Thông tin chi tiết hơn quá trình ông Phạm Phú Quốc nhập quốc tịch Cyprus

TTO – Theo tài liệu mật trong loạt bài điều tra của Đài Al Jareeza (Qatar), đơn xin quốc tịch của bà Nguyễn Phan Diệu Phương cùng chồng là ĐBQH Phạm Phú Quốc được Bộ Nội vụ Cộng hòa Cyprus thông qua (approved) ngày 12-12-2018.

Thông tin chi tiết hơn quá trình ông Phạm Phú Quốc nhập quốc tịch Cyprus - Ảnh 1.
“Hộ chiếu vàng” của Cyprus mà rất nhiều người nước ngoài khát khao – Ảnh: London Daily

Với tên gọi “The Cyprus Papers” (Hồ sơ đảo Cyprus), nhóm điều tra của Đài Al Jazeera, cơ quan truyền thông có sức ảnh hưởng lớn ở Trung Đông, cho biết chỉ trong vòng 3 năm 2017 – 2019, đã có gần 2.500 cá nhân từ 70 quốc gia có được quyền công dân của Cyprus thông qua hình thức đầu tư định cư.

Các nước dẫn đầu về số người mua quốc tịch ở CH Cyprus theo tài liệu của “Hồ sơ đảo Cyprus” là Nga (chiếm gần 50%), Trung Quốc, Ukraine, Lebanon, Jordan, Iran. 

Việt Nam có 26 cá nhân được hồ sơ này nêu tên, trong đó Al Jazeera nêu đích danh đại biểu Quốc hội Phạm Phú Quốc và vợ Nguyễn Phan Diệu Phương.

Chi phí có quốc tịch là bao nhiêu?

Hồ sơ của vợ chồng ông Quốc, bà Phương đã được gửi lên Hội đồng Bộ trưởng của Cyprus để xem xét liệu các hoạt động đầu tư của bà Phương đã đạt tiêu chuẩn để hai vợ chồng được cấp quốc tịch Cyprus chưa. Sau khi được Bộ Nội vụ phê duyệt, hồ sơ xin quốc tịch của đôi vợ chồng trên được Quốc hội Cyprus đóng dấu nhận (received) vào ngày 7-1-2019.

Theo quy định của chương trình đầu tư nhận “hộ chiếu vàng” của Cyprus, để được cấp quốc tịch của quốc gia thuộc Liên minh châu Âu (EU) này, nhà đầu tư nước ngoài được yêu cầu phải chi tối thiểu 2 triệu euro (tương đương 2,5 triệu USD hay 57 tỉ đồng) tiền đầu tư.

Quyết định số 81.292 ban hành ngày 13-9-2016 của Hội đồng Bộ trưởng Cyprus ghi rõ người muốn cấp quốc tịch Cyprus phải đầu tư đúng theo yêu cầu 3 năm trước khi nộp đơn xin nhập quốc tịch (PV – đầu tư tối thiểu 2 triệu euro) và phải duy trì khoản đầu tư ít nhất là 3 năm sau khi được cấp (PV – không được phép rút vốn).

Theo hãng luật George K. Konstantinou có trụ sở tại Limassol, Cyprus, chuyên cung cấp các dịch vụ xin quốc tịch theo dạng đầu tư, quá trình từ lúc nộp đơn xin quốc tịch cho đến khi trở thành công dân chính thức mất khoảng 6 tháng, biến chương trình đầu tư này trở thành một trong những cách nhanh nhất để trở thành công dân EU. 

Theo tài liệu của Đài Al Jazeera, đơn xin quốc tịch của bà Phương và ông Quốc được Bộ Nội vụ Cyprus duyệt ngày 12-12-2018. Nếu chiếu theo quy định của chương trình đầu tư định cư của Cyprus, để được phép nộp hồ sơ xin quốc tịch, bà Nguyễn Phan Diệu Phương đã phải bắt đầu đầu tư tại Cyprus từ ít nhất… năm 2015.

Cũng theo quy định trên, vợ hay chồng của nhà đầu tư có thể nộp đơn xin quốc tịch đồng thời và phải đóng một khoản phí đăng ký 2.000 euro (tương đương 55 triệu đồng) mỗi người.

Đây chính là các phụ phí nằm ngoài khoản đầu tư 2 triệu euro phải nộp thêm để bắt đầu được xét quốc tịch.

Ngoài ra, mỗi người họ còn phải đóng các khoản khác bao gồm 5.000 euro (khoảng 137 triệu đồng) phí cấp chứng nhận, 120 euro (3,3 triệu đồng) phí cấp hộ chiếu và 30 euro (820.000 đồng) phí cấp thẻ căn cước. Đó là chưa kể phí dịch vụ luật sư cho cả gia đình, thông thường dao động trong khoảng 30.000 đến 40.000 euro (tương đương 822 triệu đến hơn 1 tỉ đồng).

Quá trình này cũng yêu cầu nhà đầu tư nước ngoài ở Cyprus ít nhất 6 tháng trước thời điểm nộp hồ sơ xin quốc tịch.

Cyprus cấm người có “yếu tố chính trị” xin quốc tịch từ tháng 7-2019

Dưới sức ép của Liên minh châu Âu (EU) và các chỉ trích về việc cấp quốc tịch dễ dãi cho người nước ngoài qua hình thức đầu tư, Cyprus đã buộc phải thắt chặt quy định đối với những đối tượng được xin quốc tịch nước này.

Theo đó, tháng 2-2019, các bộ trưởng nước này đồng ý cấm các cá nhân “có nguy cơ cao” đăng ký chương trình xin quốc tịch theo hình thức đầu tư. Quy định mới này chính thức có hiệu lực ngày 25-7-2019.

Theo quy định này, chính quyền Cyprus cấm tất cả các cá nhân “có yếu tố chính trị” bao gồm đại biểu quốc hội và quan chức cấp cao của các doanh nghiệp nhà nước cũng như vợ, chồng và thân nhân của họ đăng ký xin quốc tịch theo hình thức đầu tư.

Danh sách cấm xin quốc tịch Cyprus cũng bao gồm vợ và thân nhân những người đang và đã nắm các chức vụ bộ trưởng, thành viên của các cơ quan chủ quản của các đảng chính trị, thành viên của tòa án, của các cơ quan tư pháp, đại sứ, sĩ quan cấp cao của lực lượng vũ trang và thị trưởng trong vòng 5 năm kể từ thời điểm nộp đơn.

Như vậy theo tài liệu của Đài Al Jareeza, thời điểm ông Quốc và vợ xin quốc tịch Cyprus diễn ra trước khi quy định cấm cá nhân “có yếu tố chính trị” xin quốc tịch của Cyprus có hiệu lực vào tháng 7-2019. 

Tháng 7-2020, Quốc hội Cyprus thông qua luật mới cho phép chính phủ tước quốc tịch của những người vi phạm pháp luật. Tuy nhiên, quy định này bị chỉ trích do không áp dụng đối với “các cá nhân không đủ điều kiện theo quy định năm 2019, bao gồm những người “có yếu tố chính trị”, nhưng đã nộp đơn xin nhập tịch trước khi quy định này có hiệu lực”.

118039123_776159513202293_2829714834566375307_n

Tài liệu mật Bộ Nội vụ Cyprus gửi Quốc hội liên quan vụ cấp quốc tịch cho vợ chồng ông Phạm Phú Quốc – Ảnh: Đài Al Jazeera

Tuổi Trẻ Online chuyển ngữ tài liệu mật trên, có tham khảo người Hi Lạp

Bộ Nội vụ

Ngày 12-12-2018

MẬT

Tới Phó chủ tịch Quốc hội,

V/v Đơn xin nhập quốc tịch của Bà Nguyễn Phan Diệu Phương và ông Phạm Phú Quốc theo khoản (2) của điều 111A của Luật đăng ký dân sự 2002 – 2017

Tôi có hướng dẫn để đề cập đến vấn đề trên và để thông báo với ông rằng Bộ trưởng Bộ Nội vụ dự định trình lên Hội đồng Bộ trưởng một Đề xuất (bản sao đính kèm như Phụ lục 1) mời Hội đồng quyết định yêu cầu nhập quốc tịch theo trường hợp ngoại lệ* của những người nước ngoài được đề cập ở trên.

2. Về quan điểm này, vui lòng thông báo cho Quốc hội, theo quy định tại khoản (3) của điều 111A Luật đăng ký dân sự. Một bản sao của khoản (3) nói trên được đính kèm dưới dạng Phụ lục.

Ký tên

Đóng dấu:

Quốc hội đã nhận

ngày 7-1-2019

(* Có nhiều trường hợp được cấp quốc tịch Cyprus bao gồm: kết hôn, có cha mẹ là người Cyprus hoặc đầu tư. Trường hợp xin quốc tịch theo chương trình đầu tư được gọi là trường hợp ngoại lệ (naturalisation by exception).

* Không rõ chức danh các chữ ký ghi bằng bút chì kèm ngày 18/12/2018 và 4/1/19 – PV) .

Related posts