Chính phủ Anh có thể hạn chế TikTok
Các cố vấn hàng đầu của Thủ tướng Boris Johnson có thể áp đặt hạn chế đối với hoạt động của TikTok ở Vương quốc Anh, tuy vậy họ vẫn có thể cho phép ứng dụng video do Trung Quốc sở hữu thiết lập một trụ sở quốc tế ở London, theo nguồn thạo tin nói với SCMP.
Ứng dụng chia sẻ video phổ biến thuộc sở hữu của công ty công nghệ Trung Quốc ByteDance đang phải đối mặt cáo buộc bị Bắc Kinh sử dụng để theo dõi công dân nước ngoài. Tổng thống Donald Trump đã ra lệnh cho ByteDance bán lại hoạt động cho công ty của Mỹ vì lý do an ninh quốc gia và vi phạm quyền riêng tư, tuy nhiên các chính trị gia châu Âu cho đến nay vẫn chống lại các động thái tương tự.
ByteDance đã bác bỏ các cáo buộc bị kiểm soát bởi chính phủ Trung Quốc hoặc dữ liệu người dùng có thể gặp rủi ro. Tuy nhiên, các giám đốc điều hành của công ty tại Vương quốc Anh đang chuẩn bị cho sự giám sát chặt chẽ hơn từ các nhà quản lý và chính trị gia.
Theo nguồn thạo tin, một đánh giá do Chánh văn phòng Thủ tướng Eddie Lister phụ trách cho thấy ứng dụng TikTok không gây ra mối đe dọa an ninh lớn như Huawei Technologies, nhưng vẫn có thể khuyến nghị chính phủ ngăn công ty chuyển dữ liệu của người dùng ra khỏi đất nước.
Nhưng một số thành viên trong đảng của ông Johnson đã bày tỏ lo ngại về TikTok, vốn đã nhanh chóng trở thành đối thủ của YouTube, với hơn 100 triệu người dùng chỉ riêng ở Mỹ .
Tom Tugendhat, nhà lập pháp cầm quyền của Đảng Bảo thủ, người chủ trì Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội, cũng đã đặt câu hỏi về uy tín của ByteDance ở Trung Quốc. Tháng trước, ông từng tweet rằng TikTok là một dạng phần mềm giám sát độc hại.
TikTok đã và đang xem xét việc mở rộng văn phòng tại London, biến nơi này trở thành trụ sở quốc tế. Tuy vậy đến nay chưa có quyết định cụ thể nào được đưa ra.
Theo nguồn thạo tin, điều TikTok đặc biệt lo ngại là việc bị so sánh với Huawei đơn giản vì cả hai đều là công ty Trung Quốc.
Huawei đã dành một thập kỷ để xây dựng vị thế trong cơ sở hạ tầng truyền thông của Anh, nhưng sau đó đã bị loại khỏi hệ thống của nước này sau cáo buộc của Hoa Kỳ và các nhà lập pháp trong đảng Bảo thủ cầm quyền của Johnson rằng công ty Trung Quốc gây ra rủi ro về bảo mật.
Tháng trước, chính phủ Anh đã yêu cầu tất cả các thiết bị 5G do Huawei sản xuất sẽ cần phải được dỡ bỏ cho đến năm 2027.
TikTok cho biết họ hiện đang lưu trữ dữ liệu người dùng ở Mỹ và có một trung tâm dữ liệu dự phòng ở Singapore. Đầu tháng này, TikTok đã công bố kế hoạch xây dựng một địa điểm mới ở Dublin để lưu trữ dữ liệu của người dùng châu Âu.
Các nhà quản lý trên khắp châu Âu đã mở nhiều cuộc thăm dò đối với TikTok, nhưng các chính trị gia dường như không vội cấm ứng dụng này.
Bà Carrie Lam có thể mất quyền mua bảo hiểm vì chế tài của Mỹ
11 quan chức Trung Quốc và Hồng Kông trong danh sách chế tài của Mỹ, bao gồm đặc khu trưởng Carrie Lam (Lâm Trịnh Nguyệt Nga), ngoài tài khoản ngân hàng, thẻ tín dụng, quỹ hưu trí bị ảnh hưởng ra, thì bảo hiểm cũng có thể bị từ chối. Chuyên gia trong lĩnh vực bảo hiểm Hồng Kông cho biết, các công ty trong ngành bảo hiểm thường đối chiếu danh sách đen đa quốc gia trước khi ký kết các hợp đồng bảo hiểm. Nếu khách hàng có trong các danh sách đen này, rất có thể họ sẽ không được tham gia bảo hiểm.
Theo truyền thông Hồng Kông cho biết, các công ty bảo hiểm lớn đều thuộc hệ thống bảo hiểm toàn cầu, phần lớn sử dụng dữ liệu của Dow Jones và Accuity. Dow Jones thuộc sở hữu của Mỹ, còn Accuity là công ty con của Tập đoàn RELX Anh Quốc, hoạt động tại nhiều quốc gia trên thế giới, cung cấp hệ thống giám sát tuân thủ và sàng lọc các tổ chức tài chính, tội phạm tài chính như chống rửa tiền.
Tờ Hong Kong Citizen News đã đặt câu hỏi với Dow Jones và Accuity về việc liệu 11 quan chức có bị đưa vào danh sách trừng phạt hay không. Accuity không đưa ra trả lời cụ thể, chỉ nhắc nhở rằng nếu các tổ chức tài chính thực hiện giao dịch với những người bị trừng phạt, họ có thể phải đối mặt với chế tài cấp độ hai, còn biện pháp ra sao, Dow Jones không có câu trả lời.
Theo “Sắc lệnh chống rửa tiền và gây quỹ khủng bố” của Hồng Kông, các tổ chức tài chính tuân thủ quy định khi xem xét hồ sơ khách hàng tham gia. Một chuyên gia trong ngành giải thích, trách nhiệm của các công ty Dữ liệu đa quốc gia là liên tục tổng hợp và cập nhật danh sách đen các cá nhân, tổ chức tội phạm, bao gồm danh sách bị trừng phạt, rửa tiền, cấm vận, cấm nhập cảnh, hạn chế thương mại… Các ngân hàng và công ty bảo hiểm sử dụng nguồn dữ liệu này để kiểm tra xem khách hàng mới có nằm trong danh sách đen hay không, ngay cả các khách hàng cũ bị lọt vào danh sách, các tổ chức tài chính vẫn có thể đo lường rủi ro và tự quyết định có tiếp tục mở tài khoản cho các nhân này hay không.
Ngoài ra, các chuyên gia ngành còn khuyến cáo các tổ chức tài chính không được thực hiện các giao dịch với người bị xử phạt, nếu không họ phải đối mặt với nguy cơ bị áp dụng lệnh trừng phạt cấp hai. Ngay cả khi người bị xử phạt đã mua hợp đồng bảo hiểm trước đó thì hợp đồng bảo hiểm phải bị phong tỏa. Lấy ví dụ trường hợp bà Carrie Lam, nếu người thụ hưởng hợp đồng là bà Carrie Lam, nếu người được bảo hiểm tử vong thì sẽ không được bồi thường. Tuy nhiên, nếu mua bảo hiểm cho gia đình bà Lam thì tạm thời không bị ảnh hưởng gì.
Chuyên gia bảo hiểm lâu năm, ông Ngô Trạch Vĩ cho biết, sau khi các công ty bảo hiểm và mô giới bảo hiểm tiếp nhận hồ sơ bảo hiểm, họ thường phải thực hiện qua thủ tục Nhận diện khách hàng (Know Your Customer ). Nếu hồ sơ mua bảo hiểm dài hạn như bảo hiểm nhân thọ chẳng hạn, công ty bảo hiểm trước tiên phải xác minh lý lịch khách hàng, kiểm tra dữ liệu quốc tế và xem liệu người mua có nằm trong danh sách đen nào hay không. Lấy ví dụ trường hợp của bà Carrie Lam nằm trong danh sách đen, nếu công ty bảo hiểm chấp nhận hồ sợ, họ có khả năng sẽ vi phạm chế tài và đối mặt với các biện pháp trừng phạt cấp hai do Hoa Kỳ áp đặt.
Ông Ngô Trạch Vĩ còn cho biết, ngoài bảo hiểm nhân thọ ra, các chương trình bảo hiểm khác còn bị xem xét có dính đến các điều khoản cấm vận hay không, nếu có phạm phải, thì hồ sơ mua bảo hiểm của người bị trừng phạt sẽ không được chấp nhận. Các loại bảo hiểm thông thường như bảo hiểm du lịch, bảo hiểm y tế, bảo hiểm xe và bảo hiểm nhà,… cũng có nguy cơ bị từ chối.
Ông Vĩ cũng chỉ ra, nếu một công ty bảo hiểm có hoạt động kinh doanh ở thị trường Âu Mỹ, hoặc giao dịch bằng đồng Đô la Mỹ, để tránh rủi ro, nên họ sẽ từ chối bán bảo hiểm cho bà Carrie Lam và những người trong danh sách bị trừng phạt. Tuy nhiên, nếu bà Carrie Lam không đứng tên người thụ hưởng, thành viên gia đình của bà sẽ không bị ảnh hưởng. Thêm nữa, đơn vị bảo hiểm từ đây không thể giao dịch với Carrie, do đó nếu hai bên đã có một hợp đồng ký mua nhiều năm trước, hợp đồng này khả năng sẽ bị đóng, bao gồm cả các điều khoản bảo hiểm và bồi thường hợp đồng.
Bộ Quốc phòng Mỹ lên án Trung Quốc phóng tên lửa ra Biển Đông
Bộ Quốc phòng Mỹ hôm thứ Năm (27/8) đã phát đi tuyên bố nói rằng việc Trung Quốc phóng thử tên lửa đạn đạo ra Biển Đông là vi phạm các hiệp ước quốc tế, đe dọa hòa bình và an ninh khu vực.
Nam Hoa Tảo báo và Reuters đưa tin Quân đội Trung Quốc vào sáng thứ Tư 26/8 (giờ địa phương) đã phóng ít nhất hai tên lửa, trong đó có một tên lửa chống hạm, ra vùng biển giữa Đảo Hải Nam và Quần đảo Hoàng Sa.
Chuyện này xảy ra khoảng một tuần sau khi Mỹ loan báo bán 90 chiến đấu cơ F-16 cho Đài Loan, quốc đảo dân chủ mà Trung Quốc luôn coi là một tỉnh ngoài khơi xa của họ.
Tờ The Sun nhận định động thái phóng tên lửa của Trung Quốc là nằm trong nỗ lực mới nhất của chế độ này nhằm phô trương sức mạnh tại Biển Đông. Chính phủ Mỹ từ lâu đã bác bỏ những mục tiêu này của Trung Quốc.
Tuyên bố của Bộ Quốc phòng Mỹ cho hay: “Cuộc diễn tập quân sự này là mới nhất trong một loạt các hành động của Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa (PRC) nhằm khẳng định các yêu sách hàng hải phi pháp và gây bất lợi cho các nước láng giềng trên Biển Đông… Những hành động của PRC, gồm cả việc thử tên lửa, làm gia tăng bất ổn tình hình Biển Đông”.
Phía Mỹ cũng nói hành động của Trung Quốc vi phạm Tuyên bố Ứng xử của các bên tại Biển Đông 2002 (DOC).
Trong ngày 26/8 (giờ Mỹ), Washington cũng đã áp đặt chế tài lên 24 công ty và hàng chục cá nhân Trung Quốc liên quan tới việc hỗ trợ quân đội Trung Quốc xây dựng và quân sự hóa Biển Đông.
Sáng thứ Năm 27/8 (giờ Trung Quốc), Bắc Kinh đã chỉ trích mạnh mẽ việc Washington chế tài các công ty và cá nhân Trung Quốc liên quan tới Biển Đông.
Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Triệu Lập Kiên nói: “Hành động của Mỹ vi phạm thô bạo công việc nội bộ của Trung Quốc… nó hoàn toàn là logic chuyên chế và chính trị cường quyền”.
“Trung Quốc sẽ thực hiện các biện pháp cứng rắn để giữ vững các quyền và lợi ích hợp pháp của các công ty và cá nhân Trung Quốc”, ông Triệu nói.
Tuyên bố của Bộ Quốc phòng Mỹ về việc Trung Quốc phóng tên lửa đạn đạo gần đây(Xem bản tiếng Anh tại đây)Bộ Quốc phòng quan ngại về việc Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa (PRC) gần đây đã quyết định thực hiện các cuộc tập trận quân sự, bao gồm phóng các tên lửa đạn đạo, quanh Quần đảo Hoàng Sa trên Biển Đông từ ngày 23 đến 29/8.Thực hiện các cuộc tập trận quân sự trên lãnh hải tranh chấp ở Biển Đông là phản tác dụng đối với việc giảm căng thẳng và duy trì ổn định. Những hành động của PRC, bao gồm thử tên lửa, làm gia tăng bất ổn tình hình Biển Đông. Những hành động như vậy cũng vi phạm các cam kết của PRC trong Tuyên bố Ứng xử giữa các bên trên Biển Đông 2002 nhằm tránh các hoạt động mà sẽ làm phức tạp hoặc leo thang tranh chấp và ảnh hưởng tới hòa bình và ổn định, và khiến người ta nghi ngờ động cơ của họ trong các cuộc đàm phán đang diễn ra về Quy tắc Ứng xử giữa Trung Quốc và ASEAN.Cuộc diễn tập quân sự này là mới nhất trong một loạt các hành động của PRC nhằm khẳng định các yêu sách hàng hải phi pháp và gây bất lợi cho các nước láng giềng trên Biển Đông. Những hành động của PRC đi ngược lại cam kết của họ về việc không quân sự hóa Biển Đông và trái với tầm nhìn của Mỹ về một khu vực Ấn Độ – Thái Bình Dương tự do và cởi mở, trong đó tất cả các quốc gia lớn nhỏ đều được đảm bảo chủ quyền của mình, không bị cưỡng ép, và có thể theo đuổi tăng trưởng kinh tế phù hợp với các quy định và chuẩn mực quốc tế được chấp nhận.Bộ Quốc phòng hồi tháng Bảy đã cảnh báo PRC rằng chúng tôi sẽ tiếp tục giám sát tình hình với hy vọng rằng PRC sẽ giảm hoạt động quân sự hóa và hành vi cưỡng ép các nước láng giềng tại Biển Đông. PRC đã lựa chọn leo thang các hoạt động quân sự bằng việc phóng tên lửa đạn đạo. Chúng tôi kêu gọi tất cả các bên hãy kiềm chế và không tiến hành các hoạt động quân sự mà có thể đe dọa tới tự do hàng hải và làm trầm trọng thêm tranh chấp trên Biển Đông. |