Sở di trú Hồng Kông bị cáo buộc trì hoãn cấp thị thực cho nhà báo nước ngoài
Việc nộp đơn xin gia hạn visa của nhân viên văn phòng báo chí quốc tế tại Hồng Kông đang bị trì hoãn trong khi chính quyền siết chặt các cơ quan báo chí địa phương, theo Taiwan News.
Các nhà báo nước ngoài muốn gia hạn visa tại Hồng Kông đang đối mặt với sự chậm trễ khi có những tin tức cho biết một đơn vị di trú mới đã âm thầm được thành lập để xử lý “những đơn xin visa nhạy cảm.” Cùng với các cuộc đột kích trước đó vào trụ sở của Apple Daily, tình trạng bất an đối với nền tự do báo chí tại khu vực đang tăng cao hơn bao giờ hết.
Một số phóng viên quốc tế nộp đơn xin gia hạn visa đã phải chờ đợi một thời gian khá dài để đơn được chấp nhận mà không nhận được bất kỳ lời giải thích nào. Đây là một điều bất thường tại một thành phố quốc tế từ lâu được xem là trung tâm báo chí của châu Á. Các phóng viên tại Văn phòng Hồng Kông của The Wall Street Journal và The South China Morning Post đều gặp phải sự cố này, trong khi phóng viên của The New York Times phải chờ đợi lâu nhất, theo The Stand News.
Tờ The Standard dẫn nguồn thạo tin cho biết một “đơn vị an ninh quốc gia” mới đã được Sở Di trú thành lập và được lãnh đạo bởi một quan chức di trú cấp cao, chịu trách nhiệm xử lý các đơn xin visa “nhạy cảm”, chẳng hạn các đơn xin cấp visa của các cơ quan truyền thông quốc tế và các tổ chức của Đài Loan.
Trước đây, thủ tục cấp visa cho các phóng viên nước ngoài thuộc thẩm quyền của Bộ phận thẩm định Chất lượng người nhập cư và cư dân Đại lục (QMMR), đặt tại tầng 6 của toà nhà Văn phòng Nhập cư tại quận Wan Chai. Tuy nhiên, một nguồn tin thân cận với Bộ Di trú nói với The Stand News rằng bộ phận mới thành lập này không nằm trong các văn phòng QMMR mà dường như là một đơn vị nội bộ; nguồn tin cũng không thể tìm thấy bất kỳ danh sách nhân viên nào của đơn vị mới này.
Đơn vị “an ninh quốc gia” này được cho là đứng đằng sau những bất thường của thủ tục cấp visa hiện nay, và họ đang tìm những lý do kỹ thuật để biện minh cho chuyện này, nguồn thạo tin cho biết.
Ví dụ, một biên tập viên nước ngoài đã không liệt kê chi tiết “đưa tin” như là một trách nhiệm của công việc trong đơn xin visa ban đầu nhưng bị phát hiện đã đưa tin về một cuộc biểu tình tại Hồng Kông thì đơn xin visa của họ có thể bị lãng quên hoặc bị từ chối. Theo bài báo, đơn vị này cũng đang xem xét cẩn thận Quỹ dự phòng bắt buộc (quỹ hưu trí) đối với các cư dân Hồng Kông để tìm ra những khoảng trống giữa các lần thanh toán mà họ có thể diễn giải là người nộp đơn không làm việc liên tục tại Hồng Kông và do đó không cần phải có visa làm việc.
Sở Di trú nói với Taiwan News rằng “Hồng Kông luôn áp dụng một chính sách thực tế và cởi mở” trong việc thuê các chuyên gia. “Mỗi đơn xin visa sẽ được xử lý phù hợp với luật pháp và chính sách di trú,” họ cho biết thêm.
Vấn đề này xảy ra khi căng thẳng gia tăng giữa Washington và Bắc Kinh lan sang lĩnh vực báo chí vào đầu năm nay. Một tháng sau khi yêu cầu 5 cơ quan truyền thông nhà nước Trung Quốc hoạt động tại Mỹ phải đăng ký là “phái bộ ngoại giao”, Hoa Kỳ thông báo các cơ quan này phải cắt giảm 40% số lượng nhân viên của họ. Trung Quốc nhanh chóng trục xuất phóng viên của New York Times, The Washington Post và The Wall Street để trả đũa.
Tuần trước Câu lạc bộ Phóng viên nước ngoài tại Hồng Kông đã ra thông báo phản đối sự chậm trễ này và cũng bày tỏ quan ngại về những tiếng nói hiếu chiến tại Bắc Kinh, bao gồm cả biên tập viên của Thời báo Hoàn Cầu, cơ quan ngôn luận của ĐCSTQ đang kêu gọi trả đũa chống lại hoạt động truyền thông Hoa Kỳ tại Hồng Kông. Câu lạc bộ cũng kêu gọi cả Trung Quốc và Hoa Kỳ giảm các hành động ăn miếng trả miếng đối với các nhân viên truyền thông.
Kể từ khi Luật An ninh quốc gia mới của Trung Quốc áp đặt lên Hồng Kông có hiệu lực vào ngày 1/7, Hồng Kông đang chứng kiến một cuộc đàn áp tự do ngôn luận chưa từng có, Taiwan News bình luận.
Ông trùm truyền thông Jimmy Lai đã bị bắt cùng với hai người con trai và bốn nhân viên của Apple Daily vào sáng thứ Hai (10/8). Sau đó hàng chục cảnh sát đã đột kích vào các trụ sở của tờ báo này lục soát. Dù không nêu ra bất kỳ bằng chứng nào, Văn phòng của Ủy viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc tại Hồng Kông vào ngày 11/8 tuyên bố ông Lai và một “nhóm nhỏ những kẻ gây rối chống Trung Quốc đã công khai thông đồng với các lực lượng bên ngoài gây nguy hiểm cho an ninh quốc gia.”
Gia Huy, theo Taiwan News
Mỹ: Cựu nhân viên CIA bị bắt về tội gián điệp cho Trung Quốc
Một cựu nhân viên Cơ quan Tình báo Trung ương Mỹ (CIA) gần đây đã bị bắt và bị buộc tội bán thông tin tuyệt mật cho Trung Quốc trong khoảng một thập kỷ, The Epoch Times dẫn tin từ Bộ Tư pháp Mỹ.
Ông Alexander Yuk Chung Ma, công dân Hawaii 67 tuổi, đã bị bắt hôm 14/8 và bị buộc tội âm mưu chuyển giao thông tin mật, kể cả tin ở mức độ “tuyệt mật” cho Trung Quốc, một tội danh có thể bị tù chung thân, các công tố viên cho biết.
Ông Ma bắt đầu làm việc tại CIA năm 1982 và sau đó làm thông ngôn tại FBI.
Các công tố viên nói rằng ông Ma đã cộng tác cùng với một người quen, cũng là cựu nhân viên CIA, cụ ông người Los Angeles 85 tuổi. Ông này không bị buộc tội vì ông bị mắc “bệnh suy giảm nhận thức”.
Các công tố viên cho biết ông Ma là công dân Mỹ nhập tịch, sinh tại Hồng Kông. Ông đã đồn trú ở nước ngoài và tại đó ông được phép tiếp cận thông tin “tuyệt mật”. Ông đã nghỉ việc tại CIA vào năm 1989 và sau đó sống và làm việc tại Thượng Hải, Trung Quốc trước khi chuyển đến Hawaii vào năm 2000.
Các công tố viên nói rằng ông Ma đã phản bội nước Mỹ vào năm 2001, thời điểm ông nhiều lần gặp gỡ ít nhất 5 sĩ quan của Bộ An ninh Nhà nước Trung Quốc (MSS) – cơ quan tình báo cấp cao của Trung Quốc, tại một khách sạn ở Hồng Kông. Trong những cuộc gặp này, ông Ma “đã tiết lộ một số tin quốc phòng tuyệt mật”, gồm cả danh tính của các nhân viên và tài sản CIA, các phương thức truyền tin bí mật, thông tin về cơ cấu tổ chức nội bộ của CIA, và chi tiết về bộ kỹ năng nghiệp vụ của CIA.
Cục Điều tra Liên bang Mỹ (FBI) đã thu thập được một đoạn video của một trong các cuộc gặp nêu trên của ông Ma vào tháng 3/2001. Đoạn video này cho thấy cảnh các điệp viên MSS trả cho ông Ma 50.000 USD. Ông Ma vừa đếm tiền vừa chuyển tiếp thông tin mật, theo tài liệu tòa án. Tài liệu này không nêu rõ cách thức FBI thu thập được đoạn video này.
Các công tố viên cho biết ông Ma sau đó đã xin làm việc tại FBI nhằm nỗ lực tiếp tục cung cấp tin mật cho ‘các quan thầy’ Trung Quốc. Năm 2004, ông đã được nhận vào vị trí thông ngôn tiếng Trung tại văn phòng FBI Hawaii, chịu trách nhiệm đánh giá và dịch thuật các tài liệu tiếng Trung. Một ngày trước khi bắt đầu công việc tại FBI Hawaii, ông Ma đã gọi điện cho một kẻ đồng phạm tình nghi và nói rằng ông sẽ làm việc cho “một bên khác”, theo một bản khai có tuyên thệ của FBI.
Trong hơn sáu năm làm việc tại FBI, ông Ma đã thường xuyên chụp ảnh và đánh cắp tài liệu mật của Mỹ, kể cả nghiên cứu về tên lửa dẫn đường và hệ thống vũ khí. Sau đó ông ta mang theo những tài liệu và các bức ảnh đánh cắp được này trong các chuyến đi tới Trung Quốc để giao nộp chúng cho các sĩ quan MSS, các công tố viên nói. Sau mỗi chuyến đi đó, ông Ma trở về với hàng nghìn USD tiền mặt và nhiều quà tặng đắt tiền, chẳng hạn như một bộ gậy đánh golf.
Vào một dịp tháng 3/2006, MSS đã yêu cầu ông Ma liên lạc với người đồng mưu để cung cấp danh tính về 5 cá nhân xuất hiện trong các bức ảnh. MSS nghi ngờ 5 người này là các nguồn tin. Người đồng mưu của ông Ma cuối cùng đã tiết lộ danh tính của 2 trong số 5 người đó, theo bản khai có tuyên thệ của FBI.
Vào tháng 1/2019, một đặc vụ FBI đóng giả sĩ quân MSS đã tiếp cận ông Ma. Đặc vụ này sử dụng đoạn băng về cuộc gặp 2001 tại khách sạn Hồng Kông để thuyết phục ông Ma rằng mình thực sự làm việc cho tình báo Trung Quốc. Trong một cuộc gặp, ông Ma đã thừa nhận làm việc cho MSS, và nhận 2.000 USD tiền mặt của đặc vụ FBI – một “món quà nhỏ” bày tỏ cảm kích về công việc của ông Ma làm cho Trung Quốc. Ông Ma cũng đề xuất tiếp tục làm việc cho tình báo Trung Quốc.
Trong một cuộc gặp khác với đặc vụ FBI nêu trên vào ngày 12/8/2020, ông Ma lại nhận tiền cho các nỗ lực gián điệp trước đây, và nói ông muốn “đất mẹ” thành công. Ông cũng nói thêm rằng ông có thể làm cố vấn cho MSS.
Vụ bắt giữ ông Ma hôm 14/8 là một trong nhiều vụ tố tụng hình sự mà giới chức Mỹ đang thực hiện nhắm vào các hoạt động gián điệp của Trung Quốc tại Mỹ.
Bộ Tư pháp Mỹ trong vài năm gần đây đã mở ra nhiều vụ án đối với các quan chức Mỹ đương nhiệm và đã nghỉ việc, bị cáo buộc cung cấp bí mật nhà nước cho chế độ Trung Quốc.
Năm ngoái, cựu nhân viên CIA Jerry Chun Shing Lee đã bị kết án 19 năm tù giam sau khi nhận tội âm mưu chuyển tin mật cho tình báo Trung Quốc sau khi ông này rời CIA năm 2010.
Phụ tá Tổng Chưởng lý chuyên trách về An ninh Quốc gia C. Demers cho hay: “Công cuộc gián điệp của Trung Quốc là nhiều, lâu dài, liên quan tới các cựu nhân viên tình báo Mỹ, những người đã phản bội đồng nghiệp, đất nước và các giá trị tự do dân chủ để hỗ trợ chế độ cộng sản độc tài”.
CATHY HE/ The Epoch Times
Xuân Thành dịch
Người biểu tình Thái Lan: Đất nước là của nhân dân, hạ bệ độc tài!
- Y Bình
Ngày 16/8 Reuters đưa tin, vào Chủ nhật hàng ngàn người Thái Lan đã biểu tình chống chính phủ ở Thủ đô Bangkok, họ hét vang khẩu hiệu “hạ bệ độc tài” và “đất nước thuộc về nhân dân”, đây là một trong những cuộc biểu tình lớn nhất của Thái Lan kể từ khi quân đội tiến hành cuộc đảo chính vào năm 2014.
Tại đất nước Thái Lan trong khoảng một tháng vừa qua, hầu như ngày nào cũng có đông đảo sinh viên tổ chức biểu tình, các hoạt động gần đây dần được sự ủng hộ rộng rãi hơn, người biểu tình yêu cầu ông Prayuth Chan-ocha, cựu lãnh đạo chính phủ quân sự hiện là đương kim Thủ tướng Thái Lan phải từ chức, ban hành Hiến pháp mới và ngừng sách nhiễu những người bất đồng chính kiến.
Một số sinh viên thậm chí còn yêu cầu Hoàng gia thực hiện cải cách, một yêu cầu luôn được xem là vấn đề đặc biệt nhạy cảm ở Thái Lan.
Patsalawalee Tanakitwiboonpon, một sinh viên biểu tình 24 tuổi, đã hét lên trước đông đảo người biểu tình đang tụ tập trước Tượng đài Dân chủ (Democracy Monument) ở Bangkok: “Chúng tôi hy vọng rằng người dân có thể thông qua cuộc bầu cử mới để thành lập Quốc hội mới.” “Cuối cùng, ước mơ của chúng tôi là có một Hoàng gia tuân thủ Hiến pháp.”
Ông Prayuth đã chiến thắng trong cuộc bầu cử hồi năm ngoái, tuy nhiên đối thủ của ông cho rằng cuộc bầu cử được tiến hành theo nhiều quy định khác nhau do Prayuth thiết lập để đảm bảo cho chính mình chiến thắng. Đảng đối lập thẳng thắn chống lại Prayuth bị cấm hoạt động.
Không chỉ vậy, điều khiến người dân giận dữ đối với Chính phủ Prayuth còn liên quan đến các cáo buộc tham nhũng của chính quyền, các vụ bắt giữ thủ lĩnh sinh viên biểu tình và sự suy giảm kinh tế do dịch bệnh viêm phổi Vũ Hán.
Các sinh viên trình lên Quốc vương Maha Vajiralongkorn 10 đề xuất cải cách, bao gồm hạn chế quyền lực của Hoàng gia cao hơn quyền lực Hiến pháp, hạn chế tài sản Hoàng gia và quyền kiểm soát của Hoàng gia đối với quân đội…
Tại Thái Lan có tội “xúc phạm quốc vương” (lese majeste) quy định rằng việc chỉ trích Hoàng gia có thể bị kết án tối đa 15 năm tù. Tuy nhiên Prayuth tuyên bố rằng hiện nay nhà vua yêu cầu không sử dụng luật này.
Cùng với đó, trong các cuộc biểu tình chống chính phủ gần đây cũng xuất hiện nhóm người theo chủ nghĩa bảo hoàng biểu tình, họ vẫy cờ tổ quốc và cầm chân dung của nhà vua cùng các thành viên Hoàng gia khác được đóng khung bằng vàng.
Sumet Trakulwoonnoo, lãnh đạo tổ chức phe bảo hoàng có tên “Trung tâm điều phối dạy nghề sinh viên bảo vệ quốc gia” (CVPI) cho biết: “Tôi không quan tâm đến các cuộc biểu tình của họ chống lại chính phủ, nhưng họ không thể động đến Hoàng gia”.
Trước khi nổ ra đảo chính quân sự năm 2014, tại Thái Lan thường xuyên xảy ra các cuộc đụng độ đẫm máu và bạo lực giữa phe bảo hoàng áo vàng và phe áo đỏ ủng hộ cựu thủ tướng Thaksin Shinawatra, gây ra tình trạng hỗn loạn chính trị ở Bangkok. Nhưng đến nay, làn sóng phản đối mới này chưa phát triển thành xung đột bạo lực.
Ueng Poontawee (62 tuổi) là cựu thành viên của phe áo đỏ cho biết: “Bây giờ tôi đã già, không còn có thể hoàn thành mục tiêu của mình. Nhưng với những gương mặt mới hiện nay, tôi rất vui vì họ đã dấn thân tiến lên”.
Trước đó đã có 3 thủ lĩnh sinh viên bị bắt vì cáo buộc tội vi phạm các hạn chế trong việc tổ chức làn sóng biểu tình. Hiện họ đã được tại ngoại, nhưng cảnh sát cho biết họ đã lại phải phát lệnh bắt giữ 12 người biểu tình khác.
Trong một diễn biến khác, tại Đài Bắc – Đài Loan có hàng chục người cũng tổ chức biểu tình nhằm hưởng ứng ủng hộ phong trào biểu tình ở Thái Lan.
Y Bình (theo VOA)
Dữ liệu rò rỉ xác nhận Bắc Kinh ‘thanh lọc’ số liệu Covid trong phòng thí nghiệm Vũ Hán để giấu dịch
Quý Khải | DKN 5 giờ trước 923 lượt xem
Một vụ rò rỉ ở Trung Quốc cho thấy Bắc Kinh đã “thanh lọc” một cơ sở dữ liệu quan trọng về virus corona tại phòng thí nghiệm Vũ Hán, theo một chuyên gia, theo The Sun.
Chuyên gia an ninh mạng Robert Potter cho biết kết quả phân tích dữ liệu rò rỉ cho thấy “sự khác biệt to lớn” với dữ liệu được Trung Quốc cấp cho Tổ chức Y tế Thế giới WHO.
Ông Potter giải thích trên tờ Sky News Australia rằng cơ sở dữ liệu này dường như cho thấy ĐCSTQ đã “thanh lọc” dữ liệu để thay đổi số liệu thực tế về Covid-19 tại đại lục.
Đây là cũng là kết luận của Giáo sư Christopher Balding từ Đại học Fulbright Việt Nam, khi cho biết vụ rò rỉ dữ liệu cho thấy Trung Quốc đang “ngụy tạo số liệu của chính họ”.
Đây là thông tin mới nhất trong danh sách các cáo buộc che giấu dịch bệnh ngày càng gia tăng nhắm vào Trung Quốc trong những ngày đầu đại dịch.
Trung Quốc đã bị cáo buộc nỗ lực hạ thấp tình hình dịch bệnh khi nó lan rộng từ Vũ Hán.
Hiện dịch bệnh đã lây nhiễm cho gần 22 triệu người và sát hại gần 800.000 người trên thế giới.
Bắc Kinh vẫn luôn không thừa nhận bất kỳ quyết định sai lầm nào trong việc xử lý đại dịch, khi tuyên bố họ “công khai và minh bạch” đối với dịch virus.
Ông Potter cho biết các dữ liệu không ăn khớp lọt ra sau khi một chuỗi mật khẩu có liên kết với Viện Vi-rút học Vũ Hán (WIV) bị rò rỉ trên mạng.
Tin tặc đã có thể xâm nhập vào hệ thống máy tính của tổ chức. Một số dữ liệu từ Viện Virut học đã được gửi cho ông Potter và Giáo sư Balding.
Ông Potter nói: “Khi chúng tôi phân tích chúng, có một chút dữ liệu không ăn khớp với những gì họ đã công khai cho Tổ chức Y tế Thế giới”.
Ông Potter giải thích rằng phần lớn cơ sở dữ liệu gồm 640.000 mục nhập dường như đã bị xóa trước một ngày nhất định, và số ca nhiễm “qua từng ngày” đã bị bóp méo.
Ông nhận định: “Một khi câu chuyện trở nên gây tranh cãi, và khi Đảng Cộng sản Trung Quốc nhận ra rằng virus corona sẽ trở thành một đại dịch toàn cầu, họ đã tiến hành xóa dữ liệu”.
Trong khi đó, Giáo sư Balding từ ĐH Fulbright Việt Nam cho rằng cơ sở dữ liệu này là một ví dụ điển hình về việc các quan chức chính phủ Trung Quốc “kiểm duyệt lên trên” để làm hài lòng cấp trên.
Ông giải thích: “Dữ liệu dường như đã được kiểm duyệt khi trình lên trên, nó đã được kiểm duyệt nội bộ nhiều lần trước khi họ công bố dữ liệu”.
“Có vẻ đang giả mạo số liệu phục mục đích riêng cũng như các mục đích bên ngoài”.
Ông Potter thừa nhận sẽ phải mất “một khoảng thời gian” để hiểu đầy đủ các số liệu bị thiếu và mức độ thay đổi dữ liệu.
Ông cho biết hiện có một nhóm đang nghiên cứu để tìm cách trích xuất “số liệu thực” từ độ sâu của cơ sở dữ liệu bị thanh lọc.
Cho đến nay, Trung Quốc đã báo cáo ghi nhận 84.849 ca mắc và 4.634 ca tử vong, nhưng con số này có thể thấp hơn nhiều lần số liệu thật.
‘Virus Trung Quốc’
Viện Virus học Vũ Hán đã chịu sự dò xét trong suốt đại dịch như một nguồn bùng phát dịch tiềm năng, vì đây là nơi nghiên cứu các chủng virus corona từ dơi tương tự Covid-19.
Trung Quốc tuyên bố virus có nguồn gốc tự nhiên, có khả năng bắt nguồn từ một khu chợ hải sản ở Vũ Hán, nơi virus lây nhiễm từ động vật sang người.
Tuy nhiên, luận điểm này đã vấp phải sự chất vấn của chính quyền Tổng thống Trump khi cho rằng Covid-19 có khả năng là nhân tạo, và bắt nguồn từ Viện Virus học Vũ Hán.
Bản thân tổng thống Trump đã gọi Covid-19 là “Virus Trung Quốc” và cáo buộc Bắc Kinh che đậy số liệu thực.
Nhà virus học đào tị Hồng Kông Diêm Lệ Mộng gần đây cũng đã xuất hiện trên truyền thông Mỹ và tiết lộ các thông tin tương tự.
Mối quan hệ Mỹ-Trung đã xuống rất thấp, thậm chí hướng tới một cuộc Chiến tranh Lạnh, khi ông Trump cho biết mối quan hệ “tuyệt vời” của ông với Chủ tịch Tập đã thay đổi.
Nga: Ý đồ phát triển vắc-xin như chạy đua không gian thời Chiến tranh lạnh
Có lẽ vì thế mà quốc gia này đã bỏ qua giai đoạn thử nghiệm thứ ba của vắc-xin viêm phổi Vũ Hán khiến dư luận phản ứng.
Ngày 11/8, Tổng thống Vladimir Putin thông báo, loại vắc-xin do Viện Dịch tễ học và vi sinh vật Gamaleya thuộc Bộ Y tế Nga phát triển đã vượt qua tất cả các thử nghiệm cần thiết, chứng minh hiệu quả và có thể khiến cơ thể người hình thành khả năng miễn dịch liên tục. Ông Putin nói rằng Bộ Y tế Nga đã phê duyệt loại vắc-xin virus Vũ Hán đầu tiên trên thế giới. Bộ trưởng Y tế Nga cho biết, Nga có kế hoạch bắt đầu tiêm chủng hàng loạt vào tháng 10 năm nay.
Soundofhope trích dẫn thông tin cho biết, ông Putin tiết lộ rằng một trong những cô con gái của ông cũng đã tham dự các thí nghiệm tiêm chủng loại vắc-xin này. Trong lần tiêm vắc xin đầu tiên, cô sốt nhẹ. Tới ngày hôm sau, nhiệt độ cơ thể giảm nhẹ hơn bình thường. Lần tiêm thứ hai, cô có sốt một chút sau đó trở lại bình thường. Ông Putin cho biết: “Con bé cảm thấy dễ chịu và trong cơ thể cũng xuất hiện nhiều kháng thể”.
Putin hiếm khi nói về hai cô con gái của mình Maria Vorontsova và Katerina Tikhonova trước công chúng, thông tin về đời tư của hai cô gái cũng được giữ kín.
Bỏ qua thử nghiệm lâm sàng giai đoạn 3 làm dấy lên nghi ngờ
Nga đã đăng ký sản xuất vắc-xin trước khi giai đoạn thử nghiệm thứ ba được hoàn thành. Điều này làm dấy lên nghi ngờ mạnh mẽ trong và ngoài nước. Bình thường, giai đoạn ba của thử nghiệm sẽ phải kéo dài trong vài tháng, với hàng nghìn, thậm chí hàng chục nghìn tình nguyện viên tham gia. Điều này có nghĩa là vắc-xin phải được thử nghiệm để xem liệu nó có thể bảo vệ toàn xã hội hoặc những người khỏe mạnh khỏi các bệnh nhiễm trùng tự nhiên hay không.
Hiệp hội các tổ chức thử nghiệm lâm sàng (ACTO) của các công ty dược phẩm hàng đầu thế giới ở Moscow, Nga đã thúc giục Bộ Y tế Nga trì hoãn việc phê duyệt vắc-xin cho đến khi giai đoạn ba của thử nghiệm hoàn thành.
Người phát ngôn của Tổ chức Y tế Thế giới Tarik Jasarevic nói rằng việc đẩy nhanh tiến độ phát triển vắc xin không thể đánh đổi bằng việc hy sinh tính an toàn và hiệu quả của nó. Ông nói rằng trang web của WHO đang cập nhật thông tin tổng quan về các loại vắc xin ứng cử viên hàng tuần. Tất cả các tiêu chí có thể được tìm thấy trên trang web của WHO và tất cả các ứng viên vắc xin cần được xem xét kỹ lưỡng. Do đó, toàn bộ quy trình đều minh bạch và công khai.
Michael Ryan, giám đốc hành động ngăn chặn và điều trị COVID-19 của Tổ chức Y tế Thế giới cho biết, 165 loại vắc xin hiện đang trong giai đoạn phát triển, 26 loại đang trong giai đoạn thử nghiệm lâm sàng và 6 loại đang trong giai đoạn thử nghiệm thứ ba. Trong đó không có loại vắc-xin mới công bố của Nga .
Tiến sĩ Anthony Fauci, một chuyên gia về bệnh truyền nhiễm người Mỹ, bày tỏ nghi ngờ về sự nghiêm cẩn của Nga và Trung Quốc trong việc phát triển nhanh chóng vắc-xin. Các quan chức y tế châu Âu và Mỹ cùng giới truyền thông đã đặt câu hỏi về tuyên bố của Nga về những tiến bộ đạt được đối với loại vắc-xin virus Vũ Hán mới.
Phát triển vắc xin giống như sự cạnh tranh trong không gian
Nga muốn đứng đầu thế giới trong cuộc chạy đua chế tạo vắc-xin, nước này đã phát triển vắc-xin viêm phổi Vũ Hán đầu tiên trên thế giới với tên là “Sputnik V”, có lẽ không phải là trùng hợp khi nó được đặt theo tên vệ tinh nhân tạo đầu tiên trên Trái đất năm 1957. Quỹ tài sản có chủ quyền của Nga (RDIF) cung cấp hỗ trợ tài chính cho việc nghiên cứu và phát triển vắc-xin lần này. Trong một cuộc phỏng vấn với CNN, chủ tịch quỹ đã thẳng thừng so sánh cuộc chạy đua phát triển vắc-xin với công cuộc chinh phục không gian.
Tờ Russia Today đưa tin, người đứng đầu quỹ này cho biết đã nhận được yêu cầu từ hơn 20 quốc gia trên thế giới về việc mua 1 tỷ liều vắc-xin virus viêm phổi Vũ Hán của Nga, bao gồm cả Philippines và Việt Nam.
Nga so sánh việc nghiên cứu, phát riển vắc-xin với cuộc chạy đua trong không gian giữa Liên Xô và Hoa Kỳ trong thời kỳ Chiến tranh Lạnh, và là lĩnh vực cạnh tranh giữa các cường quốc. Ai phát triển vắc xin trước sẽ có tiếng nói và chủ động. Nga đang chơi ngoại giao vắc xin và muốn phá vỡ sự phong tỏa từ các nước phương Tây như Anh, Mỹ và châu Âu.
Theo Soundofhope
Phụng Minh biên dịch