- Minh Nhật
Dưới sự kiểm soát của Ủy ban Chính trị và Pháp luật cùng các cơ chế ngoài vòng pháp luật, một số vụ bắt cóc quy mô lớn gần đây đã xảy ra đối với những người tập Pháp Luân Công tại Trung Quốc đại lục. Những người bị bắt cóc bị cưỡng ép thu thập mẫu máu, dấu vân tay, chụp ảnh, và ghi âm giọng nói. Bình luận về vấn đề này, ông Lý Hội Cách (Li Huige), Giảng sư tại Trung tâm Y tế Đại học thuộc Đại học Johannes Gutenberg – trường đại học lớn thứ 5 ở Đức, tin rằng việc thu thập mẫu máu là để xây dựng “ngân hàng nội tạng”, và hiện tại những người có tín ngưỡng tại Trung Quốc vẫn đang phải đối diện với tội ác thu hoạch nội tạng do chính quyền Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) hậu thuẫn.
Minghui.org, một trang web của người tập Pháp Luân Công tại hải ngoại mới đây đã đưa tin tổng hợp về một loạt các vụ bắt cóc người tập Pháp Luân Công gần đây mà trang web này có được từ nguồn tin sơ cấp tại Trung Quốc đại lục. Theo đó, cảnh sát đã không ngừng thu thập máu từ người tập Pháp Luân Công hoặc bắt cóc họ để thu thập máu. Đặc biệt, việc này gần đây xảy ra thường xuyên hơn. Chẳng hạn:
- Ngày 22/7/2020, 46 người tập Pháp Luân Công bị bắt cóc và cưỡng bức thu thập máu, kiểm tra DNA trên toàn thành phố Cao Mật. Hành động này do Ủy ban Chính trị và Pháp luật, Phòng 610, và Sở Công an thành phố Cao Mật thực hiện. Từ cuối tháng 10/2019 đến cuối tháng 7/2020, Ủy ban Chính trị và Pháp luật Cao Mật đã chỉ định nhân viên đồn cảnh sát Cao Mật, các ủy ban khu dân cư bắt cóc, lục soát nhà hơn 80 người tập Pháp Luân Công và người nhà, nhân viên của họ, đồng thời cưỡng bức lấy máu và dấu vân tay trái phép.
- Tại Phố Đông Thượng Hải, 10 người tập Pháp Luân Công bị cảnh sát buộc lấy máu và dấu vân tay. Nếu từ chối, họ sẽ bị đưa thẳng đến đồn cảnh sát để tiếp tục cưỡng bức lấy máu. Cá biệt, vào ngày 2/8, 4 cảnh sát từ Sở cảnh sát đường số 2 Thạch Môn, Thượng Hải đã gõ cửa nhà một người tập Pháp Luân Công 70 tuổi tên Thẩm Phương. Thấy cửa không mở, họ đã gọi thợ khóa đến cưỡng chế mở cửa. Sau khi đột nhập vào nhà, họ đè chặt lên người bà Phương, nắm lấy cổ tay và cưỡng chế lấy máu.
- Vào cuối tháng 7, nhiều người tập Pháp Luân Công ở Tây An đã bị nhân viên Phòng 610 tại địa phương và Đại đội An ninh Quốc gia quấy rối theo từng đợt, lên kế hoạch theo dõi, chặn đường, hoặc đến nhà sách nhiễu. Sau đó họ bị đưa đến đồn cảnh sát địa phương để thu thập thông tin cá nhân, bao gồm cả lấy mẫu máu.
- Một số trường hợp tương tự mà Minghui.org có thông tin xảy ra tại thành phố Vũ Hán tỉnh Hồ Bắc, thành phố Lạc Dương tỉnh Hà Nam, thành phố Hợp Phì tỉnh An Huy, huyện Lai Thủy tỉnh Hà Bắc…
Những người tập Pháp Luân Công không phải là trường hợp duy nhất bị nhắm đến. Nhiều nhân chứng thoát khỏi các trại tập trung người Duy Ngô Nhĩ ở Tân Cương cũng làm chứng về hoạt động thu thập mẫu máu tương tự tại địa khu này. Đặc biệt, việc thu thập mẫu máu này chỉ xảy ra đối với cộng đồng người Duy Ngô Nhĩ mà không diễn ra đối với những người Hán tại khu vực này. (Xem thêm: Nhà hoạt động Duy Ngô Nhĩ lên án thảm cảnh tại Tân Cương)
Ông Lý Hội Cách, Giảng sư tại Đại học Johannes Gutenberg, đồng thời là thành viên của Ủy ban tư vấn Bác sĩ Chống Cưỡng bức Thu hoạch Nội tạng (DAFOH), cho rằng hành động này của ĐCSTQ là nhằm tiếp tục xây dựng ngân hàng nội tạng sẵn có, phục vụ cho ngành công nghiệp cấy ghép tạng tại Trung Quốc. Theo đó, nếu như các thông tin cá nhân khác được ĐCSTQ thu thập để xây dựng kho dữ liệu lớn nhằm giám sát người dân, thì việc lấy máu chủ yếu là vì “sàng lọc để ghép tạng và tìm người hiến tạng tiềm năng”.
Trong nhiều năm, ông Lý Hội Cách vẫn luôn quan sát và lên tiếng về tội ác thu hoạch nội tạng của ĐCSTQ đối với các tù nhân lương tâm. Ông tham gia xuất bản các tài liệu nghiên cứu có liên quan và nhiều lần được mời tham gia các cuộc hội thảo hoặc phiên điều trần quốc tế với tư cách là chuyên gia về vấn đề này. Chẳng hạn năm 2016, ông Lý Hội Cách đã xuất hiện trong bộ phim “Ausgeschlachtet: Organe auf Bestellung” (Ăn thịt đồng loại: Tạng theo đặt hàng) của mạng truyền hình tiếng Đức, 3sat. Trong bộ phim này, ông trả lời phỏng vấn của đài 3sat, và giải thích về tình trạng sử dụng nội tạng từ tù nhân để phục vụ cho ngành công nghiệp cấy ghép tạng tại Trung Quốc.
Ông Lý Hội Cách cũng được mời tham gia Tòa án Nhân dân độc lập tại Anh điều tra về hành vi thu hoạch nội tạng cưỡng bức của ĐCSTQ (Xem bài: Tòa án: Trung Quốc thu hoạch nội tạng, phạm tội ác Chống lại loài người). Tại tòa, ông đã có hai bài phát biểu, phân tích về sự tồn tại việc cưỡng bức thu hoạch nội tạng ở Trung Quốc trên quy mô lớn, và cung cấp bằng chứng mạnh mẽ để chứng minh rằng nhóm nạn nhân lớn nhất trong tội ác này là người tập Pháp Luân Công.
Ông Lý Hội Cách đặc biệt nhấn mạnh vào nhiều ca cấy ghép tạng với thời gian chờ cực ngắn được công khai trên truyền thông nhà nước gần đây (Xem bài: 10 ngày 4 quả tim: Thực trạng ngành công nghiệp ghép tạng của ĐCSTQ). Ông cho rằng: “Những ví dụ này cho thấy thời gian khớp nội tạng ở Trung Quốc là rất ngắn. Nó cũng cho thấy Trung Quốc vẫn có một ngân hàng nội tạng bí mật khổng lồ.”
ĐCSTQ đã tuyên bố rằng bắt đầu từ ngày 1/1/2015, Trung Quốc sẽ chấm dứt ngừng sử dụng nội tạng của tử tù làm nguồn hiến tạng một cách toàn diện. Việc hiến tạng của công dân sẽ trở thành kênh duy nhất để cấy ghép nội tạng. Nhưng trên thực tế, số lượng công dân Trung Quốc hiến tạng là một con số cực kỳ hạn chế. Ngoài ra, nhiều nghiên cứu còn cho thấy các con số mà quan chức ĐCSTQ công bố với thế giới là ngụy tạo. (Xem bài: Tạp chí y khoa BMC: Trung Quốc che giấu tội ác thu hoạch tạng)
Ông Lý Hội Cách lấy ví dụ về việc ĐCSTQ từng tuyên bố vào năm 2017 rằng có 5.000 người hiến tạng ở Trung Quốc và 14.000 ca cấy ghép nội tạng đã được thực hiện. “Tỷ lệ này có vẻ hợp lý. Thật ra nó chỉ đơn giản là phép quy đổi theo tỷ lệ ở Hoa Kỳ. Năm 2017, có 10.000 ca hiến sau khi chết ở Hoa Kỳ, và 28.000 nội tạng được hiến. Tuy nhiên, trung bình một bệnh nhân Hoa Kỳ phải mất hơn ba năm cần để lấy được một quả thận, trong khi ở Trung Quốc chỉ mất vài tuần, thậm chí vài ngày. Vì vậy, nguồn ghép tạng chính ở Trung Quốc không phải là hiến tặng tự nguyện”, ông Lý Hội Cách nói. “Khả năng cấy ghép 4 quả tim trong vòng 10 ngày hoặc 7 ngày không giống như những gì một hệ thống hiến tạng có thể làm theo quy trình phân phối bình thường.”
Trong một cuộc phỏng vấn vào năm 2019 với tạp chí nhân quyền Bitter Winter tại Ý, ông Lý Hội Cách cũng phân tích thêm về các mâu thuẫn số liệu trong cấy ghép tạng do ĐCSTQ công bố:
Hãy cùng so sánh con số chính thức từ Trung Quốc và Mỹ năm 2017. Hoa Kỳ có khoảng 130 triệu người đăng ký hiến tạng, trong đó chỉ có 5.000 người sau khi qua đời có thể hiến tạng thực sự. 5.000 người khác qua đời trong phòng chăm sóc đặc biệt (ICU) mà chưa đăng ký danh sách hiến tạng. Ngay cả nếu 10.000 người này đều có thể hiến tạng, thì thời gian chờ đợi trung bình cho một ca ghép thận ở Mỹ năm 2017 là 3,6 năm.
Cuối năm 2017, Trung Quốc chỉ có 373.536 người đăng ký hiến tặng. Con số này quá ít, không xác đáng. Quan chức Trung Quốc tuyên bố, có 5.146 người đăng ký hiến tạng qua đời vào năm 2017, chủ yếu là trong phòng ICU. Đây chính là vấn đề. Nếu người ta không muốn đăng ký hiến tạng, vậy tại sao tỷ lệ hiến tạng của các bệnh nhân trong phòng ICU có thể cao như vậy? (*) Một nghiên cứu gần đây sử dụng phương pháp thống kê pháp y để kiểm tra các bộ dữ liệu hiến tạng từ năm 2010 đến 2018 tại Trung Quốc đã tìm thấy bằng chứng về sự giả mạo và thao túng một cách hệ thống.
(*) Ý nói tỉ lệ 5.000/130 triệu người hiến tạng ở Mỹ quá thấp so với tỉ lệ 5.146/373.536 người hiến tạng ở TQ dù Mỹ có hệ thống hiến tạng đứng đầu thế giới.
Ngay cả khi con số 5.146 người tự nguyện hiến tạng là đúng, điều này có thể giải thích cho số ca ghép tạng mà chính phủ công bố là 15.000 ca. Nhưng vẫn không thể giải thích cho thời gian chờ đợi ghép tạng quá ngắn, từ vài ngày đến một tuần. Thời gian chờ đợi ngắn này chỉ khả thi trong trường hợp có tồn tại sẵn một nguồn tạng sống khổng lồ và “những người hiến tạng” có thể bị giết theo nhu cầu mua bán tạng.
Trước thực trạng thu hoạch tạng tại Trung Quốc trong nhiều năm, ông Lý Hội Cách nói: “Tôi nghĩ rằng cộng đồng quốc tế phải hiểu sự thật về việc thu hoạch nội tạng sống của ĐCSTQ.”
“Trong nhiều năm qua, nhiều chính trị gia và giới truyền thông đã viện cớ không đủ bằng chứng, hoặc kết quả điều tra chưa được bên thứ ba xác nhận. Hiện tại, kết quả điều tra của bên thứ ba đã có. Tòa án Nhân dân Độc lập của Anh đã chứng thực được rằng nạn thu hoạch nội tạng đã có từ lâu, với số lượng lớn và vẫn tồn tại cho đến tận ngày nay.”
“Toàn xã hội phải hành động để ngăn chặn tội ác này. ĐCSTQ đã sử dụng thủ đoạn thu hoạch nội tạng từ người tập Pháp Luân Công còn sống để áp dụng cho các nhóm nạn nhân khác, chẳng hạn như người Duy Ngô Nhĩ và dân thường.”
Minh Nhật biên tập