Tin nước Úc sáng thứ Ba

Covid-19: lại kỷ lục mới

Hôm thứ Hai (17.8.2020) tiểu bang Victoria lại phá kỷ lục của chính mình với 25 bệnh nhân Covid-19 thiệt mạng, trong hết 22 là người cao niên tại các viện dưỡng lão. Đây là con số tử vong vì coronavirus trong một ngày tại Úc và ngoài ra Victoria ghi nhận thêm 282 ca nhiễm mới, tăng 3 trường hợp so với ngày hôm trước. Tính đến đầu tuần này tiểu bang đã có hơn 17,000 ca nhiễm và 334 trường hợp tử vong. Trong số bệnh nhân thị hiền có gần 7,500 ca đang điều trị trong đó hơn 1,000 trường hợp là các nhân viên y tế.

Lên tiếng trong cuộc họp báo cùng ngày, Thủ hiến Daniel Andrews cho biết, số ca bệnh bí ẩn vẫn tiếp tục tăng và đến nay bang này đã có hơn 3,600 trường hợp không xác định được nguồn lây bệnh.

Trong khi đó thì cùng môt ngày NSW ghi nhận thêm 7 ca nhiễm mới và đây là ngày thứ 4 liên tiếp bang này ghi nhận số ca nhiễm mới hàng ngày ở mức dưới 10. Số ca nhiễm mới đang duy trì ở mức thấp nhưng điều chín h quyền lấy làm lo ngại là liên tục xuất hiện các ổ dịch mới, trong đó có các trường học khiến cho nguy cơ Covid-19 bùng phát trở lại vẫn là rất lớn.

Hiện chính quyền NSW đang phối hợp chặt chẽ với các trường học trên toàn tiểu bang để cập nhật các quy định kiểm dịch mới. Theo đó các trường học sẽ ngừng tổ chức các buổi lễ tốt nghiệp và các hoạt động dã ngoại khóa cắm trại, văn hóa văn nghệ hay thi đấu thể thao để hạn chế thấp nhất nguy cơ dịch Coivid-19 lây lan cho các học sinh.

Vì dịch Covid-19 vẫn còn đe dọa tại Victoria và NSW New South Wales nên Queensland hôm nay cho biết sẽ vẫn tiếp tục đóng cửa biên giới.

Trong khi đó thì có tin cho hay chính phủ Liên bang đang ở trong giai đoạn cuối để ký thỏa thuận với một công ty dược phẩm AstraZeneca tại Anh để mua và sản xuất khoảng 30 triệu liều vaccine chung ngừa virus SARS-CoV-2. Thuốc chủng này phát triển các nghiên cứu khả thi của Đại học Oxford và nếu không có gì trắc trở, thuốc chùng sẽ ra mắt vào nửa đầu năm tới.

Không nói rõ chi tiết nhưng Tổng trưởng Y tế Grey Hunt cho biết thỏa thuận trên sẽ tập trung vào việc bảo đảm việc chuyển nhượng bản quyền để hãng dược phẩm Úc CSL được sản xuất theo thỏa thuận cấp phép nếu các thử nghiệm lâm sàng trên người của Đại học Oxford thành công.

Trước đó, ngày 16.8.2020 ông Hunt thông báo Chính phủ Úc đang tiến hành “các cuộc đàm phán vòng sâu” với một loạt chính phủ nước ngoài và các công ty dược phẩm quốc tế.

Ngoài ra, ông cũng cho biết các nhà khoa học Úcđã đạt được những kết quả rất khả quan trong các thử nghiệm liên quan vắcxin ngừa COVID-19.

Cũng trong nỗ lực nhằm ngăn chặn dịch COVID-19, các nhà nghiên cứu tại Úc đã lên kế hoạch thử nghiệm thuốc điều trị ung thư BromAc trong phác đồ điều trị cho các bệnh nhân mắc COVID-19.

BromAc sẽ được sử dụng trực tiếp như một dạng thuốc xịt mũi và có thể ngăn chặn virus SARS-CoV-2 lan rộng tới các cơ quan khác trong cơ thể, trong đó có phổi – nơi virus có thể gây ra các biến chứng nguy hiểm đến tính mạng.

Trưởng nhóm nghiên cứu, Giáo sư David Morris cho biết thuốc BromAc hoạt động theo cơ chế làm phân rã các protein gai trên bề mặt của virus SARS-CoV-2, từ đó “vô hiệu hóa” khả năng bám dính của chúng vào các tế bào.

Loại thuốc này bước đầu đã cho thấy tín hiệu khả quan ở giai đoạn nghiên cứu trong phòng thí nghiệm. Dự kiến, các cuộc thử nghiệm lâm sàng trên những bệnh nhân mắc COVID-19 sẽ được tiến hành tại thành phố Melbourne trong khoảng 2-3 tuần.

ACCC và Google đấu khẩu

Hôm thứ Hai (17.08.2020) Ủy ban cạnh tranh và tiêu thụ Úc (ACCC) đã ra thông cáo báo chí chỉ trích ” thư ngỏ” của Google.

Cuối tháng Bảy, ACCC tuyên bố các công ty kỹ thuật “đại dữ liệu” như Google và Facebook sẽ phải trả tiền cho các hãng truyền thông nếu sử dụng nội dung tin tức của những hãng này. Tuyên bố được đưa ra sau khi tiến trình đàm phán kéo dài 18 tháng giữa chính phủ Uúc và các hãng kỹ thuật không mang lại kết quả.

Các biện pháp mới bao gồm những khoản phạt lên tới hàng triệu Úc kim với những công ty vi phạm và buộc các hãng kỹ thuật phải minh bạch thông tin liên quan tới những thuật toán mật mà những công ty này sử dụng xếp thứ tự kết quả tìm kiếm.

Bước đầu, luật mới này tập trung vào Facebook và Google, hai trong số các công ty giàu có và nhiều ảnh hưởng nhất trên thế giới, nhưng có thể sẽ tiếp tục được áp dụng với mọi nền tảng kỹ thuật số.

Đầu tuần này (17.8.2020), trong một thông báo mới trên trang chủ và, Google cảnh cáo biện pháp này có thể ảnh hưởng tới cách người Úc sử dụng công cụ tìm kiếm của hãng và gây tổn hại tới những trải nghiệm tìm kiếm của họ.

Google gắn kèm trong thông báo một đường link dẫn tới một lá thư mở, trong đó giải thích rằng hãng sẽ buộc phải nộp các dữ liệu tìm kiếm của người sử dụng cho các hãng truyền thông và cung cấp những thông tin có thể giúp những hãng truyền thông này tự đẩy mức xếp thứ tự của mình lên trước những trang mạng khác trong kết quả tìm kiếm trên Google.

Google khẳng định luật trên không chỉ tác động tới người Úc mà còn tác động tới cả hình thức hợp tác giữa Goolge và các hãng truyền thông. Cụ thể, Google khẳng định đã có hợp đồng đối tác với các hãng truyền thông Úc quy định những khoản thanh toán hàng triệu Úc kim và giúp mang lại cho các hãng hàng tỷ lượt truy cập tin tức mỗi năm.

Lá thư có đoạn viết “thay gì khuyến khích mô hình đối tác trên, luật mới của Úc lại trao đặc quyền cho các hãng truyền thông lớn và khuyến khích họ có những đòi hỏi “sai lầm và không thể chấp nhận được” gây nhiều nguy cơ với các dịch vụ miễn phí của Google.

Ngay trong ngày, ACCC đã ngay lập tức lên tiếng đáp trả.

Chủ tịch ACCC Rod Sims nhấn mạnh bức thư ngỏ nói trên truyền tải thông điệp sai lệch về bộ quy tắc ứng xử trong tin tức và Google sẽ “không bắt buộc tính phí cho người dùng các dịch vụ miễn phí của mình… trừ khi công ty này lựa chọn làm như vậy”.

Chủ tịch Rod Sims nêu rõ dự thảo bộ quy tắc ứng xử cho phép các hãng truyền thông Úc có quyền đàm phán với các công ty kỹ thuật (bao gồm cả Google và Facebook) yêu cầu thanh toán công bằng cho các sản phẩm được đưa vào kho lưu trữ dịch vụ tìm kiếm trên các nền tảng xã hội của những công ty này.

Mục đích của bộ quy tắc nhằm giải quyết sự mất cân bằng năng lực thương lượng đáng kể giữa các doanh nghiệp truyền thông báo chí Úc với Google và Facebook.

Trong khi đó, nhiều chuyên gia nhận định nỗ lực mới nhất của Google là “vô nghĩa” và là một nỗ lực tuyệt vọng nhằm tránh phải trả tiền cho các công ty truyền thông để sử dụng nội dung tin tức của họ tại Úc hoặc ở nước ngoài.

Giáo sư chuyên về lĩnh vực truyền thông xã hội của Đại học Swinburne, Tiến sĩ Belinda Barnet, cho rằng thông điệp mới của Google hoàn toàn “không có ý nghĩa”.

Theo bà, không có lý do gì mà bộ quy tắc ứng xử của ACCC lại ảnh hưởng đến kết quả tìm kiếm của Google hoặc gây rủi ro cho dữ liệu của người dùng. Việc cố tình công bố “bức thư ngỏ” dường như là một “nỗ lực cuối cùng” của Google nhằm ngăn chặn một tiền lệ có thể xảy ra khiến công ty này sẽ phải trả tiền cho hầu hết các hãng truyền thông trên toàn thế giới.

Dư luận thế giới đang dành quan tâm đặc biệt tới những đề nghị của Úc trong bối cảnh hầu hết các nhà chức trách đều đang xây dựng những biện pháp quản lý với lĩnh vực kỹ thuật đang thay đổi nhanh chóng mỗi ngày.

Các hãng truyền thông toàn cầu đang được cho là chịu nhiều thiệt thòi khi tham gia nền kinh tế số, một lĩnh vực mà các công ty kỹ thuật lớn hầu như nắm trọn doanh thu từ hoạt động quảng cáo.

Ước tính của Chính phủ Úc chỉ ra trong thời đại công nghệ, doanh thu quảng cáo của các hãng truyền thông sụt giảm mạnh, cứ $100 chi cho quảng cáo trực tuyến thì có khoảng gần 30% rơi vào tay Google và Facebook.

Cuộc khủng hoảng này càng thêm trầm trọng do tác động của đại dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19, khi hàng trăm tờ báo của Úc đã phải đóng cửa và hàng trăm nhà báo rơi vào cảnh thất nghiệp trong những tháng gần đây.

Không giống như những nỗ lực của các quốc gia khác vốn chưa mang lại hiệu quả buộc các nền tảng kỹ thuật phải trả tiền cho tin tức họ sử dụng, sáng kiến của Chính phủ Úc dựa vào luật cạnh tranh thay vì dựa vào các quy định về bản quyền.

Sáng kiện nhận được sự ủng hộ mạnh mẽ của các hãng truyền thông trong nước và dự kiến sẽ có hiệu lực trong năm nay.

Related posts