TQ: Mong muốn chấm dứt sự thống trị của đồng đôla Mỹ khó thành sự thật

Trung Quốc đã cố gắng làm mọi cách trong hơn một thập kỷ qua nhằm làm suy yếu vai trò của đồng đôla Mỹ trong thương mại và đầu tư toàn cầu. Nhưng theo các nhà phân tích, việc Trung Quốc muốn tiếm ngôi đồng đô la Mỹ, vốn là đồng tiền dự trữ chính trên thế giới, không thể trở thành hiện thực ngay cả khi nó đã suy yếu trong thời gian gần đây.

Trung Quốc phá giá đồng nhân dân tệ

Sự bất mãn của Trung Quốc đối với đồng đôla Mỹ gần đây đã trở nên gay gắt hơn khi Washington tăng cường các biện pháp trừng phạt đối với nhiều quan chức Trung Quốc và Hồng Kông, đồng thời cũng đe dọa trừng phạt các tổ chức tài chính làm ăn với những cá nhân này.

Quyền lực này bắt nguồn từ sự thống trị của đồng đôla, khiến Trung Quốc có rất ít lựa chọn để trả đũa. Trong tình huống cực đoan, Hoa Kỳ có thể ngăn không cho các doanh nghiệp và ngân hàng Trung Quốc tiếp cận hệ thống thanh toán bằng đôla Mỹ, làm gián đoạn nghiêm trọng các dòng thương mại và đầu tư xuyên biên giới của Trung Quốc.

Trung Quốc cũng không hài lòng với “siêu đặc quyền” mà Washington có được nhờ vai trò của đồng đôla Mỹ, đặc biệt khi Cục Dự trữ Liên bang Mỹ tiến hành nới lỏng tiền tệ để giải quyết các vấn đề kinh tế trong nước.

Bắc Kinh xem những động thái tiền tệ gần đây của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ là một cách để Hoa Kỳ chuyển chi phí do các vấn đề kinh tế của mình sang các nước khác, bao gồm cả Trung Quốc thông qua “thu nhập từ phát hành tiền” (seigniorage) – một hình thức lợi nhuận mà nước phát hành tiền thu được từ những người sử dụng đồng tiền này.

Sự suy yếu của đồng đôla

Ông Guo Shuqing, chủ tịch Ủy ban Giám sát Ngân hàng và Bảo hiểm Trung Quốc, đã lên tiếng cảnh báo rằng các đợt kích thích kinh tế chưa từng có của Hoa Kỳ có thể đẩy thế giới vào một cuộc khủng hoảng tài chính.

“Trong một hệ thống tiền tệ quốc tế bị chi phối bởi đồng đôla Mỹ, chính sách nới lỏng định lượng không giới hạn chưa từng có của Hoa Kỳ thực sự làm mất đi lòng tin vào đồng đôla và làm xói mòn nền tảng ổn định tài chính toàn cầu,” ông Guo viết trong một bài báo đăng trên tạp chí “Qiushi”của Trung Quốc vào cuối tuần trước.

Những lo ngại của ông Guo xuất hiện sau khi Hoa Kỳ cung cấp hàng nghìn tỷ đô la Mỹ trong các đợt kích thích nhằm thúc đẩy nền kinh tế trước cuộc khủng hoảng virus corona, và điều này còn có khả năng sẽ tiếp tục xảy ra. Các chương trình mua chứng khoán và bơm tiền vào hệ thống tài chính của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ – còn được gọi là nới lỏng định lượng – đã khiến bảng cân đối kế toán của Mỹ tăng từ mức 4 nghìn tỷ USD vào giữa tháng 3 lên gần 7 nghìn tỷ USD vào tháng 8.

Sự suy yếu của đồng đôla Mỹ trong những tháng gần đây có thể thấy khi chỉ số đồng đôla Mỹ đã giảm 11% kể từ khi nó đạt đỉnh vào cuối tháng 3. Việc này đã làm Bắc Kinh càng thêm lo ngại rằng tài sản ở nước ngoài của họ và khoản dự trữ trị giá 1 nghìn tỷ USD bằng đôla Mỹ của họ sẽ bị mất giá.

Sự nới lỏng của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ cùng với mức tăng trưởng kinh tế sụt giảm của Hoa Kỳ đã khiến một số chiến lược gia, bao gồm cả ngân hàng đầu tư khổng lồ Goldman Sachs, cảnh báo rằng các chính sách tiền tệ và tài khóa của Hoa Kỳ có thể gây ra những lo sợ về “sự giảm giá” của tiền tệ, dẫn đến mất khả năng bảo toàn giá trị của các khoản đầu tư.

Do đó, điều này sẽ làm xói mòn ngôi vị của đồng đôla Mỹ, vốn là đồng tiền thống trị trong các thị trường ngoại hối toàn cầu, bởi một lượng thanh khoản khổng lồ của đô la Mỹ trong hệ thống tài chính cuối cùng có thể gây ra lạm phát ngay khi đại dịch chấm dứt, Goldman Sachs cho biết.

Những cảnh báo về sự sụp đổ của đồng đôla Mỹ không phải mới. Cuộc tranh luận về việc liệu các gói kích thích kinh tế của Mỹ cuối cùng có dẫn đến lạm phát hay không vẫn chưa bao giờ dừng kể từ sau cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu cách đây hơn một thập kỷ.

Liệu vai trò thống trị của đồng đôla có thay đổi?

Trung Quốc đã bắt đầu hành động để giảm sự phụ thuộc vào đồng đôla Mỹ sau cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu. Bắc Kinh đang tăng cường sử dụng đồng nhân dân tệ trong các giao dịch xuyên biên giới. Tuy nhiên, vì đồng nhân dân tệ không được chuyển đổi tự do, vì vậy nó còn xa mới thay thế được cho đồng đôla Mỹ.

Cựu Thống đốc Ngân hàng Trung ương Trung Quốc Chu Tiểu Xuyên cũng đã đưa ra ý kiến về việc sử dụng quyền rút vốn đặc biệt nhằm thay thế một số chức năng nhất định của đồng đôla. Mặc dù Trung Quốc đã thực hiện một số động thái để thúc đẩy việc này, nhưng rất ít doanh nghiệp trên thế giới sử dụng loại tài sản này.

Trong một động thái mới nhất, Thống đốc Ngân hàng Trung ương Trung Quốc hiện tại Yi Gang đã viết trong một bài báo trên tờ Financial Times vào tháng trước rằng IMF nên phân bổ quyền rút vốn đặc biệt cho các nước thành viên nhằm giúp chống lại tác động của virus corona, nhưng có rất ít người ủng hộ đề xuất này.

Các nhà phân tích cho biết, cho dù Bắc Kinh có cố gắng tránh sử dụng đồng đôla Mỹ như thế nào đi nữa, thì vai trò thống trị của nó vẫn không bị thay đổi trong tương lai gần do những điểm yếu của các đối thủ cạnh tranh. Đối với Trung Quốc, một thực tế khắc nghiệt sẽ tiếp tục: họ có quá ít biện pháp để trả đũa nếu Hoa Kỳ hạn chế việc tiếp cận của các ngân hàng Trung Quốc để phản ứng đối với việc Bắc Kinh áp đặt Luật An ninh quốc gia lên Hồng Kông.

Cựu quan chức cấp cao Bộ Tài chính Hoa Kỳ Mark Sobel, hiện là Chủ tịch Diễn đàn các định chế tài chính và tiền tệ chính thức, một tổ chức tư vấn chính phủ đặt tại London, cho biết việc đồn đoán về sự sụp đổ của đồng đôla Mỹ khiến nó mất đi vị thế là đồng tiền dự trữ là “quá xa vời và không thể tin được.”

Theo ông Sobel, Hoa Kỳ vẫn có các thị trường vốn có tính thanh khoản nhất trên thế giới. Hệ thống tài chính của nước này rất linh hoạt và có quán tính toàn cầu hỗ trợ việc tiếp tục sử dụng đồng đôla Mỹ. Ông Sobel cho biết điều này xảy ra là do những yếu tố hữu cơ của Hoa Kỳ: một nền kinh tế sôi động rộng lớn, các thị trường vốn thanh khoản sâu, và quyền sở hữu mạnh mẽ. Những đặc điểm này sẽ không tìm thấy được ở nơi khác trong một thập kỷ tới.

Mặc dù các nhà kinh tế nói chung đều đồng ý rằng khả năng đồng đô la Mỹ bị thay thế trong ngắn hạn là gần như không thể, nhưng liệu điều đó có xảy ra trong thời gian dài hơn hay không thì còn phụ thuộc vào việc xuất hiện một đồng tiền thay thế khả thi, nhưng hiện nay không có một đồng tiền đối thủ hàng đầu nào được xem là một lựa chọn.

Triển vọng về việc đồng tiền Trung Quốc thay thế đồng đôla Mỹ trở thành đồng tiền dự trữ của thế giới vẫn nằm ngoài tầm tay. Thị phần của đồng nhân dân tệ trong dự trữ của các ngân hàng trung ương toàn cầu chỉ khoản 2%, trong đó một phần tư là do Nga nắm giữ, bởi vì Moscow muốn khuyến khích Bắc Kinh quyết đoán hơn trong việc thách thức vai trò thống trị của Washington trong nền kinh tế toàn cầu.

Đồng euro là một loại tiền tệ được sử dụng thường xuyên hơn, và một số nhà quan sát giải thích rằng việc gia tăng nhu cầu gần đây là do thỏa thuận của Liên minh châu Âu vào tháng trước về một gói kích thích chưa từng có trị giá 750 tỷ euro (893 tỷ USD) nhằm vực dậy nền kinh tế đã bị đại dịch tàn phá. Đây là lần đầu tiên tất cả 27 nước thành viên sẽ cùng tài trợ cho gói kích thích này bằng cách vay từ các thị trường vốn.

Tuy nhiên, số trái phiếu mới sẽ được phát hành chỉ tương đương với 5% cổ phiếu của Kho bạc Hoa Kỳ trong tay công chúng.

Những nỗ lực của Trung Quốc nhằm thoát ra khỏi quỹ đạo của đồng đôla Mỹ đạt được những kết quả rất hạn chế.

Tại Hồng Kông, vào năm 2013 Bắc Kinh đã hy vọng rằng tiền gửi bằng nhân dân tệ sẽ nhanh chóng vượt qua 3 nghìn tỷ. Tuy nhiên, vào cuối tháng 6, tiền gửi bằng nhân dân tệ chỉ còn 639,9 tỷ nhân dân tệ (92,5 tỷ USD), giảm 7,9% so với năm ngoài, theo cơ quan tiền tệ Hồng Kông.

Trung Quốc cũng cố gắng xây dựng một liên minh nhằm “loại bỏ đồng đô la”, một phần bằng cách ký các thỏa thuận hoán đổi tiền tệ song phương với các ngân hàng trung ương khác như Liên minh châu Âu, Nhật Bản, Thổ Nhĩ Kỳ, Argentina và Belarus.

Liên minh “không đôla” của Trung Quốc với Nga đã có động lực sau khi Nga bị Hoa Kỳ trừng phạt vì đã sáp nhập Crimea vào Nga vào năm 2014.

Theo Nikkei Asia Review, hai nước này đã cắt giảm đáng kể việc sử dụng đô la Mỹ trong thương mại song phương trong vài năm qua, giảm xuống mức thấp kỷ lục 46% trong quý I/2020.

Tuy nhiên thị phần của đồng nhân dân tệ trong thanh toán quốc tế chưa đến 2% vào tháng 7, thấp hơn nhiều so với mức 40% của đồng đôla Mỹ, và khoảng 32% của đồng euro, theo SWIFT.

Nhà kinh tế Trung Quốc Yu cho biết thêm “Có giải pháp thực sự nào thay thế cho đồng đôla không? Đồng euro chưa tới mức đó, và đồng nhân dân tệ thì thậm chí còn xa hơn. Kết quả tốt nhất cho Trung Quốc không phải là tìm cách lật đổ đồng đôla mà nên tìm cách tự bảo vệ trước sự thống trị của đồng đôla.”

“Ví dụ, Trung Quốc có thể giảm việc nắm giữ tài sản bằng đồng đôla Mỹ … để có ít tài sản hơn mà Mỹ có thể thu giữ. Đây là chiến lược chạy thoát khỏi nó, thay vì là thách thức nó,” ông Yu nói.

Gia Huy (theo SCMP)

Related posts