Tin thế giới sáng thứ Tư

Những thách thức nghiêm trọng đối với kinh tế Trung Quốc

Kinh tế Trung Quốc đứng trước những thách thức nghiêm trọng do chính sách kinh tế hai vận tốc ? Giải pháp là phải “lấy của người giàu chia cho người nghèo”?

Thật ra, theo Les Echos, cụm từ thời thượng trong Bộ Chính Trị đảng Cộng Sản Trung Quốc là “chiến lược song hành” mà chủ tịch Tập Cận Bình rất thích chí: “Tập trung kích cầu trong nước nhưng không quay lưng lại với xuất khẩu và đầu tư của nước ngoài”. Vấn đề là với đại dịch Covid-19, cả xuất khẩu lẫn tiêu dùng trong nước đều giảm mạnh, không thể dùng mãi lực của người dân để thiết lập quân bình. Mức tiêu thụ của người dân Hoa Lục rất thấp, chỉ độ 40% GDP, trong khi dân Pháp là 55%, dân Mỹ đến 68%.

Với đại dịch làm thất nghiệp hàng loạt và giảm lương, khả năng tiêu thụ trong nước đã thấp nay càng yếu thêm. Trừ những kẻ giàu vẫn phây phây tiếp tục đặt mua xa xỉ phẩm từ nước ngoài, đại đa số dân nghèo có nguy cơ bị tác động của khủng hoảng làm cơ cực thêm.

Theo Les Echos, năm 2020 sẽ là năm tình trạng mất quân bình của kinh tế Trung Quốc nghiêm trọng thêm. Đời sống của 600 triệu dân, như tuyên bố của thủ tướng Lý Khắc Cường, đã rất cơ cực với không tới 1.000 nhân dân tệ mỗi tháng (130 đôla).

Covid-19 có thể làm cho một bộ phận trong số 800 triệu dân rơi trở lại vào vòng nghèo khó mà Trung Quốc hãnh diện thực hiện thành công trong 40 năm qua.

Nếu muốn tái lập quân bình kinh tế, chỉ có biện pháp duy nhất là “san sẻ tài sản cho người dân bình thường và qua đó là quyền lực chính trị”, theo phân tích của Machael Pettis, giáo sư kinh tế đại học Bắc Kinh.

Khủng hoảng Covid-19 là khủng hoảng kinh tế lẫn chính trị cho nhiều nước, Les Echos cảnh báo.

Về vụ TikTok, Les Echos và Le Figaro gần như cùng một tựa: Bắc Kinh can thiệp ngăn chận việc bán TikTok cho các nhà đầu tư Mỹ.

Trang kinh tế của Les Echos còn tập trung vào hai tin xấu cho Ấn Độ “GDP của cường quốc kinh tế thứ ba châu Á lao dốc 23,9% trong quý 2 của năm 2020 vì Covid-19”.          

Belarus: Chính quyền đàn áp, dân chúng vẫn biểu tình

Trong lúc tổng thống Nga mời Loukachenko sang Moscow, tại Minsk, dân chúng vẫn biểu tình rầm rộ mỗi Chủ Nhật, tựa của Le Monde.

Belarus lâm vào bế tắc, hệ quả kinh tế của cuộc bầu cử gian lận hồi tháng 8. Ngành điện toán, một lãnh vực mũi nhọn của Belarus, rất lo âu cho tương lai. Les Echos cũng cho biết nhiều công ty Belarus tính đến giải pháp di dời ra nước ngoài.

Le Monde với ảnh rừng người trên trang nhất và phóng sự ở hai trang báo dài, trở lại cuộc biểu tình vào mỗi chủ Nhật với tựa: Loukachenko đe dọa, đối lập huy động lực lượng. Như thông lệ từ nhiều tuần qua, Chủ Nhật vừa qua, dân Belarus lại xuống đường. Theo thông tín viên Le Monde từ Minsk, nhiều dấu hiệu cho thấy chính quyền sắp gia tăng đàn áp: nhiều phóng viên quốc tế bị trục xuất, Tổng thống Lukachenko được Putin mời sang Moscow. Liên Hiệp Châu Âu khuyến cáo Nga không nên can thiệp quân sự. Trong bối cảnh căng thẳng, một giáo sư đại học Minsk vẫn lạc quan: Hãy nhìn xem chúng tôi đông như thế này thì làm sao có thể bóp nghẹt một cuộc động viên như thế.

Chủ tịch Thượng viện Séc nói ‘Tôi là người Đài Loan’

Chủ tịch Thượng viện Séc Milos Vystrcil hôm nay nói “Tôi là người Đài Loan” khi phát biểu tại nghị viện hòn đảo, theo Reuters.

“Xin hãy cho phép tôi bày tỏ sự ủng hộ đối với Đài Loan cũng như giá trị tối thượng của tự do để kết thúc bài phát biểu hôm nay, bằng một tuyên bố khiêm nhường nhưng cũng không kém phần mạnh mẽ: ‘Tôi là người Đài Loan’”, Chủ tịch Thượng viện Czech Milos Vystrcil nói.

Tại Bắc Kinh, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hoa Xuân Oánh tuyên bố ông Vystrcil đã công khai ủng hộ chủ nghĩa ly khai và can thiệp vào công việc nội bộ của Bắc Kinh.

Mỹ sẽ cấm thêm nhiều ứng dụng Trung Quốc

SCMP đưa tin, Cố vấn Thương mại Nhà Trắng Peter Navarro hôm 31/8 cho biết nước này sẽ nhắm mục tiêu thêm nhiều ứng dụng Trung Quốc, sau TikTok và WeChat.

“Điều quan trọng là đất nước này không sử dụng các ứng dụng được tạo ra tại Trung Quốc hoặc những ứng dụng có thể lấy dữ liệu của chúng tôi rồi chuyển đến các máy chủ ở Trung Quốc”, ông Navarro nói với Fox News hôm 31/8, thêm rằng dữ liệu này sẽ được sử dụng để “giám sát và theo dõi” người Mỹ.

“Và đó thực sự là quan điểm chính sách cơ bản cho lý do chúng tôi cấm TikTok, WeChat, và sẽ có thêm những ứng dụng khác bởi Trung Quốc … về cơ bản đang vươn ra khắp thế giới để cố giành lấy công nghệ và ảnh hưởng”, Cố vấn Navarro nói thêm.

Đoàn quan chức Mỹ-Israel đến UAE, đánh dấu chuyến thăm lịch sử

Một đoàn quan chức Mỹ và Israel đã có chuyến thăm “lịch sử” tới Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất (UAE) vào hôm thứ Hai (31/8). Đoàn quan chức này đi trên một chiếc máy bay chở khách thương mại đầu tiên từ Israel tới thủ đô Abu Dhabi của UAE.

Máy bay của hãng hàng không El Al mang cờ Israel chở đoàn quan chức đánh dấu việc thực hiện thỏa thuận lịch sử do Hoa Kỳ làm trung gian nhằm bình thường hóa quan hệ giữa Israel và UAE, đồng thời củng cố mối liên hệ bí mật trong nhiều năm giữa hai nước, mối liên hệ được hình thành để đối phó với Iran, kẻ thù chung của họ.

Nhờ kết nối của Hoa Kỳ, vào đầu tháng này, Israel và UAE đã đồng ý bình thường hóa, điều này đưa UAE trở thành quốc gia Ả Rập thứ ba chính thức công nhận và có quan hệ ngoại giao đầy đủ với Israel, sau Ai Cập và Jordan. Không giống như hai quốc gia này, Israel chưa bao giờ gây chiến với UAE và vì thế hai nước hy vọng sẽ có quan hệ nồng ấm hơn nhiều.

Các quan chức Mỹ trong phái đoàn bao gồm ông Jared Kushner, cố vấn và con rể của Tổng thống Trump, cùng cố vấn an ninh quốc gia Robert O’Brien, đặc phái viên Trung Đông Avi Berkowitz và đặc phái viên về Iran Brian Hook. Về phía Israel có sự tham gia của cố vấn an ninh quốc gia Meir Ben-Shabbat và bộ trưởng của một số bộ.

Khi đến nơi, ông Kushner nói rằng ông đến UAE mang theo lời chào từ Tổng thống Trump. Cố vấn của ông Trump gọi chuyến thăm này là “lịch sử” và bày tỏ hy vọng đây “sẽ là chuyến bay đầu tiên trong số nhiều” chuyến bay sắp tới.

Các chuyên gia nhận định việc UAE chính thức công nhận và bình thường hóa quan hệ với Israel sẽ làm xoay chuyển tình hình khu vực Trung Đông vốn đặc biệt phức tạp và bị chia rẽ khi có nhiều quốc gia và nhóm khủng bố được hậu thuẫn bởi Trung Quốc và Nga, trong khi một số chính phủ nghiêng về Hoa Kỳ và châu Âu.

Philippines vẫn làm ăn với công ty Trung Quốc bị Mỹ trừng phạt

Ông Harry Roque, phát ngôn viên Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte, hôm nay nói rằng nước này vẫn tiếp tục các dự án có sự tham gia của các công ty Trung Quốc bị Mỹ trừng phạt vì Biển Đông, theo Reuters.

Ông Harry Roque cho biết Tổng thống Duterte sẽ không tuân theo động thái của Mỹ để trừng phạt các công ty Trung Quốc vì Philippines là một quốc gia độc lập và cần những khoản đầu tư cơ sở hạ tầng từ Bắc Kinh.

Tuần trước, Bộ trưởng Ngoại giao của nước này tuyên bố sẽ khuyến nghị chính phủ chấm dứt các giao dịch với các công ty Trung Quốc nằm trong danh sách đen của Mỹ.

Úc không biết lý do Trung Quốc bắt nhà báo Cheng Lei

Bộ trưởng Thương mại Simon Birmingham hôm nay nói rằng Úc không biết tại sao Trung Quốc bắt công dân Cheng Lei, nữ nhà báo đang làm việc cho mảng kinh doanh của kênh quốc tế CGTN ở Bắc Kinh, theo Reuters.

“Cheng Lei là công dân Úc và nhà báo đã làm việc ở Trung Quốc được một thời gian. Tôi đã gặp cô ấy và được cô ấy phỏng vấn khi ở nước ngoài”, ông Simon Birmingham hôm nay cho hay.

“Tôi chia sẻ với gia đình cô ấy rất nhiều vào thời điểm này và đó là lý do chúng tôi sẽ làm những gì có thể để hỗ trợ cô ấy, như những gì chúng tôi sẽ và đã làm với bất kỳ người Úc nào trong những trường hợp như vậy”, ông nói thêm.

Cựu đại sứ Úc tại Trung Quốc Geoff Raby cho biết ông rất ngạc nhiên khi cô Cheng bị bắt vì mảng kinh doanh thường không được coi là nhạy cảm ở Trung Quốc. Trong một cuộc phỏng vấn với Reuters, ông Raby nói: “Cô ấy có sự hoài nghi đối với một số kênh truyền thông Trung Quốc, nhưng cô ấy cũng mạnh mẽ không kém trong việc tranh luận về các trường hợp liên quan Trung Quốc nếu các bài báo của nước ngoài hiểu sai về Trung Quốc hoặc không dựa trên sự thật”.

Nhà Trắng: Nga phải tôn trọng chủ quyền Belarus, không được ‘can thiệp quân sự’

Nhà Trắng: Nga phải tôn trọng chủ quyền Belarus, không được 'can thiệp quân sự'

Nga phải tôn trọng chủ quyền của Belarus và quyền được bầu chọn lãnh đạo của người dân nước này, Phát ngôn viên Nhà Trắng Kayleigh McEnany cho biết hôm thứ Hai (31/8).

Bà McEnany cũng nói rằng các nhà lãnh đạo Cộng hòa Belarus thuộc Liên Xô cũ nên chú ý đến các yêu cầu đòi quyền dân chủ từ lượng lớn những người biểu tình đã xuống đường trong ba tuần vừa qua để phản đối điều mà họ cho là một cuộc bầu cử gian lận, theo Reuters.

“Số lượng lớn người Belarus biểu tình ôn hòa cho thấy rõ chính phủ Belarus không thể phớt lờ các yêu cầu kêu gọi dân chủ của người dân, và Nga cũng phải tôn trọng chủ quyền của Belarus và quyền bầu chọn các nhà lãnh đạo của họ một cách tự do và công bằng”, bà nói tại một cuộc họp báo. 

Thứ trưởng Ngoại giao Hoa Kỳ Stephen Biegun tuần trước cho biết việc Nga can thiệp quân sự đối với Belarus sẽ là “động thái không được hoan nghênh nhất”, nhưng cho biết Washington không có ý định tiến hành bất kỳ kế hoạch nào như vậy. Ông cũng thúc giục Minsk chấp nhận đề xuất hòa giải từ Tổ chức An ninh và Hợp tác ở châu Âu.

Hàng chục nghìn người biểu tình đã biểu tình trở lại tại Minsk hôm Chủ nhật (30/8) chống lại Tổng thống Belarus Alexander Lukashenko, người đã bị phe đối lập và phương Tây cáo buộc gian lận kết quả bầu cử ngày 9/8 để tiếp tục kéo dài thời gian cầm quyền đã 26 năm.

Ông Lukashenko không có dấu hiệu cúi đầu trước các cuộc biểu tình. Ông này đã phủ nhận các cáo buộc gian lận bầu cử. Hôm thứ Hai, trong một động thái làm dịu dư luận, ông đã miêu tả chính quyền Belarus là một “thể chế có phần hơi độc tài”, nhưng nói thêm rằng việc này không nên bị móc nối với các cá nhân, bao gồm bản thân ông, đồng thời hứa hẹn cải cách hiến pháp. 

Trước đó, vị tổng thống này đã thay đổi hiến pháp hai lần – vào năm 1996 và 2004. Nhờ đó, quyền hạn của tổng thống đã được mở rộng và giới hạn nhiệm kỳ tổng thống đã được dỡ bỏ, theo tờ Ukraine Today.

Belarus là đồng minh thân cận nhất của Nga trong số các quốc gia thuộc Liên Xô cũ, và lãnh thổ của nó là một phần không thể thiếu trong chiến lược phòng thủ châu Âu của Moscow. Tổng thống Nga Vladimir Putin đã mời Tổng thống Lukashenko đến Moscow, một dấu hiệu cho thấy sự ủng hộ của Điện Kremlin. Ngoại trưởng hai nước sẽ hội đàm vào thứ Tư (2/9) tại Moscow.

Bà McEnany cho biết các quan chức Hoa Kỳ đang theo dõi chặt chẽ các diễn biến ở Belarus và ủng hộ các nỗ lực quốc tế nhằm xem xét các báo cáo về các dấu hiệu bất thường trong bầu cử, lạm dụng nhân quyền và hoạt động đàn áp các cuộc biểu tình ôn hòa của chính phủ. 

Related posts