ByteDance đang đàm phán với Mỹ để tránh bán TikTok
ByteDance, công ty sở hữu TikTok, đang đàm phán với Mỹ để không phải bán ứng dụng này theo yêu cầu của chính quyền Trump, Tạp chí Phố Wall ngày 9/9 đưa tin.
AFP cho hay, TikTok trở thành tâm điểm của “cơn bão ngoại giao” giữa Washington và Bắc Kinh, khi Tổng thống Trump tháng trước ký sắc lệnh cấm mọi cá nhân, tổ chức nằm trong quyền xét xử của Mỹ giao dịch với ByteDance, nhằm bảo vệ an ninh quốc gia.
Ông Trump cho TikTok có 45 ngày để đạt thỏa thuận thoái vốn, yêu cầu chủ sở hữu ByteDance bán cổ phần và hoạt động của TikTok tại Mỹ cho Microsoft hoặc một công ty nào đó, nếu không mạng xã hội này sẽ phải rút khỏi Mỹ từ ngày 15/9.
Theo Tạp chí Phố Wall (WSJ), các cuộc đàm phán giữa ByteDance và Mỹ đã diễn ra trong nhiều tháng nhưng ngày càng trở nên cấp thiết hơn khi thời hạn mà Tổng thống Trump đặt ra đang đến gần. Một nguồn tin cho hay, it nhất một trong những nhà đầu tư lớn của TikTok gần đây đã gặp gỡ các đại diện của Cục Tình báo Trung ương để thảo luận về vấn đề bảo mật dữ liệu.
Walmart đã hợp tác với Microsoft để mua lại TikTok. Oracle cũng quan tâm tới mạng xã hội này.
TikTok, ứng dụng chia sẻ video ngắn của chủ sở hữu Bytedane, đã được tải xuống 175 triệu lần ở Mỹ và hơn một tỷ lần trên khắp thế giới. Chính quyền Trump từng cáo buộc Tik Tok có thể được Trung Quốc sử dụng để theo dõi vị trí của các nhân viên liên bang, lập các hồ sơ cá nhân để tống tiền hay thực hiện hoạt động gián điệp trong các công ty.
Tổng thống Trump tuần trước nhắc lại yêu cầu đối với chủ sở hữu TikTok. “Tôi đã nói với họ rằng họ có thời gian đến 15/9 để đưa ra một thỏa thuận, sau đó chúng tôi sẽ quyết định”, Ông chủ Nhà Trắng nói với các phóng viên. “Và tôi đã nói với họ rằng Mỹ phải được bối thường, bồi thường một cách xứng đáng, bởi chúng tôi là người khiến điều đó trở nên khả thi”, ông nói thêm.
Theo AFP
Hải Lam dịch và biên tập
Hồ Tích Tiến “nổ” tin Bắc Kinh trừng phạt quan chức Mỹ thăm Đài Loan
- Lê Tiểu Quỳ
Tổng biên tập Thời báo Hoàn Cầu, ông Hồ Tích Tiến “nổ” tin, Bắc Kinh sẽ trừng phạt các quan chức cấp cao Mỹ tới thăm Đài Loan và các công ty Mỹ liên quan. Về vấn đề này, ngày 9/9, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Triệu Lập Kiên đã từ chối đưa ra phản hồi cụ thể.
Gần 11 giờ tối ngày 8/9, ông Hồ Tích Tiến đã “leo tường” và “nổ” tin trên Twitter: “Theo hiểu biết của tôi, Trung Quốc (ĐCSTQ) sẽ trừng phạt các quan chức cấp cao của Mỹ đến thăm Đài Loan và các công ty Mỹ liên quan. Họ sẽ không bao giờ được phép vào Trung Quốc Đại Lục, và các công ty Mỹ có liên kết với họ cũng sẽ mất thị trường ở Trung Quốc Đại Lục.” Có điều, ông Hồ lại không đề cập đến nguồn tin từ đâu ra.
Ngày 9/9, tại cuộc họp báo thường kỳ của Bộ Ngoại giao Trung Quốc, một phóng viên đã đặt câu hỏi về vấn đề này: “Tổng biên tập Thời báo Hoàn cầu, ông Hồ Tích Tiến đã đăng trên mạng xã hội rằng, Trung Quốc sẽ trừng phạt các quan chức cấp cao của Mỹ đến thăm Đài Loan và các công ty Mỹ có liên quan. Liệu Trung Quốc có thể xác nhận điều này không? ” Tuy nhiên, người phát ngôn Triệu Lập Kiên lại đưa ra một câu trả lời rất mơ hồ: “Chúng tôi thường không đưa ra phản hồi cụ thể đối với các báo cáo và bình luận của giới truyền thông”.
Ông Triệu Lập Kiên nói thêm: “Vấn đề Đài Loan liên quan đến lợi ích cốt lõi của Trung Quốc. Lập trường của Trung Quốc về vấn đề Đài Loan là nhất quán và rõ ràng. Bất kỳ ai cũng không nên đánh giá thấp quyết tâm và ý chí kiên định của chính phủ và người dân Trung Quốc trong việc bảo vệ lợi ích quốc gia.”
Tờ Nam Hoa Tảo Báo (SCMP) đưa tin, Đài Loan và Mỹ gần đây đang xây dựng quan hệ chặt chẽ hơn, trong đó có chuyến thăm Đài Loan của Bộ trưởng Y tế và Dịch vụ Nhân sinh Mỹ Alex Azar vào tháng Tám.
Cho đến thời điểm này, ông Azar là quan chức nội các cao nhất của Hoa Kỳ đến thăm Đài Loan kể từ khi Mỹ cắt đứt quan hệ ngoại giao với Đài Loan và thiết lập quan hệ ngoại giao với ĐCSTQ vào năm 1979. Ông cũng là quan chức chính phủ cấp cao đầu tiên đến thăm Đài Loan kể từ khi ông Trump ký Luật Du lịch Đài Loan vào năm 2018. Trong chuyến thăm Đài Loan vào tháng Tám, ông Azar đã gặp Tổng thống Thái Văn Anh và Bộ trưởng Bộ Y tế Trần Thì Trung để thảo luận về dịch viêm phổi Vũ Hán.
Bên cạnh đó, Hãng thông tấn Trung ương Đài Loan (CNA) đưa tin, Thứ trưởng Ngoại giao về Tăng trưởng Kinh tế, Các vấn đề Năng lượng và Môi trường của Bộ Ngoại giao Mỹ Keith Krach, cũng sẽ sớm thăm Đài Loan. Chuyến đi của ông Krach sẽ nằm trong khuôn khổ cuộc Đối thoại Kinh tế và Thương mại Mỹ – Đài Loan, thảo luận về chuỗi cung ứng, sở hữu trí tuệ và các vấn đề khác. Hiện tại, hai bên đang lên kế hoạch về thời gian thăm Đài Loan dựa trên lịch trình của ông Krach, nếu việc thu xếp suôn sẻ, một cuộc gặp có thể được tổ chức trong tháng này.
Điều đáng nói là, chuyến thăm Đài Loan của ông Krach sẽ là hoạt động chính thức của quan chức cấp cao hơn của Bộ Ngoại giao Mỹ đến thăm Đài Loan sau chuyến thăm của Bộ trưởng Y tế Hoa Kỳ Azar.
Xét về chức năng của Bộ Ngoại giao Mỹ, chuyến thăm của ông Krach so với ông Azar có ý nghĩa đặc thù hơn, vì đây không chỉ là nhà ngoại giao cấp cao nhất của Mỹ đến thăm Đài Loan kể từ sau khi Đạo luật Du lịch Đài Loan được ban hành năm 2018, mà còn là nhà ngoại giao cấp cao nhất của Mỹ thăm Đài Loan kể từ sau khi thiết lập quan hệ ngoại giao giữa Trung Quốc và Mỹ. Chuyến đi này của ông Krach sẽ xác lập kỷ lục hiếm hoi về một nhà ngoại giao Mỹ đến thăm Đài Loan.
Gần đây chính phủ Mỹ đã phân biệt Trung Quốc, Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) và người dân Trung Quốc với một ý nghĩa rõ ràng, tức là, ĐCSTQ không phải là Trung Quốc, và ĐCSTQ không thể đại diện cho người dân Trung Quốc.
Ngoại trưởng Mỹ Pompeo cũng đã tuyên bố trong nhiều dịp công khai: “Người dân Trung Quốc không tương đương với ĐCSTQ. Lời nói dối lớn nhất của ĐCSTQ chính là tự xưng nói thay cho 1,4 tỷ người Trung Quốc. ĐCSTQ sợ những ý kiến trung thực của người dân Trung Quốc hơn bất kỳ kẻ thù nào.” Ông cũng chỉ ra rằng, “Xung đột giữa Mỹ và Trung Quốc chính là xung đột giữa Mỹ với ĐCSTQ.”
Giới quan sát nhận định, mặc dù ảnh hưởng của dịch bệnh, ông Krach có thể không đến thăm Đài Loan quá nhanh, có thể thấy rằng chiến lược của Washington là dần dần phá vỡ “ranh giới một Trung Quốc”, đồng thời cải thiện quan hệ chính thức giữa Đài Loan và Mỹ. Thực chất, sau đó sẽ là mở rộng sang quan hệ hợp tác toàn diện giữa hai bên trên các lĩnh vực kinh tế, ngoại giao, quân sự, chính trị.
Lê Tiểu Quỳ
Ông Vương Nghị chỉ trích Mỹ ‘quấy rối’ Biển Đông
Reuters đưa tin, Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Vương Nghị, hôm thứ Tư (9/9), nói rằng Hoa Kỳ đang can thiệp trực tiếp vào các tranh chấp lãnh thổ và hàng hải ở Biển Đông vì nhu cầu chính trị của mình.
Ông Vương nói rằng việc này đang trở thành động lực lớn nhất của các hoạt động quân sự hóa trong khu vực.
Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc đưa ra nhận xét này trong một cuộc họp video với các bộ trưởng ngoại giao của các nước tham gia hội nghị cấp cao ASEAN.
“Hòa bình và ổn định là lợi ích chiến lược lớn nhất của Trung Quốc ở Biển Đông. Đó cũng là nguyện vọng chiến lược chung của Trung Quốc và các nước ASEAN”, ông Vương nói trong một tuyên bố đăng trên trang web của Bộ Ngoại giao.
Ông Vương cũng truyền đi thông điệp rằng chính quyền Trung Quốc sẵn sàng liên lạc và đối thoại với chính phủ Hoa Kỳ để đạt được sự hợp tác trong vấn đề này.
Vào tháng trước, Mỹ đã chế tài 24 công ty Trung Quốc và nhắm mục tiêu các quan chức của nước này liên quan tới việc thúc đẩy các hoạt động xây dựng và quân sự hóa Biển Đông.
Mỹ chặn thị thực nghiên cứu sinh Trung Quốc
Hoa Kỳ đang chặn thị thực của một số nghiên cứu sinh và nhà nghiên cứu người Trung Quốc để ngăn họ đánh cắp các nghiên cứu nhạy cảm, ông Chad Wolf, quan chức hàng đầu của Bộ An ninh Nội địa Hoa Kỳ cho biết thông tin hôm thứ Tư (9/9), theo Reuters.
Bên cạnh việc cung cấp thông tin này, ông Wolf đã nhắc lại các cáo buộc của chính quyền Trump đối với các hoạt động kinh doanh bất chính và hoạt động gián điệp công nghiệp của chính quyền Trung Quốc, bao gồm việc cố gắng đánh cắp nghiên cứu về virus Vũ Hán của Hoa Kỳ, và nói rằng Bắc Kinh đã và đang lạm dụng thị thực sinh viên để đánh cắp tài sản trí tuệ của người dân Mỹ.
Ông Wolf cho biết thêm rằng Mỹ cũng đang “ngăn cản hàng hóa sản xuất bởi lao động nô lệ vào thị trường của chúng tôi, yêu cầu Trung Quốc tôn trọng phẩm giá vốn có của mỗi con người”.
Hôm 8/9, Reuters đưa tin, các quan chức Hải quan và Bảo vệ Biên giới Hoa Kỳ (CBC) đang chuẩn bị cho việc chặn nhập khẩu các sản phẩm bông và cà chua từ khu vực Tân Cương, Trung Quốc, vì có cáo buộc rằng chúng được sản xuất bởi lao động cưỡng bức. (chi tiết)
Ông Trump bảo vệ cách đối phó Covid của chính phủ Mỹ
Ở một cuộc phỏng vấn được trích dẫn trong cuốn sách mới của nhà báo Bob Woodward, Tổng thống Trump nói rằng hồi tháng Hai ông đã thấy được sự nguy hiểm của virus Vũ Hán và khả năng lây lan của loại virus gây chết người này, tuy nhiên ông không truyền đạt thông tin tới người dân vì không muốn tạo ra sự hoảng sợ, theo Reuters.
“Tôi luôn muốn làm nhẹ nó đi”, ông Trump nói với nhà báo Woodward vào ngày 19/3, vài ngày sau khi ông tuyên bố tình trạng khẩn cấp quốc gia. “Tôi vẫn muốn làm nhẹ nó, bởi vì tôi không muốn tạo ra một sự hoảng loạn”.
Trong cuộc trò chuyện đó, ông Trump cũng nói với Woodward về một số “sự thật đáng ngạc nhiên” vừa được tiết lộ về đối tượng tấn công của virus Vũ Hán: “Nó không chỉ là người già, người lớn tuổi, [mà còn nhắm vào] người trẻ tuổi, rất nhiều người trẻ tuổi”.
Ông Trump hôm thứ Tư (9/9) đã bảo vệ các biện pháp xử lý đại dịch của chính phủ Mỹ. “Thực tế tôi là một người phục vụ đất nước này. Tôi yêu đất nước của chúng ta và tôi không muốn mọi người sợ hãi”, ông Trump nói tại một sự kiện ở Nhà Trắng. “Chúng tôi đã làm tốt khi so sánh với bất kỳ tiêu chuẩn nào”.
300 tổ chức nhân quyền kêu gọi giám sát Bắc Kinh
Một liên minh toàn cầu gồm hơn 300 tổ chức nhân quyền, bao gồm Tổ chức Ân xá Quốc tế và Tổ chức Theo dõi Nhân quyền, đang kêu gọi Liên hợp quốc (LHQ) thành lập một cơ quan giám sát để điều tra các vi phạm nhân quyền của chính quyền Trung Quốc, Fox News đưa tin hôm thứ Tư (9/9).
Yêu cầu này được đề cập trong một bức thư ngỏ gửi LHQ, nói rằng tổ chức này cần có một “cơ chế độc lập và công bằng” để điều tra chính quyền Trung Quốc về vấn đề nhân quyền, nhằm gây thêm áp lực lên Bắc Kinh ở các vấn đề như biểu tình ở Hồng Kông và người Hồi giáo Duy Ngô Nhĩ và các sắc dân khác ở khu vực Tây Tân Cương bị ngược đãi.
“Cộng đồng quốc tế không thể bàng quan và cho phép chính quyền Trung Quốc chà đạp nhân quyền trong và ngoài nước”, Joshua Rosenzweig, người đứng đầu nhóm phụ trách về nhân quyền Trung Quốc của Tổ chức Ân xá Quốc tế, nói.
Belarus: Nhà hoạt động đối lập tiếp theo bị bắt
Hôm thứ Tư (9/9), lực lượng an ninh Belarus đã bắt giữ ông Maxim Znak, một trong những thành viên cuối cùng của một hội đồng thuộc phe đối lập, đồng thời cố gắng đột nhập vào căn hộ của nhà văn đoạt giải Nobel Svetlana Alexievich, theo The Guardian.
Hiện tại hội đồng gồm 7 thành viên của phe đối lập chỉ còn lại bà Alexievich, người từng đoạt giải Nobel, chưa bị bắt. Tuy nhiên, bà Alexievich cho biết có những người đàn ông lạ mặt đã bấm chuông cửa nhà bà vào khoảng 9 giờ sáng thứ Tư (giờ địa phương).
Bà Alexievich sau đó đã gặp gỡ các quan chức ngoại giao EU và trả lời phỏng vấn các nhà báo. Bà cho biết những người bạn “cùng chí hướng” của bà trong hội đồng giờ đã có 6 người bị bắt. Tuy nhiên, bà nói rằng các chiến thuật tàn bạo của tổng thống Alexander Lukashenko nhằm “bắt cóc những người tốt nhất trong chúng tôi” sẽ không đem lại kết quả gì cho ông ta và phong trào phản đối sẽ vẫn tiếp tục.
Gần 1.700 doanh nghiệp Nhật Bản muốn rời khỏi Trung Quốc
Số lượng các công ty Nhật Bản xin trợ cấp của chính phủ để rời khỏi thị trường Trung Quốc đã tăng từ 90 trong vòng đầu tiên lên 1.670 trong vòng 2.
Số tiền xin trợ cấp nhiều hơn ngân sách dự tính của chính phủ 11 lần cho thấy các công ty Nhật Bản ngày càng sẵn sàng rút dây chuyền sản xuất khỏi Trung Quốc.
Tên lửa đẩy Trung Quốc mới rơi gần trường học dùng hóa chất rất độc hại
Hơn nữa việc để các trung tâm phóng tên lửa trong nội địa gần các khu dân cư mà không phải gần vùng biển như thông lệ cũng là một điểm khiến giới phân tích chú ý.
Theo Trung tâm phóng vệ tinh Thái Nguyên, tên lửa hàng không Trường Chinh 4B sẽ mang vệ tinh đưa vào vũ trụ, nhưng người dân thu được hình ảnh cho thấy tên lửa đẩy có thể đã rơi cách điểm phóng 500 km và phát nổ tạo ra làn khói vàng cam dày đặc.
Triều Tiên đối mặt thách thức ‘bất ngờ, không tránh khỏi’ từ bên trong lẫn bên ngoài
Dịp hiếm hoi khi nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un thừa nhận kết quả kinh tế không mấy khả quan của đất nước.
Hãng thông tấn Triều Tiên KCNA ngày 19/8 công bố Quyết định của Hội nghị Ban chấp hành Trung ương lần thứ 7 của Đảng Lao động Triều Tiên diễn ra cùng ngày, thừa nhận chính phủ đã thất bại trong việc cải thiện nền kinh tế nước nhà.
Quyết định viện dẫn các “tình huống bên trong lẫn bên ngoài gay go và những thách thức bất ngờ, do đó, kế hoạch đạt được các mục tiêu cải thiện nền kinh tế quốc dân bị đình trệ nghiêm trọng và mức sống của nhân dân chưa được cải thiện rõ rệt”. Sự thừa nhận trước công chúng hiếm hoi này của chính quyền Kim Jong Un cho thấy mức độ nghiêm trọng của các cuộc khủng hoảng do dịch bệnh, thiên tai và tình hình kinh tế tồi tệ mà Triều Tiên đang phải đối mặt.
Chính quyền Bình Nhưỡng ngay từ đầu năm đã coi đại dịch Covid-19 là nguy cơ đe dọa tới “sự tồn vong quốc gia”. Dịch bệnh khiến khó khăn kinh tế của Triều Tiên thêm phần chồng chất. Quốc gia độc tài phải đóng cửa biên giới từ hồi tháng Một, kéo theo hoạt động xuất nhập khẩu với nước láng giềng Trung Quốc sụt giảm mạnh. Đây vốn là lĩnh vực chiếm gần như toàn bộ hoạt động ngoại thương của Triều Tiên.
Trong vài tuần qua, các trận mưa lớn cấp độ lịch sử gây thiệt hại trên diện tích rộng khắp cả đất nước và khiến ít nhất 22 người thiệt mạng và 4 người mất tích. Hàng nghìn ngôi nhà và công trình công cộng đã ngập lụt, gần 100.000 mẫu cây trồng bị hư hại và cơ sở hạ tầng quan trọng bị phá hủy, hầu hết ở vùng trung tâm nông nghiệp của đất nước, nơi vốn đã thiếu lương thực và khẩu phần ăn triền miên ngay cả trong thời điểm bình thường, theo công bố của trang Human Right Watch. Thiên tai đe dọa tổ hợp hạt nhân Yongbyon khi nước lũ dâng cao khiến các trạm bơm làm mát lò phản ứng hạt nhân có thể đã bị hư hại.
Nền kinh tế Triều Tiên đã bị thu hẹp đáng kể từ năm 2016, do các biện pháp trừng phạt tăng cường liên quan đến chương trình vũ khí hạt nhân của Bình Nhưỡng. Kể từ vụ thử hạt nhân của Triều Tiên năm 2006, Liên Hợp Quốc và Mỹ đã áp đặt các lệnh cấm vận đối với Bình Nhưỡng. Năm 2016, Mỹ áp lệnh trừng phạt bổ sung, trong đó có phong tỏa tài sản của Chính phủ Triều Tiên và đảng Lao động Triều Tiên, cấm một số giao dịch liên quan tới Triều Tiên. Sự cô lập quốc tế do các biện pháp mạnh tay của các tổ chức và một số quốc gia đối với chương trình vũ khí hủy diệt hàng loạt của chính quyền họ Kim tới nay vẫn như một chiếc vòng kim cô siết chặt Triều Tiên.
Tuy nhiên, theo các nhà phân tích, những đánh giá về tình hình khắc nghiệt mà chính quyền Triều Tiên đang đối mặt cũng không mang lại sự lạc quan cho những người tin rằng các lệnh trừng phạt bổ sung sẽ khiến Triều Tiên phải thay đổi chiến lược vũ khí hạt nhân. Trước đại dịch COVID-19 và trận lụt năm nay, Kim Jong Un đã lên dây cót tinh thần cho lãnh đạo WPK rằng hãy chuẩn bị cho những thời điểm khó khăn hơn. Sau hội nghị thượng đỉnh ở Hà Nội vào tháng 2/2019 thất bại, dẫn đến không đạt được thỏa thuận nào với Mỹ trong việc giảm nhẹ các biện pháp trừng phạt, thông điệp nội bộ đã chuyển sang chủ đề: “làm việc chăm chỉ vì các lệnh trừng phạt vẫn còn ở đây”.
Khả năng răn đe hạt nhân của Triều Tiên – thường được truyền thông nhà nước khuếch trương mô tả là một “thanh gươm báu” – được đặt ra như một cái cách để đảm bảo sự thịnh vượng cho đất nước, nhưng tới nay, sự đánh cược đó vẫn chưa mang lại thành công gì cho ông Kim.
Bất chấp sự thừa nhận của Kim trước công chúng về sự khó khăn kinh tế của đất nước, tổ chức nhân quyền Human Right Watch cho rằng, những hành động đối phó với khủng hoảng của gia tộc Kim là điển hình cho sự tàn ác của gia tộc ông trong nhiều thập niên, và nhằm đặt chế độ lên hàng đầu hơn là cho người dân Triều Tiên.
Trong đại hội lần thứ 7, Kim Jong Un cam kết sẽ đưa ra kế hoạch phát triển kinh tế đất nước trong 5 năm tiếp theo tại Đại hội lần thứ 8, dự kiến diễn ra vào tháng 1/2021.
“Bạn không thể ăn được một đám rước – cảnh phô trương rỗng tuếch sẽ không nuôi sống được gia đình nào cả…”, Human Right Watch bình luận về kế hoạch hội nghị mới của Triều Tiên, và nói thêm rằng: “thay vì tổ chức một sự kiện tuyên truyền rầm rộ, chính phủ Triều Tiên nên tham vấn ý kiến của Liên Hợp Quốc và các quốc gia thành viên về những cải cách thực sự, đồng thời chấp nhận hỗ trợ lương thực khẩn cấp”. Triều Tiên đã từ chối viện trợ bên ngoài hồi tháng 7, viện lý do lo ngại dịch Covid-19 lây lan. Human Right Watch khuyến nghị Liên Hợp Quốc và các quốc gia tài trợ nên thông báo rằng họ vẫn sẵn sàng hỗ trợ và thậm chí nhiều hơn thế nếu Triều Tiên thay đổi chính sách thực tế. Chỉ có cải cách kinh tế và chính trị thực chất mới có thể đưa Triều Tiên thoát khỏi các cuộc khủng hoảng.