Không có chuyện “nói nhịu” như cách anh biên tập viên đài truyền hình quốc gia cố gắng bao biện sau khi gọi người buôn bán hàng rong là “ký sinh trùng”. Thực tế, anh biên tập viên này đã phát đi một đoạn tin sai ngữ pháp khi gọi người bán hàng rong là “sống ký sinh trùng”, tiếng Việt chỉ có cụm từ “sống ký sinh” hoặc “sống như ký sinh trùng”.
Sẽ như nhiều lần trước, đài quốc gia hẳn sẽ không đưa được ra lời xin lỗi tử tế nào cho những điều xúc phạm đến nhân dân được họ phát sóng. Chỉ có một anh biên tập viên lên facebook cá nhân đôi chối bao biện nhiều hơn là nhận lỗi.
Tôi muốn hỏi, ai trong số chúng ta chưa từng thấy cảnh các lực lượng mang danh giữ trật tự đường phố đối xử rất hung hãn và kém văn minh với những người bán hàng rong? Nhìn những cảnh đuổi bắt, quăng ném người lẫn hàng hoá đôi khi làm người ta trào lên sự phẫn uất thay cho những thân phận nghèo khổ. Cách đây vài tháng thôi, một chị phó chủ tịch phường ở Quảng Ninh đã xuất hiện trên mạng trong một bộ dạng không thể tệ hại hơn khi chỉ huy bắt một xe rau bán dạo, còn chị bán rau phải rút dao khi đến bước đường cùng.
Không phải lúc nào người nghèo cũng đúng. Trật tự một đô thị luôn phải có kỷ cương, nhưng nếu là người có quyền hãy tự vấn mình, chỗ nào trong xã hội này dành cho những người bán hàng rong nếu họ không bươn chải?
Nền kinh tế của Việt Nam là nền kinh tế vỉa hè. Theo ước tính của các chuyên gia, khu vực kinh tế phi chính thức tạo ra khoảng 30% GDP. Trong đó, kinh tế vỉa hè với số lao động phi chính thức ở khu vực thương mại chiếm 31% và dịch vụ chiếm 26%. Kinh tế phi chính thức góp phần giải quyết việc làm cho khoảng vài chục triệu lao động. Các chuyên gia kinh tế ước tính nền kinh tế vỉa hè đang cung cấp đến 30% lượng việc làm và 40% nhu cầu ăn uống của người đô thị.
Cấu tạo của xã hội Việt Nam là cấu tạo của một xã hội phục vụ cho xe hai bánh. Đó là lý do tại sao các hàng quán vỉa hè tồn tại, nó đáp ứng được nhu cầu thực tế của xã hội.
Tuy đóng góp là vậy nhưng lúc cả nền kinh tế xã hội đang trì đốn vì đại dịch thì những người buôn gánh bán bưng luôn là đối tượng dễ bị tổn thương nhất bởi họ chỉ buôn bán độ nhật chứ không thể có tích luỹ. Là một đài truyền hình quốc gia, của một chế độ luôn khẳng định “của dân – do dân – vì dân”, không có sự cảm thông lại đi gọi người dân là “ký sinh trùng” trong cơn khốn khó. Tôi tự hỏi, VTV đã thật sự hiểu rõ cái định hướng “của dân – do dân – vì dân” như những vị khai sinh ra chế độ này hướng tới?