ra, tuy hiếm hơn. Người TQ thật ra không độc quyền về giao lưu và đồng hóa tàn khốc, trong lịch sử chưa xa cho lắm không thiếu những trường hợp đồng hóa không kém phần khốc liệt. Tôi thường được nghe những chuyện tàn phá nền văn minh của dân bản địa ở Trung và Nam Mỹ nhưng vì không hiểu nhiều cho lắm nên không dám bàn ở đây, riêng câu chuyện ở Bắc Mỹ thì tôi có thể góp vài lời, xin đọc Phần III – Mừng sinh nhật một quốc gia [18]cho thêm chi tiết.
Khi vài người châu Âu đầu tiên đặt chân xuống lục địa mênh mông này thì họ thấy đây không còn là một vùng đất hoang mà đã là một xã hội có tổ chức. Mười nghìn năm trước công nguyên, cư dân sống trên châu lục Bắc Mỹ, tuy mật độ thấp nhưng họ đã là con người hiện đại – homo sapiens. Vùng đất hứa này bị lãng quên cho đến tận cuối thế kỷ 15, khi dân châu Âu, đặc biệt là Pháp và Anh, bắt đầu tràn vào Tân Thế giới. Thành phần những cư dân này phức tạp, có nhiều lý do khiến họ đến đây nhưng mục đích chính là đi tìm đất mới, để kiếm miếng ăn và làm giầu.
Nhóm chủng tộc Mỹ bản địa, tuy cũng để lại những dấu tích của một nền văn minh đáng kể ở nhiều nơi nhưng phần lớn mới thoát khỏi thời kỳ du mục, cấu trúc xã hội chưa đủ vững chãi, những thị tộc/bộ lạc của họ chưa đạt được khối lượng quyết định nhằm chống trả các đe dọa đến từ bên ngoài để tồn tại. Thế kỷ 16, khi bắt đầu tiếp xúc với nhóm chủng tộc Âu mới đến, một nhóm dân có nền văn minh tiên tiến, họ chưa sẵn sàng trước những thử thách mới. Cuộc giao lưu thoải mái lúc bắt đầu, tương đối thân thiện, trao đổi sòng phẳng, dân bản địa cũng cộng tác giúp đỡ người mới nhập cư thích nghi với hoàn cảnh. Nhưng với hai nhóm chủng tộc văn hóa chênh lệch như vậy, cùng sống trên một vùng đất mầu mỡ, đó thực là một đại họa đang chờ nổ ra.
Những cư dân đầu tiên đến châu lục này lẽ tự nhiên nhận mảnh đất hoang vu dưới chân họ là của họ; những người đến sau, cũng rất tự nhiên, tìm cách chia cắt/chiếm đoạt, nếu có thể. Dần dà, bản năng sinh vật đặc biệt tiềm ẩn nơi con người để lộ tính cách thực dân, thủ đoạn và mưu mẹo, thâm ý của nhóm chủng tộc Âu tại Bắc Mỹ bấy giờ là cưỡng chiếm đất đai bằng cách này hay cách khác, xấu hay tốt, nhẹ nhàng hay bạo lực. Họ sẵn sàng ký khế ước/thỏa hiệp với dân bản địa nhưng chính họ đã ngầm nuôi ý định không thi hành, mở màn một cuộc đụng độ dai dẳng, không cân xứng trong tình thế dân bản địa không phải là đối thủ.
Gần bốn trăm năm phải đương cự với sức mạnh “xâm thực” hung hãn của khối người đến sau, dân số bản địa bị giảm thiểu tới mức độ kinh hoàng, nhiều nơi gần như tuyệt diệt. Họ chết vì nhiều nguyên nhân, cưỡng bức, giết chóc tùy tiện, ngoài thiên tai, không ít vì bệnh truyền nhiễm, nhất là bệnh đậu mùa do khách phương xa mang đến và do cả phương cách điều trị bẩn thỉu.[19]
Vào thời điểm này, Pháp đã thua trận, phải nhường Canada cho Anh, toàn thể Bắc Mỹ, gồm Hoa Kỳ và Canada, trở thành lãnh thổ của Anh. Năm 1763, Anh Hoàng George III ban hành một văn kiện quan trọng gọi là Tuyên ngôn Hoàng gia (Royal Proclamation), tuyên bố chủ quyền trên khắp bầu trời Bắc Mỹ nay được trao cho vua George. Tuyên ngôn khẳng định rõ ràng rằng quyền sở hữu của dân bản địa đã tồn tại sẽ vẫn tiếp tục tồn tại, và rằng tất cả đất đai sẽ được coi là thuộc sở hữu của dân bản địa cho đến khi có sự chuyển nhượng bằng hiệp ước. Ngoài ra, Tuyên ngôn cấm người định cư không được chiếm đất từ dân bản địa, trừ khi đất đã được nhà Vua (the Crown) mua trước và sau đó bán lại cho người định cư. Tuyên bố quy định thêm rằng chỉ có nhà Vua mới có thể mua đất từ dân bản địa.
Tuyên ngôn của nhà Vua là luật, mà luật này có cơ chế của hiến pháp. Too good to be true. Người dân bản địa khó có thể đòi hỏi nhiều hơn, may ra họ có thể sống chung hòa bình với những người mới đến.
Năm 1776 Hoa Kỳ tuyên bố độc lập, 13 năm sau khi Tuyên ngôn được công bố, tất nhiên nó không còn hiệu lực ở Hoa Kỳ. Tổng thống George Washington và Henry Knox đã nảy ra ý tưởng đồng hóa người Mỹ bản địa bằng cách “văn minh hóa” họ. Từ đó, sự đồng hóa, tự nguyện hay bắt buộc, đã trở thành một chính sách nhất quán của chính quyền Mỹ qua các thời đại, duy có “văn minh hóa” thì hầu như bị bỏ quên. Hệ tư tưởng mới của dân tộc Mỹ bấy giờ là “số mệnh hiển nhiên” – manifest destiny – với suy nghĩ này thì số mệnh hiển nhiên của dân bản địa Mỹ sẽ là máu và nước mắt. Đất đai, nhà cửa, văn hóa, ngay cả đời sống của họ, có hiệp ước hay không, tất cả mọi thứ đều bị đánh cướp hết. Một ví dụ, năm 1830, Quốc hội Hoa Kỳ thông qua Đạo luật Di chuyển dân Da đỏ – Indian Removal Act, Tổng thống Andrew Jackson đã ra lệnh cho di chuyển hết dân Mỹ bản địa từ vùng đất nơi họ ngụ cư đến các vùng đất phía tây sông Mississippi. Sự việc như đã xẩy ra thực chất là một cuộc thanh lọc sắc tộc gồm nhiều bộ tộc (trong đó có năm bộ tộc gọi là văn minh, i.e. bộ tộc có nhiều thuộc tính của văn hóa thực dân nhưng văn minh cũng không cứu được họ) bị bắt buộc bước vào những hành trình di cư tàn bạo được mệnh danh là “Đường mòn Nước mắt” – The Trail of Tears. Cưỡng chiếm đất đai hay thẳng tay tàn sát là những sự việc đã xẩy ra trong nhiệm kỳ của nhiều đời tổng thống.
Công cuộc đồng hóa dân bản địa ở Canada không đẫm máu đến như vậy tuy kết quả của nó cũng tàn bạo không kém. Năm 1867, Quốc hội Anh soạn thảo một dự luật cho Bắc Mỹ thuộc Anh (British North America Act – BNA Act) trong đó tinh thần của Tuyên ngôn vẫn được giữ và nhanh chóng thông qua thành luật, khai sinh cho Dominion of Canada, một thuộc địa tự trị. Từ đây, BNA Act hay Luật Hiến pháp 1867 sẽ là hiến pháp của Canada; và Canada muốn tu chính hiến pháp thì phải yêu cầu Quốc hội Anh sửa đổi Luật Hiến pháp.
Năm 1876, Quốc hội Canada thông qua Đạo Luật Dân bản địa (Indian Act – Indian: Da đỏ, chữ dùng trong những tài liệu luật pháp chỉ chung người dân bản địa) thống nhất tất cả các luật khác liên quan đã được ban hành từ trước, dựa trên quy định của Luật Hiến pháp 1867, hệ thống hóa các quyền lợi hứa hẹn giành cho dân bản địa trong Tuyên ngôn của vua George.
Có nên tin lời hứa hẹn của mấy ông đế quốc thực dân không? Chắc là không, vì nếu có thì cũng chẳng được bao nhiêu. Luật Dân bản địa xác định chính phủ liên bang có độc quyền tài phán (exclusive jurisdiction) về “dân và đất giành cho dân bản địa”, nói cách khác, vừa đá bóng vừa thổi còi. Dù sao đi nữa, có lẽ người làm luật chưa nghĩ đến nơi, Luật chắc cũng gây chút ít phiền hà nào đó vì lâu lâu lại có một tu chính án thay đổi luật. Cho đến đầu thế kỷ 20, Đạo luật đã được tu chính hơn hai mươi lần, kể từ năm 1876 khi được thông qua. Tu chính án như chiếc vòng kim cô cứ xiết trên đầu dân bản địa mỗi ngày một chặt.
Xin kể ở đây một tu chính án được thông qua năm 1884, thiết lập hệ thống trường nội trú (residential school) dành cho trẻ con bản địa. Từ đầu thập niên 1880, một hệ thống trường nội trú được chính phủ tài trợ nhưng do nhà thờ điều hành, được thành lập tương đối quy củ trên khắp Canada. Cơ quan chức năng lùng bắt con em dân bản địa, đưa chúng đến các trường xa cộng đồng và chúng phải chịu sự cách ly với gia đình của chúng trong một thời gian dài không được tiếp xúc thường xuyên với người thân yêu.
Trẻ con bản địa không đến trường nội trú bị coi là bất hợp pháp. Trong trường nội trú, chúng bị bắt buộc phải nói tiếng Anh hay tiếng Pháp, cấm không được nói tiếng mẹ đẻ. Chúng bị ngược đãi, đánh đập. Ấy là chưa nói tới tệ nạn lạm dụng tình dục dưới nhiều hình thức khủng khiếp trong tay các nhân viên của nhà thờ, để lại di chứng lâu dài ảnh hưởng đến sự hình thành nhân cách của chúng khi lớn lên. Chúng lạc lõng trong cả hai môi trường, cộng đồng gốc và xã hội Canada. Vì mục đích của chính phủ và nhà thờ là xóa bỏ tất cả dấu ấn của văn hóa bản địa ở trẻ nhỏ nên hậu quả không tránh được là đã làm gián đoạn, thậm chí cắt đứt sự dẫn truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác.
Hơn một trăm năm trong chế độ trường nội trú, chừng 150.000 trẻ con bản địa đã bị đưa vào hệ thống, trong số đó, người ta ước tính con số tử vong thật sự ít nhất là 20.000 do sổ sách ghi chép luộm thuộm. Quan trọng hơn thế, hơn một trăm năm trường nội trú đã tạo nên những thế hệ bản địa què quặt nối tiếp nhau. Ảnh hưởng sâu rộng của các trường nội trú ngày nay vẫn còn tiếp tục tác động nặng nề trên các cộng đồng bản địa, đưa tới một tỷ lệ rất cao những tình trạng nghiện rượu, lạm dụng thuốc xái và tự tử.
Năm 1967, tạp chí Maclean trong một truyện chạy tít ở trang bìa, tường thuật cái chết đơn độc, bi thảm bên cạnh đường xe lửa của Chanie Wenjack, một đứa trẻ 12 tuổi, liều bỏ trốn khỏi trường nội trú ở miền bắc Ontario. Thằng bé chết vì đói và rét, trong túi chỉ vỏn vẹn có sáu que diêm được giữ khô trong một cái lọ kín. Nó tìm đường về với bố nó cách xa hơn 600 cây số… Trong suốt thế kỷ 20, đã có nhiều thông tin chi tiết về sự ngược đãi học trò nội trú cùng các tệ hại khác của hệ thống trường này, nhưng chỉ đến khi câu chuyện của tạp chí Maclean xuất hiện, chính phủ Canada mới bắt buộc phải nhìn nhận sự thật và thay đổi chính sách. Trường nội trú cuối cùng đóng cửa vào năm 1996.
Cuộc giao lưu với dân bản địa, trong thực tế rất tàn khốc, tuy có lẽ không đẫm máu như bên Mỹ nhưng Canada cũng đã thành công giống hệt như Mỹ. Canada ngày nay đang cố chuộc lại những sai lầm xa xưa nhưng không dễ. Ta hãy chờ xem.
Chữ Nôm và Chữ Quốc ngữ
Nhớ lại, cho đến thế kỷ 20, chúng ta có văn tự chính thức là chữ Hán và một hệ thống chữ Hán âm Việt gọi là chữ Nho, ngoài ra ta còn có chữ Nôm, một ngôn ngữ gồm chữ viết và tiếng nói, tiếng mẹ đẻ của ta. Với ngần ấy nguồn gốc ngôn ngữ, ta có cả một gia tài văn thơ Hán-Việt phong phú.
Một người Việt gọi là có học khi bước vào thế kỷ 20, tương đối phải tinh thông chữ Hán và chữ Nôm. Một đòi hỏi nặng nề cho một người Việt trung bình như kẻ viết bài này vì, như ta đã biết, chữ Hán rất khó học.[20] Đã vậy, muốn học chữ Nôm, lại cần phải thông hiểu chữ Hán phồn thể (thứ chữ Hán cổ điển trước khi được giản dị hóa, gọi là giản thể); vì vậy, có người nói chữ Nôm còn khó bằng 5 lần chữ Hán nhưng chắc điều này có phần cường điệu vì tôi thấy các cụ ta, ai thông hiểu chữ Hán đều viết được chữ Nôm.
Các cụ ta nói: chữ Nho “khi dùng được thì trán đã nhăn, lưng đã còng” hay “học cho đến chết cũng chưa nhớ nổi một phần ba”; thế nào chăng nữa, học chữ xong thì quá mệt mỏi không còn làm cái gì khác được và đó cũng là lý do quá nhiều người ta hay người Tàu mù chữ. Đến nỗi năm 1936, Lỗ Tấn trước khi mất còn trăng trối “Không diệt chữ Hán thì TQ ắt mất nước.” Rồi Mao Trạch Đông cũng nói “Lối thoát của chữ Hán là Latin hoá” nên ngay sau khi thống nhất lục địa, chính quyền trước hết bắt đầu thành lập ủy ban để giản dị hóa, bỏ bớt nét để chữ Hán trở thành loại chữ giản thể vào năm 1955.
Về chữ viết của ta, thế kỷ 19 là buổi giao thời. Văn thơ chữ Nôm với sức tiến lành mạnh không ngừng nghỉ, nếu nước ta được bình yên, độc lập, thì rất có thể, vì tự hào dân tộc, sẽ có nhiều người trong nước đứng lên khởi xướng việc dùng chữ Nôm thay chữ Hán làm chữ viết chính thức. Nhưng không có gì bảo đảm sự thay đổi này sẽ thành công, 20 thế kỷ chữ Hán đã ăn sâu vào xương tủy, não bộ những thành phần tinh hoa nhất của dân tộc, nếu không có những va chạm Ta-Tàu tủi hổ, nặng nề qua nhiều thế kỷ thì có khi “tiếng lòng tôi ” đã là một phương ngữ Tàu khác, gồm chữ Nho cộng năm ba chữ Nôm còn sót lại, và chữ Nôm như ta biết ngày nay có thể đã không còn lưu lại bao nhiêu dấu vết.
May hay rủi, lịch sử đưa đẩy ta đến một va chạm mới, từ đó khai sinh một thứ chữ mới, dùng mẫu tự La-tinh làm căn bản, đó là chữ Quốc ngữ. Vào thời điểm có thể được chọn lựa, tức là cuối thế kỷ 19 đầu thế kỷ 20, chữ Quốc ngữ đã có tuổi đời đến 3 thếkỷ và đã được gọt rũa gần như toàn bích. Thêm nữa, nó hơn chữ Hán ở chỗ có thể viết (phiên âm) bất cứ một tiếng Việt (Nôm) nào, một đặc tính mà chữ Hán không có được, và một người Việt bình thường chỉ cần học vài tháng là có thể biết đọc biết viết. Đứng trước tự do chọn lựa, cả chữ Nôm lẫn chữ Hán đều không phải là đối thủ, chưa kể với chữ Hán thì còn phải chờ thêm hơn nửa thế kỷ nữa mới được làm phẫu thuật “thẩm mỹ” để giản dị hóa chút ít.
Tuy vậy, mặc tất cả những đặc tính quý báu này, chữ Quốc ngữ vẫn có một đối thủ vô cùng nguy hiểm, đó là chữ Pháp nhưng rất may không có gì đáng tiếc xảy ra. Thêm ít chục năm nữa, khoảng đầu thập niên 1940, tôi nghe nói người Pháp có ý định thay chữ Quốc ngữ hoàn toàn bằng tiếng Pháp, bắt trẻ con Việt phải chuyển sang học tiếng Pháp giống như ở Phi châu, từ ngay ở lớp vỡ lòng bậc tiểu học, tranh biếm thời sự: Nos ancêtres sont des Gaulois, nhưng lịch sử đã không cho phép.
Danh xưng “Quốc ngữ”, có lẽ xuất hiện ngay từ thế kỷ 17, chính xác vào lúc nào thì rất khó nói (khi chữ “quốc” còn viết là “quấc”), trước hết đó là một “mạo phạm/thậm xưng” nghiêm trọng vì trong suốt mấy thế kỷ nếu ta có một Quốc ngữ thì đó là chữ Hán hay chữ Nôm. Nhưng dùng mãi quen đi, khi nói “chữ Quốc ngữ” ta chỉ muốn nói cách viết tiếng Việt dựa trên mẫu tự La-tinh, hoàn toàn tương đương với “chữ Nôm,”một cách viết tiếng Việt khác.
Trong đoạn mở đầu bài viết tôi kể truyện tranh Alexandre de Rhodes và nói tôi coi ông như một thần tượng, con nít mươi tuổi dễ tin và giữ niềm tin ấy suốt đời! Lớn lên, tôi nhớ rõ ràng một câu đã tình cờ được đọc đâu đó, có lẽ trong sách của ông Dương Quảng Hàm, như sau, “Francisco de Pina là người đã phát minh ra chữ Quốc ngữ năm 1617.” Cái tên lạ hoắc, không phải là Alexandre de Rhodes. Tuy không vội tin nhưng bắt đầu nghi hoặc nên từ đó, khi có dịp, tôi thường chú ý đến chuyện chữ Quốc ngữ và Alexandre de Rhodes. Chẳng bao lâu tôi có thể thuyết phục được chính mình là tôi đã bị lừa nên rất bực tức, cái bực tức của một đứa trẻ bị bịp nhưng vì không có đối tượng thành ra cũng chỉ ấm ức trong lòng rồi quên đi.
Sau một thời gian rất dài, cách đây chừng hai năm trong khi lướt mạng tôi thấy mẩu tin một phái đoàn từ Việt Nam sẽ đi hành hương tảo mộ Alexandre de Rhodes ở Iran để tỏ lòng tri ân. Trời đất! Vượt trùng dương đến tận Iran để tảo mộ trong khi mộ của Pina, ông tổ rất xịn, ở ngay gần nhà thì chẳng ai thăm. Nhớ lại quá khứ bực mình cũ, tôi quyết định viết một bài thật … “scholarly” để chứng minh rằng Alexandre de Rhodes không phải là người đầu tiên phát minh ra chữ Quốc ngữ. Tôi bắt đầu truy tầm, gom góp tài liệu, sách vở và đã được khá nhiều để viết. Với tiện nghi tin học thế kỷ 21, công việc tuy đòi hỏi nhiều thì giờ nhưng không khó khăn cho lắm. Không cần bước chân ra khỏi nhà, ta cũng có thể kiếm được và tự mình xem/đọc những tài liệu gốc hay cổ xưa thế kỷ 17, 18 như cuốn tự điển hay cuốn sách kể lại các phiêu lưu, hành trình của Rhodes hay những sách khác của các tác giả Cristoforo Borri, Gaspar d’Amaral, vân vân.
Chưa kịp viết chữ nào thì tôi được đọc bài của Thụy Khuê: Quê hương ngày trở lại – Phú Yên,[21] thấy trong bài này hầu như tất cả những gì tôi muốn nói nên tôi chả có lý do gì viết thêm nữa. Thế nhưng đâu đã xong, ít lâu sau bài của Thụy Khuê, độc giả được đọc trong Người Việt Online bài tường thuật buổi họp mặt tại hội trường tòa báo để coi phim tài liệu “Chuyến đi thăm mộ Alexandre de Rhodes,” và nghe phái đoàn đi hành hương, khăn đóng áo dài, tường trình buổi thăm viếng. Hàng tựa lớn “…hành trình tri ân ông tổ của chữ Quốc Ngữ” như đập vào mắt, thúc giục tôi phải viết vì ngày nay với Internet những gì được nhắc đi nhắc lại nhiều lần, hình như sẽ được coi là sự thật, con cháu mình không biết đâu mà mò. Tôi muốn viết để chỉ ra rằng chữ Quốc ngữ có được là do công sức của nhiều người, ngoài những tên tuổi lớn, còn khá nhiều người Việt mà nay danh tính đã mai một. Tuy nhiên, nếu ai muốn nhấn mạnh về một ông tổ đích thực, một người đã đặt viên gạch làm nền cho công trình thì người đó phải là Francisco de Pina.[22]
Lần này tôi quyết tâm nên đã viết được khá nhiều trong khi vẫn tiếp tục tìm kiếm thêm tài liệu và duyên nợ cột buộc thế nào, tôi lại rơi vào bài viết của Gs Roland Jacques, Bồ Đào Nha và công trình sáng chế chữ quốc ngữ – Phải chăng cần viết lại lịch sử.[23]Tôi tự xét mình không thể viết chi tiết rõ ràng và thuyết phục hơn ông giáo sư nên đành bỏ cuộc dù thật lòng tiếc rẻ, cố vớt vát chỗ nào dùng được, gom lại cho bài tản mạn này.
Bài của Gs Roland Jacques viết cách đây hơn hai chục năm, là một công trình khảo cứu công phu với quá nửa là phần chú thích. Ngoài những chi tiết về chữ Quốc ngữ ông còn cho ta cả một bối cảnh lịch sử của thời đại gồm mấy thế kỷ về liên hệ lịch sử giữa Bồ Đào Nha và Việt Nam, về sứ mệnh truyền giáo phức tạp, về địa vị độc tôn của Rhodes trong suốt mấy thế kỷ cùng sự vắng mặt bất công của những giáo sĩ Bồ.
Một điểm tế nhị mà ông nhấn mạnh làm tôi ngạc nhiên và thích thú là một tôn chỉ trong việc truyền giáo, ít nhất đối với các tu sĩ dòng Tên dưới sự bảo trợ của Bồ Đào Nha (under the Padroado regime), là dùng tiếng bản địa và trong trường hợp Việt Nam, tiếng bản địa đó không phải là chữ Hán mà là tiếng Việt tức chữ Nôm. Đó là một chọn lựa hết sức thâm trầm và nhân bản, nó giữ nguyên được cỗi rễ truyền thống Việt trong cộng đồng Kitô giáo mới được khai sinh, và hơn thế nữa, RJ nhận xét rất tinh tế, chữ Nôm “đúng là một quốc tự, nghĩa là chữ viết quốc gia. Những chữ viết ‘nôm’ lại có thể trực tiếp mượn các nguồn chữ hán một cách thoải mái, nên mãi phát triển rộng và sâu. Chữ quốc ngữ không bao giờ có được sức tác dụng có tính cách tượng trưng đó.”
Nhưng học chữ Nôm còn khó gấp “đôi” chữ Hán. Để vượt qua khó khăn này các nhà truyền giáo đã có một nền tảng khá vững vàng, bắt đầu bằng sự la tinh hóa tiếng Nhật từ thế kỷ 16,[24] qua Việt Nam Pina cùng những giáo sĩ Bồ dùng mẫu tự La tinh đặt nền móng cho chữ mà sau này gọi là Quốc ngữ, căn bản là để dùng trong nội bộ giữa những giáo sĩ muốn học tiếng Việt cho mục đích truyền giáo. Vì vậy, lúc đầu sách vở dùng thứ chữ này, nếu có, là những sách nội bộ; cho đến thế kỷ 20 sách về tôn giáo được xuất bản vẫn dùng tiếng Nôm.
Thoạt tiên Pina có lẽ cũng ngộ nhận rằng tiếng Việt không có ngữ pháp, giống như Ricci với tiếng Hoa trước ông, nhưng với sự trợ giúp đắc lực của Phêrô, một người Việt phụ giúp trẻ tuổi, giỏi chữ Hán (Nôm?) ông nhìn ra được sự giản dị của ngữ pháp Việt nên ông tìm cách giải quyết trước một vấn đề gai góc hơn, ấy là thanh của tiếng Việt. Theo Roland Jacques, căn cứ vào “… lời xác nhận của chính linh mục Pina, ngay từ năm 1622, ông đã hoàn thành việc xây dựng một hệ thống chuyển mẫu tự La tinh cho thích hợp với lối phát âm và thanh điệu tiếng Việt Nam. Ông đã làm được một tuyển tập và bắt đầu viết một bản văn phạm. Kết quả đó, linh mục Pina đã đạt được một cách vất vả, với sự trợ giúp của một số ít học sinh Việt Nam qui tụ chung quanh ông.”
Tập di cảo của Francesco de Pina lưu giữ tại Thư viện Hoàng gia Bồ Đào Nha
Pina bất ngờ qua đời năm 1625 ở Quảng Nam, một sự mất mát vô cùng lớn lao cho tiếng Việt và cho những người cộng sự gần xa quanh ông, cho chúng ta. Đọc trang di cảo ở dưới, nói là di cảo của Pina, nếu đó là những trang lấy từ những sách vở, bản thảo của ông được chuyển về tàng trữ tại Bồ Đào Nha cho tới ngày nay, thì ta thấy những thanh điệu của tiếng Việt được ghi trên khuông nhạc bằng những nốt nhạc cùng các dấu thăng trầm (sharp: # và flat: b) là một sáng kiến tuyệt vời, còn cách viết thứ chữ Quốc ngữ của ngay phần tư đầu thế kỷ 17 không xa cách viết hiện tại bao nhiêu.
Dẫu vậy, năm 1625 khi Pina mất, chữ Quốc ngữ chưa thể có đủ hết thanh điệu,[25] một lý do rất giản dị là vì Pina chỉ ở Đàng Trong quanh quẩn vùng Quảng Nam. Vào thời điểm này, về việc ghi thanh điệu, mới chỉ có 4 dấu thanh xuất hiện (sắc, huyền, hỏi, ngã) và cách sử dụng các dấu thanh này vẫn chưa thống nhất, nhưng các giáo sĩ truyền giáo cùng những người cộng tác vẫn tiếp tục làm việc không ngừng nghỉ. Năm 1630-1631 có cuộc gặp gỡ quan trọng của các giáo sĩ đã từng hoạt động ở cả Đàng Trong và Đàng Ngoài quy tụ tại Macao, rồi sau đó, tháng 2 năm 1631, một nhóm bốn giáo sĩ trong đó có Gaspar do Amaral vàAntónio de Fontes quay lại Đàng Ngoài. Chẳng bao lâu họ có thể khẳng định được mỗi con chữ ghi một âm tiết và 5 dấu thanh đã được dùng để ghi đúng các thanh điệu cần ghi. Năm 1634, Amaral, báo cáo đã hoàn thành một cuốn từ vựng sẵn sàng để cho các Thừa sai đến sau chuẩn bị học tiếng.
Nhớ lại, tiếng Nôm là tiếng được dùng để truyền giáo. Vì vậy, một giáo sĩ truyền giáo cần phải nói được tiếng Nôm, tức là phát âm cho đúng chữ Nôm được viết ra, rồi có thể ghi lại tức phiên âm chữ Nôm ấy thành chữ Quốc ngữ, gom lại thành một cuốn từ vựng để dùng trong nội bộ, cho các Thừa sai đến sau học tiếng Việt. Phạm Thị Kiều Ly[26] gọi tiếng Việt được sáng tạo ở Đàng Trong trong thời gian này là chữ tiền Quốc ngữ. Nếu không được hoàn chỉnh, phát triển thêm trong môi trường thích hợp thì có lẽ mãi mãi nó cũng sẽ chỉ là một thứ fast food, ăn tạm cho đỡ đói vì, dù sao, chữ Nôm cũng là một tiếng nói đã sống khỏe mạnh quá 5 thế kỷ.
Ngôi mộ của giáo sĩ Pina ở sau nhà thờ Phước Kiều (Quảng Nam)- Ảnh: T.L.
Cuối năm 1631, Girolamo Maiorica đến Hà Nội cùng với một giáo sĩ khác. Maiorica là người đã có nhiều kinh nghiệm về Việt Nam; năm 1624 ông đến Hội An cùng thuyền với Alexandre de Rhodes, João Cabral và mấy giáo sĩ Dòng Tên khác. Sau một thời gian học tiếng Việt với Francisco de Pina cùng với Rhodes, ông vào tiếp tục học tiếng Việt và có lẽ cả chữ Nôm tại Dòng Tên ở Nước Mặn (Quy Nhơn ngày nay). Maiorica là giáo sĩ ngoại quốc độc nhất để lại nhiều tác phẩm chữ Nôm về đạo Thiên Chúa tại Việt Nam.
Các tác phẩm của Maiorica được coi là cái mốc quan trọng trong lịch sử văn học công giáo Việt Nam và về chữ Nôm thế kỷ 17. Ông là người đã dùng nhiều từ ngày nay vẫn còn thông dụng trong những kinh cầu, ví dụ như thương khó, cứu rỗi linh hồn, tin kính,hằng sống, cả sáng. Là một trong những người đầu tiên viết tản văn chữ Nôm, theo Võ Long Tê, Maiorica đã “sáng chế một số từ ngữ giản dị mà sâu sắc hợp với tinh thần tiếng Việt và vừa tầm niểu biết của giới bình dân như: Phó mình đi tu hành, Phúc mọn, đánh tội, giải tội, dốc lòng chừa, ý Đức Chúa Trời sâu nhiệm lắm…” [27] (trong truyện Ông Thánh Y-na-xu). Thiết lập một tương ứng nhất quán giữa chữ Nôm và chữ Quốc ngữ có lẽ là điều cần thiết bậc nhất trong việc hình thành chữ Quốc ngữ, vậy mà tên Girolamo Maiorica hoàn toàn bị bỏ quên cũng như tên Pina và nhiều tên khác, không được nhắc đến trong lịch sử của thứ chữ mới mẻ này. Những năm gần đây mới bắt đầu thấy xuất hiện những công trình khảo cứu về Maiorica.
Thêm hơn hai trăm năm nữa, thoát ra khỏi môi trường chật hẹp của phái bộ truyền giáo và của khối giáo dân, với đóng góp của biết bao nhiêu người khác, nhất là một số linh mục và thày giảng tinh thông chữ Nôm và chữ Quốc ngữ, bộ mẫu tự la tinh của tiếng Bồ được thêm bớt cho thích hợp với tiếng Việt cũng đã ổn định, với cách dùng kỳ diệu 5 dấu sắc, huyền, hỏi, ngã, nặng cho 6 thanh Việt,[28] chữ Quốc ngữ có thể phiên âm bất cứ chữ Nôm nào, đến đầu thế kỷ 20 đã có thể được coi là toàn bích. Như mọi ngôn ngữ khác, đây đó ta có thể sửa một vài khiếm khuyết nếu có, nhưng chữ Quốc ngữ, tiếng Việt của ta, toàn bích.
Tưởng cũng nên thêm, giáo sĩ người Bồ là những người đầu tiên đến truyền giáo ở Việt Nam nên bộ mẫu tự cho tiếng Việt được phát triển từ bộ mẫu tự tiếng Bồ là chuyện rất tự nhiên. Việc chọn lựa những dấu thanh cùng những tổ hợp nguyên âm và phụ âm cho phát âm tiếng Việt (ví dụ nguyên âm đôi diphthong au) đã được thử nghiệm cẩn trọng trong một thời gian dài, giữa Pina và sau đó đến các linh mục người Bồ với các thày giảng người Việt nên chính xác và mỹ thuật (ví dụ chọn lựa giữa i và y). Có lẽ rất may mắn là cách phát âm tiếng Bồ và tiếng Việt có nhiều trùng hợp nên kết quả là tiếng Việt có được một chữ viết, ngày nay nhìn lại, tưởng như thực giản dị, dễ dàng.
Tình cờ một thí nghiệm tiếng Việt được Mai Kim Ngọc thực hiện ngược lại trên người nói tiếng Bồ cho một kết quả khá ngạc nhiên.[29] Mai Kim Ngọc đi du lịch Brazil có cô sinh viên Brazil hướng dẫn. Chuyện nọ dẫn đến chuyện kia, anh làm trắc nghiệm trên cô sinh viên hướng dẫn:
Tôi nghĩ hoàn cảnh thuận lợi để tìm hiểu tại sao tiếng Bồ nghe giống tiếng Việt. Tôi viết ra giấy chữ NGA bắt cô gái đọc, hy vọng cô sẽ không đọc thành NHA như những người Pháp hay Mỹ. Cô không phạm phải lỗi phát âm ấy, chỉ thoáng ngạc nhiên là tại sao cô lại bị đem ra trắc nghiệm. Tôi lại bắt cô đọc NGA NGỦ NGON, mệnh đề ba chữ đã vặn lưỡi vô số người ngoại quốc. Cô đọc vẫn chuẩn. Không có vụ NHA NHỦ NHON như đám bạn người nước ngoài của tôi… Tôi đố thêm vài phụ âm nữa nhưng đặt ở đuôi của từ, như manG và manH, hay thanG và thanH xem cô gái có phân biệt được mang với manh hay thang với thanh không. Cô không gặp khó khăn gì. Cô còn thoải mái với mấy nguyên âm có bỏ đủ dấu sắc huyền hỏi ngã nặng.
Trong gần hai thế kỷ, để giúp cho việc học chữ Quốc ngữ chỉ có hai cuốn sách được xuất bản bởi Alexandre de Rhodes cho nên trong môi trường nào đó, ông là một ngôi sao sáng. Nhưng ông không bao giờ tự nhận mình là người khai sáng chữ Quốc ngữ, thậm chí tự ông còn viết trong cuốn Tự điển Việt-Bồ-La nhận Pina là người đã dạy ông tiếng Việt, vì vậy tôi chẳng có gì phải chứng minh cả. Tất cả chỉ là vì sau khi ông mất đến hơn 200 năm ông bị thực dân Pháp “co-op” để kể công với dân thuộc địa, đưa tới sự ngộ nhận về ông về phương diện này. Dù sao ông cũng ở trong số những nhân vật quan trọng có công phát triển chữ Quốc ngữ. Nhưng riêng tôi, nhất là sau khi đọc thêm cuốn Divers voyages et missions… của ông tôi vẫn còn dè dặt, vẫn nghĩ rằng việc bầu đoàn thê tử người Việt chúng ta làm cuộc hành hương tảo mộ tri ân ông là quá hậu hĩ.
Sau cùng có hai nhân vật có công rất lớn trong sự thành công của chữ Quốc ngữ tuy kết quả đưa đến lại rất bất ngờ, đó là Toàn quyền Paul Doumer và vua Khải Định. Trước hết là Paul Doumer ký một sắc lệnh từ năm 1898 và được áp dụng hẳn vào năm 1909, để đưa chữ Quốc ngữ vào các kỳ thi. Người Pháp tất nhiên chẳng tử tế gì, họ chỉ muốn loại bỏ hết ảnh hưởng của chữ Hán và chữ Nôm, vì với chữ Quốc ngữ công việc hành chính để cai trị dân mình sẽ dễ dàng hơn. Họ đã thành công, nhưng họ quên mất rằng nhờ có chữ Quốc ngữ mà tiếng nói của người Việt còn phát triển mạnh hơn, do đó sự chống đối của dân tộc mình còn mạnh và bền bỉ hơn, hoàn toàn bất lợi cho họ.
Còn vua Khải Định, với trọng trách trị dân không có gì đặc sắc, ngày 28-12-1918 ông ban hành chỉ dụ số 123 bãi bỏ chế độ khoa cử Hán học (bắt đầu từ năm 1919), chữ Quốc ngữ và chữ Pháp sẽ được sử dụng thay thế chữ Hán trong chế độ khoa cử và thể chế hành chính. Như thế, chỉ dụ 123 chỉ là phiên bản của sắc luật do Toàn quyền Paul Doumer đưa ra trước đó. Thực tế là với sự kết hợp giữa chỉ dụ của vua Khải Định và sắc lệnh của Paul Doumer, chỉ cần một thế hệ là cũng đủ để chữ Quốc ngữ bén rễ trên cả nước. Công của ông, do đó rất lớn, nhưng lỗi lầm cũng không phải là nhỏ. Chỉ cần một ông vua có tầm nhìn xa vừa phải và quần thần của ông không là những người hèn kém thì một mặt phát triển chữ Quốc ngữ đã đành nhưng đồng thời mặt kia cũng nên dự liệu làm sao để giữ được chữ Hán và chữ Nôm không mai một cho các thế hệ tương lai. Dù sao dân tộc mình đã sống với chữ Hán trong suốt chiều dài của lịch sử, chữ Hán cùng với chữ Nôm đã trở thành tiếng của mình, cho dẫu không là quốc ngữ nhưng chúng hàm chứa ít nhiều vẻ đẹp của văn chương một thời vang bóng qua các thế hệ cha ông chúng ta. Tôi chỉ nhận ra điều này khi tôi vào thăm Văn Miếu và đọc được lõm bõm vài phương danh khắc trên bia đá.
07/2020
[1] Trần Văn Giáp (1902-1973), một học giả lớn củaViệt Nam thế kỷ 20. Ông cùng với gs Hoàng Xuân Hãn (Mời đọc: “Nhớ lại Hội truyền bá quốc ngữ nhân kỷ niệm 50 năm”) và Vũ Hy Trác đã sáng lập Hội Truyền bá Quốc ngữ, và là người đề xướng ra phương pháp “i-tờ” để dạy đánh vần chữ Quốc ngữ.
[2] Hoàng Xuân (Sưu tập và chú dẫn), Trần Tế Xương Thi tập – Á Châu (1958), trang 61. Gần đây tôi kiếm được tập thơ trên do ông Hoàng Xuân sưu tầm, trang 61 có hai bài thơ tương tự, khác phiên bản của gs Đàm Quang Hưng vài chữ. Phiên bản của gs Hưng có xuất xứ nhất quán và vui hơn.
[3] Will Durant, The story of civilization -Vol 1 – Our Oriental Heritage, p.642 (1954)
[4] William G. Boltz, The Invention of Writing in China
[5]Nguyễn Hải Hoành, Lạm bàn về tính ghi ý của chữ Hán
[6] https://vi.wikipedia.org/wiki/Chữ_Hán
[7] Đào Duy Anh, Nguồn gốc Dân tộc Việt Nam (1950)
[8] Trần Trọng Kim, Việt Nam Sử lược (1971)
[9]Nguyễn Khắc Viện, Việt Nam – Một Thiên Lịch Sử (1987); Phạm Văn Sơn, Việt Sử Tân Biên – Quyển 1 (1956)
[10] http://nghiencuuquocte.org/2020/04/22/ban-them-ve-nuoc-nam-viet-cua-trieu-da-va-lich-su-viet-nam/#_ftn3
[11] Thi viện.net: Hàn Thuyên – Văn tế Cá sấu
[12] Wikipedia: Chữ Nôm và chữ Quốc ngữ
[13] Đào Duy Anh, Chữ Nôm: Nguồn gốc – Cấu tạo – Diễn biến, tr. 9 (1975)
[14] Đào Duy Anh, Việt Nam Văn hóa Sử cương, tr. 306 (1938)
[15] Đào Duy Anh, Nguồn gốc Dân tộc Việt Nam, tr.72 (1950)
[16] Nguyễn Minh Tấn, Từ trong Di sản, câu trích ở trong Thay lời tựa (1981)
[17]Người Việt Online:Nhiều dự án ‘nhạy cảm’ của Việt Nam …
[18] https://boxitvn.blogspot.com/2018/06/thu-gian-chu-nhat-150-nam-lien-bang.html#more hay Nguyễn Đức Tường, Bài Mừng Sinh nhật một Quốc gia…,Tập san 48-55 Khải Định, số 23, 291 (2018)
[19] Amherst, tướng Tổng Tư lệnh Bắc Mỹ của Anh viết cho các cấp chỉ huy dưới quyền về việc chủng đậu (innoculate!?) cho dân bản địa bằng những cái chăn (đã được dùng cho người bị bệnh) hay bằng bất cứ phương tiện nào khác (by means of blankets, as well as to try every other method that can serve to extirpate this execrable race). Chú ý mấy chữ cuối cùng mà tôi dịch là “bằng bất cứ phương tiện nào khác.”
[20] Nguyễn Hải Hoành, Tản mạn đôi điều về chữ Hán
[21]Thụy Khuê, Quê hương Ngày trở lại: http://thuykhue.free.fr/stt/q/QueHuongToi-04.html
[22] Tôi mới xem lại bài tường thuật trên Người Việt Online, hàng tựa đã được đổi thành “…hành trình tri ân Alexandre de Rhodes, người có công lớn với chữ Quốc Ngữ.” Tôi hãy còn bản ông tổ trong máy tính.
[23]Roland Jacques, Bồ Đào Nha và công trình sáng chế… http://ttntt.free.fr/archive/Roland4.html
[24] Phạm Thị Kiều Ly, The-True-Editor-of-the-Manuductio-ad-linguam, p.71
[25]Phạm Thị Kiều Ly, Lịch sử chữ Quốc ngữ từ 1615 đến 1861
[26]ibid.
[27]Võ Long Tê, Lịch sử Văn học Công giáo Việt Nam (1965)
[28]Tiếng Việt thực ra có tám thanh. Một số tiếng có đủ 8 thanh, còn hầu hết chỉ có 6 thanh. Những tiếng có 8 thanh là những tiếng, khi viết, có một hoặc hai phụ âm (consonnes) ở đằng sau. Ví dụ: tinh-tính-tình-tỉnh-tĩnh-tịnh-tích-tịch hoặc thiên-thiến-thiền-thiển-thiễn-thiện-thiết-thiệt. Những tiếng có 6 thanh là những tiếng, khi viết, có một hoặc nhiều nguyên âm (voyelles) ở đằng sau. Ví dụ: ma-má-mà-mả-mã-mạ hoặc đôi-đối-đồi-đổi-đỗi-đội hoặc muôi-muối-muổi-muổi-muỗi-muội
Dương Quảng Hàm, Văn học Việt Nam (1939)
[29]Mai Kim Ngọc, Chữ Quốc Ngữ, tiếng Việt Nam, và Tu sĩ Alexandre de Rhodes hay Tập san 48-55 Khải Định, số 17, 99 (2012)