Trung Quốc trả thù Úc bằng cách mở điều tra rượu vang
Quan hệ giao thương vốn đã xấu sẽ càng xấu hơn khi Trung Quốc tuyên bố tiến hành điều tra chống bán phá giá đối với rượu vang của Úc.
Tuyên bố hôm thứ Ba (18.8.2020) Bộ Thương mại Trung Quốc cho biết đã khởi động cuộc điều tra chống phá với rượu vang nhập từ Úc, nhắm vào các lô hàng rượu dưới hai lít sản xuất năm 2019. Cuộc điều tra cũng nhằm làm rõ ảnh hưởng đối với ngành kỹ nghệ rượu vang Trung Quốc trong giai đoạn 2015-2019.
Yêu cầu điều tra do Hiệp hội thức uống có cồn Trung Quốc thỉnh cầu, trong đó yêu cầu cơ quan quản lý xem xét 10 nhà sản xuất rượu Úc, trong đó có Treasury Wines, Penfolds và Accolade.
Đây là một diễn biến đáng lo ngại với kỹ nghệ rượu vang Úc, thí dụ như Treasury Wine Estate, với 40% lợi nhuận đến từ thị trường Trung Quốc. Ngay hôm thứ Ba, khi tin này tung ra, cổ phiếu của Treasury Wine Estates đã bị sụt giá 14%.
Rượu vang mà Trung Quốc nhập từ Úc đã tăng từ 5.67 triệu lít vào năm 2015 lên 12.08 triệu lít vào năm 2019. Thị phần rượu trong nước giảm từ 74.43% xuống còn 49.58% cùng kỳ. Các số liệu của Úc cũng cho thấy Úc bán nhiều rượu sang Trung Quốc hơn Pháp, với xuất cảng đạt $795 triệu trong năm 2019-2020, chiếm 37% rượu vang nhập cảng của Trung Quốc.
Trung Quốc là thị trường rượu vang hàng đầu của Úc, đồng thời là đối tác thương mại lớn nhất của Úc, với kim ngạch thương mại hai chiều trị giá $170 tỷ vào năm ngoái.
Lên tiếng ngay sau khi nhận tin này, Tổng trưởng Thương mại Simon Birmingham tuyên bố qua email: “Đây là diễn biến rất đáng thất vọng và khó hiểu. Bắc Kinh cũng thông báo rằng họ đang xem xét yêu cầu mở cuộc điều tra về thuế chống trợ cấp. Rượu vang của Úc không được bán dưới giá thị trường và hàng xuất cảng không hề được trợ cấp.”
Tony Battaglene, Giám đốc điều hành của công ty Australian Grape & Wine Inc, cho biết diễn biến này đầy “bất ngờ” và có thể dẫn đến việc áp thuế đối với khoảng 1.200 nhà sản xuất rượu của Australia đang xuất khẩu sản phẩm sang Trung Quốc.
Để trả thù việc Úc đòi hỏi quốc tế điều tra về nguồn gốc đại dịch Covid-19, vào tháng Năm Trung Quốc tuyên bố áp thuế chống bán phá giá và chống trợ cấp tới 80,5% với lúa mạch Úc và cấm cửa 4 nhà sản xuất thịt bò lớn của nước này với lý do không đáp ứng yêu cầu nhãn mác và chứng nhận nhập khẩu trong thời gian dài. Nước này còn cảnh báo sinh viên, khách du lịch Trung Quốc khi đến Úc vì cáo buộc phân biệt chủng tộc.
Tuy nhiên Úc tuyên bố sẽ không đối đầu thương mại với Trung Quốc, cũng không coi những động thái hạn chế thương mại gần đây của Bắc Kinh là sự đáp trả việc kêu gọi mở cuộc điều tra quốc tế về Covid-19.
Về rượu vang thì lâu nay do cạnh tranh không lại, những nhà sản xuất rượu vang Trung Quốc luôn cáo buộc các nhà sản xuất rượu Úc có hành vi phá giá và do đó chiếm lĩnh thị trường khiến các công ty rượu vang Trung Quốc dở sống, dở chết. Nay thì căng thẳng trong quan hệ giữa hai nước đã cho giới này cơ hội quý giá để đè bẹp rượu vang Úc.
COVID-19 Melbourne: Thủ hiến cảnh báo có thể kéo dài lệnh phong tỏa
Thủ hiến của Victoria, Daniel Andrews cho biết lệnh phong tỏa tại tiểu bang có thể kéo dài hơn dự tính mặc dầu số ca nhiễm có chiều hướng giảm.
Quan tâm lớn nhất đối với ông Andrews hiện nay là mặc dầu số ca nhiễm giảm nhưng số người khi thử nghiệm càng lúc càng ít đi. Các trung tâm xét nghiệm tại Melbourne có những nơi mỗi ngày chỉ có 20 người đến xét nghiệm.
Ông Andrewn nói rằng mức độ xét nghiệm phải cao hơn để chính quyền có thể có một “bức tranh toàn diện” trước khi bắt đầu nới lỏng luật phong tỏa cấp 4.”
“Chúng tôi cố tránh trường hợp số ca nhiễm xuống thấp rồi bắt đầu nghĩ đến nới lỏng… nhưng không thể làm được bởi vì số xét nghiệm quá thấy để chúng tôi có thể biết rõ có bao nhiêu vi khuẩn còn trong cộng đồng,” ông nói.
Ông Andrew cho biết vào hôm thứ Tư tuần này có 16,109 ca xét nghiệm, dưới con số bình thường, trung bình khoảng 20,000. Ông kêu gọi người dân Victoria đi xét nghiệm mặc dầu có triệu chứng nhẹ nhất.
Tính đến sáng hôm nay, thứ Năm 20/08 Victoria có 240 ca nhiễm mới và 13 tử vong.
Qantas tiết lộ ngày ngày mở lại đường bay quốc tế
2020 là một năm kinh hoàng đối với nghành hàng không, gần như sụp đổ hoàn toàn. Qantas cũng không ngoại lệ và vừa tiết lộ những thiệt hại do đại dịch COVID-19 gây ra.
Công ty nghành không lớn nhất của Úc cho biết bị thiệt hại tài chánh lên đến $2.7 tỉ trong năm tài chánh 2019-2020. Bắt đầu từ 1 tháng 7 đến cuối tháng 2 năm 2020 công ty hoạt động bình thường, nhưng số tiền lỗ là do thất thu kể từ đầu tháng 3 đến cuối tháng 6 năm 2020 khi công ty phải ngưng hoạt động hoàn toàn.
Đại dịch Covid-19 đã làm cho ngành hàng không ở Úc thiệt hại đến $4 tỉ Úc kim.
Qantas dự tính sẽ bắt đầu mở lại đường bay quốc tế vào tháng 7 năm 2021, đầu tiên là xuyên biển Tasma đến Tân Tây Lan nếu mọi việc diễn ra như dự tính.
Vào tháng 6 năm nay, Qantas bắt buộc phải sa thải 6000 công việc trong tổng số 29,000 lực lượng lao động.
Ngoài việc cắt nhân viên vĩnh viễn, công ty còn phải cho 15,000 nhân viên nghĩ tối thiểu cho đến cuối năm nay – đó là một phần trong kế hoạch 3 năm hồi phục từ đại dịch của công ty.