Đài Loan nói Trung Quốc chưa đủ khả năng tấn công toàn diện đảo quốc
Trong một thông báo hôm 31/8, Bộ Quốc phòng Đài Loan cho biết mặc dù các lực lượng vũ trang Trung Quốc đang phát triển mạnh mẽ nhưng vẫn chưa đủ khả năng tiến hành một cuộc tấn công toàn diện vào Đài Loan.
Trung Quốc chưa khi nào từ bỏ ý định sẽ sử dụng vũ lực để “giải phóng” Đài Loan và trong thời điểm hiện tại đang tiếp tục đẩy mạnh các hoạt động quân sự xung quanh eo biển. Bắc Kinh đã gia tăng sức ép lên Đài Loan kể từ khi bà Thái Anh Văn được bầu làm Tổng thống năm 2016 và kiên quyết không chấp nhận nguyên tắc “Một Trung Quốc.”
Theo Reuters, ông Tập đang cho triển khai một chương trình hiện đại hóa quân sự ấn tượng, bổ sung máy bay chiến đấu tàng hình, tàu sân bay và các thiết bị khác. Không quân và hải quân Trung Quốc cũng đã thực hiện nhiều cuộc tập trận hoặc các nhiệm vụ thường xuyên gần Đài Loan.
Trong báo cáo thường niên về sức mạnh quân sự của Trung Quốc gửi cho Quốc hội, Bộ Quốc phòng Đài Loan đã đưa ra các kịch bản về hành động của Trung Quốc, bao gồm phong tỏa và chiếm giữ các đảo ngoài khơi, theo hãng Reuters.
Bản báo cáo cho biết quân đội Trung Quốc đang tiếp tục tăng cường các cuộc diễn tập bắn đạn thật, xây dựng sức mạnh cho các loại hình chiến đấu mới, đồng thời phát triển công nghệ và vũ khí mới nổi.
Tuy vậy, báo cáo nhận định các chiến thuật và chiến lược đối với Đài Loan của quân đội Trung Quốc vẫn bị hạn chế bởi môi trường địa lý tự nhiên của eo biển Đài Loan, cũng như các thiết bị đổ bộ và khả năng hậu cần của Trung Quốc vẫn chưa đủ.
Báo cáo khẳng định Trung Quốc chưa có khả năng tấn công toàn diện đảo Đài Loan.
Trước các động thái của Trung Quốc, Tổng thống Đài Loan Thái Anh Văn đã ưu tiên tăng cường khả năng phòng thủ của hòn đảo, xây dựng ngành công nghiệp quốc phòng và tiếp tục mua thêm trang thiết bị, vũ khí từ Hoa Kỳ.
Bà Thái nói bà muốn hòa bình với Trung Quốc và sẽ không kích động xung đột, nhưng tuần trước bà đã lên tiếng bày tỏ quan ngại về việc căng thẳng trong khu vực có chiều hướng gia tăng.
Trước đó vào giữa tháng 7, bà Thái đã đích thân thị sát cuộc tập trận quân sự thường niên lớn nhất của đảo quốc, thề không khuất phục trước sức ép của Trung Quốc, đồng thời sẽ tăng cường năng lực phòng thủ của Đài Loan, theo SCMP.
Bà cũng nhấn mạnh tới tính sẵn sàng chiến đấu khi giám sát cuộc tập trận bắn đạn thật với sự tham gia của các đơn vị trên biển, trên không và trên bộ tại căn cứ quân sự Jiupeng ở phía nam.
Bộ Quốc phòng Đài Loan cho biết họ đang tiếp tục chú ý đến các mối đe dọa từ Trung Quốc, và mặc dù không mong muốn chiến tranh, nhưng cũng không sợ hãi nếu điều đó xảy ra.
Lê Vy
Ông Pompeo muốn đóng cửa tất cả Viện Khổng Tử tại Mỹ vào cuối năm nay
Ngoại trưởng Hoa Kỳ Mike Pompeo hôm thứ Ba (1/9) cho biết ông hy vọng rằng các trung tâm văn hóa của Viện Khổng Tử Trung Quốc trong khuôn viên các trường đại học ở Hoa Kỳ sẽ đóng cửa vào cuối năm nay, theo Reuters.
“Tôi nghĩ rằng mọi người đến đều thấy rõ rủi ro liên quan đến những cơ sở này,” ông Pompeo nói trên Fox Business Network, cáo buộc các viện Khổng Tử do nhà nước Trung Quốc hậu thuẫn đang tìm cách tuyển dụng “gián điệp và cộng tác viên” tại các trường học ở Hoa Kỳ cho chính quyền ĐCSTQ.
“Tôi hy vọng rằng chúng tôi sẽ đóng cửa tất cả chúng trước cuối năm nay,” ông nói.
Tháng trước, ông Pompeo đã cáo buộc trung tâm quản lý các Viện Khổng Tử ở Hoa Kỳ là “một thực thể thúc đẩy hoạt động tuyên truyền và ảnh hưởng toàn cầu một cách nham hiểm của Bắc Kinh” và yêu cầu trung tâm này phải đăng ký là một “phái đoàn nước ngoài.”
Khi được hỏi về cảnh báo của Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị tháng trước về việc Mỹ – Trung cần tránh một cuộc Chiến tranh Lạnh mới, ông Pompeo nói rằng có một số điểm cũng tương tự như Chiến tranh Lạnh, nhưng những thách thức với Trung Quốc lại khác, đó là thách thức bởi một đất nước có 1,4 tỷ dân và chủ yếu là những thách thức về kinh tế.
Ngoại trưởng Mỹ cũng đề cập đến các hành động mà chính quyền TT Trump gần đây đã thực hiện để hạn chế hoạt động của các công ty Trung Quốc như Huawei và cho biết có thể sẽ có những động thái tiếp theo.
Ông cho biết tất cả mọi người sẽ sớm biết về những điều này trong thời gian tới. “Chúng ta sẽ thấy Hoa Kỳ đối đầu với điều này một cách rất nghiêm túc, tất cả vì lợi ích của nền kinh tế Mỹ,” ông nói.
Trước đó, ông Pompeo cũng tiết lộ rằng Tổng thống Trump đang cân nhắc về việc hạn chế các sinh viên Trung Quốc đến Mỹ học tập trước các nguy cơ về gián điệp và ăn cắp tài sản trí tuệ.
Ngoài Lukashenko, Mỹ xem xét trừng phạt thêm 7 quan chức Belarus giấu tên vì gian lận bầu cử, dùng bạo lực với người biểu tình
Mỹ đang cân nhắc áp đặt các biện pháp trừng phạt đối với 7 người Belarus làm sai lệch kết quả bầu cử tổng thống ngày 9/8, đồng thời sử dụng bạo lực chống lại những người biểu tình ôn hòa, một quan chức Bộ Ngoại giao cho biết hôm thứ Ba (1/9).
Quan chức giấu tên cho biết Hoa Kỳ có thể xem xét áp đặt các biện pháp trừng phạt đối với Nga nếu nước này công khai can thiệp vũ lực vào Belarus, nơi đã nổ ra các cuộc biểu tình sau cuộc bầu cử ngày 9/8 mà phe đối lập cho rằng đã bị thao túng nhằm kéo dài 26 năm cầm quyền của Tổng thống Alexander Lukashenko, theo Reuters.
Quan chức này đã cung cấp mô tả chi tiết nhất cho đến nay về các cuộc hội đàm của Thứ trưởng Ngoại giao Mỹ Stephen Biegun ở Moscow vào tuần trước, trong đó ông cảnh báo các quan chức cấp cao của Nga không được sử dụng vũ lực công khai ở Belarus, vốn đang kẹt giữa Nga và liên minh an ninh phương Tây NATO.
Tổng thống Nga Vladimir Putin tuần trước cho biết ông đã thành lập một lực lượng cảnh sát dự bị để hỗ trợ ông Lukashenko nếu cần thiết, nhưng ông thấy chưa cần phải triển khai nguồn lực vào thời điểm này.
Là một bộ phận của Xô viết cũ, Belarus duy trì mối quan hệ chính trị, kinh tế và văn hóa chặt chẽ với Nga. Hai bên cũng tham gia một hiệp ước chung, ít nhất trên danh nghĩa, theo đó kiến lập một “quốc gia liên hiệp”, mà ông Putin đã tìm cách phát triển thành một thực thể chính trị và kinh tế.
Ông Lukashenko đã phủ nhận cáo buộc gian lận bầu cử và không có dấu hiệu lùi bước bất chấp mối đe dọa từ các lệnh trừng phạt của phương Tây. Quan chức Hoa Kỳ không nêu tên 7 người Belarus sẽ bị chế tài, và lưu ý rằng ông Lukashenko hiện đã đang hứng chịu các lệnh trừng phạt của Mỹ.
Một cá nhân trực điện thoại ở đại sứ quán Belarus tại Washington cho biết, bất kỳ câu hỏi nào đều nên được gửi trực tiếp cho chính phủ Belarus ở Minsk.
Quan chức Mỹ cho biết Thứ trưởng ngoại giao Biegun đã nói rõ hồi tuần trước trong cuộc hội đàm với Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov và những người khác rằng “sẽ có hậu quả trong mối quan hệ Mỹ – Nga nếu Nga can thiệp một cách công khai vào Belarus bằng vũ lực”.
Mặc dù quan chức Mỹ không nêu tên bảy người Belarus mà Washington có thể trừng phạt, nhưng ông nói rằng năm người trong số họ đã bị Estonia, Latvia và Lithuania trừng phạt hôm thứ Hai (31/8). Ba nước Baltic đã áp đặt lệnh cấm đi lại đối với ông Lukashenko và 29 quan chức Belarus.