Chính quyền Trump xem xét trừng phạt nhà sản xuất chip hàng đầu Trung Quốc
Một quan chức Bộ Quốc phòng Mỹ hôm thứ Sáu (4/9) cho biết, chính quyền Trump đang xem xét liệt thêm nhà sản xuất chip hàng đầu Trung Quốc SMIC vào danh sách đen thương mại, theo Reuters.
Theo phát ngôn viên Lầu Năm Góc, Bộ Quốc phòng Mỹ hiện đang làm việc với các cơ quan khác để quyết định liệu có nên đưa ra hành động nhằm vào Tập đoàn Quốc tế sản xuất Bán dẫn SMIC hay không. Nếu SMIC bị liệt vào danh sách đen, các nhà cung cấp Mỹ khi làm ăn với công ty này sẽ buộc phải xin một giấy phép đặc biệt.
Trong khi vị quan chức của Lầu Năm Góc không nêu lý do đằng sau động thái này, nhưng các quan chức Mỹ khác cho biết mối quan hệ giữa SMIC và quân đội Trung Quốc đang được giám sát chặt chẽ.
SMIC là nhà sản xuất chip lớn nhất Trung Quốc nhưng vẫn đứng sau đối thủ Taiwan Semiconductor Manufacturing Co Ltd (TSMC) của Đài Loan – công ty dẫn đầu thị trường trong ngành.
SMIC đã tìm cách xây dựng các xưởng đúc để sản xuất chip máy tính có thể cạnh tranh với TSMC. Tuy nhiên, công ty công nghệ này của Trung Quốc đang cũng đang phải đối mặt với những hạn chế mới từ Bộ Thương mại Mỹ.
Washington yêu cầu các nhà sản xuất chip của Huawei phải được Mỹ cấp phép nếu họ dựa vào công nghệ sản xuất chip của Mỹ. SMIC là một trong những nhà sản xuất chip cho Huawei.
Chính quyền Trump gần đây liên tục có các động thái nhằm vào các công ty Trung Quốc như Huawei, Tencent – chủ sở hữu mạng xã hội WeChat và Bytedances – chủ sở hữu mạng xã hội Tik Tok. Hôm 26/8, Mỹ đã liệt 24 công ty Trung Quốc vào danh sách trừng phạt vì những thực thể này đã thúc đẩy các hoạt động xây dựng, quân sự hóa và làm phức tạp tình hình Biển Đông.
Theo Reuters
Hải Lam dịch và biên tập
Nhà Trắng yêu cầu các cơ quan chính phủ rà soát lại mọi khoản chi liên quan đến Trung Quốc
Nhà Trắng đã yêu cầu các cơ quan chính phủ Mỹ cung cấp thông tin chi tiết về bất kỳ khoản tài trợ nào có tác dụng chống lại ảnh hưởng toàn cầu và các hoạt động kinh doanh của Bắc Kinh, bao gồm cả các khoản hỗ trợ Bắc Kinh. Động thái này xuất hiện trong bối cảnh căng thẳng gia tăng giữa Washington và Bắc Kinh trên nhiều mặt trận.
Theo một tài liệu của Văn phòng Quản lý và Ngân sách (OMB) Nhà Trắng ngày 27/8 mà Reuters thu thập được, OMB đã chỉ đạo các cơ quan chính phủ Mỹ nộp “dữ liệu thống kê đầy đủ về các khoản tài trợ liên bang góp phần hỗ trợ hoặc hậu thuẫn Trung Quốc, hoặc trực tiếp hay gián tiếp chống lại hành vi cạnh tranh bất bình đẳng, các hoạt động ác tính và nỗ lực gây ảnh hưởng trên toàn cầu của Bắc Kinh”.
Tài liệu có tựa đề “Cuộc cạnh tranh chiến lược với Trung Quốc ” không cho biết thông tin thu thập sẽ được sử dụng như thế nào ngoài việc nó sẽ “thông báo cho các nhà hoạch định chính sách” tại Washington biết chi tiết về các cách thức chi tiêu của chính phủ Mỹ có liên hệ đến Bắc Kinh.
Mỹ và Trung Quốc đã trở nên đối địch nhau do những bất đồng trên nhiều phương diện, từ cuộc chiến thương mại kéo dài hai năm cho đến việc chính quyền Trump đổ lỗi cho Bắc Kinh giấu dịch Covid-19 tại đại lục, vấn đề Biển Đông, Hồng Kông, Người Duy Ngô Nhĩ ở Tân Cương …
Yêu cầu thu thập dữ liệu ngân sách sâu rộng này sẽ giúp các nhà hoạch định chính sách điều chỉnh lại để đảm bảo tất cả các khoản tài trợ phải “phản ánh các ưu tiên chiến lược” trong mối quan hệ Mỹ-Trung.
Một số chương trình và chi tiêu của Mỹ đang được xem xét đã có niên đại từ một thập kỷ trở lên. Tài liệu mà Reuters thu thập được yêu cầu các cơ quan liên bang phải trình kết quả trước ngày 21/9 tới.
Một phát ngôn viên OMB xác nhận quyết định của cơ quan này với Reuters, và cho biết quyết định này nhằm “đảm bảo Hoa Kỳ vẫn mạnh mẽ và ở vị thế có sức mạnh và khả năng chống lại các nước đối địch như Trung Quốc, OMB đã yêu cầu các cơ quan liên bang báo cáo chi tiết tất cả các khoản tài trợ chống lại hoặc viện trợ Trung Quốc”.
Tài liệu trích dẫn một số ví dụ như “nguồn quỹ cho các chương trình dùng để chống lại Sáng kiến Vành đai Con đường (OBOR) ; nguồn tài trợ cho các hoạt động quân sự, trang thiết bị và cơ sở hạ tầng với mục đích căn bản là ngăn chặn hành vi hung hăng của Trung Quốc”.
Tài liệu cũng yêu cầu cung cấp thông tin chi tiết những khoản quỹ nhằm mục địch “duy trì vị trí dẫn đầu của Mỹ trong tương quan với Trung Quốc đối với quyền biểu quyết tại các tổ chức quốc tế quan trọng”.
Tài liệu yêu cầu cung cấp số liệu về các nguồn tài trợ của chính phủ Hoa Kỳ cho các chương trình có mục đích cơ bản là chống lại việc mở rộng năng lực công nghệ của Trung Quốc tại các lĩnh vực quan trọng như 5G và truyền thông không dây, chất bán dẫn, trí tuệ nhân tạo và máy học, điện toán lượng tử, an ninh mạng và an ninh hệ thống, sản xuất tiên tiến và robot, xe điện và xe tự hành, công nghệ sinh học, năng lượng tiên tiến và công nghệ vũ trụ.
Nhà Trắng trước đó đã yêu cầu cung cấp báo chi tiết về các khoản tài trợ song phương cho trung tâm Nghiên cứu Năng lượng Sạch Hoa Kỳ-Trung Quốc và bất kỳ chương trình hỗ trợ kinh tế song phương nào khác của Mỹ.
Nhà Trắng cũng thu thập dữ liệu về các khoản quỹ “HHS (Ủy ban Y tế và Dịch vụ Con người) tài trợ cho CDC (Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh), NIH (Viện Y tế Quốc gia Mỹ) và các chương trình khác ở Trung Quốc”.
Tài liệu cũng yêu cầu thu thập thông tin chi tiết về bất kỳ khoản chi tiêu nào “đóng góp tổng thể vào GDP hoặc năng lực kỹ thuật của Trung Quốc, bao gồm cho các tổ chức quân sự hoặc chính phủ Trung Quốc, các tổ chức thương mại hoặc công nghiệp thuộc sở hữu Nhà nước và các tổ chức chịu chỉ đạo trực tiếp của giới lãnh đạo Bắc Kinh”.
Các cơ quan trong chính phủ phải gửi báo cáo về ngân sách năm 2019 và 2020 được ban hành thành luật, đề xuất ngân sách năm 2021 của Tổng thống Trump và yêu cầu báo cáo ngân sách các cơ quan chính phủ vào năm 2022.
Việc rà soát ngân sách chỉ là nỗ lực mới nhất có thể làm tiền đề cho các hành động tiếp theo chống lại Trung Quốc.
Tuần trước, Hoa Kỳ đã chế tài 24 công ty Trung Quốc tham gia vào các hoạt động xây dựng, quân sự hóa Biển Đông. Đây là lệnh trừng phạt đầu tiên của Mỹ nhắm vào Bắc Kinh liên quan đến vùng biển chiến lược đang tranh chấp.
Theo Reuters
Quý Khải biên dịch
Trung Quốc hợp tác với Pakistan trong chương trình vũ khí sinh học từ 2015
Kết quả 5 nghiên cứu do các nhà khoa học Vũ Hán và Pakistan thực hiện đã được công bố trên các báo cáo khoa học, mỗi nghiên cứu liên quan đến ‘việc phát hiện và xác định đặc điểm’ của ‘các mầm bệnh từ động vật’.
Một nhóm các nhà khoa học về virus corona từ Viện Virus học Vũ Hán (Trung Quốc) đã tiến hành các thí nghiệm về các loại mầm bệnh nguy hiểm trong chương trình hợp tác với Pakistan trong suốt 5 năm dưới vỏ bọc Sáng kiến Vành đai Con đường (BRI) của Bắc Kinh, trang The Klaxon đưa tin.
Theo báo cáo của tác giả Anthony Klan, các nhà khoa học Vũ Hán đã tiến hành nghiên cứu các mầm bệnh chết người ở Pakistan kể từ năm 2015, sau tiết lộ hồi tháng trước rằng Trung Quốc và Pakistan đã ký kết một thỏa thuận bí mật kéo dài 3 năm để mở rộng khả năng chiến tranh sinh học.
Kết quả của 5 nghiên cứu do các nhà khoa học Vũ Hán và Pakistan thực hiện đã được công bố trên các bài báo khoa học, mỗi nghiên cứu bao gồm việc “phát hiện và xác định đặc điểm” của “các mầm bệnh từ động vật”.
Mầm bệnh từ động vật là bệnh truyền nhiễm có thể lây truyền từ động vật sang người. Các nghiên cứu bao gồm các thí nghiệm và giải trình tự bộ gen của Virus Tây sông Nin, MERS-CoV, Virus gây sốt xuất huyết Crimean-Congo, Virus gây hội chứng giảm tiểu cầu và Virus gây sốt Chikungunya.
Hiện tại, vẫn chưa có thuốc chữa hoặc vắc xin cho những mầm bệnh này, một số trong đó là những virus nguy hiểm nhất và có khả năng lây lan nhất trên thế giới, theo bài báo.
Một trong những nghiên cứu đã gửi lời cảm ơn đến Trung tâm Tài nguyên Virus Quốc gia Vũ Hán vì đã “cung cấp các tế bào Vero bị nhiễm virus”. Mỗi trong số năm nghiên cứu được thực hiện đều cho biết nó nhận được sự trợ giúp từ “Tổ chức Hợp tác Quốc tế về các Công nghệ An toàn Sinh học Chủ chốt dọc theo Hành lang Kinh tế Trung Quốc – Pakistan (China–Pakistan Economic Corridor – CPEC)”.
CPEC là bộ phận cấu thành quan trọng trong dự án cơ sở hạ tầng BRI khổng lồ của Trung Quốc, cả hai dự án này đều được công bố vào năm 2015. BRI đã bị chỉ trích gay gắt là bức màn che cho tham vọng bành trướng thuộc địa của Trung Quốc, tạo bẫy nợ khiến nước kém phát triển phải gánh một khoản nợ khổng lồ, từ đó cho phép Bắc Kinh gây ảnh hưởng. Hai ví dụ điển hình là về Lào và Sri Lanka.
Năm nghiên cứu đã được công bố từ tháng 12/2017 đến ngày 9/3/2020 và dường như xuất hiện trước khi công bố khai trương chương trình sinh học quân sự Vũ Hán-Pakistan mới. Tuy nhiên, các nghiên cứu không tiết lộ bất kỳ mối liên hệ nào với quân đội Pakistan.
Theo năm nghiên cứu, các mẫu máu được thu thập từ hàng nghìn người đàn ông, phụ nữ và trẻ em Pakistan, chủ yếu là những người sống ở vùng sâu vùng xa và làm việc gần động vật, theo The Klaxon.
Trích dẫn các nguồn tin tình báo đáng tin cậy, tờ The Klaxon hồi tháng trước đưa tin rằng Trung Quốc, thông qua Viện Vi-rút học Vũ Hán, đang thử nghiệm các tác nhân sinh học gây chết người ở Pakistan, đồng thời cung cấp “đào tạo sâu rộng về cách thức tinh chỉnh mầm bệnh và chất liệu sinh học” cho các nhà khoa học ở nước này. Đây có thể là động thái “làm giàu một chương trình vũ khí sinh học tiềm năng.
Liên quan đến thỏa thuận bí mật nghiên cứu “các bệnh truyền nhiễm mới nổi” và “việc kiểm soát sinh học đối với các bệnh lây nhiễm” được ký giữa quân đội Pakistan và Trung Quốc, có những lo ngại chủ yếu rằng Islamabad có thể sử dụng công nghệ này trong chiến tranh sinh học hoặc các mầm bệnh chết người có thể vô tình trốn thoát từ các cơ sở thiếu thốn trang thiết bị.
Có cáo buộc cho rằng chương trình này có liên hệ đến “nhiều dự án nghiên cứu lưỡng dụng khác nhau”, tức là chúng có thể có cả ứng dụng quân sự và dân sự.
Trong khi cả Trung Quốc và Pakistan đều bác bỏ các cáo buộc , Islamabad dường như đã xác nhận sự tồn tại của thỏa thuận giữa quân đội và phòng thí nghiệm Vũ Hán và các hoạt động đang được thực hiện trên đất Pakistan, mặc dù không nêu rõ địa điểm.
Theo LivemintQuý Khải biên dịch
NATO lên án và yêu cầu điều tra vụ đầu độc chính trị gia đối lập Navalny
Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg hôm thứ Sáu (4/9) đã lên án “âm mưu ám sát kinh hoàng” nhằm vào chính trị gia đối lập Nga Alexei Navalny và kêu gọi Moscow trả lời các câu hỏi về vụ đầu độc cho các nhà điều tra quốc tế.
Ông Navalny, 44 tuổi, người bất đồng chính kiến và điều tra tham nhũng Điện Kremlin, đã xuất hiện các triệu trứng bất thường trên chuyến bay đến Moscow vào ngày 20/8 và lập tức được đưa đến một bệnh viện ở thành phố Omsk của Siberia đề cấp cứu trong tình trạng hôn mê. Hai ngày sau ông đã được đưa đến một bệnh viện ở Thủ đô Berlin của Đức để tiếp tục điều trị.
Các nhà chức trách Đức cho biết, các xét nghiệm cho thấy ông Nalvany đã bị đầu độc bằng chất độc thần kinh hóa học thuộc nhóm Novichok. Các nhà chức trách Anh cũng cho rằng hai cha con cựu điệp viên Nga Sergei Skripal, vào năm 2018, cũng đã bị đầu độc bằng loại chất độc này.
“Có bằng chứng chắc chắn rằng ông Navalny đã bị đầu độc bằng chất độc thần kinh thuộc nhóm Novichok. Việc sử dụng một loại vũ khí như vậy là kinh khủng ”, ông Stoltenberg nói sau khi chủ trì một cuộc họp với các đại sứ NATO, trong đó đại diện của Đức đã thông báo cho các đồng minh thông tin về vụ đầu độc.
“Bất kỳ hành vi sử dụng vũ khí hóa học nào đều thể hiện sự thiếu tôn trọng hoàn toàn đối với tính mạng con người và là hành vi vi phạm các quy tắc và chuẩn mực quốc tế không thể chấp nhận được. Các đồng minh NATO đồng ý rằng Nga hiện có những câu hỏi nghiêm túc mà nước này phải trả lời ”, ông Stoltenberg nói với các phóng viên.
Ông Stoltenberg nêu quan điểm rằng Moscow phải hợp tác với tổ chức vũ khí hóa học quốc tế trong “một cuộc điều tra quốc tế, khách quan” và cung cấp thông tin về chương trình Novichok cho tổ chức này.
Người phát ngôn của Tổng thống Vladimir Putin đã bác bỏ những cáo buộc Điện Kremlin có liên quan đến việc đầu độc ông Nalvany, và hôm thứ Năm (3/9) nói rằng phía Đức đã không cung cấp cho Moscow bất kỳ bằng chứng nào để chứng minh các kết luận của họ.
Theo Epoch Times
Hoàng Chi Phong kêu gọi tẩy chay phim “Hoa Mộc Lan” do Lưu Diệc Phi đóng
- Nhất Phàm
Hôm qua (5/9), bộ phim live-action Disney “Mulan” (Hoa Mộc Lan) do nữ diễn viên quốc tịch Mỹ gốc Hoa Lưu Diệc Phi thủ vai chính đã được công chiếu. Tuy nhiên, trong phong trào chống dự luật dẫn độ ở Hồng Kông năm ngoái, Lưu Diệc Phi đã lên tiếng ủng hộ hành động bạo lực của cảnh sát Hồng Kông, dẫn đến sự phản cảm cho mọi tầng lớp xã hội Hồng Kông và quốc tế. Do đó phong trào tẩy chay “Hoa Mộc Lan” đang lan rộng trong cộng đồng dân chúng Hồng Kông, một số cư dân mạng thậm chí còn phát động #BoycottMulan. Cựu Tổng thư ký đảng Demosistō Hoàng Chi Phong công khai Tẩy chay “Hoa Mộc Lan” trên Twitter.
Hoàng Chi Phong viết trên Twitter: “Mulan” sở dĩ có thể công chiếu, là vì Disney đã thuận theo Bắc Kinh và Lưu Diệc Phi công khai ủng hộ hành động tàn ác của cảnh sát Hồng Kông. Vì vậy, anh kêu gọi cư dân mạng thuộc mọi tầng lớp quan tâm đến nhân quyền hãy công khai tẩy chay bộ phim “Hoa Mộc Lan”.
Ngày 1/7 là ngày Luật An ninh quốc gia phiên bản Hồng Kông chính thức được thực thi, hơn 20 thanh niên thuộc “Tuyên ngôn công dân thế giới” Hàn Quốc và các nhóm khác đã đến trụ sở Disney ở Yeoksam-dong, quận Gangnam-gu, Seoul để phát động cuộc biểu tình chống lại “Hoa Mộc Lan” ngay khi bộ phim này được trình chiếu tại địa phương.
Bên cạnh việc bị tẩy chay do phát ngôn ủng hộ hành động bạo lực của cảnh sát Hồng Kông của Lưu Diệc Phi ra, thì ảnh hưởng của sự lây lan dịch viêm phổi Vũ Hán, cũng đã khiến “Hoa Mộc Lan” không thể trình chiếu tại các rạp ở Hoa Kỳ, Nhật Bản và những nơi khác, mà phải chuyển sang nền tảng phát trực tuyến Disney + với mức phí $ 29,99.
Phiên bản lồng tiếng Trung của “Hoa Mộc Lan” sẽ được phát hành tại Trung Quốc Đại Lục vào ngày 11/9, và ngày phát hành tại Hồng Kông được ấn định vào ngày 17/9. Tuy nhiên, Walt Disney Hồng Kông lại không có hoạt động quảng cáo rầm rộ nào, không có bất kỳ tuyên truyền quảng bá hình ảnh, cũng không có lễ ra mắt hay họp báo.
Nhất Phàm
TT Trump nói Mỹ phải tìm hiểu kỹ sự việc ông Navalny nghi bị đầu độc
- Như Ngọc
Tổng thống Donald Trump hôm thứ Sáu (4/9) nói rằng Mỹ phải tìm hiểu “rất nghiêm túc” về sự việc nhà lãnh đạo đối lập người Nga Alexei Navalny nghi bị đầu độc và cho biết chính quyền của ông chưa thấy bất kỳ bằng chứng nào.
Trong lần đầu tiên đưa ra bình luận từ khi ông Navalny đổ bệnh trong một chuyến bay nội địa từ Siberia về Moscow, ông Trump nói: “Tôi không biết chính xác điều gì đã xảy ra”.
“Tôi nghĩ rằng đó là bi kịch. Nó là khủng khiếp. Điều đó không nên xảy ra. Chúng tôi chưa có bất kỳ bằng chứng nào, nhưng chúng tôi sẽ xem… Tôi sẽ rất tức giận nếu tình hình là như vậy”, ông Trump nói thêm.
Chính phủ Đức trước đó đã thông báo rằng ông Navalny bị đầu độc bằng chất độc thần kinh thuộc nhóm Novichok, một loại chất độc do Liên Xô sản xuất trong những năm 1970 và 1980 và hiện nay do mật vụ Nga quản lý sử dụng.
Theo hãng tin Axios, thay vì ủng hộ phân tích của chính phủ đức về bệnh tình của ông Navalny, ông Trump đã nói về mối quan hệ của ông với các quốc gia khác trên thế giới và nhấn mạnh về các cuộc đàm phán đang diễn ra với Nga về hiệp định không phổ biến vũ khí hạt nhân.
Trong khi đó, theo Reuters, Bộ Ngoại Mỹ trong ngày 4/9 đã bày tỏ quan ngại sâu sắc về thông tin cho thấy ông Navalny bị đầu độc.
Trong một cuộc họp tại Washington hôm 4/9, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Mỹ Stephen Biegun đã nói với Đại sứ Nga tại Mỹ Anatoliy Antonov rằng việc Nga sử dụng vũ khí hóa học này là vi phạm rõ ràng trách nhiệm của họ theo Công ước Vũ khí Hóa học.
“Thứ trưởng Bộ Ngoại giao đã kêu gọi Nga hợp tác đầy đủ với cuộc điều tra của cộng động quốc tế về vụ tấn công này”, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Mỹ Morgan Ortagus nói.
Theo Reuters, Điện Kremlin hôm 4/9 cho biết họ muốn đối thoại với Đức về trường hợp của ông Navalny và khẳng định các bác sĩ Nga điều trị cho lãnh đạo đối lập lúc ban đầu là minh bạch hơn nhiều những bác sĩ Đức đang điều trị cho ông ta hiện nay.
Phát ngôn viên Điện Kremlin Dmitry Peskov nói rằng Moscow muốn Đức cung cấp chính xác chất độc nào đã khiến ông Navalny ngã bệnh tại Siberia vào tháng trước.
Ông Dmitry Peskov nói thêm: “Những hoạt động điều tra đang được tiến hành bởi các chuyên gia của chúng tôi và nếu có sự khẳng định về sự tồn tại của chất gây độc trong cơ thể bệnh nhân này (ông Navalny), thì tất nhiên sẽ có các hậu quả pháp lý. Chúng tôi yêu cầu mọi người dựa trên sự thật”.
Trong một diễn biến liên quan, một tòa án tại Nga hôm 4/9 nói rằng họ đã bác bỏ khiếu kiện của các đồng minh của ông Navalny trong đó cáo buộc một cơ quan thực thi pháp luật hàng đầu của Nga đã không hành động về những gì họ nói là một nỗ lực ám sát ông Navalny.
Như Ngọc