Thanh Phương
Sau 26 năm cầm quyền với bàn tay sắt, tổng thống Alexandre Loukachenko đã tưởng rằng ông sẽ tiếp tục tái đắc cử một cách êm xuôi để thoải mái nắm quyền thêm một nhiệm kỳ nữa. Với tham vọng độc quyền lãnh đạo suốt đời, Loukachenko không bao giờ để cho phe đối lập cắm rễ sâu. Phong trào phản kháng lần trước vào năm 2010 đã bị đàn áp không thương tiếc.
Nhưng có lẽ ông không ngờ cuộc bầu cử tổng thống ngày 09/08/2020, mà kết quả bị phe đối lập tố cáo có nhiều gian lận, lại là khởi điểm của một phong trào phản kháng đang ngày càng lan rộng tại Belarus, bất chấp những đàn áp dữ dội của cảnh sát.
Đối với những người biểu tình trong suốt 5 ngày qua, người thắng cuộc trong cuộc bầu cử tổng thống lần này không phải là Loukachenko, mà chính là nữ ứng cử viên đối lập Svetlana Tikhanovskaïa. Tuy mới bước vào chính trường Belarus, nhưng trong chiến dịch tranh cử vừa qua, cô đã nhận được một sự ủng hộ nhiệt thành chưa từng có tại nước Cộng hòa Liên Xô cũ này. Theo lời những người ủng hộ Tikhanovskaïa, chính vì bị an ninh Belarus đe dọa mà cô đã phải chạy sang Litva lánh nạn từ hôm thứ Ba.
Từ việc phản đối kết quả bầu cử, một phong trào phản kháng đang hình thành tại Belarus, Không chỉ thu hút ngày càng nhiều người, phong trào còn đang lan rộng sang những thành phần khác trong xã hội Belarus.
Hơn 1.000 nhà nghiên cứu Belarus đã ký một bức thư ngỏ “phản đối bạo lực”, trong khi các y tá bác sĩ đã tập hợp trước các bệnh viện của họ để biểu thị sự ủng hộ phong trào. Các nghệ sĩ của Dàn Nhạc Giao Hưởng Minsk đã tự động ra trước tòa nhà của dàn nhạc để hát các bài ca ái quốc, một hình thức để động viện tinh thần những người biểu tình.
Giới công nhân cũng tỏ thái độ ủng hộ không kém những thành phần nói trên. Theo các cơ quan truyền thông của phe đối lập, nhiều hành động tương tự đã diễn ra ở các nhá máy lớn tại Belarus, như BelAZ (sản xuất xe tải), Maz (xe hơi), Grodno Azot (hóa chất) và Grodnozhilstroy (xây dựng).
Trong giới báo chí, nhiều nhà báo của các phương tiện truyền thông Nhà nước đã tuyên bố từ chức trong những ngày qua để phản đối chính quyền đàn áp người biểu tình.
Ngay cả các quân nhân và cảnh sát Belarus đã giải ngũ cũng lên án đàn áp biểu tình, cho phổ biến những đoạn video cho thấy họ vứt lon và huy hiệu xuống đất để tỏ thái độ phản đối.
Phong trào chống chính quyền Loukachenko còn được tiếp sức từ bên ngoài với những áp lực ngày càng mạnh của quốc tế, bởi vì cả Hoa Kỳ lẫn Liên Hiệp Châu Âu đều lên án gian lận bầu cử và đàn áp biểu tình ở Belarus. Bruxelles thậm chí còn dọa sẽ trừng phạt Minsk.
Có lẽ lo ngại khi thấy phong trào phản kháng đang lan rộng như vậy, chính quyền của tổng thống Loukacheko đã bắt đầu tỏ dấu hiệu nhượng bộ, qua việc trả tự do cho hơn 1.000 người biểu tình. Trên đường phố thủ đô Minsk, sự hiện diện của cảnh sát tối qua đã bớt đông đảo hơn so với 4 đêm trước. Một dấu hiệu nhượng bộ khác, đó là hôm qua đích thân bộ trưởng Nội Vụ Iouri Karaev đã xin lỗi về những bạo hành của cảnh sát đối với « những người đi đường », không dính gì đến biểu tình.
Nhưng nhiều người vừa được trả tự do cho biết họ đã bị tra tấn dã man trong tù, cho thấy là chính quyền Loukachenko vẫn quyết tâm dập tắt phong trào phản kháng và nhất là dập tắt khát vọng của người dân Belarus: “Chúng tôi cần một tổng thống mới”, như dòng chữ trên một tấm biểu ngữ của người biểu tình.
Biểu tình phản đối bầu cử: Belarus “sẵn sàng đối thoại xây dựng” với nước ngoài
Thanh Phương
Hôm nay, 14/08/2020, ngoại trưởng Belarus Vladimir Makei tuyên bố là nước này sẵn sàng có các cuộc thảo luận “mang tính xây dựng và khách quan” với các đối tác nước ngoài về cuộc bầu cử tổng thống gây tranh cãi và các vụ bạo động sau bầu cử.
Theo hãng tin AFP, ngoại trưởng Belarus đã tuyên bố như trên với đồng nhiệm Thụy Sĩ Ignazio Cassis, vào lúc quốc tế đang gia tăng áp lực đối với chính quyền Minsk.
Bộ Ngoại Giao Đức, quốc gia hiện đang giữ chức chủ tịch luân phiên của Liên Hiệp Châu Âu, hôm qua đã khẩn cấp triệu đại sứ Belarus lên để bày tỏ thái độ bất bình về các hành động đàn áp những người biểu tình phản đối kết quả cuộc bầu cử vừa qua, mà phe đối lập tố cáo là có nhiều gian lận.
Trước đó, bên lề một cuộc gặp với đồng nhiệm Na Uy tại Berlin, ngoại trưởng Đức Heiko Maas đã tuyên bố: “Rõ ràng là việc đàn áp thô bạo và bắt giữ những người biểu tình ôn hòa, những nhà báo ở Belarus là điều không thể chấp nhận được trong châu Âu của thế kỷ 21”. Berlin vẫn chủ trương là Liên Hiệp Châu Âu trong cuộc họp hôm nay ban hành các biện pháp trừng phạt chính quyền Minsk.
Về phần ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo, hôm qua ông đã kêu gọi Hoa Kỳ và Liên Hiệp Châu Âu hợp tác để giải quyết khủng hoảng chính trị ở Belarus.
Cũng hôm qua, các chuyên gia về nhân quyền của LHQ đã lên án những vụ bạo hành của cảnh sát Belarus và các vụ bắt giam quy mô lớn ở Belarus sau cuộc bầu cử tổng thống. Họ kêu gọi cộng đồng quốc tế phải gia tăng áp lực đối với chính quyền Minsk.
Trong khi đó, phát ngôn viên bộ Ngoại Giao Nga hôm qua lên án điều mà họ gọi là những mưu toan của nước ngoài nhằm « làm mất ổn định » Belarus.
Cuộc bầu cử hôm Chủ nhật, với kết quả chính thức là tổng thống Alexandre Loukachenko tái đắc cử với 80% số phiếu, đã bị phe đối lập Belarus tố cáo là có nhiều gian lận. Từ Chủ nhật đến nay, ngày nào cũng có các cuộc xuống đường phản đối kết quả bầu cử, bị cảnh sát đàn áp dữ dội. Cho tới nay, theo số liệu chính thức, đã có hơn 6.700 người biểu tình bị bắt. Bất chấp đàn áp của cảnh sát, hôm qua, phong trào phản kháng vẫn tiếp diễn dưới hình thức tạo các chuỗi dây chuyền người ở nhiều nơi tại thủ đô Minsk, cũng như với các cuộc tuần hành ôn hòa.
Tối qua, chính quyền Belarus thông báo trả tự do cho hơn 1.000 người biểu tình, với điều kiện không được tiếp tục tham gia các cuộc tập hợp không được phép. Đồng thời bộ trưởng Nội Vụ Iouri Karaev đã xin lỗi về những bạo hành của cảnh sát đối với « những người đi đường », không dính gì đến biểu tình.
Mối quan hệ phức tạp giữa Alexandre Loukachenko và Vladimir Putin
RFI
Sau khi Alexandre Loukachenko đắc cử tổng thống Belarus nhiệm kỳ thứ 6 trong cuộc bầu cử hôm Chủ nhật (09/08) vừa qua, nước cộng hòa nhỏ thuộc Liên Xô cũ nằm lọt giữa Ba Lan và Nga này đang phải đối mặt với bạo lực leo thang bởi làn sóng biểu tình chống tổng thống Loukachenko và các cuộc trấn áp của chính quyền Minsk.
Giới quan sát đang chú ý tới các phản ứng của Liên Hiệp Châu Âu, nhưng cũng không thể bỏ qua được Nga, một đối tác đặc biệt của Belarus. RFI giới thiệu bài viết trên báo Le Monde số ra ngày 080/8/2020 về mối quan hệ phức tạp giữa Moscow và Minsk.
Trước những công kích của Alexandre Loukachenko, Moscow vẫn lạnh lùng làm ngơ. Trong chiến dịch tranh cử vừa qua, tổng thống Belarus đã tỏ thái độ chống nước Nga của ông Vladimir Putin rõ rệt hơn. Bằng giọng diệu gay gắt, ông tố cáo người anh em trong Liên Xô cũ can thiệp vào kỳ bầu cử tổng thống nhằm làm mất ổn định chế độ Minsk. “Chúng ta sẽ không bỏ mặc đất nước. Nền độc lập có được là rất đắt, nhưng nó đáng giá như vậy”, hôm 04/08/2020, ông Alexandre Loukachenko đã tuyên bố trong diễn văn trước quốc dân. Ông đã công khai nhằm vào nước Nga.
Đó là một thái độ quay ngoắt, trong quá khứ tổng thống Belarus từng thách thức phương Tây và tự cho đất nước ông như “thành lũy cuối cùng trước cả Mcoscow”. Ông Loukachenko chắc hẳn đã quan sát những gì diễn ra với Crimée, bị Matxcơva sáp nhập năm 2014, và tiếp đó là Donbas. Ông sợ Nga sẽ lặp lại kịch bản Ukraina với Belarus. Tuy nhiên từ trước tới giờ, Alexandre Loukachenko chưa bao giờ nhằm vào Matxcơva dữ dội như vậy. Hôm 24/06 vừa rồi ông ta còn ở bên cạnh Vladimir Putin trên Quảng trường Đỏ dự cuộc diễu hành kỷ niệm cuộc chiến tranh vệ quốc vĩ đại chống phát xít. Dưới ánh mặt trời ở Matxcơva ông vẫn tỏ thái độ tin cậy với chủ nhà mặc dù những căng thẳng giữa hai nước vẫn dai dẳng từ cuối năm 2019 nhất là từ sau cuộc đàm phán về việc Nga bán khí đốt cho Belarus với gia ưu đãi đã thất bại.
Một tháng sau đó, gặp khó khăn vì làn sóng phản kháng chưa từng có dấy lên tại thủ đô Minsk, Alexandre Loukachenko bị nghi ngờ đã muốn khích động tinh thần dân chúng bằng cách tìm kiếm một kẻ thù của đất nước để chứng tỏ vai trò người cha của dân tộc. “Ông ta đã thay đổi, lấy Nga làm mục tiêu hơn là phương Tây. Chỉ có thể chống lại Matxcơva thì ông mới có thể dẫn dắt một cuộc đột kích như vậy”, Anatoly Lebedko, một đối lập cựu trào ở Belarus nhận xét. Cuộc đột kích ở đây ám chỉ đến vụ bắt giữ hôm 29/07 gần Minsk 33 “chiến binh” thuộc quân đánh thuê Nga của nhóm Wagner, tới Belarus nhằm là “mất ổn định tình hình trong giai đoạn diễn ra chiến dịch bầu cử tổng thống”. Đây là giải thích của các cơ quan truyền thông phục vụ cho Alexandre Loukachenko. Bản thân ông cũng tố cáo có âm mưu tổ chức “cuộc thảm sát” tại Minsk. “Thật khó tin ! Tổng thống muốn dàn dựng vai trò bảo vệ quốc gia trước một mối đe dọa tưởng tượng”, Anatoly Lebedko tỏ phẫn nộ nói.
Tại Moscow, giờ là lúc kiềm chế. Vladimir Putin đã không đích thân bình luận gì về những công kích của Minsk. Từ nhiều năm qua, tổng thống Nga vẫn duy trì một mối quan hệ phức tạp với đồng nhiệm Belarus, mối quan hệ vừa hữu hảo thân tình như những lần hai ông cùng chơi khúc côn cầu trên băng ở Sotchi, vừa căng thẳng như trong các cuộc đàm phán ở Kremlin về việc bán khí đốt.
Chỉ có phát ngôn viên của ông Putin lên tiếng phủ nhận các cáo buộc của Minsk về vụ 33 lính đánh thuê nói trên cũng như về mưu đồ làm mất ổn định láng giềng. “Hiển nhiên là không phải như vậy vì Nga và Belarus vẫn là đồng minh, đối tác gần gũi nhất”, Ông Dmitri Peskov nhấn mạnh. Với chuyện bán khí đốt hạ giá, vay ngân hàng và các khoản viện trợ khác, Matxcơva vẫn bảo đàm duy trì cho nước láng giềng một sự sống nhân tạo. Một nửa GDP của Belarus phụ thuộc vào Nga. Nước Nga cũng là điểm đến chủ yếu của hàng xuất khẩu Belarus, trong khi mà nước này không có khả năng cạnh tranh trên thị trường thế giới.
“Thay vì can thiệp trên thực địa, Moscow hoàn toàn có lợi khi để cho tình hình ở Minsk tồi tệ đi”, một nhà ngoại giao cao cấp của châu Âu giải thích, đồng thời nhắc lại là Kremlin trong quá khứ đã có ý đồ hội nhập Belarus vào Nga: “Đồng minh Loukachenko vẫn có thói quen đi lắt léo giữa Liên Hiệp Châu Âu và Nga, nhất là từ năm 2016, với việc thả tù chính trị để để đánh đổi lấy việc châu Âu bỏ trừng phạt. Nếu như cuộc bầu cử diễn ra không tốt đẹp, có gian lận, giam giữ đối lập, Minsk sẽ không còn nói chuyện được với châu Âu nữa. Khi đó Alexandre Loukachenko sẽ buộc phải quay sang Vladimir Putin….”.
Một phân tích được nhiều người ở Matxcơva chia sẻ: Giờ Kremlin trong thế thuận lợi, ngồi nhìn mọi việc diễn ra ở Minsk, quan sát đối lập nổi lên cùng sự suy yếu của người đồng minh của mình, để sau đó chiếm thế thượng phong.
“Kremlin không ưa gì những công kích chống Nga của Alexandre Loukachenko, nhưng vẫn muốn duy trì ông ta. Bởi vì Kremlin sợ những kịch bản có thể phản lại chính mình”, Andrei Kortounov, giám đốc cơ quan tư vấn các vấn đề quốc tế Russian Council nhận định. “Trường hợp xấu nhất, đó là một cuộc cách mạng theo kiểu Maidan ở Ukraina. Nhưng vậy Nga không chỉ mất đi một đồng minh mà còn bị đòn nặng về chính trị : Nếu việc chính quyền bị đường phố lật đổ có thể xảy ra ở Belarus, đất nước anh em thời Xô Viết, thì điều đó cũng có thể diễn ra ở Nga. Một sự đe dọa thực sự với Vladimir Putin khi mà các cuộc bầu cử của ông cũng không được sạch cho lắm so với cuộc bầu cử của Alexandre Loukachenko.”
Một kịch bản khác : Có biến động như đã diễn ra ở Acmenia hồi mùa xuân 2018, đưa những lãnh đạo khác lên nắm quyền. Tầng lớp ưu tú được trẻ hóa ở Ereva không chống Nga nhưng cũng không còn đồng điệu với các lãnh đạo của Moscow. “Nếu điều này lặp lại ở Minsk, thì đó cũng sẽ là tin xấu đối với Kremlin”, Andrei Kortounov khẳng định. Bởi vậy mà mặc cho có các bất đồng, Vladimir Putin và Alexandre Loukachenko đã học được cách lợi dụng lẫn nhau.
(Theo Le Monde)