Tin thế giới sáng thứ Năm

Trong đại dịch, Bắc Kinh cấm hoạt động tôn giáo nhưng khuyến khích cúng thờ lãnh đạo ĐCSTQ

Trong thời gian đại dịch viêm phổi Vũ Hán bùng phát tại Trung Quốc, các địa điểm tôn giáo đã bị đóng cửa. Tuy nhiên, các hoạt động thờ cúng các nhà lãnh đạo đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) vẫn được khuyến khích.

Vào ngày 7/5, cổng vào sân phía đông của đền Sanguan ở thành phố Bình Sơn, tỉnh Hà Nam đã bị khóa chặt, với thông báo cấm các hoạt động tôn giáo vì đại dịch Covid-19. Tuy nhiên, sân phía tây của ngôi đền lại rộng mở để mọi người vào trong bái lạy trước những bức tượng của các lãnh đạo ĐCSTQ như Mao Trạch Đông, Chu Đức, Chu Ân Lai.

Sân phía đông của đền Sanguan bị khóa với thông báo yêu cầu dừng các hoạt động tôn giáo.

Người quản lý ngôi đền nói với Tạp chí Bitter Winter rằng, các quan chức chính quyền thường xuyên kiểm tra để đảm bảo không có hoạt động tôn giáo nào được tổ chức. Ngày 23/4, các cán bộ tuần tra phát hiện ông thắp hương ở sân phía đông của đền nên đã trình báo lên chính quyền huyện. Các quan chức trong làng đã đến quở trách ông, yêu cầu rằng cổng phía đông của ngôi đền phải đóng 24/24. Họ cũng đe dọa phá huỷ ngôi đền nếu họ thấy ông thấy thắp hương ở đó một lần nữa.

Vào tháng 5, các địa điểm tôn giáo ở quận Đặng Châu, thành phố Nam Dương, tỉnh Hà Nam vẫn đóng cửa, trong khi đền thờ lãnh tụ Mao Trạch Đông vẫn có rất nhiều người đến cúng bái.

“Ngay cả các quan chức chính quyền cũng đến quỳ lạy và cúng bái giữa đại dịch vì ngôi đền không bị đóng cửa”, người quản lý ngôi đền cho biết. Ngoài ra, ngôi đền chưa bao giờ nhận được lệnh đóng cửa từ chính quyền và mọi người vẫn đến thắp hương, cúng bái như trước đây.

Trong đại dịch, đền chùa thờ cúng các lãnh đạo ĐCSTQ vẫn mở để mọi người đến bái lạy.

Tất cả các nhà thờ địa phương, đền chùa và các địa điểm tôn giáo khác đã bị đóng cửa ngay lập tức sau khi lệnh phong tỏa được ban hành. Chỉ khi nhận được thông báo chính thức, ban quản lý mới được phép mở lại. Một số tiếp tục bị đóng cửa nhưng không phải vì đại dịch.

Vào tháng 7, bảy nhân viên cảnh sát ở huyện Tân Dã, thành phố Nam Dương đã xông vào một ngôi chùa Phật giáo và ra lệnh cho ban quản lý thay quốc kỳ vì họ cho rằng đã bị mờ.

“Có một lần, chính quyền ra lệnh lắp đặt một hệ thống phòng cháy mới, và sau đó là yêu cầu mua một lá cờ quốc gia. Họ không muốn chùa mở cửa trở lại”, một Phật tử tại gia của chùa phàn nàn. “Họ phạt và đe dọa đóng cửa nếu nhìn thấy qua camera giám sát có người thắp hương. Họ dùng hết thủ đoạn này đến thủ đoạn khác để đàn áp tôn giáo”.

Người dân cho biết vào cuối tháng 4, họ muốn vào chùa Long Hưng và chùa Duyên Giác ở thành phố Thanh Châu, tỉnh Sơn Đông, nhưng bị bảo vệ chặn lại. Họ cho biết Văn Phòng Các vấn đề Tôn giáo đã cấm mọi hoạt động và theo dõi nghiêm ngặt tất cả các ngôi chùa qua camera.

Tuy nhiên, trong một ngôi đền ở Thanh Châu dành riêng cho Mao Trạch Đông và vợ ông ta là Dương Khai Huệ, mọi người vẫn tụ tập và hát bài ca ngợi Mao.

Khoảng 20 chùa, đền Đạo giáo, Phật giáo và các tôn giáo khác ở thành phố Bảo Định thuộc tỉnh Hà Bắc đã được cải tạo từ tháng 4 đến tháng 7. Tuy nhiên, một ngôi chùa Phật giáo ở quận Cự Lộc thuộc thành phố Hình Đài của Hà Bắc đã được chuyển đổi thành Nhà tưởng niệm Mao Trạch Đông để đón các quan chức chính quyền vào thời điểm đó.

Vào tháng 5, chính quyền quận Cự Lộc, tỉnh Hà Bắc đã yêu cầu người quản lý ngôi chùa dỡ bỏ tất cả các tượng Phật trong vòng bảy ngày và thay thế bằng các tượng Mao Trạch Đông. Họ đe dọa sẽ phá dỡ ngôi chùa nếu ban quản lý không tuân thủ.

Vì một số bức tượng quá nặng nên không thể di chuyển, người quản lý chùa đã xin phép được giữ lại. Nhưng giới chức địa phương đã quở trách gay gắt, nói rằng các Thần Phật không được đứng cạnh tượng Mao Trạch Đông.

Ngày càng nhiều công ty Mỹ chuyển chuỗi cung ứng ra khỏi Trung Quốc

Chiến tranh thương mại Mỹ – Trung và đại dịch COVID-19 buộc các công ty giảm sự phụ thuộc quá mức vào Trung Quốc.

Theo khảo sát của Qima, công ty điều tra chuỗi cung ứng đặt tại Hồng Kông, các thương hiệu Mỹ đã bắt đầu tìm các địa điểm cung ứng gần nhà hơn. Khu vực Mỹ Latinh và Nam Mỹ đã nhận được sự quan tâm đáng kể của các công ty Mỹ trong những tháng gần đây, The Epoch Times báo cáo.

Cuộc khảo sát được tiến hành vào tháng 7 thăm dò ý kiến của hơn 200 công ty trên khắp thế giới cho thấy các công ty đang chuyển nguồn cung ứng của họ ra khỏi Trung Quốc ngày càng nhiều. 93% số công ty Mỹ được hỏi cho biết họ có kế hoạch đa dạng hóa hơn nữa chuỗi cung ứng của mình. Trong khi đó, chưa đến 50% số công ty EU được hỏi có kế hoạch tương tự.

Theo kết quả khảo sát của Qima, Trung Quốc vẫn là nhà cung ứng toàn cầu quan trọng, tuy nhiên sự thống trị của họ đã giảm đáng kể so với những năm trước.

Ví dụ, chỉ 75% số doanh nghiệp được hỏi đánh giá Trung Quốc là một trong ba khu vực cung ứng hàng đầu trong năm nay, giảm đáng kể so với mức áp đảo 96% vào năm 2019.

Nhiều công ty, đặc biệt là các công ty trong ngành dệt may hiện đang ưu tiên đa dạng hóa nhà cung cấp và Việt Nam tiếp tục được nhiều công ty lựa chọn thay thế cho Trung Quốc.

Báo cáo cho biết: “Liên tục được đánh giá là đối thủ cạnh tranh của Trung Quốc trong khu vực, Việt Nam tiếp tục nhận được nhiều lợi ích nhất từ việc di cư quy mô lớn và liên tục của các khách hàng phương Tây ra khỏi Trung Quốc. 40% công ty EU được hỏi và hầu hết các thương hiệu Mỹ đều xem Việt Nam là một trong những địa điểm cung ứng hàng đầu của họ.”

Trong số các quốc gia châu Á khác, Đài Loan cũng là một cái tên thu hút được nhiều sự chú ý khi nhận được sự ưu ái từ hàng loạt công ty Mỹ.

Đại dịch cũng thúc đẩy nhu cầu chuyển các chuỗi cung ứng về lại Mỹ hoặc tới các địa điểm gần Mỹ như khu vực Mỹ Latinh và Nam Mỹ.

Theo báo cáo của Qima cho biết “đối với các công ty đặt tại Mỹ, nhu cầu lựa chọn các nguồn cung ứng gần đó tiếp tục gia tăng một cách ổn định. Các nguồn cung ứng tại khu vực Mỹ Latinh và Nam Mỹ đã tăng gần gấp đôi so với năm ngoái.” Cuộc khảo sát cho thấy 39% các công ty đặt tại Mỹ có kế hoạch tìm thêm nguồn cung ứng từ Mỹ và Bắc Mỹ và 13% tìm thêm từ khu vực Nam Mỹ và Mỹ Latinh.

Trong nhiều thập kỷ, hầu hết các tập đoàn đa quốc gia lớn của Hoa Kỳ đã đầu tư rất nhiều vào cơ sở vật chất và nguồn nhân lực ở Trung Quốc để tiếp cận thị trường 1,4 tỷ dân. Tuy nhiên, đại dịch cùng với quan điểm chống chế độ cộng sản Trung Quốc tăng mạnh trong vài tháng qua đã buộc Hội đồng quản trị nhiều tập đoàn phải thay đổi một cách đáng kể chiến lược nguồn cung ứng của mình.

Khả năng bền vững của chuỗi cung ứng cũng trở thành một đề tài chính trị nóng bỏng khi cuộc bầu cử tháng 11 sắp đến.

Tổng thống Donald Trump cam kết chấm dứt sự phụ thuộc của Hoa Kỳ vào Trung Quốc và mang về 1 triệu việc làm trong lĩnh vực sản xuất cho người Mỹ trong nhiệm kỳ thứ hai của mình. Gần đây, ông đã đề xuất cung cấp các khoản tín dụng thuế và cho phép “khấu trừ 100% chi phí” đối với các ngành thiết yếu như dược phẩm và robot để khuyến khích các công ty sản xuất tại Hoa Kỳ.

Ông Trump cũng đã ký một lệnh hành pháp vào ngày 6/8 nhằm đảm bảo thuốc, vật tư và thiết bị y tế thiết yếu được sản xuất tại Hoa Kỳ.

Ứng viên Tổng thống Đảng Dân chủ Joe Biden thì cam kết “mang trở lại Mỹ các chuỗi cung ứng quan trọng.” Ông hứa “tăng cường sức mạnh các ngành công nghệ và công nghiệp Hoa Kỳ và đảm bảo rằng tương lai ‘được tạo ra trên toàn nước Mỹ’ bởi tất cả công nhân Mỹ.”

Theo Liên Hợp Quốc, trong hai thập kỷ qua, Trung Quốc đã trở thành một nhà cung ứng toàn cầu quan trọng, hiện chiếm gần 20% thương mại toàn cầu về sản xuất các sản phẩm trung gian, tăng từ mức 4% vào năm 2002.

Bộ Quốc phòng Mỹ: Trung Quốc có kế hoạch tăng gấp đôi đầu đạn hạt nhân

Bộ Quốc phòng Mỹ trong bản báo cáo thường niên gửi Quốc hội được công bố hôm thứ Ba (1/9) cho biết Trung Quốc có kế hoạch tăng gấp đôi dự trữ đầu đạn hạt nhân trong 10 năm tới, trong đó có cả đầu đạn được thiết kế để lắp vào tên lửa đạn đạo có tầm bắn tới Mỹ.

Trong báo cáo thường niên “Sức mạnh Quân sự Trung Quốc” mà Bộ Quốc phòng Mỹ gửi Quốc hội có nói rằng công cuộc hiện đại hóa và mở rộng lực lượng hạt nhân của Trung Quốc là một phần trong nỗ lực lớn hơn của Bắc Kinh nhằm hướng tới lập trường quyết đoán hơn trên vũ đài quốc tế và để bắt kịp hoặc vượt qua Mỹ vào năm 2049. Trung Quốc tham vọng khi đó sẽ là siêu cường thống trị khu vực châu Á – Thái Bình Dương.

Theo báo cáo, hiện tại Trung Quốc đang có khoảng 200 đầu đạn hạt nhân và nước này dự kiến sẽ tăng thêm khoảng 200 đầu đạn như thế trong vòng 10 năm tới. Báo cáo cũng cho biết hiện Trung Quốc đang có 100 tên lửa đạn đạo xuyên lục địa (ICBM) với nhiều tầm bắn khác nhau.

Đây là lần đầu tiên báo cáo hàng năm của Bộ Quốc phòng gửi Quốc hội Mỹ có đề cập tới số lượng đầu đạn hạt nhân của Trung Quốc.

Ngũ Giác Đài nói rằng việc dự đoán số lượng đầu đạn hạt nhân của Trung Quốc là dựa trên các yếu tố trong đó bao gồm việc chế độ Bắc Kinh có đủ nguyên liệu để tăng gấp đôi kho dự trữ vũ khí hạt nhân mà không cần phải sản xuất vật liệu phân hạch mới.

Tuy nhiên, dù tăng được gấp đôi số lượng đầu đạn hạt nhân, thì tổng số vũ khí này của Trung Quốc vẫn nhỏ hơn rất nhiều so với đầu đạn hạt nhân của Mỹ. Washington được cho là đang có khoảng 3.800 đầu đạn hạt nhân sẵn sàng sử dụng và một lượng khác nhỏ hơn đang ở dạng dự phòng.

Báo cáo nêu trên của Bộ Quốc phòng Mỹ đến vào thời điểm Washington đang đàm phán với Moscow về việc gia hạn hiệp định hạt nhân New START sắp hết hạn. Phía Mỹ đang yêu cầu hiệp định mới phải có thêm sự tham gia của Trung Quốc bất chấp việc Bắc Kinh đã nhiều lần khước từ đề xuất này.

Báo cáo cũng được công bố vào thời điểm Quốc hội Mỹ đang thảo luận về dự luật ủy quyền quốc phòng 700 tỷ USD.

Phóng viên Heidi Zhou-Castro của tờ Al Jazeera thường trú tại Washington DC cho biết con số 700 tỷ USD nêu trên là cao gấp ba lần so với ngân sách quốc phòng hàng năm của Trung Quốc.

Bà Heidi Zhou-Castro nói rằng các đồng minh trong Đảng Cộng hòa của Tổng thống Donald Trump muốn một phần trong khoản chi tiêu ngân sách quốc phòng đó được dùng vào việc thử vũ khí hạt nhân tiềm năng, nhưng Đảng Dân chủ phản đối.

Bộ Ngoại giao Trung Quốc hôm thứ Tư (2/9) đã lên tiếng bác bỏ báo cáo của Bộ Quốc phòng Mỹ cho rằng Bắc Kinh dự định tăng gấp đôi số lượng đầu đạn hạt nhân.

Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hoa Xuân Oánh nói trong cuộc họp báo tại Bắc Kinh rằng báo cáo của phía Mỹ chứa đầy thành kiến.

Trong báo cáo của Bộ Quốc phòng Mỹ còn cho biết Trung Quốc đã tăng ngân sách quốc phòng, vượt Mỹ về số lượng tên lửa phóng từ mặt đất và vượt cả Mỹ về số lượng tàu quân sự.

Theo báo cáo, lực lượng Hải quân Trung Quốc có hơn 350 tàu chiến và tàu ngầm, trong khi Hải quân Mỹ có tổng cộng 293 tàu.

Vua Thái phục vị cho Hoàng quý phi

Quốc vương Thái Lan Maha Vajiralongkorn hôm nay thông báo phục hồi tước hiệu hoàng quý phi cho bà Sineenat Wongvajirapakdi, sau khi bà bị phế truất vào năm ngoái cáo buộc âm mưu lật đổ Hoàng hậu, theo SCMP.

Công báo Thái Lan Royal Gazette mới đây cho biết bà Sineenat chưa từng bị tước bỏ tước hiệu hoàng quý phi. “Vì bà Sineenat Wongvajirapakdi chưa từng làm điều sai trái, Quốc vương ban cho bà tước hiệu hoàng quý phi, quân hàm và huy chương hoàng gia. Bà sẽ được coi là chưa từng bị tước danh hiệu hoàng quý phi, quân hàm và huy chương hoàng gia”, công báo viết. Thông báo này được công bố hôm nay nhưng được đề ngày có hiệu lực từ 29/8.

Mỹ kết án giáo sư Trung Quốc 18 tháng tù tội gián điệp

Hao Zhang

Mỹ hôm 31/8 kết án 18 tháng tù với giáo sư Trung Quốc Hao Zhang, sau khi ông này nhận tội đánh cắp bí mật thương mại và gián điệp kinh tế, theo Bloomberg.

Ông Zhang bị buộc tội vào năm 2015. Ông bị cáo buộc thông đồng với một đồng nghiệp tại Đại học Nam California, Mỹ, để đánh cắp và bán thông tin mật của Mỹ cho chính phủ và quân đội Trung Quốc.

Tại phiên tòa xét xử Zhang ở San Jose, California hôm 31/8, ông Zhang thừa nhận những điểm chính trong vụ án. Thẩm phán Mỹ Edward Davila yêu cầu ông Zhang bồi thường 477.000 USD cho các nạn nhân bị trộm cắp thông tin là hai công ty công nghệ nhỏ. Ngoài ra, thẩm phán Davila còn đề nghị đưa giáo sư Zhang vào một nhà tù ở California. Daniel Olmos, một trong những luật sư của Zhang, từ chối bình luận về bản án.

Ông Pompeo không ngạc nhiên khi Trung Quốc-Iran ‘ngưu tầm ngưu’, Mỹ sẽ có trừng phạt

Và Hoa Kỳ sẽ có biện pháp trừng phạt Đảng Cộng sản Trung Quốc khi có giao dịch làm ăn với Iran, đặc biệt là buôn bán vũ khí.

Ngày 31/8, Ngoại trưởng Hoa Kỳ Pompeo tuyên bố rằng Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) và Iran là hai bên vi phạm các quyền cơ bản của con người nghiêm trọng nhất trên thế giới và Hoa Kỳ sẽ chặn các giao dịch giữa Trung Quốc và Iran đặc biệt là kinh doanh vũ khí, đồng thời cũng sẽ trừng phạt ĐCSTQ cùng các công ty của nó đã vi phạm lệnh cấm vận đối với Iran, theo Soundofhope.

Khi ông Pompeo trả lời phỏng vấn của chương trình Mornings On The Mall của đài WMAL vào ngày 31/8, ông được hỏi rằng Iran và ĐCSTQ đang xem xét thiết lập quan hệ đối tác chiến lược kéo dài 25 năm. Điều này sẽ thay đổi mô hình thế giới như thế nào?

Pompeo trả lời rằng có một số liên kết quan trọng giữa ĐCSTQ và Iran và ông không ngạc nhiên khi “hai kẻ vi phạm nhân quyền cơ bản nghiêm trọng nhất trên thế giới qua lại với nhau”.

Ông nói: “Trên thực tế, một trong những quốc gia muốn bán vũ khí cho Iran nhất là Trung Quốc, họ sẽ kiếm được rất nhiều tiền. Tôi tin chắc rằng ĐCSTQ cũng sẽ mua một số hệ thống từ Iran. Nhưng chúng ta phải ngăn chặn điều này xảy ra”.

Ông Pompeo cho biét, theo lệnh trừng phạt thứ tư đối với Iran của Hoa Kỳ, nếu ĐCSTQ vi phạm lệnh này, Hoa Kỳ có thể xử phạt ĐCSTQ. Washington cũng sẽ buộc ĐCSTQ phải “chịu trách nhiệm”. Ông nói: “Thế giới nên biết rằng nếu ĐCSTQ vi phạm lệnh trừng phạt Iran của chúng tôi, chúng tôi sẽ truy cứu tất cả trách nhiệm của họ”.

Pompeo nói rằng để giảm cơ hội giao thương giữa Trung Quốc và Iran, ông hy vọng sẽ áp đặt lại các biện pháp trừng phạt quốc tế đối với Iran càng sớm càng tốt .

Trong một cuộc phỏng vấn với Fox ngày 2/8, ông Pompeo cũng cho biết quan hệ “25 năm, 400 tỷ đô” của ĐCSTQ và Iran là vi phạm lệnh trừng phạt thương mại giữa Hoa Kỳ và Iran, khiến Hoa Kỳ có thể sẽ trừng phạt cả ĐCSTQ và các doanh nghiệp nhà nước của họ.

Ngày 31/7, Hoa Kỳ đã áp dụng các biện pháp trừng phạt mới lên Iran, bao gồm cả việc mở rộng các biện pháp trừng phạt ngành công nghiệp kim loại của nước này.

Ông Pompeo nói: “Các chế độ không tôn trọng tự do trong nước và xúi giục các vấn đề an ninh quốc gia ở nước ngoài, hợp lực với nhau không phải là chuyện hiếm, nhưng Hoa Kỳ sẽ đảm bảo rằng tất cả các lệnh trừng phạt và quy định áp đặt lên Iran được thực hiện và điều này cúng áp dụng đối với Đảng Cộng sản Trung Quốc và các doanh nghiệp nhà nước của họ”.

Ông Pompeo cũng nói rằng Hoa Kỳ cũng sẽ sửa đổi toàn diện thỏa thuận hạt nhân “Kế hoạch Hành động Toàn diện Chung” (JCPOA) sẽ hết hạn vào tháng 10 tới.

Trong tháng Tám, Pompeo đã thông báo cho Liên hợp quốc, Hoa Kỳ đang khởi động một cơ chế theo nghị quyết của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc, “phục hồi nhanh chóng” các lệnh trừng phạt Iran bắt đầu vào năm 2006. Nghị quyết đó đã đưa thỏa thuận hạt nhân Iran 2015 vào luật quốc tế.

Bác sĩ của ông Trump bác tin Tổng thống từng bị đột quỵ

Bác sĩ của ông Trump hôm 1/9 bác tin Tổng thống từng bị đột quỵ vào tháng 11 năm ngoái khiến ông phải đột xuất vào viện, theo Reuters.

Tổng thống Trump vào tháng 11/2019 đến Trung tâm Y tế Walter Reed đột xuất, làm dấy lên đồn đoán ông gặp vấn đề sức khỏe nghiêm trọng. Tuy nhiên, Nhà Trắng khẳng định ông chỉ thực hiện sớm bài kiểm tra sức khỏe hàng năm.

Trong cuốn sách có tựa đề “Donald Trump và Hoa Kỳ”, một nhà báo của New York Times viết rằng, Phó Tổng thống Mike Pence đã được đặt trong trạng thái sẵn sàng tiếp quản quyền lực tổng thống tạm thời, nếu ông Trump phải gây mê tại bệnh viện.

“Tôi không nhớ mình từng được yêu cầu sẵn sàng tiếp quản quyền lực. Tôi chỉ được thông báo rằng Tổng thống có một cuộc hẹn với bác sĩ”, Phó Tổng thống Mike Pence nói với Fox News ngày 1/9.

Ông Sean Conley, bác sĩ của riêng của Tổng thống Trump hôm 1/9 cũng khẳng định: “Tôi có thể xác nhận Tổng thống Trump chưa trải qua hay được chẩn đoán tai biến mạch máu não (đột quỵ), cơn thiếu máu cục bộ thoáng qua (đột quỵ nhẹ) hoặc bất kỳ trường hợp cấp cứu tim mạch cấp tính nào như những thông tin không chính xác trên các phương tiện truyền thông”.

“Tổng thống vẫn khỏe mạnh và tôi không lo ngại về khả năng duy trì lịch trình bận rộn của ông ấy. Như đã nêu trong báo cáo gần đây nhất, tôi đánh giá ông ấy đủ sức khỏe để thực hiện các nhiệm vụ của tổng thống”.

Ngoại trưởng Đức nhắc Vương Nghị: Quan ngại của Châu Âu về Hồng Kông vẫn chưa được giải tỏa

Ngoại trưởng Đức nhắc Vương Nghị: Quan ngại của Châu Âu về Hồng Kông vẫn chưa được giải tỏa

Liên minh châu Âu tiếp tục bày tỏ lo ngại đối với dự luật an ninh quốc gia Hồng Kông, yêu cầu Bắc Kinh đảm bảo các quyền lợi của người dân Hồng Kông như đã cam kết trong Bộ Luật Cơ bản, ngoại trưởng Đức nói với người đồng cấp Trung Quốc Vương Nghị hôm thứ Ba (1/9),

Luật Cơ bản đề cập đến hiến pháp nhỏ của Hồng Kông, được soạn thảo khi thành phố này được Anh chuyển giao lại chủ quyền cho Trung Quốc năm 1997. Văn bản này đảm bảo quyền tự chủ và các quyền tự do cho Hồng Kông mà không thể tìm thấy ở Hoa lục.

Những luận điểm trên được ngoại trưởng Đức Heiko Maas đưa ra trong cuộc hội đàm với Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị khi ông đang có chuyến viếng thăm Berlin trong khuôn khổ chuyến thăm một loạt 4 nước Châu Âu. Trong suốt các chuyến thăm, ông Vương đã vấp phải các cuộc biểu tình tại địa phương phản đối Bắc Kinh chà đạp nhân quyền, không chỉ ở Hồng Kông, mà còn ở Tân Cương và khắp các nơi khác trên cả nước.

Bắc Kinh ban hành luật an ninh quốc gia, đi vào hiệu lực vào ngày 30/6, theo đó hình sự hóa bất kỳ hành vi nào được cho là lật đổ, ly khai và cấu kết với thế lực nước ngoài, với hình phạt tối đa lên đến chung thân.

“Luật an ninh mới ở Hồng Kông là một chủ đề quan trọng. Và như ngài đã biết, qua chuyến thăm của ngài đến các thủ đô khác ở châu Âu, ngài có thể thấy những quan ngại của chúng tôi về tác động của luật an ninh vẫn chưa được giải tỏa”, Ngoại trưởng Đức Heiko Maas nói với ông Vương, người đang kết thúc chuyến thăm châu Âu của mình qua 4 nước Ý, Hà Lan, Na Uy và Pháp.

“Chúng tôi muốn nguyên tắc ‘Một quốc gia, hai chế độ’ được thực thi đầy đủ, và các quyền được cam kết trong Luật Cơ bản được tôn trọng”, ông Mass nói trong cuộc họp báo. “Chúng tôi trong Liên minh Châu Âu đã nhất trí rằng đây sẽ vẫn là chuẩn mực cho sự phát triển ở Hồng Kông”

Chính quyền Hồng Kông gần đây đã trì hoãn một năm cuộc bầu cử Hội đồng Lập pháp Hồng Kông vào năm nay, viện cớ số ca nhiễm COVID-19 gia tăng tại địa phương. Nhưng đây được nhiều người cho là một động thái tuyệt vọng nhằm ngăn chặn phe dân chủ giành được đa số ghế trong cơ quan lập pháp.

Ngoại trưởng Đức kêu gọi Bắc Kinh rút lại các hạn chế được áp dụng theo luật an ninh quốc gia và cho phép cuộc bầu cử đang bị trì hoãn được tiến hành “nhanh chóng và không bị cản trở”.

Trong buổi hội đàm, ông Maas cũng đề cập đến vấn nạn đàn áp những người thiểu số Duy Ngô Nhĩ theo Hồi giáo tại khu vực Tân Cương ở vùng tây bắc Trung Quốc. Tại đây hơn một triệu người Duy Ngô Nhĩ và các sắc tộc người Turk theo Hồi giáo khác đang bị giam giữ trong các trại lao động cải tạo mà Bắc Kinh gọi là các ‘trung tâm dạy nghề’.

“Chúng tôi rất hy vọng Trung Quốc cho phép các quan sát viên độc lập của Liên hợp quốc tiếp cận các trại này”, ông Maas cho hay. 

Đáp lại các quan ngại của ông Mass, Vương Nghị đã bác bỏ tất cả những cáo buộc xoay quanh các chính sách của Bắc Kinh, khi cho rằng đây đều là “công việc nội bộ” của Trung Quốc

“Ngành công nghiệp Đức không được thờ ơ”

Trước cuộc họp, các chính trị gia Đức từ cả liên minh cầm quyền và phe đối lập đã yêu cầu Ngoại trưởng đề cập đến các hành vi vi phạm nhân quyền của chính quyền Trung Quốc dựa trên các thuật ngữ “khác với thứ ngôn luận dè dặt trường kỳ trước kia” đối với chính quyền Trung Quốc.

Lãnh đạo Đảng Xanh Annalena Baerbock đề nghị các đàm phán tiếp theo xoay quanh một thỏa thuận đầu tư giữa EU và Trung Quốc phải được thiết lập dựa trên các cam kết nhân quyền

Bà Margarete Bause (đảng Xanh), chủ tịch Ủy ban Nhân quyền của Nghị viện Đức, đã kêu gọi ngành công nghiệp Đức “đừng thờ ơ” với những gì đang xảy ra ở Hồng Kông:

“Doanh nghiệp Đức nên thể hiện sự đoàn kết với phong trào dân chủ, bởi vì thương mại tự do chỉ có thể thiết lập dựa trên một xã hội tự do”, bà nói tại một cuộc mít tinh bên ngoài Bộ Ngoại giao. “Tôi hy vọng các doanh nghiệp Đức sẽ có lập trường rõ ràng là bảo vệ các quyền con người và quyền công dân”.

“Chúng ta phải hành động trước khi quá muộn”, anh Nathan Law, cựu nhà lập pháp Hồng Kông và hiện là một nhà hoạt động lưu vong, phát biểu tại cuộc mít tinh

Nathan Law, 27 tuổi, người đã bỏ trốn đến London sau khi luật an ninh được ban hành, đã kêu gọi chính phủ Đức “xem xét các biện pháp trừng phạt đối với các quan chức chính phủ Bắc Kinh và Hồng Kông”.

Cuộc biểu tình bên ngoài trụ sở Bộ Ngoại giao Đức có sự tham gia của hàng trăm người, bao gồm cả đại diện những người Duy Ngô Nhĩ, người Tây Tạng và các học viên Pháp Luân Công – những nhóm người đang bị đàn áp tại Trung Quốc.

Related posts