Lần này, con Corona hoành hành trong một số vùng có đông người lao động tay chưn ở Úc. Người lao động tay chưn là người làm việc trong hãng xưởng và trong các ngành phục vụ khách hàng (như bán cà phê, thức ăn, quần áo,…). Ở Melbourne là những khu vực phía Tây và Tây Bắc. Ở Sydney, con Corona bắt đầu từ Casula, Wetherill Park, và lan tới Bankstown, Greenway, Cabramatta, Bonnyrigg,… Toàn là nơi ở của tầng lớp dưới ở nước Úc.
Con Corona hoành hành ở những nơi có đông người nghèo, dân lao động tay chưn đã vậy – mà còn tấn công người không được làm việc toàn thời. Ở Úc người làm việc toàn thời (full-time) không những có việc làm vững chắc mà còn được nhiều quyền lợi như chủ phải đóng tiền hưu, khi đau ốm được nghỉ ăn lương, cũng được nghỉ ăn lương khi có người thân đau yếu… Những quyền lợi này giảm bớt khi người ta làm việc bán thời (part-time) và có thể không còn nữa cho người làm việc tuỳ thời (casual). Một nghiên cứu của đại học Monash cho thấy: trong số những người sống trong khu vực mắc dịch đông nhất ở Melbourne lần này – lên đến 54.3% làm việc tuỳ thời hay bán thời. Chắc ở phía Tây và Tây Nam Sydney cũng thế. Vết nứt giữa giới đi làm ngày càng rộng hơn khi mỗi lúc một đông hơn người ở Úc phải làm việc tuỳ thời.
Thật vậy, khi Thủ hiến Daniel Andrews đưa lệnh phong toả Melbourne lên cấp bốn thì càng làm cho những vết nứt trong xã hội Úc thêm trầm trọng. Từ khi đại dịch xảy ra, công sở và hãng xưởng đóng cửa. Ai là nhân viên ‘cổ trắng, white collar’ thì làm việc tại nhà. Họ không mất việc. Ngược lại, ai làm việc tay chưn thì rơi vào hai trường hợp. Một là mất việc. Hai là phải đi làm. Lớp người thứ nhì trở thành mối nguy trong thời đại dịch. Họ phải đi làm vì việc của họ không thể làm ở nhà hay không làm thì không có lương. Lần này, Victoria đóng cửa hàng quán, cửa tiệm; và giảm bớt việc làm trong các ngành xây cất, mổ thịt… Vậy là thêm 250 ngàn dân lao động mất việc. Ở Melbourne bây giờ có nữa triệu người không được đi làm.
Con Corona lần này còn tung hoành trong tầng lớp di dân. Ở Melbourne bị nặng là cụ ông cụ bà gốc Hy Lạp trong nhà dưỡng lão St. Basil’s ở Fawkner. Đặc biệt, đài SBS còn loan tin khá đông người Việt Nam ở Melbourne bị dính. Nghe đâu con số có thể lên đến 200 người Việt Nam đã dính. Ở Sydney, con Corona hoành hành mạnh ở phía Tây Nam. Tây Nam có thủ phủ tị nạn Cabramatta và rất nhiều cơ ngơi đồ sộ của người Việt Nam. Tuần trước, những tên tuổi rất quen thuộc với người Việt Nam ở Sydney như Tân Việt, Phở An, nhà thờ St. Brendan’s, nhà quàn Trường An… bị nhắc tới. Tuần này đến phiên những nơi rất gần với người mình như Bonnyrigg High School và Greenway Park Public School phải vào bảng phong thần.
Khi con Corona xâm nhập vào di dân thì có những biện pháp Úc đang dùng không còn hiệu quả như trước. Một trong những biện pháp là hỏi han người bị dính để tìm ra đường đi nước bước của con Corona. Có những người trong quá khứ rủi sống trong xã hội nhiễu nhương nên trong hành trang đến Úc của họ có cả lòng ngờ vực chính quyền. Vậy cho nên, khi nhân viên chính phủ hỏi trong hai tuần lễ vừa qua họ đã đi đâu, gặp những ai, vào nhà hàng nào, có đèn xanh đèn đỏ không… thì có di dân ‘thẹn thùng’ hay ‘nói quanh nói quẩn’. Chính điều này gây khó khăn cho chính phủ Victoria. Tờ The Australian cho biết: cứ 10 người bị phỏng vấn thì có 1 nói dối. Riêng ở Melbourne, cứ 10 người thì có hơn 2 người sợ chương trình COVIDSafe của chính phủ không … safe! Vì không truy tầm ra đường đi nước bước của con Corona nên mỗi ngày số trường hợp bị coi là ‘mystery, mù mờ’ càng nhiều lên.
Con Corona làm lộ ra nhiều vết nứt trong xã hội Úc đã đành mà có những biện pháp do chính phủ đưa ra có thể làm cho vết nứt này thêm … toác hoác. Vì đóng cửa công ăn việc làm, chính phủ phải trợ cấp cho dân sống cầm hơi. Ở Úc ngoài những JobSeeker, JobKeeper – chính phủ còn cho phép dân cày rút tiền từ quỹ hưu trí (superannuation) để tiêu xài. Khi một người đi làm ở đây thì chủ phải đóng ít nhất 9.5% số lương vào quỹ hưu trí. Từng công nhân còn được quyền góp thêm. Số tiền này để dành cho tuổi già. Vậy mà vì con Corona, đã có chừng 600 ngàn người Úc trẻ tuổi phải rút tiền hưu để sống ‘qua con trăng’. Họ là dân cày nghèo, bị mất việc và gặp khốn đốn. Trong mấy tháng qua, dân nghèo đã rút ra chừng $30 tỷ. Hôm nay họ dùng số tiền ấy để sống ngoi ngóp. Mai ngày khi tuổi già đến thì … trắng tay!
Đang lộ ra nhiều vết nứt trong xã hội Úc. Nhân viên cổ trắng / công nhân cổ xanh. Người làm toàn thời / người làm tuỳ thời. Người Úc ba bốn đời / di dân chân ướt chân ráo. Người có của ăn của để / dân cày phải rút tiền hưu trí để sống cầm hơi… Những vết nứt này ngày càng toác hoác. Và đây là đại hoạ lâu dài cho xã hội Úc.
Việt Luận