“Nếu TQ muốn đổi mới kinh tế, nhất định phải khai phóng tâm trí người dân”

  • Wang Xiangwei

Những luồng ý tưởng và ý kiến tự do là điều sống còn để làm nên sự đổi mới trong một môi trường nơi con người được khuyến khích nuôi dưỡng những suy nghĩ độc lập và tư duy phản biện. Không may là điều ngược lại đang xảy ra ở Trung Quốc, nơi chính phủ đang đàn áp dã man những người bất đồng và thắt chặt tự do ngôn luận đối với truyền thông. Tự do học thuật cũng bị can thiệp thô bạo khi các nhà nghiên cứu và các giáo sư phải nghiêm chỉnh phục tùng đường lối của đảng hoặc đối mặt với các hình phạt nghiêm khắc, bao gồm sa thải hoặc tệ hơn, là tù đày.

“Hãy giải phóng tâm trí, hãy tìm kiếm sự thật từ thực tế và đoàn kết như một hướng tới tương lai.” 

Tháng Mười Hai năm 1978, Đặng Tiểu Bình đã đọc bài diễn văn lịch sử với đầu đề truyền cảm hứng này, tạo tiền đề cho cải cách mở cửa của Trung Quốc.

Chưa đầy hai năm sau, ngày 26/8/1980, Trung Quốc đã  thông qua việc thành lập đặc khu kinh tế đặc biệt đầu tiên ở Thâm Quyến (Shenzhen), khi đó vốn chỉ là một làng chài bình yên nằm bên kia biên giới với Hồng Kông.

40 năm qua, Thâm Quyên chắc chắn có nhiều điều để ca ngợi. Nơi này đã trở thành một ví dụ thành công nhất của Trung Quốc về cải cách mở cửa. Nền kinh tế của họ thậm chí đã vượt Hồng Kông vào năm 2018, cùng nhiều thành tựu khác.

Với Thâm Quyến nói riêng và Trung Quốc nói chung, lời hô hào của Đặng về “khai phóng tư tưởng” và “tìm kiếm sự thật từ thực tế“ vẫn còn âm vang đến hôm nay khi Trung Quốc đang chuẩn bị cho kế hoạch 5 năm tiếp theo của mình.

Một lần nữa, Trung Quốc đang ở thời điểm quan trọng. Thế giới đang trải qua những thay đổi sâu sắc chưa từng thấy trong thế kỷ , cùng với nó là sự lây lan dữ dội của đại dịch virus corona.

Trung Quốc có thể trở thành cường quốc kinh tế lớn đầu tiên thoát khỏi đại dịch và trở lại bình thường, nhưng nước này cũng đang đối mặt với môi trường quốc tế ngày càng thù địch, nổi bật là cuộc đối đầu toàn diện giữa Washington và Bắc Kinh.

Trong nước, lo ngại đang gia tăng trước quyết định của giới lãnh đạo chuyển trục sang thị trường trong nước và tiêu dùng nội địa.

Trên thực tế, chính phủ Trung Quốc đã hứa hẹn rất nhiều nhưng đều thất bại trong thực hiện, nhất là trong khu vực tư nhân và đầu tư nước ngoài. Điều này đặc biệt đúng từ khi Đảng Cộng sản Trung Quốc đẩy mạnh kiểm soát tất cả các tầng lớp xã hội và nhấn mạnh nhiều hơn đến vai trò của khu vực nhà nước trong vài năm qua.

Nhiều năm trời, chính phủ Trung Quốc đã trịnh trọng hứa hẹn về “san bằng sân chơi” cho khu vực tư nhân và các nhà đầu tư nước ngoài, nhưng họ vẫn bị đối xử như những thành phần thứ yếu đằng sau khu vực nhà nước.

Đây là sự coi thường ảnh hưởng kinh tế ngày càng tăng của khu vực này. Lấy lĩnh vực kinh tế tư nhân làm ví dụ: Quy mô và ảnh hưởng của kinh tế tư nhân Trung Quốc có thể tóm tắt bằng con số 56789 – lĩnh vực tư nhân đóng góp 50% doanh thu thuế, 60% tổng sản phẩm quốc nội, 70% nâng cấp và đổi mới công nghiệp, 80% tổng số việc làm và 90% tổng số doanh nghiệp.

Nhưng các doanh nghiệp tư nhân lại phải phụ thuộc vào quyền lực độc đoán của chính phủ.

Cũng vậy, các nhà đầu tư nước ngoài ở Trung Quốc từ lâu cũng kêu gọi cho một sân chơi bình đẳng. Luật đầu tư nước ngoài mới, được thông qua tháng Ba năm ngoái, đã hứa hẹn mang đến cho các nhà đầu tư nước ngoài sự đối xử bình đẳng, quyền tiếp cận thị trường lớn hơn và bảo hộ pháp lý tốt hơn.

Nhưng trên thực tế, nhiều doanh nghiệp nước ngoài vẫn lo lắng về các luật kinh doanh riêng biệt và những phê chuẩn của chính truyền địa phương có thể cản trở quyền tiếp cận thị trường của họ.

Với việc hiện nay nền kinh tế Trung Quốc đang đối mặt với những khó khăn chưa từng thấy, đã đến lúc chính phủ Trung quốc thi hành các biện pháp kiên quyết và cứng rắn để đảm bảo sân chơi công bằng cho tất cả các doanh nghiệp, nước ngoài hay trong nước, tư nhân hay nhà nước.

Vấn đề không phải là ban lãnh đạo Trung Quốc thiếu một lộ trình cụ thể, mà là quyết tâm và ý chí. 

Trở lại tháng 11/2013, Hội nghị lần thứ ba Ban chấp hành trung ương ĐCSTQ khóa 18 đã công bố một kế hoạch cải cách chi tiết, tuyên bố cho phép thị trường đóng “một vai trò quyết định” trong nền kinh tế và tăng cường tính độc lập của tư pháp. Đó là một năm sau khi ông Tập lên nắm quyền.

Khi ấy, lộ trình cải cách được ca ngợi như một văn kiện mang tính bước ngoặt nhằm mục tiêu đạt được “những kết quả quyết định” vào cuối năm nay.

Đến nay, chỉ còn bốn tháng nữa là hết năm nhưng nhiều biện pháp kinh tế chủ yếu vẫn chưa được thực thi, gồm cải cách quyền sử dụng đất khu vực nông thôn và ban hành luật thuế tài sản.

Hơn nữa, vì các lãnh đạo Trung Quốc đang đẩy mạnh nỗ lực thảo ra kế hoạch 5 năm lần thứ 14 và đặt ra các mục tiêu phát triển dài hạn tới 2035, họ đã nhiều lần tuyên bố rằng Trung Quốc sẽ tạo ra những động lực tăng trưởng mới thông qua đổi mới khoa học và công nghệ.

Tại một cuộc họp với một nhóm các nhà kinh tế về kế hoạch 5 năm hồi cuối tháng 7, ông Tập cho biết chính phủ sẽ mạnh mẽ gia tăng năng lực đổi mới một cách độc lập và sẽ đạt được những đột phá trong công nghệ cơ bản và cốt lõi càng sớm càng tốt.

Ông Tập khuyến khích trao cơ hội đầy đủ cho các doanh nghiệp như những người chơi chính trong đổi mới công nghệ, đồng thời đào tạo và tuyển dụng các nhóm nghiên cứu và những nhân tài đẳng cấp thế giới.

Nhưng để đổi mới thành công, nó cần nhiều hơn sự hỗ trợ và tài trợ  của chính phủ.

Những luồng ý tưởng và ý kiến tự do là điều sống còn để làm nên sự đổi mới trong một môi trường nơi con người được khuyến khích nuôi dưỡng những suy nghĩ độc lập và tư duy phản biện.

Không may là điều ngược lại đang xảy ra ở Trung Quốc, nơi chính phủ đang đàn áp dã man những người bất đồng và thắt chặt tự do ngôn luận đối với truyền thông. Tự do học thuật cũng bị can thiệp thô bạo khi các nhà nghiên cứu và các giáo sư phải nghiêm chỉnh phục tùng đường lối của đảng hoặc đối mặt với các hình phạt nghiêm khắc, bao gồm sa thải hoặc tệ hơn, là tù đày.

Nếu không khai phóng tư tưởng trước tiên, sẽ rất khó đạt được đổi mới.

Wang Xiangwei, cựu tổng biên tập tờ SCMP

Related posts