- Hải Nhi
Mới đây, Đài truyền hình Al Jazeera đưa tin tiết lộ về nội dung “Hồ sơ Cộng hòa Síp”. Theo đó, trong thời gian từ năm 2017 – 2019, quốc gia Liên minh châu Âu là Cộng hòa Síp đã phê chuẩn 1.400 cuốn “hộ chiếu vàng”, trong đó có hơn 500 cuốn được cấp cho người Trung Quốc.
Trang tiếng Trung của Đài Tiếng nói Đức (Deutsche Welle ) đưa tin, Cộng hòa Síp (Cyprus) – quốc gia thành viên của Liên minh Châu Âu, vào năm 2013 đã đưa ra một “Kế hoạch đầu tư Síp”, căn cứ vào kế hoạch này, thông qua các hình thức như mua bất động sản để đầu tư ít nhất 2,15 Euro tại quốc gia này, thì người đầu tư có thể được xin được cấp cái gọi là “hộ chiếu vàng”.
Sau khi phóng viên của Đài Al Jazeera nghiên cứu “Hồ sơ Cộng hòa Síp” được rò rỉ thì phát hiện, phần lớn người có được “hộ chiếu vàng” là người Nga, Trung Quốc và Ukraine. Còn chính phủ Síp vì kế hoạch đầu tư này, nên trong hai năm đã nhận được số tiền lên đến 7 tỷ Euro.
Trong số khoảng 500 người quốc tịch Trung Quốc, có 8 người được Đài Al Jazeera công khai tư liệu, trong đó có tỷ phú châu Á Dương Huệ Nghiên (Yang Huiyan) – nữ chủ nhân của công ty bất động sản Country Garden. Theo danh sách nữ tỷ phú thế giới năm 2020 do Forbes công bố, Dương Huệ Nghiên đứng thứ 6. Tài sản của bà chủ yếu là từ người cha Dương Quốc Cường – người sáng lập kiêm Chủ tịch Hội đồng quản trị Country Garden.
Ông Dương Quốc Cường là Ủy viên Chính hiệp toàn Quốc Trung Quốc. Việc Có hộ chiếu nước khác hoặc có thân phận cư dân vĩnh viễn của nước khác là không vi phạm pháp luật ở Trung Quốc, nhưng Trung Quốc không thừa nhận song quốc tịch. Về lý, sau khi Dương Huệ Nghiên có được hộ chiếu của Cộng hòa Síp vào ngày 23/10/2018, thì không thể tiếp tục bảo lưu quốc tịch Trung Quốc.
Trong số những người Trung Quốc sở hữu hộ chiếu Cộng hòa Síp được Đài Al Jazeera công khai, có một số người là đại biểu Nhân đại và Ủy viên Chính hiệp một số tỉnh thành. Tờ Nam Hoa Tảo Báo tại Hồng Kông chỉ ra, những người này một khi bị phát hiện có thân phận quốc tịch nước ngoài, sẽ bị hủy bỏ tư cách đại biểu Nhân đại hoặc Chính hiệp.
Tài liệu được công khai gồm, đại biểu Nhân đại thành phố Thành Đô Lu Wenbin (Lục Văn Bân), được cấp hộ chiếu Cộng hòa Síp vào tháng 7/2019; Chen Anlin (Trần An Lâm), Ủy viên Chính hiệp quận Hoàng Bi thành phố Vũ Hán, được cấp hộ chiếu Síp tháng 7/2018; Fu Zhengjun (Phó Chính Quân), cựu Ủy viên Chính hiệp thành phố Kim Hoa tỉnh Chiết Giang, được cấp tháng 11/2017; Zhao Chenpeng (Triệu Chấn Bằng), Ủy viên Chính hiệp thành phố Tân Châu tỉnh Sơn Đông, được cấp tháng 2/2019.
Nam Hoa Tảo Báo còn chỉ ra, những nhân vật đảm nhậm chức vụ quan trọng trong các doanh nghiệp nhà nước, cũng không được phép có hộ chiếu nước ngoài. Trong danh sách được tiết lộ, có tên của ông Đường Dũng (Tang Yong), Tổng giám đốc Công ty điện lực Hoa Nhuận – một công ty quốc hữu Trung Quốc. Theo báo cáo, ông Đường Dũng nhận được hộ chiếu Cộng hòa Síp vào tháng 1/2019, tháng 12/2019, Đường Dũng từ công ty Hoa Nhuận Trực Địa (China Resources Land) được điều chuyển về làm Tổng giám đốc của Hoa Nhuận Điện Lực (China Resources Power).
Người có tiền đến Cộng hòa Síp đầu tư không phải là điều kiện duy nhất để có được hộ chiếu tại quốc gia này. Chính phủ Cộng hòa Síp quy định cần điều tra nghiêm ngặt bối cảnh của người xin nhập quốc tịch, người có hồ sơ phạm tội sẽ không thể nhập tịch.
Tuy nhiên, “Hồ sơ Cộng hòa Síp” cho thấy, chính từ điểm này đã để lộ ra nhiều sơ hở. Thương nhân Trung Quốc Trương Khắc Cường (Zhang Keqiang) từng bị kết án vì giao dịch cổ phiếu, một thương nhân Trung Quốc khác là Lý Gia Đông (Li Jiadong) từng Mỹ chế tài vì rửa tiền hơn 100 triệu USD, cả hai người họ đều “mua” được “hộ chiếu vàng” của Cộng hòa Síp. Sau khi vụ bê bối tương tự thế này được tiết lộ, năm 2019, Cộng hòa Síp đã hiệu đính luật liên quan, không chỉ điều tra nghiêm ngặt người đầu tư, mà còn có thể hủy bỏ hộ chiếu đã cấp. Hiện tại có khoảng 30 người bị hủy bỏ quyền công dân Cộng hòa Síp.
“Kế hoạch đầu tư Cộng hòa Síp” vẫn đang được thực thi. Đài Al Jazeera cho biết, hơn 500 người đến từ trung Quốc, đã công khai 8 “nhân vật chính trị”, số còn lại đại đa số điều không có bối cảnh chính trị quan trọng cũng như không có lịch sử phạm tội.
Năm 2019 có 5 tỷ phú Trung Quốc di dân bị hủy “hộ chiếu vàng”
Ngoài ra, theo truyền BBC tiếng Trung đưa tin tháng 11/2019, do EU lo lắng “hộ chiếu vàng” có thể trở thành cửa sau cho tập toàn phạm tội hoặc quan chức rửa tiền, nên đầu năm 2019, EU đã yêu cầu các nước thành viên kiểm tra nghiêm ngặt người không thuộc nước châu Âu mượn việc đầu tư để có được hộ chiếu.
Tháng 11/2019, Cộng hòa Síp đã hủy bỏ hộ chiếu của 26 tỷ phú trong đó có 5 người Trung Quốc, quan chức liên quan không tiết lộ về danh tính và bối cảnh của người bị hủy hộ chiếu lần đó. Theo báo cáo, trong số 26 người đó, ngoài 5 người Trung Quốc, còn có 9 người Nga, 8 người Campuchia, những người còn lại đến từ Malaysia, Kenya và Iran.
Hải Nhi