Ấn Độ và Nga đàm phán cùng sản xuất vắc-xin Sputnik V ngừa COVID
Là đồng minh truyền thống của Ấn Độ, gần đây Nga đã tỏ ý muốn phối hợp cùng với New Delhi sản xuất vắc-xin Sputnik V ngừa COVID-19, tờ Nikkei của Nhật cho hay. Trước đó, Nga đã tuyên bố đây là loại vắc-xin đầu tiên trên thế giới chống lại hiệu quả virus corona.
Giới quan sát tin rằng Nga muốn hợp tác với Ấn Độ trong sản xuất vắc-xin vì đất nước Nam Á này là một trong những nhà sản xuất thuốc và vắc-xin gốc lớn nhất thế giới. Ấn Độ cũng có thể cung cấp nhóm lớn người thử nghiệm vắc-xin khi là quốc gia bị ảnh hưởng nặng thứ ba trong đại dịch, với hơn 3,3 triệu ca bệnh và 61.000 người tử vong.
Vắc-xin Sputnik V được Viện Nghiên cứu Dịch tễ học và Vi sinh vật học Gamaleya tại Moscow phối hợp với Quỹ Đầu tư Trực tiếp Nga phát triển. Hôm 11/8, Tổng thống Nga Vladimir Putin thông báo rằng vắc-xin này đã được đăng ký và con gái của ông đã tiêm.
Tuy vậy, do các thử nghiệm quan trọng Giai đoạn 3 còn chưa kết thúc, đã có nhiều lo ngại về tính an toàn của vắc-xin, cũng như việc đăng ký quá nhanh chóng.
Bộ trưởng Y tế Ấn Độ Rajesh Bhushan đã trả lời các phóng viên trước câu hỏi về khả năng hợp tác với Nga cùng sản xuất vắc-xin Sputnik V rằng “hai nước đang bàn bạc,” và phía Nga đã chia sẻ một số thông tin ban đầu với Ấn Độ.
Triển vọng hợp tác cũng có thể thành hiện thực khi Đại sứ Nga tại Ấn Độ Nikolay Kudashev gần đầy đã tweet rằng ông đã “thảo luận những khía cạnh cụ thể của truyền thống hợp tác song phương trong lĩnh vực y tế công cộng với Tiến sĩ Renu Swarup, Bộ trưởng Bộ Công nghệ sinh học” trong chính phủ Ấn Độ.
Đánh giá về động thái của Nga, ông Pankaj, giáo sư về các vấn đề chiến lược tại Đại học O.P.Jindal Global cho biết “Ấn Độ có thể đánh giá tính hiệu quả của vắc-xin Nga, và nếu Sputnik V [thành công] điều này sẽ tạo một động lực lớn đối với ngành dược phẩm Nga và nền kinh tế của đất nước.”
Về mặt địa chính trị, điều này cũng mang lại nhiều lợi thế đối với Nga khi có thể tự hào không chỉ là nước đầu tiên phát triển vắc xin COVID-19 mà còn là quốc gia có thể cung cấp cho nhiều nước khác với giá rẻ vì sản xuất chung với Ấn Độ, ông nói.
“Nga muốn lấy lại tầm vóc, sức mạnh cũng như sự chấp nhận toàn cầu,” ông nói. “Nếu họ có khả năng cung ứng vắc-xin với giá thấp hơn giá vắc-xin do [Đại học] Oxford và những bên khác phát triển, đó sẽ là hành động ngoại giao hào hiệp nhất của họ. Nhưng ai có thể cung cấp vắc-xin với chi phí thấp hơn? Đó chỉ có thể là Ấn Độ mà không phải là ai khác.”
Nếu Ấn Độ và Nga hợp tác sản xuất vắc-xin, điều này sẽ đánh dấu thêm một cột mốc quan trọng khác trong quan hệ giữa hai nước, vốn từ lâu đã là “đối tác chiến lược đặc biệt,” điển hình trong quan hệ quốc phòng.
Trong số những thỏa thuận quốc phòng lớn giữa hai nước là hợp đồng trị giá 5 tỷ đôla năm 2016 của New Delhi mua 5 hệ thống tên lửa đất đối không tầm xa S-400 Triumf bất chấp sự phản đối của Mỹ. Hai nước cũng được cho là đã hoàn thành ký kết hiệp ước hậu cần quốc phòng tương hỗ giống như cách mà Ấn Độ đã ký với Mỹ, Pháp và Úc, theo đó cho phép quyền tiếp cận căn cứ quân sự của nhau.
New Delhi và Moscow cũng tổ chức cuộc họp thượng đỉnh hàng năm. Bộ trưởng các vấn đề đối ngoại Ấn Độ cho biết cuộc họp thượng đỉnh năm nay sẽ diễn ra vào tháng Mười khi ông Putin dự kiến sẽ đến thăm Ấn Độ.
Theo tờ Nikkei, hiện trên khắp thế giới đang có hơn 150 loại vắc-xin COVID-19 ở các giai đoạn thử nghiệm lâm sàng khác nhau. Tại Ấn Độ, có hai loại đang được phát triển: một từ công ty Bharat Biotech hợp tác với Hội đồng Nghiên cứu Y khoa; và loại kia từ công ty Zydus Cadila, hiện đã bắt đầu thử nghiệm trên người vào tháng trước. Viện Nghiên cứu Huyết thanh Ấn Độ, nhà sản xuất vắc-xin lớn nhất thế giới có trụ sở tại thành phố miền tây Pune, cũng đang tiến hành thử nghiệm loại vắc-xin của Oxford.
Tuy vậy, các nhà phân tích nói Ấn Độ cần đánh giá một cách cẩn thận lời mời hợp tác của Nga. “Nước Nga đã đánh một canh bạc lớn bằng cách đi trước thế giới với vắc-xin. Đó chỉ là phỏng đoán vì kết quả các thử nghiệm trên người còn chưa được công bố hay bình duyệt,” nhà báo chuyên mục sức khoẻ Archana Jyoti nói. “Không có nhiều dữ liệu về tính hiệu quả và liều lượng của vắc-xin liên quan. Ấn Độ tốt hơn nên chờ đợi và quan sát.”
Trong một tuyên bố hôm thứ Tư (26/8), Quỹ Đầu tư Trực tiếp của Nga cho biết sau khi đăng ký, cuộc thử nghiệm lâm sàng vắc-xin Sputnik V đã bắt đầu ở Moscow với 40.000 người tham gia.
Gạch tên Trung Quốc trong hệ thống bưu chính, Mỹ bắt đầu quá trình tuyệt giao?
Dịch vụ chuyển phát nhanh và vận chuyển hàng hóa toàn cầu UPS đã không còn đích đến “China” (Trung Quốc) trong hệ thống.
Hôm 28/8, cô Cát, sống ở bang New York, Hoa Kỳ, muốn gửi một tập tài liệu cho người thân hiện đang ngụ tại Trung Quốc. Cô đến dịch vụ bưu chính Hoa Kỳ (USPS) nơi địa phương mình ở, bất ngờ thay câu trả lời cô nhận được là: không có Trung Quốc trong hệ thống, vậy nên tập tài liệu đó không gửi qua đường bưu điện được.
Cô Cát nói với phóng viên trang BLDaily rằng: “Trưa hôm nay (28/8) tôi đến bưu điện, họ hỏi tôi gửi đến đâu. Tôi nói là Trung Quốc, nhưng họ nói không gửi được. Tôi hỏi tại sao thì họ nói không có Trung Quốc trong hệ thống của họ“.
Sau đó, cô Cát lại đến các trung tâm dịch vụ chuyển phát nhanh và vận chuyển hàng hóa toàn cầu UPS (United Parcel Service) khác. Nhân viên ở đó nói là có thể gửi được nhưng chi phí khá cao, chỉ mấy trang giấy này thôi cũng đã tốn 120 đô-la Mỹ rồi. Điều quan trọng nhất là không chắc chắn bên kia có thể nhận được hay không, thậm chí có thể phải mất từ 3-6 tháng.
Cô Cát rất ngạc nhiên, cô lại gọi cho trung tâm chuyển phát nhanh quốc tế FedEx nhưng đầu dây bên kia trả lời là không gửi được, chuyển cuộc gọi đến bộ phận chăm sóc khách hàng tại trụ sở chính nhưng trước sau không ai nghe máy.
Cô Cát gượng cười nói với phóng viên rằng: “Tại sao không nói không rằng đã ‘tuyệt giao’ như vậy rồi? Xem ra ngày tháng gian nan của Đảng Cộng sản Trung Quốc sắp đến rồi”.
Cố vấn Nhà Trắng: Yêu sách của Trung Quốc ở Biển Đông là ‘nực cười’
Ông Robert O’Brien, Cố vấn an ninh quốc gia của Tổng thống Trump gọi các yêu sách của Bắc Kinh về chủ quyền Biển Đông là “lố bịch”. Ông cho biết sẽ gặp Nhật Bản, Ấn Độ và Australia để tăng cường mối quan hệ quốc phòng trong khu vực, theo SCMP ngày 29/8.
Trong một cuộc thảo luận với ông Paula Dobriansky, Phó chủ tịch Trung tâm Chiến lược và An ninh Scowcroft của Hội đồng Đại Tây Dương, cố vấn O’Brien đã chỉ trích các yêu sách chủ quyền phi lý của Trung Quốc ở Biển Đông khi cho rằng những yêu sách này là “nực cười”.
“Nó (yêu sách chủ quyền của Trung Quốc ở Biển Đông) bị Tòa án về Luật Biển bác bỏ, và hiện giờ Trung Quốc tổ chức tập trận quân sự ở các vùng biển mà họ coi là của họ, điều mà họ tự tưởng tượng ra”, ông O’Brien nói khi đề cập đến phán quyết năm 2016 của Tòa trọng tài thường trực nhằm bác bỏ “quyền lịch sử” của Trung Quốc ở Biển Đông.
Cố vấn an ninh Mỹ khẳng định: “Hoa Kỳ sẽ không buông bỏ các nguyên tắc thâm niên rằng các đường thủy trên thế giới và các vùng biển quốc tế phải được cấp quyền tự do hàng hải, tương tự với quyền tự do hàng không tại không phận quốc tế”.
Mỹ đưa Tập đoàn Tam Hiệp vào tầm ngắm
Lầu Năm Góc hôm 28/8 cho biết Mỹ nhận diện thêm 11 công ty do quân đội Trung Quốc sở hữu hoặc kiểm soát, trong đó có Tập đoàn Tam Hiệp, theo Reuters.
Đầu năm nay, Bộ Quốc phòng đã chỉ định 20 doanh nghiệp hàng đầu Trung Quốc là các công ty quân sự Trung Quốc hoạt động trực tiếp hoặc gián tiếp tại Mỹ, bao gồm cả những công ty “thuộc sở hữu hoặc kiểm soát” của Quân đội Giải phóng Nhân dân chuyên cung cấp các dịch vụ thương mại, chế tạo, sản xuất hoặc xuất khẩu.
Trong số 11 công ty mới được bổ sung vào danh sách có tập đoàn Tam Hiệp Trung Quốc, tập đoàn Sinochem và China Spacesat.
Mặc dù động thái này của Lầu Năm Góc không phải là lệnh trừng phạt nhưng một đạo luật năm 1999 quy định rằng Tổng thống Mỹ có thể áp đặt chế tài bao gồm phong tỏa tài sản của các công ty có tên trong danh sách.
Vũ Hán: Tất cả trường học sẽ mở lại vào 1/9
Giới chức Vũ Hán hôm 28/8 cho biết, tất cả các trường học trong thành phố sẽ mở cửa lại vào thứ Ba tới (1/9), theo Reuters.
Chính quyền địa phương thông báo 2.842 cơ sở giáo dục trên toàn thành phố sẽ mở cửa đón gần 1,4 triệu học sinh, sinh viên quay lại trường. Đại học Vũ Hán đã mở cửa trở lại vào ngày 31/8.
Các trường học khuyến cáo học sinh đeo khẩu trang khi đến trường và hạn chế di chuyển bằng phương tiện giao thông công cộng.
Giới chức thành phố cho biết thêm, các học sinh và giáo viên nước ngoài nếu không nhận được thông báo từ trường sẽ chưa được phép quay lại trường học.
Thị trường smartphone: Lần đầu tiên Samsung để Huawei “vượt mặt”
Samsung và Apple đã thay nhau thống trị thị trường smartphone trên toàn thế giới trong khoảng 10 năm qua. Tuy nhiên, điều đó đã thay đổi, ít nhất là trong quý II/2020.
Cụ thể, theo báo cáo từ công ty phân tích thị trường độc lập Canalys, Huawei đã vượt mặt Samsung để trở thành hãng sản xuất smartphone số 2 thế giới trong quý II/2020. Đây là lần đầu tiên trong lịch sử gần 10 năm qua, có một tập đoàn công nghệ không phải là Samsung hay Apple chiếm vị trí thứ hai về doanh thu tính trong một quý.
Canalys cho biết trong khoảng từ tháng 4/2020 đến tháng 6/2020, Huawei đã bán được 55,8 triệu chiếc smartphone (giảm 5% so với cùng kỳ năm 2019), còn Samsung bán được 53,7 triệu chiếc (giảm 30% doanh số trong cùng thời gian). Điều này xuất phát từ việc đại dịch COVID-19 bùng phát dẫn đến sự sụt giảm về doanh thu tại các thị trường truyền thống của Samsung như Mỹ, châu Âu, Brazil, Ấn Độ.
Trong khi đó, Huawei chủ yếu chỉ tập trung vào thị trường nội địa và người dân Trung Quốc ưu tiên lựa chọn những sản phẩm của Huawei một phần nhờ tâm lý “bảo vệ gà nhà” trước các lệnh cấm của Mỹ. Trong khi đó, thị phần của Samsung tại đại lục chưa tới 1%.
Tuy nhiên, các nhà phân tích tại Canalys cho biết Huawei khó lòng duy trì vị trí này trong những quý tới. Nguyên nhân là do phần lớn lượng smartphone tiêu thụ của Huawei đến từ Trung Quốc nhưng hãng này đang chịu sức ép rất lớn trên thị trường quốc tế bởi lệnh trừng phạt của Chính phủ Mỹ. Cụ thể, có 70% số smartphone của Huawei được bán tại thị trường Trung Quốc, còn lượng smartphone mà hãng bán ra trên thị trường quốc tế giảm 27% so với cùng kỳ năm 2019.
Con đường hẹp cho smartphone Huawei
Còn nhớ, vào tháng 5/2019, Huawei bị Bộ Thương mại Mỹ đưa vào danh sách đen khiến hãng này không thể tiếp cận công nghệ Mỹ khi chưa được phép của Chính phủ. Lệnh cấm khiến Huawei không cài đặt được hệ điều hành Android của Google cho các thiết bị mới. Điều đó khiến cho những smartphone của Huawei suy giảm khả năng cạnh tranh so với các đối thủ, nhất là tại châu Âu, thị trường chủ chốt của Huawei.
Để bù đắp vào khoảng trống mà lệnh cấm tạo tạo ra, Huawei đã ra mắt hệ điều hành riêng có tên HarmonyOS trong năm 2019. Tuy nhiên, thiếu vắng nhiều dịch vụ của Google, smartphone của Huawei mất điểm mạnh trong mắt người dùng. Đồng thời, giới phân tích cũng nghi ngờ về khả năng thành công của hệ điều hành non trẻ này.
Chưa dừng lại ở đó, trong lúc Huawei đang tìm cách lấp khoảng trống trên, thì hãng lại phải chịu thêm đòn trừng phạt nữa từ Chính phủ Mỹ. Trong tháng 5/2020, Chính quyền Tổng thống Donald Trump đã yêu cầu các công ty nước ngoài sử dụng công nghệ Mỹ phải xin phép Chính phủ nước này trước khi bán hàng cho Huawei.
Ngoài ra, phía Mỹ tiếp tục cấm Huawei hợp tác với TSMC (Công ty Sản xuất Chất bán dẫn Đài Loan), đối tác sản xuất chip quan trọng nhất của hãng sau ngày 14/09 tới đây. Vậy nên, Huawei hiện đang phải gấp rút tích trữ các chip di động 5G, chip wifi, chip tần số radio cũng như chip điều khiển màn hình hiển thị cùng hàng loạt linh kiện khác từ các nhà phát triển chip như MediaTek, RealTek, Novatek.
Để chạy đua với thời gian mà Chính phủ Mỹ đưa ra, một số nhà cung cấp chip thậm chí còn chấp nhận xuất xưởng cho Huawei cả các sản phẩm chưa hoàn thiện lẫn chip chưa được kiểm tra.
Có thể thấy, các động thái trên là những đòn chí mạng đánh trực tiếp vào nguồn cung ứng vi xử lý của Huawei.