Trừng phạt của châu Âu tác động thế nào đến chế độ Minsk?

Anh Vũ

Các lãnh đạo châu Âu họp qua mạng về tình hình Belarus, ngày 19/08/2020. Trong ảnh, chủ tịch Hội Đồng Châu Âu, Charles Michel, tại Bruxelles. REUTERS – POOL

Hôm 19/08/2020, lãnh đạo 27 nước Liên Hiệp Châu Âu họp khẩn, qua truyền hình, bàn về tình hình khủng hoảng tại Belarus liên quan đến cuộc bầu cử tổng thống bị tố cáo là gian lận và các hành động trấn áp người biểu tình của chính quyền Minsk. Dự kiến phiên họp thượng đỉnh phải quyết định các biện pháp trừng phạt đối với chế độ của tổng thống Loukachenko.

Mười ngày sau cuộc bầu cử tổng thống Belarus đầy tranh cãi, phong trào biểu tình phản kháng vẫn tiếp tục lan rộng với quy mô chưa từng có ở quốc gia Đông Âu thuộc Liên Xô cũ này. Một lần nữa Liên Hiệp Châu Âu lại đóng vai trò người bảo vệ các giá trị dân chủ và nhân quyền, nhưng cũng thêm một lần nữa giới quan sát đặt câu hỏi: các biện pháp trừng phạt của Liên Hiệp Châu Âu có tác động đến đâu tới chế độ Minsk?

Ban đầu, hồ sơ khủng hoảng Belarus được dự trù đưa ra bàn thảo trong phiên họp cấp bộ trưởng Ngoại Giao của Liên Hiệp tại Berlin vào cuối tháng 8 này. Thế nhưng các lãnh đạo 27 nước Liên Âu đã quyết định triệu tập cuộc họp thượng đỉnh bất thường ngày hôm nay để xem xét hồ sơ. Trước cuộc họp, ba lãnh đạo chủ chốt của Liên Hiệp, tổng thống Pháp Emmanuel Macron, thủ tướng Đức Angela Merkel và chủ tịch Hội Đồng Châu Âu Charles Michel đã điện đàm với tổng thống Nga. Ba cuộc gọi không cùng lúc, nhưng đều nhận được một thông điệp cảnh báo như nhau :  Matxcơva không chấp nhận “mọi ý đồ can thiệp của nước ngoài”  cũng như sức ép từ bên ngoài đối với chế độ của Alexandre Loukachenko. Đồng thời ông Putin cũng gửi tới người “đồng minh” Loukachenko tín hiệu Nga cũng không chấp nhận các hành động bạo lực đối với xã hội dân sự Belarus.

Về mặt chính thức, Liên Âu không tỏ lập trường rõ ràng về cuộc bầu cử tổng thống vừa qua, nhưng từ hôm 14/8, sau phiên họp các ngoại trưởng, 27 nước thành viên đã đưa ra nguyên tắc trừng phạt. Đó là lên một danh sách đen những nhân vật chính trị bị cáo buộc đã tổ chức và thi hành các vụ trấn áp biểu tình phản đối kết quả bầu cử, để các nước thành viên thông qua biện pháp trừng phạt. Cũng vì thao túng bầu cử và trấn áp đối lập, từ năm 2004 chế độ Loukachenko đã bị Bruxelles trừng phạt, các biện pháp đến giờ vẫn còn hiệu lực: 4 quan chức của Belarus bị phong tỏa tài sản và cấm vào EU, Belarus bị cấm vận mua vũ khí và các thiết bị có thể được sử dụng để đàn áp dân chúng.

Lần này châu Âu có thể làm được gì hơn thế, khi mà các quyết định trừng phạt vẫn chủ yếu mang tính chính trị tượng trưng ? Chuyên gia về Belarus, bà Alexandra Goujon, thuộc Đại học Bourgogne Pháp, trong một bài viết trên nhật báo La Croix nhận định, Liên Hiệp Châu Âu có phạm vi hành động rất hẹp, để áp đặt các trừng phạt kinh tế đối với Belarus, vì các trao đổi thương mại của nước này với Liên Âu rất là nhỏ. Tổng thống Loukachenko, từ khi lên nắm quyền năm 1994, chưa bao giờ tìm cách xích lại gần Liên Hiệp Châu Âu về mặt chính trị cũng như kinh tế. Có thể đó cũng là một phần lý do giúp chế độ Loukachenko vẫn tồn tại một cách “ổn định” từ đó đến giờ.

Bản thân Liên Hiệp Châu Âu cũng ý thức được các trừng phạt kinh tế không mang lại hiệu quả gì, nhưng trước các hành động trấn áp bạo lực của chính quyền Minsk có nguy cơ leo thang, Bruxelles buộc phải làm việc này, nhân danh một nền dân chủ lớn của châu lục.

Theo chuyên gia Goujon, có vẻ như Alexadre Loukachenko không lo lắng gì với các trừng phạt của châu Âu theo kiểu lập danh sách đen, cấm nhập cảnh… “Chính sách đối ngoại cũng như kinh tế của Belarus đã hoàn toàn hướng về nước Nga”.  

Belarus vẫn lệ thuộc rất nhiều vào Nga, thị trường xuất khẩu nông sản và một số máy móc công nghiệp chủ yếu của Belarus. Nga là nước cung cấp dầu lửa, khí đốt gần như là duy nhất cho Belarus. Matxcơva không ưa gì chính quyền Loukachenko, đôi khi muốn chứng tỏ độc lập tự chủ với Nga, nhưng Nga vẫn nín nhịn để nuôi ý đồ đồng hóa nền kinh tế Belarus về lâu dài. “Chỉ khi bị Nga gây áp lực quá “thô bạo” thì Belarus mới tính cách ngả sang EU”.

Vẫn theo chuyên gia Alexandra Goujon, mục tiêu của châu Âu không phải là cô lập Belarus bằng kinh tế, mà trái lại thông qua Litva, Liên Âu muốn tài trợ cho các tổ chức xã hội dân sự Belarus. Bằng chứng là trong cuộc khủng hoảng hiện nay, Litva vừa đề nghị lập quỹ hỗ trợ các nạn nhân bị chính quyền đàn áp và quốc gia thành viên EU, cũng là nơi tạm lánh cho nhà đối lập Svetlana Tikhanovskaia, chạy trốn sự đe dọa của chính quyền Belarus.

Related posts