Belarus: Lukachenko cố triệt tiêu hàng ngũ lãnh đạo phe đối lập

Thanh Phương

Vụ bắt cóc và toan trục xuất nhà đối lập Maria Kolesnikova, hôm 08/09/2020, cho thấy là Tổng thống Alexandre Lukachenko quyết tâm tiêu diệt phong trào phản kháng bằng cách gia tăng trấn áp những người cầm đầu phong trào.

An ninh khám xét trụ sở của nhà hoạt động chính trị đối lập Viktor Babariko, tại Minsk, Belarus, ngày 09/09/2020. via REUTERS – TUT.BY

Chiều hôm thứ Ba (thứ Tư ở Úc), những người ủng hộ phe đối lập ở thủ đô Minsk đã xuống đường để hoan nghênh lòng can đảm của bà Kolesnikova, người đã xé hộ chiếu, nhảy ra khỏi chiếc xe chở bà đến biên giới Ukraina vì không muốn bị lưu vong cưỡng bức, và sau đó đã bị lính biên phòng Belarus bắt giữ. Những người biểu tình đòi trả tự do cho một nhân vật nay trở thành biểu tượng của phong trào chống chính quyền Tổng thống Lukachenko.

Lãnh đạo Belarus thì vẫn cố bêu xấu nhà đối lập Kolesnikova, mô tả bà như là một kẻ muốn trốn sang Ukraina, nhưng đã bị bắt vì tội toan vượt biên trái phép. Nhưng thứ trưởng Nội Vụ Ukraina Anton Guerachenko thì khẳng định rõ ràng đây là một vụ trục xuất: “Maria Kolesnikova đã không rời khỏi Belarus, vì người phụ nữ can đảm này đã kháng cự. Cá nhân ông Alexandre Lukachenko phải chịu trách nhiệm về tính mạng và sức khỏe của bà”.

Kolesnikova là một trong 7 thành viên của ban lãnh đạo Hội đồng Điều phối, một cơ chế do phe đối lập Belarus lập ra để cố dàn xếp một tiến trình chuyển tiếp chính trị tại nước Cộng hòa thuộc Liên Xô cũ này. Nhà phân tích chính trị Peter Kuznetsoff, được tờ le Monde trích dẫn hôm nay, nhận định: “Với việc đẩy ban lãnh đạo Hội đồng Điều phối ra khỏi nước, chính quyền muốn tỏ cho thấy họ không thanh toán một ai, họ rất tự tin và những người lãnh đạo phe đối lập thì đua nhau bỏ trốn ra nước ngoài”. Bằng hành động của bà, Kolesnikova đã phá bỏ những lời tuyên truyền dối trá của Lukachenko.

Nhưng nhà đối lập chắc là sẽ phải trả giá đắt cho hành động đó, vì rất có thể là chính quyền Belarus sẽ bỏ tù bà với một lý do nào đó. Theo tổ chức bảo vệ nhân quyền Viasna, hiện đã có ít nhất là 50 tù chính trị đang bị giam ở nước này. Còn theo nhà nghiên cứu Tadeusz Giczan, cũng có thể là chính quyền sẽ cố trục xuất Kolesnikova một lần nữa, cho dù bà không có hộ chiếu, vì Lukachenko đã từng cho thấy là ông bất chấp luật lệ quốc tế, qua vụ lãnh đạo Giáo hội Công giáo Belarus bị cấm trở về nước ngày 31/08, sau một chuyến đi ở Ba Lan.

Theo nhận định của tờ Le Monde, vụ Kolesnikova đã làm lộ rõ phương pháp hành động của chính quyền Lukachenko, loại trừ dần dần các lãnh đạo đối lập, đặt biệt là ban lãnh đạo hội đồng điều phối. Những người nào không bị bỏ tù thì cũng sẽ bị cưỡng bức sống lưu vong. Trước khi xảy ra vụ bắt cóc và toan trục xuất bà Kolesnikova, nữ ứng cử viên tổng thống của phe đối lập Svetlana Tsikhanovskaïa vào giữa tháng 8 cũng đã buộc phải chạy sang Litva lánh nạn sau khi nhận được những lời đe dọa đối với gia đình bà. Chưa hết, sáng nay (09/09), đến lượt Max Znak bị những kẻ bịt mặt bắt giữ. Như vậy là hiện giờ, trong ban lãnh đạo hội đồng điều phối của phe đối lập chỉ còn một người còn được tự do ở Belarus, đó là nhà văn Svetlana Alexievitch, giải Nobel Văn học.

Với việc triệt tiêu dần dần hàng ngũ lãnh đạo của phe đối lập, nhà độc tài Belarus hy vọng dập tắt phong trào phản kháng. Đối với các nhà quan sát ở Belarus, Lukachenko làm như thế cũng hoài công, bởi vì hội đồng điều phối không có liên hệ trực tiếp với những người biểu tình. Thế nhưng, nhiều người sợ rằng, với việc chính quyền Minsk gia tăng trấn áp phe đối lập, phong trào phản kháng, mà cho tới nay vẫn rất ôn hòa, sẽ dần dần đi theo cong đường bạo động, và có lẻ đó là điều mà tổng thống Lukachenko muốn nhắm tới.

Trước tình hình này, phe đối lập Belarus kể từ nay công khai cầu cứu Liên Hiệp Châu Âu. Trong bài phát biểu với Hội đồng Nghị viện của Ủy hội châu Âu (PACE), bà Svetlana Tsikhanovskaïa đã kêu gọi quốc tế gây áp lực lên chế độ Lukachenko, ban hành trừng phạt đối với những tham gia đàn áp phong trào. Hôm nay, cựu ứng cử viên tổng thống của phe đối lập còn kêu gọi dân Nga ủng hộ “cuộc đấu tranh vì tự do” của nhân dân Belarus, và đừng tin vào những lời tuyên tuyền cho rằng những người chống Lukachenko là những kẻ bài Nga.

Trước mắt, bất chấp chiến dịch đàn áp, bất chấp áp lực gia tăng lên các lãnh đạo đối lập, các cuộc biểu tình chống chính quyền Lukachenko tiếp diễn và từ bốn tuần qua, vào mỗi chủ nhật vẫn quy tụ trên 100 ngàn người chỉ riêng tại thủ đô Minsk.

Related posts