Xét nghiệm đại trà Covid-19 : Các cơ sở xét nghiệm Pháp quá tải

Thùy Dương

Cuối tháng 08/2020, nước Pháp đạt ngưỡng 900.000 xét nghiệm tầm soát Covid-19 trong vòng 1 tuần. REUTERS/Christian Hartmann

Chủ Nhật 30/08/2020, phát ngôn viên chính phủ Pháp, Gabriel Attal, thông báo nước Pháp đã vượt ngưỡng 900.000 xét nghiệm tầm soát virus corona trong vòng 1 tuần. Còn bộ trưởng Y Tế Pháp cho biết chính phủ đặt mục tiêu nhanh chóng đạt 1 triệu xét nghiệm/tuần. Nhưng ẩn sau những con số gây ấn tượng đó là gì ?

Là một trong những nước bị dịch Covid-19 gây tác hại nặng nề nhất thế giới về nhân mạng hồi mùa xuân 2020, ngay từ khi còn phong tỏa, chính phủ Pháp đã đặt ra mục tiêu ngay từ ngày 11/05, khi ra khỏi phong tỏa, nước Pháp phải thực hiện được 700.000 xét nghiệm tầm soát virus corona mỗi tuần. Nhưng phải mất hơn 3 tháng, nước Pháp mới đạt được chỉ tiêu nói trên, chính xác là 725.000 xét nghiệm, theo thông báo ngày 23/08 của bộ trưởng Y Tế Olivier Véran. Và sau 8 ngày, con số này đã tăng lên thành 900.000.

Xét nghiệm đại trà

Nếu như trước đây, phải có đơn của bác sĩ hoặc có triệu chứng nhiễm Covid-19 thì bệnh nhân mới được đi xét nghiệm Covid-19 thì trong thời gian qua, các điều kiện xét nghiệm đã được chính phủ nới lỏng dần dần để tạo điều kiện và kích thích người dân chủ động đi xét nghiệm đại trà, nhất là trong trường hợp có triệu chứng bệnh hoặc đã tiếp xúc trực tiếp với người được xác nhận nhiễm virus corona. Chi phí 54 euro cho một xét nghiệm PCR cũng được bảo hiểm y tế chi trả 100%.

Khách quan mà nói, chính phủ Pháp đã có rất nhiều nỗ lực cải thiện khả năng xét nghiệm tầm soát Covid-19. Điển hình nhất là việc lập thêm các cơ sở xét nghiệm di động miễn phí không cần đặt hẹn trước, chẳng hạn ở các nhà tập thể thao, bãi biển, bãi biển nhân tạo ven sông Seine, Paris … Riêng tại vùng IIe de France (Paris và vùng phụ cận), giám đốc Cơ Quan Y Tế Vùng (ARS), Nicolas Péju, cho biết, khả năng xét nghiệm virus corona đã tăng gấp 3 lần trong vòng 3 tháng, với tổng cộng 590 điểm lấy mẫu xét nghiệm.

Ngoài ra, nhà chức trách còn mở rộng nhóm nhân viên y tế được quyền lấy mẫu xét nghiệm sang cả giới sinh viên y khoa, y tá, hộ lý, lính cứu hỏa, cứu hộ, mở tổng đài riêng tạo thuận lợi cho việc đăng ký xét nghiệm được nhanh chóng thực hiện trong vòng 24h và cho kết quả trong vòng 24h sau khi lấy mẫu.

Áp lực với các cơ sở xét nghiệm

Trên đài France 3, nhiều người đi xét nghiệm giải thích lý do :“Tôi hơi bị ho, toát mồ hôi. Tôi có vài triệu chứng nhỏ nhiễm Covid, thực ra là cũng chưa chắc đã là Covid-19 nhưng ít ra thì cũng là để kiểm tra” ; “Chúng tôi có tiếp xúc với một người mới được xác nhận dương tính với covid-19 và ý thức được về nguy cơ nhiễm bệnh, cũng là vì công việc của chúng tôi và để bảo vệ những người khác”.

Thế nhưng, mọi chuyện không hề đơn giản, nhất là tại vùng Paris, nơi có mật độ dân cư cao và cũng là vùng đỏ với tỉ lệ lây nhiễm cao nhất nước Pháp. Ngay từ giữa tháng 07, khi nước Pháp còn chưa đạt chỉ tiêu 700.000 xét nghiệm/tuần, giám đốc ARS vùng Paris đã nói đến “tình hình rất căng thẳng” tại các trung tâm xét nghiệm. Còn chủ tịch Nghiệp đoàn các nhà xét nghiệm, François Blanchecotte, thì nói đến “dòng người xếp hàng ở nhiều vùng”.

Một khách hàng than phiền : “Việc này khiến tôi mất cả ngày. Nhưng tôi bắt buộc phải làm thế. Tôi đã gọi đến nhiều cơ sở xét nghiệm gần nhà nhưng tất cả đều đã kín chỗ, cần phải đợi đến tuần sau. Cơ sở xét nghiệm này là nơi duy nhất không yêu cầu đặt hẹn trước, nhưng chúng tôi không nghĩ là sẽ phải xếp hàng dài đến thế này”. Không hiếm cảnh trước các cơ sở xét nghiệm, dòng người xếp hàng dài dằng dặc trên phố chờ đến lượt mình, thậm chí gây gổ với nhau và với nhân viên xét nghiệm khiến các cơ sở phải tuyển thêm nhân viên an ninh để duy trì trật tự.

Trong khi người dân phàn nàn về việc khó đặt hẹn xét nghiệm hoặc phải chờ đợi quá lâu, thì các nhân viên xét nghiệm lại than phiền vì phải làm việc không ngơi tay, áp lực công việc quá lớn. Cô Christelle Revol, thư ký cơ sở xét nghiệm Biogroup tại Neuilly-sur-Seine, ngoại ô Paris, cho biết : “Họ đến từ một tiếng đồng hồ trước khi chúng tôi mở cửa. Họ đến lúc từ 7h sáng trong khi chúng tôi mở cửa vào 8h. Họ sợ là sẽ không đến lượt nên họ đến từ rất sớm. Tôi làm việc ở đây được 20 năm rồi, nhưng quả thực từ khi có dịch Covid-19 thì tôi mới thấy có nhiều người đến thế.”

Một số tập đoàn chuyên về xét nghiệm sinh học đã buộc phải thay đổi phương thức vận hành để đáp ứng nhu cầu xét nghiệm tầm soát bùng nổ trong thời gian qua. Ông François Blanchecotte, chủ tịch Nghiệp đoàn quốc gia các nhà xét nghiệm, giải thích: “Một số tập đoàn đã có những biện pháp tăng cường rất mạnh, họ quyết định mở cửa phòng xét nghiệm vào ngày Chủ Nhật. Có những ngày Chủ Nhật có tới 300-400 người đến xét nghiệm. Có một số cơ sở xét nghiệm còn làm việc cả vào buổi tối. Họ cần làm được nhiều xét nghiệm hơn nữa.”

Tuy nhiên, các trung tâm xét nghiệm cũng gặp khó khăn vì dù vào thời cao điểm, nhưng nhiều nhân viên, sau một thời gian dài làm việc vất vả trong hoàn cảnh dịch bệnh hoành hành, đã phải xin nghỉ phép, nghỉ hè. Ông Kim Nguyen, người hùn vốn thành lập chuỗi cơ sở xét nghiệm Biosmose với 15 trung tâm tại vùng Paris cho biết trong kỳ nghỉ hè, nhân lực của Biosmose bị giảm 15% và họ không thể tìm đủ các y tá hành nghề tự do để tuyển dụng tạm thời thay thế những người đi nghỉ hè trong tháng 08. Ngoài ra, một số người không chịu được sức ép công việc quá lớn đã xin chuyển công tác đến những cơ sở không xét nghiệm Covid-19.

Du lịch – “Thủ phạm” gây quá tải cho các cơ sở xét nghiệm Covid-19

Thế nhưng, đâu mới là lý do thực sự khiến số người đi xét nghiệm tăng chóng mặt tại Pháp ? Có nhiều người không hề có triệu chứng nhiễm virus, cũng không tiếp xúc với người nhiễm bệnh, tức là không phải những trường hợp khẩn cấp về y tế, nhưng họ cần kết quả xét nghiệm âm tính khẩn cấp, chứng minh mình không nhiễm virus để yên tâm về thăm gia đình, nhất là thăm ông bà, cha mẹ cao tuổi sau một thời gian dài xa cách vì lệnh phong tỏa, hay để có thể được tham gia vào một hoạt động, sự kiện nào đó : “Tôi đến đây vì tôi sẽ đi dự đám cưới vào thứ Bảy. Cô dâu chú rể đã yêu cầu tất cả khách mời làm xét nghiệm tầm soát PCR” ; “Tôi đã đợi 2h45’ rồi. Thật là lâu quá! Nhưng mà để đi nghỉ hè, đây là điều tốt nên làm”.

Nhưng theo nhiều nhân viên xét nghiệm, thư ký của các cơ sở xét nghiệm, lý do chính khiến nhu cầu xét nghiệm bùng nổ chính là kỳ nghỉ hè. Người Pháp có thói quen đi nghỉ dài ngày vào mùa hè. Cho dù năm nay tình hình dịch bệnh nhiều nơi trên thế giới khiến nhiều người chọn đi nghỉ trong nước, nhưng theo quy định của chính phủ, nếu muốn đến các vùng hải ngoại của Pháp như Guadeloupe, Martinique, La Réunion, Saint-Martin … thì vẫn cần kết quả xét nghiệm âm tính với virus corona.

Còn với những người vẫn chọn đi nghỉ hè ở ngoại quốc, do Pháp và nhất là vùng Paris bị một số nước xếp vào danh sách “vùng đỏ” nên để tránh nguy cơ bị cách ly 14 ngày khi nhập cảnh nước ngoài như Mỹ, Ả Rập Xê Út, Maroc, Bỉ, Anh Quốc … nhiều du khách phải đi làm xét nghiệm tầm soát trước khi khởi hành. Nhiều hãng hàng không yêu cầu hành khách phải có kết quả xét nghiệm âm tính 72 giờ trước chuyến bay. Tiến sĩ Jean-Claude Azoulay, chủ tịch Liên hiệp URPS Biologie của vùng Paris cho biết hơn ½ số xét nghiệm của khách hàng là để đáp ứng đòi hỏi của các hãng hàng không.  

Ngược lại, tại một số nơi, nhiều khách đến nhiều trung tâm xét nghiệm lại là du khách nước ngoài quá cảnh tại Pháp. Vì chính quyền nhiều nước, chẳng hạn Maroc, yêu cầu người dân khi từ nước ngoài về phải có chứng nhận xét nghiệm âm tính, nếu không sẽ phải bị cách ly. Tại vùng Hérault, ông Michel Bodart, nhà y sinh và cũng là phó chủ tịch tập đoàn xét nghiệm Labosud, giải thích : “Tại châu Âu, các chuyến tàu thủy đến Maroc chỉ được phép xuất phát từ hai cảng : cảng ở Gêne và ở Sète. Nhu cầu xét nghiệm của những người Maroc đến từ Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha, Hà Lan là rất cao”.

Còn ông Richard Fabre, chủ tịch Liên hiệp các nhà xét nghiệm vùng Occitanie, hồi giữa tháng 08 cho biết 60% hoạt động của các cơ sở xét nghiệm chỉ để phục vụ cho những người đi du lịch. Chính sự bùng nổ nhu cầu xét nghiệm đã khiến các cơ sở xét nghiệm quá tải. Nhiều người cho biết họ phải liên lạc rất nhiều cơ sở nhưng đều kín chỗ, phải đợi nhiều ngày, thậm chí vài tuần mới được xét nghiệm. Tình hình càng trở nên phức tạp vào cuối tháng 08, đầu tháng 09, khi đa phần người đi du lịch ồ ạt trở về sau kỳ nghỉ, cần có kết quả xét nghiệm âm tính để được đi làm đi học trở lại. Dù mưa gió, không hiếm người phải xếp hàng đến 4-5 giờ đồng hồ trong ngày nghỉ cuối tuần hồi cuối tháng 08 mới đến lượt xét nghiệm.

Nhiều chuyên gia trong ngành y tế, trong đó có giáo sư Djillali Annane, trưởng khoa Hồi Sức của bệnh viện Raymond Poincaré, thành phố Garches, vùng Hauts-de-Seine, nhấn mạnh nước Pháp không thiếu dụng cụ, phương tiện xét nghiệm, nhưng vấn đề nằm ở cách tổ chức. Có một điều khiến nhiều chuyên gia y tế lo ngại là chiến dịch xét nghiệm đại trà của Pháp vì không nhắm đúng đối tượng nên không phản ánh được thực tế, chẳng hạn trong số 800 xét nghiệm đại trà ở Savigny-sur-Braye (vùng Loir-et-Cher), chỉ có 1 ca dương tính. Trong khi đó, ở Montargis (Loiret), chỉ có 2 kết quả dương tính trong tổng số 4.500 xét nghiệm.

Còn Ông Kim Nguyễn, cơ sở xét nghiệm Biosmose cho biết nhiều người xét nghiệm để đi du lịch đã nói dối là có triệu chứng bệnh để được ưu tiên xét nghiệm sớm. Và điều này có thể dẫn đến nguy cơ những người thực sự có triệu chứng bệnh lại mất cơ hội được xét nghiệm nhanh chóng, gây khó khăn cho việc ngăn chặn dịch bệnh. Cũng không loại trừ vì thấy việc đi xét nghiệm quá phức tạp, mất thời gian và gây mệt mỏi, nhiều người có triệu chứng hoặc đã tiếp xúc với người nhiễm bệnh lại nản lòng, không đi xét nghiệm, gây hạn chế cho công tác xác định lây chuyền lây nhiễm Covid và có thể gây nguy hiểm cho bản thân người bệnh cũng như cộng đồng.

(Theo France 3, Libération, France Info)

Related posts