Đức dọa dừng dự án Nord Stream 2 nếu Nga không hợp tác điều tra vụ Navalny

  • Như Ngọc

Đức đang gia tăng áp lực lên Nga về vụ chính trị gia đối lập người Nga Alexei Navalny nghi bị đầu độc. Berlin cảnh báo rằng việc Moscow thiếu sự hỗ trợ trong cuộc điều tra này có thể “buộc” Đức phải nghĩ lại về dự án đường ống dẫn khí Đức – Nga (Nord Stream 2).

Ông Navalny, nhà phê bình thẳng thắn Tổng thống Vladimir Putin và chính phủ Nga, đã đổ bệnh trong một chuyến bay nội địa từ khu vực Siberia về Moscow vào tháng trước và đã được cấp cứu tại một bệnh viện tại thành phố Omsk, Siberia. Sau đó, vợ ông Navalny và các đồng minh của ông đã yêu cầu được chuyển chính trị gia đối lập này tới Đức điều trị. Yêu cầu này đã được phía Nga chấp thuận.

Tại Berlin, ông Navalny vẫn trong tình trạng hôn mê khi được các bác sĩ thăm khám và điều trị. Qua kiểm tra thực tế bệnh nhân, các bác sĩ Đức cho biết ông Navalny đã bị đầu độc bằng chất độc thần kinh Novichok. Đây là chất độc do Liên Xô sản xuất trong những năm 1970 và 1980. Giới chức Anh trước đây đã từng xác nhận chất độc Novichok đã được sử dụng trong vụ tấn công nhắm vào cựu điệp viên hai mang người Nga Sergei Skripal và con gái của ông này khi hai người đang ở Anh vào năm 2018.

Tiết lộ của các bác sĩ Đức đã buộc các quan chức của một số quốc gia châu Âu phải cân nhắc các biện pháp quyết liệt hơn nhằm cố gắng gây áp lực để Nga hợp tác về cuộc điều tra liên quan tới sức khỏe của ông Navalny.

Theo hãng tin AP, Pháp đã gia tăng áp lực lên Nga khi đề cập tới các chế tài tiềm năng nếu Moscow không phản hồi các yêu cầu trả lời về vụ đầu độc ông Navalny.

Ngoại trưởng Pháp Jean-Yves Le Drian nói trên đài phát thanh France Inter: “Đó là tình huống nghiêm trọng. Đó là nghiêm trọng trước tiên bởi vì đây lại là một vụ đầu độc một nhân vật đối lập, và đó là nghiêm trọng bởi vì độc tố Novichok được sử dụng là chất cấm”.

Những người Nga bây giờ phải nói cho chúng tôi sự thật để chúng tôi có thể hành động phù hợp… Khi chúng tôi nói khẩn trương, cần khẩn trường, thì đó là nói thời gian một tuần từ bây giờ”, ông Jean-Yves Le Drian nhấn mạnh.

Đức cũng đã gây áp lực lên Nga khi tuyên bố nước này có thể cân nhắc lại dự án xây dựng đường ống dẫn khí hợp tác giữa hai nước.

Ngoại trưởng Đức Heiko Maas nói với tuần san Bild am Sonntag: “Tôi hy vọng người Nga sẽ không buộc chúng tôi phải thay đổi lập trường về đường ống Nord Stream 2 đang được xây dựng”.

Ông Mass cũng cho biết: “Nếu trong vài ngày tới không có bất kỳ đóng góp nào từ phía Nga liên quan tới cuộc điều tra này, chúng tôi sẽ phải tham vấn các đối tác của mình”.

Ông Mass không loại trừ có thể áp đặt các chế tài lên Nga nếu Moscow không phản hồi yêu cầu của Berlin.

Dù ai yêu cầu thì điều này phải được nhận thức về các hậu quả. Hơn 100 công ty từ 12 quốc gia châu Âu có liên quan tới (hoạt động xây dựng đường ống dẫn khí Nord Stream 2), khoảng một nửa trong số đó là các công ty Đức”, ông Mass nói thêm.

Tuy nhiên, theo hãng tin AP, Thủ tướng Đức Angela Merkel, trước đó đã bác bỏ khả năng vụ việc của ông Navalny nên đặt tương quan với dự án xây dựng đường ống dẫn khí Đức – Nga.

Trong khi đó, hôm 4/9, trong lần đầu tiên đưa ra bình luận từ khi ông Navalny đổ bệnh trong một chuyến bay nội địa từ Siberia về Moscow, Tổng thống Mỹ Donald Trump nói: “Tôi không biết chính xác điều gì đã xảy ra”.

Tôi nghĩ rằng đó là bi kịch. Nó là khủng khiếp. Điều đó không nên xảy ra. Chúng tôi chưa có bất kỳ bằng chứng nào, nhưng chúng tôi sẽ xem xét… Tôi sẽ rất tức giận nếu tình hình là như vậy”, ông Trump nói thêm.

Phía Nga chưa lên tiếng về những đe dọa mới nhất của Ngoại trưởng Đức Heiko Maas, nhưng theo Reuters, Điện Kremlin hôm 4/9 cho biết họ muốn đối thoại với Đức về trường hợp của ông Navalny và khẳng định các bác sĩ Nga điều trị cho lãnh đạo đối lập lúc ban đầu là minh bạch hơn nhiều những bác sĩ Đức đang điều trị cho ông ta hiện nay.

Phát ngôn viên Điện Kremlin Dmitry Peskov nói rằng Moscow muốn Đức cung cấp chính xác chất độc nào đã khiến ông Navalny ngã bệnh tại Siberia vào tháng trước.

Ông Dmitry Peskov nói thêm: “Những hoạt động điều tra đang được tiến hành bởi các chuyên gia của chúng tôi và nếu có sự khẳng định về sự tồn tại của chất gây độc trong cơ thể bệnh nhân này (ông Navalny), thì tất nhiên sẽ có các hậu quả pháp lý. Chúng tôi yêu cầu mọi người dựa trên sự thật”.

Theo truyền thông Đức, ông Navalny hiện vẫn đang được điều trị tại bệnh viện Charite ở thủ đô Berlin. Sức khỏe của ông hiện đã ổn định, không còn nguy kịch, nhưng các bác sĩ Đức dự báo ông cần thời gian dài để hồi phục và không loại trừ khả năng chính trị gia đối lập 44 tuổi người Nga này có thể phải đối mặt với ảnh hưởng sức khỏe dài hạn.

Như Ngọc

Related posts