Phụng Minh
Ngày 24/8, các thông tin về tiểu hành tinh đang trên đường tiếp cận Trái đất và có khả năng va chạm với ngôi nhà chung của nhân loại ngay trước ngày bầu cử Hoa Kỳ 2020 khiến nhiều người lo lắng.
Có người nói rằng trong một năm đầy thảm họa và biến động như 2020, một tiểu hành tinh tiến về Trái đất là điều cuối cùng người ta muốn nghe thấy. Tuy nhiên thông tin chi tiết về nó sẽ làm an lòng nhiều người hoài nghi, vì khả năng nó va vào trái đất là rất thấp, theo Epoch Times.
Theo Trung tâm Nghiên cứu Vật thể Gần Trái đất thuộc Phòng thí nghiệm Sức đẩy Phản lực của NASA, thiên thể mang tên 2018VP1 dự kiến sẽ tiếp cận Trái đất vào ngày 2/11. Nó được phát hiện lần đầu tiên bởii Đài quan sát Palomar ở California vào năm 2018.
NASA cho biết trong một tuyên bố: “Tiểu hành tinh 2018VP1 rất nhỏ (đường kính khoảng 6,5 feet, tương đương chưa tới 2m) và không phải là mối đe dọa đối với Trái đất. Nếu nó đi vào bầu khí quyển của Trái đất, nó sẽ bị phân hủy do kích thước cực nhỏ”.
Theo chỉ đạo của Lưỡng viện Hoa Kỳ, NASA cần phát hiện các tiểu hành tinh gần Trái đất có kích thước lớn hơn 140 mét (459 feet) và cần báo cáo các tiểu hành tinh có kích thước bất kỳ. NASA cũng cho biết “dựa trên 21 lần quan sát trong 21.968 ngày”, cơ quan này xác định rằng tiểu hành tinh này sẽ không có tác động lớn đến Trái đất.
2018VP1 không gây ngạc nhiên cho các nhà khoa học. Nó có chu kỳ quỹ đạo là hai năm. Khi nó được phát hiện vào năm 2018, nó đang cách Trái đất khoảng 450.000 km (280.000 dặm).
Khoảng cách gần nhất ước tính của nó với Trái đất vào ngày 2/11/2020 (một ngày trước cuộc bầu cử tổng thống Mỹ) sẽ là 4.994,76 km. Về không gian, điều đó thực sự gần. Tuy nhiên, khả năng nó va vào trái đất chỉ là 1 phần 240 hay 0,41%.
Theo Lin Nan, Epoch Times
Phụng Minh biên dịch
Nhà nghiên cứu NASA bị bắt vì cáo buộc che giấu mối quan hệ với Trung Quốc
- Cathy He
Theo thông báo của Bộ Tư pháp Mỹ hôm 24/8, một giáo sư tại Đại học Texas A&M (TAMU) vừa bị bắt với cáo buộc che giấu các khoản tài trợ từ Trung Quốc trong khi đang làm việc với tư cách là nhà nghiên cứu cho NASA.
Theo cáo buộc, ông Thành Chính Đông (Cheng Zhengdong), 53 tuổi, giáo sư kỹ thuật tại TAMU trong nhiều năm đã cố tình che giấu mối quan hệ của mình với các trường đại học Trung Quốc, một công ty Trung Quốc, và Kế hoạch “ngàn nhân tài” được nhà nước Trung Quốc hậu thuẫn. Người này đồng thời dẫn đầu một nhóm nghiên cứu cho NASA. Theo các điều khoản tài trợ từ NASA, ông Thành bị cấm cộng tác với các tổ chức của Trung Quốc.
Các công tố viên cho biết ông Thành có thể tiếp cận các tài nguyên của NASA liên quan đến Trạm Vũ trụ Quốc tế và tận dụng điều đó để nâng cao vị trí của mình tại trường đại học Trung Quốc. Họ cho biết cá nhân ông Thành đã nhận được 86.000 đôla tài trợ từ NASA. Ông cũng là thành viên của một nhóm khác đã nhận được khoản tài trợ 747.000 đôla từ tổ chức này.
Ông Thành bị bắt hôm 23/8 và bị buộc tội thông đồng, gian lận tài chính và khai báo sai. Ông có thể phải đối mặt với mức án tối đa là 20 năm tù nếu bị kết tội gian lận tài chính và tối đa là 5 năm cho mỗi tội danh còn lại.
Đây là vụ bắt giữ mới nhất trong một chuỗi các vụ truy tố chống lại các nhà nghiên cứu ở Hoa Kỳ bị cáo buộc che giấu mối liên hệ của họ với các tổ chức và kế hoạch tuyển dụng nhân tài của Trung Quốc trong khi vẫn nhận các khoản trợ cấp tại Mỹ. Các quan chức Mỹ từ lâu đã cảnh báo về các chương trình tuyển dụng do nhà nước Trung Quốc hậu thuẫn như Kế hoạch “Ngàn nhân tài” khuyến khích các nhà khoa học và nhà nghiên cứu nước ngoài chuyển giao công nghệ và bí quyết cho Trung Quốc.
“Trung Quốc đang xây dựng một nền kinh tế và các thể chế học thuật bằng những viên gạch bị đánh cắp từ những người khác trên khắp thế giới,” Luật sư Hoa Kỳ Ryan K. Patrick cho Quận phía Nam của Texas cho biết.
“Trong khi 1,4 triệu nhà nghiên cứu và học giả nước ngoài đến Hoa Kỳ vì những lý do chính đáng, chương trình nhân tài của Trung Quốc khai thác điều này của chúng ta. Những gian lận này phải được tiết lộ,” ông nói.
Ông Thành là giám đốc của Viện Vật chất mềm tại Đại học Công nghệ Quảng Đông (GDUT) ở thành phố Quảng Châu từ năm 2012 đến năm 2018, và được tuyển dụng theo diện “đặc biệt” tại GDUT từ năm 2011. Các tài liệu của tòa án cho biết vai trò giám đốc đã mang lại cho ông 10.000 nhân dân tệ mỗi tháng (1.400 USD), còn vai trò “người làm thuê đặc biệt” kiếm cho ông Thành 412.000 nhân dân tệ (59.600 USD) từ năm 2011 đến năm 2016.
Từ tháng 12/2017 đến tháng 8/2019, ông Thành cũng được thuê làm giáo sư thỉnh giảng tại Đại học Khoa học và Công nghệ Phương Nam (SUST), nơi trả cho ông mức lương hàng tháng là 50.000 nhân dân tệ (7.200 USD) cộng với phụ cấp nhà ở và đi lại. SUST cũng cung cấp cho ông một khoản 100.000 nhân dân tệ (14.450 đôla) mỗi ba tháng một lần cho các nghiên cứu của ông.
Vào năm 2014, ông Thành đồng sáng lập một công ty Trung Quốc – Công ty Công nghệ Ge Wei ở thành phố Phật Sơn – chuyên thiết kế và sản xuất chip microfluidic và có liên kết với GDUT.
Các công tố viên cho biết ông Thành cũng là một người tham gia vào hai kế hoạch nhân tài của Trung Quốc và đã nộp đơn cho Kế hoạch “Ngàn nhân tài” tại Đại học Khoa học và Công nghệ Trung Quốc ở thành phố Hợp Phì.
Theo đơn khiếu nại lên toà án, ông Thành đã nói dối TAMU và NASA về những mối liên hệ này.
Đầu năm nay, cựu chủ nhiệm Khoa hóa học của Đại học Harvard, Charles Lieber, cũng đã bị truy tố với cáo buộc liên quan đến khai báo sai sự thật về việc ông tham gia Kế hoạch “Ngàn nhân tài” và đã nhận 2,25 triệu đôla Mỹ tài trợ từ Trung Quốc trong ba năm. Trong khi đó, ông Lieber đã nhận được hơn 15 triệu đôla tài trợ của liên bang kể từ năm 2008.
Vào tháng 7, giáo sư lâu năm của Đại học Arkansas Simon Saw-Teong Ang cũng đã bị truy tố về 42 tội danh liên quan đến gian lận tài chính vì đã không tiết lộ mối quan hệ của mình với Kế hoạch “Ngàn Nhân tài” trong khi nhận tài trợ từ NASA.
Theo The Epoch Times
Nghi vấn trong thử nghiệm lâm sàng vắc-xin COVID-19 của Trung Quốc
- Tiểu Quỳ
Mới đây, có thông tin rằng Trung Quốc đã có vắc-xin viêm phổi Vũ Hán (COVID-19) và đang được thử nghiệm lâm sàng. Thời báo Tự Do (The Liberty Times) tại Đài Loan dẫn thông tin cho biết người tham gia thử nghiệm phải ký “thỏa thuận bảo mật” trước khi nhận tiêm vắc-xin. Thông tin gây nhiều tranh luận trái chiều, chất vấn tính minh bạch của hoạt động cũng như ý đồ của cơ quan chức năng Trung Quốc.
Tiếng nói nước Pháp (RFI) dẫn nguồn tin cho biết, vắc-xin viêm phổi Vũ Hán do một công ty dược phẩm Trung Quốc phát triển đã bước vào thử nghiệm lâm sàng và sẽ được tung ra thị trường vào mùa thu hoặc mùa đông sắp tới. Có người phụ trách trong công ty này tiết lộ, hiện nay, Bắc Kinh đã tiêm vắc-xin trên phạm vi nhỏ tại một số khu vực, hầu hết những người tiêm vắc-xin thuộc một nhóm cụ thể, bao gồm nhân viên công ty và nhân viên y tế chuyên nghiệp của các doanh nghiệp nhà nước chuẩn bị cho ra nước ngoài thường trú, người tham gia phải ký “Thỏa thuận bảo mật” không được để lộ thông tin. Công ty sẽ trả trước 1.000 nhân dân tệ cho người tham gia.
Người phụ trách nói trên cũng cung cấp hình ảnh “Bản Đồng thuận có Ý thức” (Informed Consent Form) cho thấy vắc-xin này được phát triển bởi “Công ty TNHH Nghiên cứu Sản phẩm Sinh học Bắc Kinh” để ngừa virus corona mới, đã được Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Trung Quốc phê duyệt để nghiên cứu lâm sàng, và đã qua Viện Nghiên cứu Giám định Thực phẩm và Dược phẩm Trung Quốc chứng nhận tiêu chuẩn. Tuy nhiên, thông tin này chưa được nhà cầm quyền Trung Quốc chính thức thừa nhận.
Người này cũng cho biết không cảm thấy gì sau khi tiêm mũi đầu tiên, nhưng một số đồng nghiệp của anh ta nói rằng sau khi tiêm cảm thấy mệt mỏi và buồn ngủ, một số khác thì bị sốt.
Việc phải ký “thỏa thuận bảo mật” tiêm ngừa đã gây ra nhiều tranh cãi, trong đó có người chỉ trích rằng những người tham gia thử nghiệm vắc-xin đã trở thành “chuột bạch”.
Ông Lý Đôn Hậu (Li Dunhou), cựu giáo sư Viện Y tế Cộng đồng Đại học Harvard chỉ ra, điều kiện tiên quyết để tiêm thử nghiệm vắc-xin là phải được sự đồng ý thực sự của người tham gia, đó phải là dựa trên sự tự nguyện thực sự, không phải bị ép buộc tự nguyện. “Là nhân viên của những công ty này, bạn có thể không tự nguyện?”
Đồng quan điểm, Bà Hà Phương Mỹ (He Fangmei) người sáng lập nhóm bảo vệ quyền lợi “Ngôi nhà vắc-xin cho bé”, là người có thành viên gia đình có trẻ là nạn nhân của vắc-xin ở Hà Nam cho biết, điều bà lo lắng nhất là sự minh bạch của thông tin vắc-xin ở Trung Quốc:. Bà nói: “Lo lắng lớn nhất của tôi là sự mù mờ của thông tin. Chúng tôi không thể hiểu được tác dụng phụ của vắc-xin, không biết các thỏa thuận bảo mật của những người tiêm vắc-xin này có nội dung gì?” Nếu vắc-xin không hiệu quả hoặc có vấn đề, quan chức có thể dễ dàng che đậy sự thật?
Bất thường tình hình vắc-xin Trung Quốc
Hãng tin AP (Pháp) từng dẫn nguồn tin cho biết, gần đây một công ty con của “Tập đoàn luyện kim Trung Quốc” (China Metallurgical Group Corporation) đã thông báo với Chính phủ Papua New Guinea rằng 48 nhân viên của họ đã được tiêm phòng trước khi trở lại làm việc, nếu việc kiểm tra khi nhập cảnh cho kết quả dương tính thì đó là phản ứng bình thường sau khi tiêm phòng chứ không phải là do bị nhiễm virus. Tuy nhiên, Chính phủ Papua New Guinea không tin tưởng nên yêu cầu Trung Quốc lập tức đưa ra lời giải thích, đồng thời ngăn một máy bay thuê chở hơn 100 nhân viên Trung Quốc hạ cánh xuống nước này.
Hiện nay trên thế giới chưa có vắc-xin nào hoàn thành tất cả các giai đoạn thử nghiệm. Hầu hết các nước đang trì trệ trong giai đoạn thử nghiệm lâm sàng vắc-xin giai đoạn III do quy mô giai đoạn này quá lớn, cần ít nhất 20.000 đến 40.000 tình nguyện viên.
Nhưng hồi cuối tháng 6 năm nay, cơ quan chức năng Trung Quốc đã chính thức thông báo rằng vắc-xin viêm phổi Vũ Hán “Ad5-nCoV” do nhóm nghiên cứu Trần Vi (Chen Wei) của Học viện Khoa học Quân sự và Công ty Công nghệ sinh học CanSino hợp tác phát triển, đã được Quân ủy Trung ương phê duyệt và có thể bỏ qua thử nghiệm giai đoạn ba thông thường, có thể trực tiếp tiêm phòng cho binh lính. Trong khi nhà khoa học Dương Hiểu Minh (Yang Xiaoming) – chủ tịch Tập đoàn Sinopharm Công nghệ sinh học Trung Quốc và là nhà khoa học chính của dự án vắc-xin quốc gia “kế hoạch 863” thì cho biết, ngày 23/6 tập đoàn này đã khởi động thử nghiệm lâm sàng giai đoạn ba đối với vắc-xin viêm phổi Vũ Hán ở Bắc Kinh, Vũ Hán và Abu Dhabi (UAE), đã có 20.000 người được tiêm vắc-xin.
Sau đó, vào ngày 22/8 cơ quan chức năng Trung Quốc thừa nhận rằng ngày 22/7 Trung Quốc đã chính thức triển khai việc sử dụng khẩn cấp vắc-xin viêm phổi Vũ Hán.