Tin thế giới trưa thứ Hai

An Huy – Trung Quốc: Hàng trăm người bị nhiễm khuẩn Shigella

  • Y Bình

Trung Quốc năm 2020 không ngừng hứng tai ương dịch bệnh: sau bùng phát viêm phổi Vũ Hán, bệnh dịch hạch và virus Bunya mới, gần đây có thông tin ở tỉnh An Huy đã xảy ra hiện tượng gần 500 người bị nhiễm khuẩn Shigella. Thông tin lại làm dấy lên những lo ngại từ thế giới bên ngoài.

Tại tỉnh An Huy – Trung Quốc xảy ra nhiều người bị nhiễm vi khuẩn Shigella. (Nguồn: Chụp màn hình video).

Vào lúc 6:26 chiều ngày 23/8 chính quyền huyện Thọ tỉnh An Huy đã thông báo trên Weibo rằng tính từ ngày 20/8 đã có tổng cộng 493 cư dân ở thị trấn Bảo Nghĩa (Bao Yi) huyện Thọ có các triệu chứng như sốt, nôn mửa, đau bụng và tiêu chảy. Bệnh viện Trung y của huyện và bệnh viện của huyện hiện đã tiếp nhận chữa trị cho 289 bệnh nhân, nhưng không thấy thông tin đề cập đến tình hình còn lại của 204 người. Cơ quan chức năng nhấn mạnh rằng tình trạng của các bệnh nhân nhập viện nhìn chung đã được cải thiện, một số bệnh nhân đã được chữa khỏi và xuất viện. Theo kết quả điều tra (sơ bộ) liên ngành của tỉnh An Huy đã xác định “là do nhiễm vi khuẩn Shigella”.

Nguồn tin từ Caixin đưa tin, ngày 23/8, ở thị trấn Bảo Nghĩa huyện Thọ tỉnh An Huy đã có hơn 100 người bị sốt không rõ nguyên nhân kèm theo các triệu chứng tiêu hóa như tiêu chảy, bệnh nhân chủ yếu là trẻ em. Một số phụ huynh địa phương tiết lộ rằng hiện tượng bị sốt cao và tiêu chảy không chỉ xảy ra đối với trẻ em mà có cả người già. Đây không phải là loại bắt đầu bằng sốt nhẹ và sau đó kéo theo sốt cao mà lập tức sốt cao 39,5 ℃ và 40 ℃. Hiện tượng xảy ra tại hai thị trấn với ít nhất từ 200 – 300 người già và trẻ em bị nhiễm. “Mọi người đến xếp hàng khám bệnh chật kín bệnh viện, tôi đã xếp hàng 4 – 5 tiếng đồng hồ. Bệnh viện chẩn đoán bị nhiễm vi khuẩn, nghi ngờ nguồn nước địa phương có vấn đề; có người cho biết nước uống ở địa phương chuyển màu vàng đen.”

Người dân địa phương nghi ngờ nguồn nước có vấn đề. (Nguồn: Chụp màn hình Weibo).

Về vấn đề này, chính quyền huyện Thọ nhấn mạnh rằng để ngăn ngừa nhiễm trùng nguồn nước, vào ngày 21/8 đã đóng cửa nhà máy nước thị trấn Bảo Nghĩa, công việc xử lý liên quan đang được tiếp tục thực hiện.

Đã có rất nhiều ý kiến ​​bàn tán của người dân về thông tin này: “Ngày đầu đi khám thì không nhiều, nhưng hôm sau thì bệnh viện quá đông…” “Đêm qua (ngày 22/8) em tôi bắt đầu bị sốt và tiêu chảy, đáng lý hôm nay chuẩn bị đi ra trường nhưng không đi được, lúc ba giờ sáng đưa đến trung tâm y tế của thị trấn… nhưng đến 8 giờ sáng mới được khám vì bệnh viện thực sự quá tải…”; “Tất cả trẻ em dưới 15 tuổi ở thị trấn Bảo Nghĩa huyện Thọ tỉnh An Huy đều bị sốt cao, nôn mửa và tiêu chảy, đến chật cứng và bệnh viện huyện….”

Người dân cho biết bệnh viện địa phương đã chật kín người. (Nguồn: Weibo).

Một số cư dân mạng để lại lời nhắn: “Đừng nhắc nữa, ngay cả nước máy bên huyện này cũng có mùi lạ, có khi suốt tuần đều thấy có mùi như nước khử trùng, có khi có mùi như kiểu nước đã hết hạn sử dụng.” “Hôm qua Bộ Tài nguyên nước còn thông báo 80% dân số nông thôn đã được sử dụng nước máy, nhưng những ngày qua hãy xem bao nhiêu trẻ em bị sốt và tiêu chảy không rõ nguyên nhân ở huyện Thọ tỉnh An Huy…” “Nước đã chuyển sang màu đen và vàng mà vẫn qua kiểm định…”.

Người dân chấn vấn về tuyên bố của cơ quan chức năng (Nguồn: Weibo)

Một số cư dân mạng khác cho biết: “Tôi mong điều tra và xử lý càng sớm càng tốt vấn đề ô nhiễm đối với những thứ liên quan mật thiết đến cuộc sống hàng ngày này”; “Hy vọng các ban ngành liên quan có thể tìm ra nguyên nhân và cho chúng tôi lời giải thích”.

Theo Bộ Y tế và Phúc lợi Đài Loan, bệnh lỵ trực khuẩn là một bệnh đường ruột cấp tính do nhiễm khuẩn Shigella, tác nhân gây bệnh có thể kháng axit và chỉ có 10 – 100 mầm bệnh có thể gây bệnh. Nhiễm khuẩn với số người đông như vậy thường xảy ra ở những nơi đông người hoặc những nơi người ta có thể tiếp xúc trực tiếp với chất bài tiết; chẳng hạn như nhà tù, nhà trẻ, viện dưỡng lão, trại tị nạn và những người có quan hệ tình dục đồng giới. Đặc biệt dễ phát sinh dịch bệnh ở những nơi không có nước máy, điều kiện vệ sinh môi trường kém, nước uống hoặc thức ăn bị ô nhiễm cũng thường dẫn đến truyền nhiễm quy mô lớn mang tính khu vực. Thời gian ủ bệnh khoảng 1 đến 3 ngày, các triệu chứng là đột ngột đau quặn bụng dữ dội, sốt cao, nôn mửa, chán ăn và tiêu chảy nhiều nước, sau đó có thể tiêu chảy nhầy kèm theo có máu.

Y Bình

89 quan chức cấp tỉnh Trung Quốc bị buộc tội thông đồng với mafia địa phương

  • Fang Xiao

Theo Epoch Times, chính quyền tỉnh Hồ Nam hôm 19/8 đã truy tố một băng nhóm mafia địa phương. Đáng lưu ý là 89 quan chức bảo kê cho nhóm tội phạm này trong hơn 17 năm qua cũng đã bị bắt và buộc tội bao che, tham nhũng.

Cảnh sát Trung Quốc, Bắc Kinh, Cảnh sát

Ngày 19/8, ông Li Dianxun, bí thư Ủy ban chính trị và pháp luật (PLAC) và là lãnh đạo của chiến dịch “truy quét và bài trừ tệ nạn” tại tỉnh Hồ Nam, Trung Quốc đã thông báo việc truy tố với 23 người trong một băng đảng mafia địa phương.

Băng đảng này do Shang Tongjun và Wu Xianyao cầm đầu, đã tham gia vào các hoạt động tội phạm trong gần 20 năm dưới hình thức “liên minh chính trị và kinh doanh” ở quận Tương Tây (Xiangxi), nằm ở phía tây của tỉnh Hồ Nam. Ông Li cho biết các cựu quan chức cấp cao trong chính quyền địa phương đã hình thành một “cái ô bảo vệ” cho nhóm tội phạm nay.

Shang và băng nhóm của mình đã đầu tư và điều hành các công ty có dính líu đến khai thác mỏ bất hợp pháp, gian lận, giả mạo hồ sơ, và các hoạt động tội phạm khác. Tài sản bất hợp pháp kiếm được đã vượt quá 600 triệu nhân dân tệ (hơn 86,6 triệu USD).

Băng nhóm này còn dính líu đến nhiều vụ giết người xuất phát từ mâu thuẫn trong kinh doanh. Hồ sơ toà án cho thấy băng đảng có liên quan đến 43 tội ác có tổ chức, trong đó có 4 vụ giết người. Hai mươi trong số 23 bị cáo bị buộc tội có liên quan đến các vụ án giết người.

Ngày 30/7, Shang và Wu đã bị kết án tử hình vì các tội tổ chức và điều hành các hoạt động băng nhóm và cố ý giết người. 21 người còn lại bị kết án tử hình, tù chung thân, hoặc tù giam từ 8 đến 22 năm.

Lạm dụng quyền lực

Trong vụ án này còn có ông Ouyang Xu, một người gốc Hồ Nam và là cựu Giám đốc công an địa phương kiêm Bí thư đảng ủy quận Tương Tư. Ông đã bị kết án 10 năm tù vì tội nhận hối lộ và lạm quyền.

Theo bản án , năm 2012, ông Ouyang Xu đã lạm dụng quyền lực để trả tự do cho Wu.

Kể từ ĐCSTQ và chính quyền cộng sản Trung Quốc được thành lập, đảng này đã kết hợp với các phong trào chính trị của mình để đàn áp các băng nhóm tội phạm và những người bảo kê họ với mục đích chính là triệt tiêu các đối thủ chính trị, như trường hợp Tứ nhân bang (gồm có Giang Thanh, Trương Xuân Kiều, Vương Hồng Văn và Diêu Văn Nguyên) trong cuộc Cách mạng Văn hóa.

Các quan chức cấp cao khác được biết đến từng làm “ô dù” che chở cho các băng nhóm xã hội đen là Zhang Yue, cựu ủy viên thường vụ tỉnh ủy Hà Bắc kiêm bí thư đảng ủy PLAC Hà Bắc, đã bị bắt vào năm 2018; Chu Vĩnh Khang, cựu lãnh đạo của PLAC quốc gia, đã bị cắt chức vào năm 2014.

Theo The Epoch Times

Thủ tướng Nhật lại vào viện, làm dấy lên lo lắng về sức khỏe của ông

  • Như Ngọc

Đoàn xe hộ tống Thủ tướng Nhật Bản Abe Shinzo hôm thứ Hai (24/8) đã lại đưa ông vào một bệnh viện tại Tokyo sau một tuần. Điều này làm dấy lên những lo lắng về tình trạng sức khỏe của ông Abe và đã có những đồn đoán ông sẽ không thể tiếp tục lãnh đạo chính phủ Nhật.

Truyền thông Nhật Bản dẫn các nguồn tin từ chính phủ cho biết ông Abe đến viện lần này là để nhận kết quả kiểm tra y tế từ tuần trước. Một tuần trước, Thủ tướng Nhật đã được kiểm tra y tế kéo dài tới hơn 7,5 giờ tại một bệnh viện ở thủ đô Tokyo. Sự việc này làm tăng thêm những lo lắng của ngoại giới về tình trạng sức khỏe của ông.

Tờ nhật báo Yomiuri dẫn lời một quan chức chính phủ Nhật giấu tên cho hay: “Lần này là để nghe kết quả của lần kiểm tra sức khỏe trước”.

Reuters cho biết sáng thứ Hai (24/8), hàng chục phóng viên đã chứng kiến một chiếc xe ô-tô sedan màu đen với rèm trắng, chở ông Abe ngồi ghế sau đến bệnh viện Tokyo.

Trong tháng này, Truyền thông Nhật đã dấy lên đồn đoán về sức khỏe của Thủ tướng Abe, bao gồm cả chi tiết về việc ông đi lại chậm chạp hơn bình thường.

Tuần san Flash đưa tin ông Abe đã nôn ra máu tại văn phòng làm việc vào ngày 6/7. Tuy nhiên, các quan chức chính phủ Nhật đã lên tiếng bác bỏ thông tin này.

Văn phòng thủ tướng Nhật không đưa ra giải thích chi tiết về lần tới bệnh viện của ông Abe tuần trước. Nhưng Bộ trưởng Y tế Katsunobu Kato – một đồng minh thân cận của Thủ tướng – cho biết đó là đợt kiểm tra sức khỏe định kỳ. Ông Kato cho biết ông “không hề” lo lắng về sức khỏe của ông Abe.

Theo Kyodo News, ông Abe thường kiểm tra sức khỏe định kỳ hai lần mỗi năm và lần gần nhất là vào ngày 13/6. Hãng tin này dẫn một nguồn tin tại bệnh viện nói rằng lần tới bệnh viện tuần trước là tiếp tục của đợt kiểm tra sức khỏe hồi tháng Sáu.

Tính đến 24/8, ông Abe, 65 tuổi, đã vượt qua kỷ lục của ông Eisaku Sato, trở thành người của phe bảo thủ giữ chức thủ tướng Nhật dài nhất. Reuters cho biết, có đồn đoán về việc ông Abe có thể sẽ từ chức sau khi đạt đến cột mốc lịch sử này.

Trong nhiệm kỳ đầu, ông Abe đã phải từ chức vào năm 2007 do phải vật lộn với bệnh viêm loét đại tràng. Căn bệnh này của ông đã được kiểm soát sau khi ông thường xuyên thực hành thiền định.

Theo Reuters, nếu ông Abe bị mất khả năng làm việc, Phó Thủ tướng Taro Aso, cũng là bộ trưởng tài chính, sẽ trở thành thủ tướng Nhật tạm quyền.

Trường hợp nếu ông Abe nói ông quyết định từ chức, ông sẽ tiếp tục làm việc đến khi được chính thức thay thế. Việc thay thủ tướng Nhật yêu cầu Đảng Dân chủ Tự do cầm quyền phải tổ chức bầu chọn nội bộ người giữ chức thủ tướng và vị trí này sau đó sẽ phải được quốc hội Nhật phê chuẩn chính thức.

Như Ngọc

FDA Mỹ cho phép sử dụng huyết tương hồi phục để điều trị COVID-19

  • Xuân Thành

Cục Thực phẩm và Dược phẩm Mỹ (FDA) đã cho phép sử dụng khẩn cấp huyết tương từ bệnh nhân COVID-19 hồi phục làm phương pháp điều trị cho các bệnh nhân nhiễm virus corona. Thông báo này đến sau khi Tổng thống Donald Trump công khai gây áp lực yêu cầu FDA phải tăng tốc phát triển thuốc và vắc-xin COVID-19.

Trong tuyên bố của FDA nhấn mạnh huyết tương không nên được coi là tiêu chuẩn mới cho việc điều trị COVID-19. Tuy nhiên, cơ quan quản lý dược phẩm này nói huyết tương có thể làm giảm nhẹ tính nghiêm trọng của bệnh đối với các bệnh nhân nhập viện.

Lãnh đạo FDA Stephen Hahn nói trong tuyên bố: “Chúng tôi được khuyến khích bởi những dữ liệu hứa hẹn ban đầu mà chúng tôi đã thấy về huyết tương hồi phục”.

Điều trị bằng huyết tương hồi phục là sử dụng máu của các bệnh nhân COVID-19 đã đang phục hồi và đã có kháng thể đối với virus corona. Các bác sĩ sau đó sẽ truyền huyết tương hồi phục này vào người bệnh để ngăn chặn các triệu chứng nặng, theo Mayo Clinic, nơi đang nghiên cứu phương pháp điều trị bằng huyết tương hồi phục.

Hàng nghìn bệnh nhân COVID-19 tại Mỹ đã được điều trị bằng huyết tương thông qua chương trình thử nghiệm lâm sàng và tiếp cận khẩn cấp. FDA đã đang giúp điều phối những nỗ lực điều trị này từ tháng Ba. Dù vậy, việc cho phép sử dụng khẩn cấp lần này sẽ loại bỏ một số rào cản về hậu cần và giúp bệnh nhân tiếp cận với biện pháp điều trị này dễ dàng hơn.

Theo The Epoch Times, Bộ trưởng Y tế và Dân sinh Alex Azar đã kêu gọi người dân Mỹ hãy hiến tặng huyết tương để giúp chiến đấu với đại dịch COVID-19. Ông cho biết việc giảm tỷ lệ tử vong 35% nhờ vào phương pháp điều trị này là “đột phá lớn”.

Bộ Y tế và Dân sinh đang khuyến khích những người đã hồi phục sau điều trị COVID-19 hãy hiến tặng huyết tương. FDA cũng có trang web hướng dẫn người dân tới các địa điểm hiến tặng.

Cho phép sử dụng khẩn cấp chưa phải là phê duyệt đầy đủ của FDA, nhưng điều đó cho thấy rằng cơ quan này tin vào những lợi ích của liệu pháp điều trị bằng huyết tương hồi phục lớn hơn những rủi ro nó có thể gây ra. Trước đó, vào tháng Năm, FDA cũng đã cho phép sử dụng khẩn cấp thuốc remdesivir kháng virus để điều trị COVID-19.

Theo trang web của FDA, cơ quan này thông tin rằng: “Mặc dù có hứa hẹn, nhưng huyết tương hồi phục chưa cho thấy là biện pháp điều trị COVID-19 an toàn và hiệu quả. Do đó, điều quan trọng là phải nghiên cứu sự an toàn và hiệu quả của huyết tương hồi phục COVID-19 trong các cuộc thử nghiệm lâm sàng”.

Thực tế, huyết tương hồi phục đã từng được sử dụng từ thế kỷ 19 để điều trị nhiều bệnh khác nhau, trong đó có bệnh thủy đậu, bạch hầu và cúm Tây Ban Nha. Cụ thế, biện pháp điều trị này đã được sử dụng để chiến đấu với đại dịch cúm Tây Ban Nha năm 1918 – 1920, khi đó đã cướp đi sinh mạng của hàng chục triệu người.

Trao đổi với tờ The Verge nhiều tháng trước, nhà nghiên cứu Elliott Bennett-Guerrero của Stony Brook Medicine, đang nghiên cứu về việc sử dụng huyết tương hồi phục trong điều trị bệnh nhân COVID-19, cho hay: “Nhờ có huyết tương, chúng ta đang kích thích khả năng tuyệt vời của cơ thể người trong việc phát triển các kháng thể và khả năng miễn dịch đối với các mầm bệnh”.

Ông Bennett-Guerrero nói thêm: “Chúng ta truyền những nhân tố bảo vệ này cho những người bị bệnh và họ chưa có khả năng tạo ra phản ứng miễn dịch”.

Tổng thống Donald trump vào tối Chủ Nhật 23/8 (giờ Mỹ) cũng đã loan báo về việc FDA cho phép sử dụng khẩn cấp huyết tương hồi phục trong điều trị COVID-19.

Tôi vui mừng đưa ra một thông báo thực sự mang tính lịch sử… mà sẽ cứu sống hàng nghìn sinh mạng”, ông Trump nói và gọi đây là “bước đột phá trong cuộc chiến” chống lại virus Trung Quốc.

Trước đó, hôm thứ Bảy (22/8), ông Trump đã nói rằng ai đó tại FDA đang khiến các công ty dược phẩm gặp rất nhiều khó khăn trong việc tuyển người tình nguyện tham gia thử nghiệm lâm sàng vắc-xin và các liệu pháp điều trị COVID-19. Ông nhấn mạnh thêm rằng: “Rõ ràng, họ đang hy vọng trì hoãn giải pháp đó cho tới sau ngày 3/11. Phải tập trung vào tốc độ và cứu sinh mạng”.

Xuân Thành

Related posts