Ứng dụng tạo và chia sẻ video ngắn TikTok của Trung Quốc chuẩn bị kiện sắc lệnh cấm nền tảng này hoạt động tại Mỹ của Tổng thống Donald Trump.
Ông Trump ra lệnh cấm mọi giao dịch với ByteDance, công ty mẹ của TikTok từ giữa tháng 9/2020. Quan chức chính quyền Trump nêu quan ngại TikTok có thể chuyển dữ liệu của người Mỹ cho chính phủ Bắc Kinh. ByteDance bác bỏ khả năng này.
Nền tảng mạng xã hội video ngắn này có tới 80 triệu người Mỹ dùng, phần lớn là người trẻ tuổi. Trên toàn thế giới, ứng dụng này đã được tải hơn 1 tỷ lần.
Trong một tuyên bố gần đây, TikTok nói họ đã cố gắng thảo luận với chính quyền Trump trong gần một năm qua, nhưng chính quyền “không có ý định nghe sự thật” và không cho TikTok được hưởng tiến trình pháp lý phù hợp.
“Để đảm bảo nền pháp trị không bị coi thường, và công ty và người dùng của chúng tôi được đối xử công bằng, chúng tôi không còn lựa chọn nào ngoài thách thức sắc lệnh hành pháp này thông qua hệ thống tư pháp”, phát ngôn viên TikTok nói.
Theo phóng viên BBC, tuần này Tiktok sẽ đệ đơn kiện chính quyền Trump.
Hôm thứ Sáu 21/8, một nhóm người Mỹ gốc Hoa đã gửi một đơn kiện khác chống lại lệnh cấm tương tự của ông Trump đối với WeChat, ứng dụng nhắn tin phổ biến của Trung Quốc do Tencent sở hữu.
Trong lệnh cấm TikTok và WeChat, ông Trump nói các ứng dụng Trung Quốc này có thể cho phép Bắc Kinh theo dõi vị trí của nhân viên liên bang, thu thập dữ liệu để tống tiền họ hoặc gián điệp công ty của Mỹ.
“Sự phát triển của các ứng dụng điện thoại được tạo ra và sở hữu bởi công ty TQ đe dọa an ninh quốc gia, chính sách đối ngoại và nền kinh tế Hoa Kỳ”, ông Trump nói.
“Việc thu thập dữ liệu này có nguy cơ cho phép ĐCSTQ tiếp cận thông tin tài sản và cá nhân của người Mỹ”, ông nói trong sắc lệnh.
TikTok phản đối, nói họ chưa bao giờ giao dữ liệu người dùng Mỹ cho chính quyền Trung Quốc.
Từ khi nhậm chức, ông Trump đã khởi động cuộc chiến thương mại với Trung Quốc, nay lan ra thành đối đầu ở mọi phương diện: nhân quyền, ngoại giao, biển Đông, Đài Loan và viễn thông.
Mỹ cũng không phải là nước duy nhất cấm TikTok. Ấn Độ đã cấm ứng dụng này sau vụ đụng độ biên giới chết người hồi tháng Bảy. Úc cũng đang cân nhắc cấm ứng dụng này.
Một số nhà phân tích coi TikTok là công cụ quan trọng trong cỗ máy giám sát người dân trong nước của Bắc Kinh khi yêu cầu người dùng nào từng bị cáo buộc lan truyền tin đồn xấu phải đăng ký nhận dạng khuôn mặt và giọng nói.
WeChat cũng phổ biến với những người nước ngoài có liên hệ ở Trung Quốc, nơi các ứng dụng mạng xã hội của Mỹ như Facebook, WhatsApp và Twitter bị cấm.
“Bị cắt liên hệ đột ngột sẽ là thảm họa đáng sợ đối với người dân, đặc biệt là trong cảnh đại dịch”, luật sư Michael Biden, đại diện cho nhóm người kiện lệnh cấm WeChat của ông Trump nói với BBC. Ông lập luận rằng lệnh của tổng thống Mỹ là vi hiến bởi nó xâm phạm quyền tự do ngôn luận của người dùng.
Trần Minh