Ông Tập cảnh báo Trung Quốc đối mặt ‘thời kỳ biến động hỗn loạn’
Nhà lãnh đạo Trung Quốc Tập Cận Bình hôm 24/8 cảnh báo nền kinh tế nước này đang phải đối mặt “thời kỳ biến động hỗn loạn”, rủi ro thị trường bên ngoài gia tăng vì Covid-19 và căng thẳng với Mỹ, theo The Economic Times.
Ông Tập hôm 24/8 chủ trì hội thảo tại Bắc Kinh với các cố vấn và các nhà kinh tế để thảo luận về những xu hướng kinh tế trung và dài hạn.
Ông nói Trung Quốc phải chuẩn bị cho “một thời kỳ biến động hỗn loạn” vì đại dịch Covid-19 đã thúc đẩy chủ nghĩa bảo hộ, tác động đến nền kinh tế thế giới và làm gián đoạn chuỗi cung ứng.
“Trong giai đoạn sắp tới, chúng ta phải đối mặt với ngày càng nhiều sóng gió từ môi trường bên ngoài và chúng ta phải chuẩn bị để đối phó với hàng loạt rủi ro và thách thức mới”, Tân Hoa Xã dẫn lời phát biểu của Tập Cận Bình.
Ông Tập cho biết thị trường nội địa sẽ “chi phối chu kỳ kinh tế quốc gia” trong tương lai, nhưng tuyên bố sẽ mở cửa nền kinh tế Trung Quốc hơn nữa.
Mỹ bắt nhà nghiên cứu NASA dính líu đến Bắc Kinh
Bộ Tư pháp Mỹ hôm 24/8 thông báo bắt nhà nghiên cứu Zhengdong Cheng vì không khai báo tham gia chương trình tuyển dụng nhân tài của chính phủ Trung Quốc khi làm ở NASA, theo SCMP.
Giáo sư Cheng, 53 tuổi, làm việc tại Đại học Texas A&M, đang đối mặt các cáo buộc âm mưu phạm tội, khai báo gian dối và lừa đảo qua mạng lưới thông tin liên lạc. Âm mưu phạm tội và khai báo gian dối có thể khiến ông Cheng đối mặt mức án 5 năm tù cho mỗi tội danh, trong khi tội lừa đảo qua mạng lưới thông tin liên lạc có thể dẫn tới mức án 20 năm tù.
Ông John Demers, Trợ lý Bộ trưởng Tư pháp Mỹ về an ninh quốc gia, nói rằng: “Một lần nữa, chúng ta đã chứng kiến hậu quả có thể phát sinh khi không tiết lộ việc tham gia vào chương trình tuyển dụng nhân tài của chính phủ Trung Quốc”.
Theo đơn kiện, ông Cheng làm việc tại Đại học Texas A&M từ năm 2004 và đã tham gia vào nhiều dự án nghiên cứu, trong đó có cả dự án ở NASA, được chính phủ liên bang tài trợ gần 750.000 USD.
Tuy nhiên, khi ông Cheng và cộng sự nộp đơn xin tài trợ, ông không tiết lộ đã tham gia giảng dạy tại một số cơ sở học thuật ở Trung Quốc. Vị giáo sư này cũng bị cáo buộc tham gia chương trình tuyển dụng nhân tài của Bắc Kinh.
Cựu đại sứ Nikki Haley: ‘Đảng Dân chủ luôn đổ lỗi cho nước Mỹ trước tiên’
Cựu Đại sứ Mỹ tại Liên Hiệp Quốc Nikki Haley hôm 24/8 đã mượn lời của một cựu đồng cấp từ thời Tổng thống Ronald Reagan để nhấn mạnh: “Đảng Dân chủ luôn đổ lỗi cho nước Mỹ trước tiên”, theo Daily Caller.
Bà Haley mở đầu bài phát biểu tại hội nghị quốc gia của đảng Cộng hoà vào tối ngày 24/8 (giờ Mỹ): “Tôi sẽ bắt đầu với một câu chuyện nhỏ. Đó là về một vị Đại sứ Mỹ tại Liên Hiệp Quốc, và một phát biểu mà bà đã nói tại hội nghị tương tự thế này… Đại sứ đó đã nói và tôi xin trích nguyên văn rằng ‘Đảng Dân chủ luôn đổ lỗi cho nước Mỹ trước tiên’”.
“Đó là vào năm 1984. Tổng thống khi đó là ông Ronald Reagan, và phát biểu của Đại sứ Jane Kirkpatrick vẫn đúng với ngày nay. Ông Joe Biden và đảng Dân chủ vẫn đổ lỗi cho nước Mỹ trước tiên. Ông Donald Trump đã luôn đặt nước Mỹ lên trên hết”, bà Haley nói tiếp.
Bà Haley còn chỉ trích chính quyền Obama và cựu Phó Tổng thống Joe Biden vì để Iran “thoát tội sát nhân”, đồng thời tiếp tục chuyển tiền tới quốc gia mà thường công khai hận thù nước Mỹ.
Cựu đại sứ Haley sau đó tán dương thành tích của Tổng thống Trump trong lĩnh vực kinh tế và việc làm, cũng như so sánh điều đó với các quy định và thủ tục hành chính dưới thời chính quyền Obama-Biden.
Nhân viên lãnh sự quán Mỹ ở Hồng Kông bị tấn công
Một nam nhân viên tổng lãnh sự quán Mỹ tại Hồng Kông bị một người đàn ông lạ mặt, nghi là người Trung Quốc, đấm vào đầu ngay bên ngoài nơi làm việc vào chiều nay (25/8).
Cảnh sát Hồng Kông nói với tờ Bưu điện Hoa Nam Buổi sáng (SCMP) rằng nhân viên tổng lãnh sự quán Mỹ, hơn 40 tuổi, rời cơ quan ở đường Garden, khu Trung Hoàn vào khoảng 15h35′ (14h35′ giờ Việt Nam) và đang đi bộ xuống dốc thì bị nghi phạm tiếp cận từ phía sau. Nghi phạm được cho là người Trung Quốc, đã đấm hai phát vào đầu nam nhân viên trước khi bỏ chạy. Sau đó, anh quay lại lãnh sự quán và một đồng nghiệp đã gọi cấp cứu. Nam nhân viên đã được đưa tới bệnh viện Queen Mary ở Pok Fu Lam.
Cảnh sát đặc khu cho biết, vụ việc vẫn đang được điều tra.
Người phát ngôn tổng lãnh sự quán xác nhận một nhân viên đã bị hành hung và không nguy hiểm đến tính mạng nhưng từ chối cung cấp thông tin chi tiết vì lý do bảo mật.
“Chúng tôi đang phối hợp chặt chẽ với Lực lượng Cảnh sát Hồng Kông về vụ việc này. Chúng tôi hiện chưa thể suy đoán về động cơ của kẻ tấn công”, người phát ngôn nói.
Chính quyền Trung Quốc đang tập trung bôi xấu cố vấn gốc Hoa của ông Pompeo
Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo có một cố vấn hàng đầu là người Mỹ gốc Hoa, ông Miles Yu (Dư Mậu Xuân). Khi ông Mike Pompeo nổi lên là một quan chức hàng đầu của Mỹ thường xuyên chỉ trích mạnh mẽ chính quyền Trung Quốc, thì các cuộc tấn công nhắm vào ông Miles Yu bắt đầu diễn ra tại quê nhà của ông.
Khi Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump mời nhà đàm phán thương mại hàng đầu của Trung Quốc Lưu Hạc đến Phòng Bầu dục vào tháng 1/2019, ngồi đối diện ông Lưu là Đại diện Thương mại Hoa Kỳ Robert Lighthizer. Bên phải ông Lighthizer là Bộ trưởng Tài chính Steven Mnuchin, cố vấn thương mại Peter Navarro và Bộ trưởng Thương mại Wilbur Ross. Ngoại trưởng Mike Pompeo khi đó chỉ ngồi phía ngoài để chứng kiến.
Ở thời điểm hiện tại, sau một năm rưỡi, ông Pompeo đã trở thành nhân vật chủ chốt trong Chính phủ Mỹ phụ trách việc xây dựng chính sách Trung Quốc, với một đường lối cứng rắn hơn nhiều đối với Bắc Kinh. Và học giả người Mỹ gốc Hoa Miles Yu, một thành viên của nhóm hoạch định chính sách của Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ đã khiến Bắc Kinh hết sức tức giận vì ông đang là một cố vấn quan trọng của ông Pompeo.
Sinh năm 1962, ông Yu lớn lên trong thời kỳ Cách mạng Văn hóa. Ông được coi là một chuyên gia hiểu rõ về bản chất của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ). Ông Pompeo đã mô tả ông Yu là “nhân vật chính trong nhóm làm việc của tôi”. Trong khi đo, ông David Stilwell, trợ lý ngoại trưởng phụ trách các vấn đề Đông Á và Thái Bình Dương, gọi ông là “báu vật quốc gia”.
Ông Yu được cho là người đã chắp bút nội dung chính của bài phát biểu lịch sử của ông Pompeo vào ngày 23/07, tại Bảo tàng và thư viện tổng thống Richard Nixon ở bang California. Trong bài phát biểu đó ông Pompeo đã tố cáo “kế hoạch làm bá chủ” của ĐCSTQ và gọi tổng bí thư Tập Cận Bình là “người tin tưởng thực sự vào một hệ tư tưởng độc tài toàn trị đã phá sản”.
Trong một cuộc phỏng vấn vào tháng 06/2020 với tờ The Washington Times, tờ báo mà ông Yu ông từng làm việc và phụ trách chuyên mục về Trung Quốc, ông đã sử dụng ngôn ngữ tương tự khi mô tả ông Tập là “một người sống chết với hệ tư tưởng của ĐCSTQ”.
Tại một cuộc họp của Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ vào tháng 12/20119, ông Yu nói rằng chính quyền Trung Quốc đang tìm cách thống trị toàn cầu, và một trong những động lực thúc đẩy lực lượng này nuôi tham vọng đó là chủ nghĩa Lenin.
Lớn lên ở một huyện ngoại ô của Trùng Khánh, ông Yu theo học chuyên ngành lịch sử tại Đại học Nam Đài danh tiếng ở Thiên Tân trước khi chuyển đến Mỹ vào những năm 1980 và nhận bằng Tiến sĩ. tại Đại học California, Berkeley.
Ông Yu là giáo sư lịch sử tại Học viện Hải quân Hoa Kỳ từ năm 1994 chuyên về Trung Quốc, Đông Á, lịch sử quân sự ngoại giao và chiến tranh phi phương Tây. Ông hiện đang làm chuyên viên hoạch định chính sách của Bộ Ngoại giao Mỹ, văn phòng của ông cùng tầng với văn phòng của ông Mike Pompeo. Ở đó ông là thành viên duy nhất của nhóm giúp việc cho ông Pompeo chuyên trách vấn đề Trung Quốc.
Hiện ông Yu đang trở thành mục tiêu công kích của giới truyền thông phục vụ chính quyền ở quê hương ông.
Sau khi tờ The Washington Times mô tả ông Yu là kiến trúc sư chính sách Trung Quốc của Ngoại trưởng Pompeo, ông Hồ Tích Tiến, tổng biên tập tờ Thời báo Hoàn cầu của ĐCSTQ, đã gọi ông Yu là người đã “bị lừa bởi một số tiếng nói cực đoan trên internet”.
Ông Hồ nói rằng ông Yu rời Trung Quốc quá sớm, lúc đất nước còn “yếu” và khi đó giới trẻ và trí thức còn “tôn sùng phương Tây”.
Các phương tiện truyền thông Trung Quốc kể từ đó đã tập trung vào ông Yu, họ sử dụng những lập luận tương tự để cố gắng hạ uy tín của ông. Một bài báo của Thời báo Hoàn cầu đã bác bỏ ý kiến cho rằng ông Yu là một “người say mê học thuật” chỉ có “kiến thức về Trung Quốc về cơ bản không khác biệt so với nhiều học giả Hoa Kỳ dựa vào các nguồn tài liệu thứ cấp”.
Ở huyện Vĩnh Xuyên, quê hương thời thơ ấu của ông Yu, cách trung tâm Trùng Khánh 70km về phía tây, một tượng đài có tên của những học sinh đạt thành tích cao nhất trong các kỳ thi tuyển sinh đại học hàng năm đã được che đi bằng một tấm bìa màu xanh ghi “đang được sửa chữa”.
Nhìn qua một khoảng trống phía trên tấm bìa xanh sẽ thấy tên của ông Yu đã bị xóa, phía dưới là các dòng chữ nguệch ngoạc bằng tiếng Trung với nội dung mạ lị ông Yu là “kẻ phản bội” và “con rối của Mỹ”.
Khi được hỏi về điều này, một phụ nữ làm việc tại một cửa hàng gần đó cho biết một hôm cô phát hiện phiến đá đột ngột bị che kín.
Seoul đóng cửa trường học
Hàn Quốc hôm nay đã ra lệnh cho hầu hết các trường học ở Seoul và các khu vực lân cận đóng cửa và chuyển sang giảng dạy trực tuyến, theo Reuters.
Bộ Giáo dục cho biết tất cả học sinh, ngoại trừ học sinh trung học, ở Seoul, Incheon và tỉnh Geonggi sẽ học trực tuyến cho đến ngày 11/9.
Bão Bavi đổ bộ, Triều Tiên đối mặt nguy cơ xảy ra thảm họa phóng xạ
Cơ sở hạt nhân lớn nhất Triều Tiên – Yongbyon – đang bị lũ lụt đe dọa. Mưa lớn có thể khiến chất thải phóng xạ rò rỉ ra môi trường, làm ô nhiễm nguồn nước sinh hoạt địa phương, đe dọa đến sức khỏe người dân.
Cảnh báo được đưa ra trong bối cảnh bão Bavi trong tuần sẽ đổ bộ vào Hàn Quốc, Triều Tiên và Nhật Bản, mang đến những cơn mưa xối xả và gió mạnh đến khu vực. Trước đó, bán đảo Triều Tiên đã chịu ảnh hưởng từ một đợt mưa kéo dài, tạo ra nhiều trận lũ lụt và sạt lở đất, theo The Express.
Theo Cục Khí tượng Hàn Quốc, bão Bavi hiện đã tiếp cận bờ biển phía tây bắc quần đảo Okinawa (Nhật Bản) vào cuối thứ Hai, hướng về phía Hàn Quốc với tốc độ gió giật 12 km/h.
Với tốc độ gió tối đa 115 km/h, bão Bavi được xếp vào loại bão có cường độ nhỏ đến trung bình.
Dự báo Bão Bavi sẽ trở thành cơn bão mạnh thứ ba trong hệ thống bão bốn cấp bậc, với sức gió tối đa lên đến 184 km/h.
Trang tin chuyên về Triều Tiên, 38 North, cho biết rủi ro lớn nhất đối với các lò phản ứng hạt nhân tại đây là việc các máy bơm và đường ống bị hư hại.
Trang tin chuyên theo dõi Triều Tiên đã dẫn các bức ảnh chụp vệ tinh thương mại từ ngày 6 đến 11/8 cho thấy lò phản ứng hạt nhân ở đây dễ bị tổn hại như thế nào trước hiện tượng thời tiết khắc nghiệt.
Yongbyon là nơi đặt nhiều lò phản ứng hạt nhân, nhà máy tái chế nhiên liệu và cơ sở làm giàu uranium. Theo một số chuyên gia khu vực này đóng vai trò quan trọng trong chương trình vũ khí hạt nhân của Triều Tiên.
Báo cáo cảnh báo: “Lấy ví dụ, khi các lò phản ứng đang hoạt động, nếu không thể duy trì việc làm mát thì sẽ buộc phải ngừng vận hành”.
Mỏ uranium có thể bị ngập nước, và tồn tại nguy cơ chất thải phóng xạ xâm nhập vào môi trường và thậm chí vào nước uống của người dân.
Ông Olli Heinonen, người từng đứng đầu nhóm an ninh của Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế (IAEA) và từng giữ chức Phó tổng giám đốc của IAEA , cho biết:
“Có những hồ nhân tạo lớn trữ nước thải phóng xạ, nhưng chúng tôi không biết chúng được thiết kế tốt đến đâu. Liệu chúng có thể chống chọi với một trận mưa lớn? Liệu có khả năng mưa sẽ rơi xuống những hồ nước thải lộ thiên này, khiến nước tràn ra ngoài, chất thải phóng xạ do đó sẽ thấm vào môi trường xung quanh, nguồn nước ngầm, rồi cuối cùng đổ ra sông, hoặc vào nước uống của người dân.
“Nếu điều đó xảy ra, thì ảnh hưởng là lớn”.
Viễn cảnh này tương tự sự cố nhà máy điện hạt nhân Fukushima do thảm họa sóng thần ở Nhật bản gây ra năm 2011.
Ông cho biết nếu mưa lớn tiếp diễn hai hồ nước thải phóng xạ sẽ có nguy cơ bị trào.
Ông Heinonen cũng cảnh báo tình trạng thiếu thốn cơ sở hạ tầng chất lượng cao ở Triều Tiên cũng là một vấn đề.
Ông nói: “Có một điều mà mọi người cần phải ghi nhớ”.
“Việc xây dựng các tòa nhà ở Triều Tiên, tiêu chuẩn của chúng không tiên tiến như của chúng ta”.
“Ví dụ khi mưa lớn, tại một số cơ sở, nước có thể tràn xuống hầm do tầng hầm cách ly kém”.
“Vì vậy, đây có thể là một vấn đề đang diễn ra tại một số cơ sở hạt nhân. Chúng ta không nhìn thấy nó vì ảnh chụp vệ tinh không hiển thị”.
Nông dân cao tuổi Trung Quốc: Lương hưu “chỉ đủ mua dầu và muối”
Thực trạng người nông dân cao tuổi ở các làng quê Trung Quốc đang chỉ nhận được mức lương hưu bèo bọt “đủ mua dầu và muối” đã trở thành một vấn đề kinh tế xã hội ngày càng nghiêm trọng trong bối cảnh quá trình đô thị hóa và dân số già hóa đang diễn ra nhanh chóng tại quốc gia đông dân nhất thế giới này.
Tờ SCMP dẫn lời ông Chen Yunfeng, trưởng làng Yancang ở tỉnh Hà Nam, người bày tỏ cảm giác thất vọng trước những bất lợi mà những người nông dân cao tuổi phải đối mặt trong xã hội Trung Quốc.
“Chúng tôi trồng ngũ cốc, nhưng ngũ cốc rất rẻ. Và chúng tôi đang già đi, nhưng phúc lợi thì quá ít,” ông Chen nói.
Theo ông Chen, người gần 60 tuổi, một nông dân trong làng chỉ nhận được mức lương hưu hàng tháng khoảng 112 nhân dân tệ (16 USD) sau khi về hưu ở tuổi 60. Đây là số tiền quá nhỏ, thấp hơn nhiều so với mức lương trung bình một ngày tại các thành phố Trung Quốc, và còn xa mới đủ để trang trải ngay cả cuộc sống nông thôn thanh đạm. Nó cũng thấp hơn nhiều so với mức lương hưu trung bình quốc gia 2.000 nhân dân tệ (290 USD) mỗi tháng trả cho những công nhân thành thị nghỉ hưu.
Việc tiền lương hưu thiếu thốn đối với các cư dân nông thôn Trung Quốc không phải là một vấn đề mới. Chế độ lương hưu có đảm bảo chỉ là một đặc quyền dành riêng cho các cư dân thành thị trên cả nước cho đến năm 2009. Sau đó, Chủ tịch Hồ Cẩm Đào và Thủ tướng Ôn Gia Bảo mới bắt đầu xây dựng một hệ thống lương hưu quốc gia dành cho người dân nông thôn.
Mức lương hưu này thay đổi khác nhau tùy theo từng khu vực nhưng nói chung người dân ở nông thôn vẫn nhận được thấp hơn nhiều so với mức lương hưu của cư dân thành thị. Ví dụ, tại thành phố Trịnh Châu tỉnh Hà Nam, mức lương hưu trung bình của chương trình này chỉ là 243 nhân dân tệ mỗi tháng vào năm 2019, chưa đến 1/10 mức lương hưu trung bình 2.928 nhân dân tệ của chương trình dành cho các nhân viên công ty ở thành thị.
Tại phần lớn vùng nông thôn Trung Quốc, những người cao tuổi phải tiếp tục sống dựa vào sức lao động của chính mình, con cái hoặc các khoản tiết kiệm trong những năm tháng xế chiều. Việc thiếu khoản hỗ trợ tài chính và những hỗ trợ khác dành cho các nông dân cao tuổi đã trở thành một vấn đề kinh tế xã hội ngày càng nghiêm trọng trong bối cảnh quá trình đô thị hóa và dân số già hóa đang diễn ra nhanh chóng.
Một sự việc kinh hoàng xảy ra trong tháng 5 đã cho thấy mức độ trầm trọng của vấn đề này khi một người đàn ông ở tỉnh Thiểm Tây đã cố gắng chôn sống người mẹ nằm liệt giường của mình bởi vì bà không tự chủ được và trở thành một gánh nặng. Người phụ nữ 79 tuổi này cuối cùng đã được cứu sống và người đàn ông đã bị bắt. Vụ án đã gây ra một cuộc tranh luận trên toàn quốc về việc ai sẽ chăm sóc cho số lượng người già ngày càng tăng ở các vùng nông thôn Trung Quốc.
SCMP nhận định, thanh niên từ các làng nông thôn đang di cư ồ ạt lên thành phố để tìm kiếm cơ hội việc làm tốt hơn, dẫn đến việc người trẻ không thể ở cạnh để chăm sóc những người thân cao tuổi. Chính sách kế hoạch hóa gia đình khắc nghiệt trong nhiều thập kỷ cũng đã làm vấn đề này trở nên trầm trọng hơn. Hiện tại ở các vùng nông thôn, số người cao tuổi nhiều hơn số người trẻ. Điều này còn có xu hướng tăng lên khi chính phủ tiếp tục đẩy mạnh các chương trình đô thị hóa.
Xét trên phạm vi cả nước, một báo cáo gần đây của Viện Khoa học Xã hội Trung Quốc dự đoán rằng vào năm 2025 tại vùng nông thôn cứ 4 người sẽ có một người trên 60 tuổi, tổng cộng khoảng 124 triệu người, gần bằng với dân số của Nhật Bản.
Tình hình này cũng đang phủ bóng đen lên chiến lược “lưu thông kép”, một chiến lược kinh tế mới của Bắc Kinh muốn biến 1,4 tỷ người trở thành thị trường tiêu dùng mạnh mẽ nhằm duy trì mức tăng trưởng kinh tế trong bối cảnh môi trường bên ngoài ngày càng trở nên thù địch và không chắc chắn, đặc biệt là mối quan hệ với Hoa Kỳ đang ngày càng leo thang.
Ông Ma Wenfeng, một nhà phân tích cấp cao của công ty tư vấn kinh doanh nông nghiệp Phương Đông Bắc Kinh, cho biết việc thiếu lương hưu cho nông dân Trung Quốc đang làm hạn chế nghiêm trọng những nỗ lực của Bắc Kinh muốn tạo ra một thị trường tiêu dùng nội địa mạnh khi hơn 40% hộ gia đình của nước này đang buộc phải tiết kiệm để lo cho tuổi già của họ.
Ông Ma nói: “một khoản tiền mặt hơn 100 nhân dân tệ mỗi tháng chắc chắn không thể đáp ứng tất cả các nhu cầu, do đó người nông dân phải tiếp tục canh tác trên những miếng đất nhỏ để kiếm sống ngay cả khi họ đã thật sự già.” Điều này đã ảnh hưởng xấu đến năng suất nông nghiệp của Trung Quốc
Mặc dù Bắc Kinh chuẩn bị tuyên bố “chiến thắng” trong việc xây dựng “một xã hội giàu có toàn diện” vào cuối năm nay, đồng thời đang soạn thảo những kế hoạch mới cho tương lai của nước này, nhưng việc cải cách lương hưu nông thôn sẽ trở thành một trong những vấn đề được công chúng quan tâm nhiều nhất khi chính phủ xây dựng kế hoạch 5 năm lần thứ 14, theo Nhân dân Nhật báo – cơ quan ngôn luận của ĐCSTQ.
“Nhà nước chỉ trả cho nông dân 1.000 nhân dân tệ mỗi năm như một khoản lương hưu, số tiền này chỉ đủ để mua dầu và muối. Người nông dân cũng đã góp phần vào sự phát triển của đất nước, nhưng cách nhà nước đối xử với họ khác với các công chức và công nhân thành thị đã nghỉ hưu,” một người dân Hồ Nam cho biết.
Việc tăng mức lương hưu nông thôn sẽ yêu cầu một nguồn lực tài chính đáng kể, nhưng tình hình tài khóa tại nhiều vùng của Trung Quốc đang chịu sức ép rất lớn do đại dịch virus corona và sự suy thoái kinh tế trên diện rộng.