Thùy Dương
Kỳ nghỉ hè, mùa du lịch cao điểm, đã qua. Giờ là lúc chính quyền và giới du lịch tổng kết về tình hình quý 6 tháng đầu năm 2020, trong bối cảnh dịch bệnh từ đầu năm đã làm ngành “kinh tế xanh” khốn đốn. Vốn là niềm tự hào, biểu tượng của ngành du lịch Pháp, Paris lại lãnh “cú đánh” mạnh hơn, bị thiệt hại dai dẳng hơn nhiều vùng du lịch khác trong cả nước.
Ngày 27/08/2020, trong cuộc họp tổng kết 6 tháng đầu năm hoạt động du dịch của thủ đô Pháp và cả vùng Ile-de-France (Paris và vùng phụ cận), bà Valérie Pécresse, chủ tịch Hội đồng (dân cử) vùng Ile-de-France, nhấn mạnh dịch bệnh Covid-19 đã gây « những tổn thất nặng nề » cho ngành du lịch, lĩnh vực vốn thường mang lại 500.000 việc làm và đóng góp 7-8% thu nhập cho cả vùng.
Ba nỗi lo lớn
Sau khi Paris đoạt danh hiệu thủ đô du lịch thế giới vào năm 2019, dịch Covid-19 đã làm doanh thu du lịch 6 tháng đầu năm 2020 của Paris sụt giảm 6,4 tỉ euro và mất 14 triệu khách so với cùng kỳ năm 2019. Vắng bóng khách du lịch nước ngoài, mất khách doanh nhân và thiếu hụt khách nội địa, theo ông Didier Arino, tổng giám đốc của Protourisme, cơ quan chuyên nghiên cứu và tư vấn về du lịch, giải trí và khách sạn, đó là 3 nỗi lo của các nhà làm du lịch Paris.
Với sự tê liệt của giao thông hàng không quốc tế, số khách ngoại quốc đến Paris đã giảm 68%, trong khi du lịch Paris phụ thuộc phần lớn vào nhóm du khách này, nhất là khách Mỹ và Trung Quốc. Trong năm 2019, khách nước ngoài chiếm đến 90% khách thăm Paris trong kỳ nghỉ hè. Trong thời gian qua, du khách quốc tế đến vùng Paris chủ yếu là khách châu Âu láng giềng gần như Đức, Anh, Áo, Hà Lan, Bỉ, Tây Ban Nha. Việc Paris quyết định hủy hàng loạt sự kiện quốc tế quy mô lớn, trong đó có Triển lãm xe hơi thế giới, Triển lãm công nghiệp hoàn cầu Global Industrie, Hội chợ công nghệ cao VivaTech, Hội chợ trò chơi điện tử Paris Games Week, cũng góp phần khiến vùng Paris mất nhiều khách.
Không chỉ vậy, lượng khách nội địa cũng giảm tới 54%. Theo kết quả một cuộc thăm dò ý kiến người Pháp hồi đầu hè, cho dù 90% người được hỏi dự định đi nghỉ hè trong nước, nhưng chỉ có 10% hướng đến các chuyến du lịch nơi đô thị. Giờ đây, người Pháp thích về nông thôn, lên núi, đi về miền biển hơn là đến chốn phồn hoa như Paris. Chốn thị thành không chỉ gợi nhắc cho du khách về thời kỳ phong tỏa bí bách mà còn đồng nghĩa với nguy cơ lây nhiễm bệnh.
Về du lịch doanh nhân, trước hè, Paris đã phải hủy hoặc hoãn 2/3 trong tổng số 300 sự kiện do Viparis tổ chức tại 9 khu tổ chức sự kiện trong vùng Paris, trong đó có Cung Triển Lãm Versailles và Cung Hội Nghị Palais de Congrès. Chẳng hạn, triển lãm về không gian làm việc, Workspace Expo, theo dự kiến ban đầu khai mạc vào ngày 01/09 nhưng đã bị đẩy lui đến tháng 03/2021. Triển lãm thời trang may sẵn Who’s Next dự kiến diễn ra từ ngày 03 đến ngày 07/09 cũng đã bị hoãn. Ngược lại, nhiều doanh nghiệp lớn nước ngoài đã kêu gọi người của công ty “tránh xa” các sự kiện tại vùng Paris để đề phòng nguy cơ lây nhiễm bệnh.
Thất bại đã được dự báo
Tuy nhiên, không phải chờ đến bây giờ nhà chức trách và giới du lịch mới biết về hậu quả nặng nề của virus corona đối với ngành du lịch Paris. Trên thực tế, ngay từ khi kỳ nghỉ hè mới bắt đầu hồi đầu tháng 07, các chuyên gia đã dự báo hoạt động của ngành du lịch sẽ giảm hơn một nửa trong hai tháng 07-08, vốn là mùa du lịch cao điểm nhất trong năm. Đầu tháng 07, ông Christophe Decloux, người đứng đầu Ủy ban du lịch Paris Ile-de-France khẳng định vùng Paris đã mất đến 15 triệu du khách tính từ đầu năm, thiệt hại lên đến 8 tỉ euro.
Ngày 13/07, thời điểm theo thường lệ Paris đón rất đông du khách nước ngoài, trong chuyên mục Thông tin kinh tế của đài France 24, nhà báo Christophe Dansette giải thích: “Không, các du khách vẫn chưa trở lại (Paris). Phố xá vẫn vắng tanh vắng ngắt trong hai ngày nghỉ cuối tuần. Trong số những người Paris đi nghỉ hè, có nhiều người đã đi sớm do nghỉ bắc cầu dịp Quốc Khánh Pháp 14/07. Thủ đô Paris thì lại vắng bóng du khách nước ngoài, nhất là khách Mỹ và Trung Quốc. Đây chính là nhóm du khách chi tiêu nhiều nhất.
Theo một nghiên cứu hồi năm 2018 của vùng Paris, kết quả nghiên cứu này cho đến nay chắc cũng không thay đổi nhiều lắm, thì một du khách Pháp tiêu 83 euro/ngày. Số tiền chi tiêu của du khách Mỹ cao đúng gấp đôi so với khách Pháp. Khách châu Á và Trung Đông tiêu khoảng 200 euro/ngày. Như vậy, chúng ta có thể hiểu là những người sống bằng nghề du lịch như trong các ngành khách sạn, nhà hàng và kinh doanh hàng hiệu mùa hè năm nay gặp khó khăn đến thế nào. Sở Du Lịch Paris dự báo hoạt động của ngành du lịch trong tháng 07 và tháng 08 sẽ giảm 50-70% so với cùng kỳ năm ngoái”.
Mặc dù Ủy ban du lịch vùng Paris ghi nhận hoạt động du lịch của Ile-de-France đã có dấu hiệu khởi sắc vào mùa hè, nhưng riêng Paris thì không. Du khách Pháp và người dân các nước láng giềng châu Âu, dường như sau một thời gian bị phong tỏa gò bó, muốn hướng đến các hoạt động thăm thú ngoài trời, ở những không gian rộng lớn, thoáng đãng nơi ngoại ô hơn là các hoạt động khám phá văn hóa, bảo tàng, triển lãm … ngay ở nội đô Paris.
Hai điểm thăm quan đông khách nhất Paris trong 6 tháng đầu năm 2020 là bảo tàng Louvre, kho báu nghệ thuật của nước Pháp, vốn là bảo tàng thu hút đông khách nhất thế giới (1 triệu 730 ngàn khách) và cung điện Versailles (918.147 khách). Nhưng nếu tính theo tỉ lệ khách so với cùng kỳ năm 2019, thì số lượt khách đến thăm hai công trình này giảm lần lượt 72% và 64,4%. Trong số 10 công trình văn hóa lịch sử hút khách nhất Paris từ tháng 01 đến tháng 06 còn có Bảo tàng lịch sử tự nhiên, Khải Hoàn Môn, điện Panthéon – nơi vinh danh các vĩ nhân của nước Pháp… Tuy nhiên, nhìn chung lượng khách đều giảm từ 58,3% (Đại điện Grand Palais) đến 73,3% (nhà thờ Sainte-Chapelle).
Khách sạn siêu sang – nạn nhân đầu tiên
Xét theo lĩnh vực kinh doanh, khách sạn, quán bar và nhà hàng là ba lĩnh vực bị tác động nhiều nhất. Trong đó, các palace, khách sạn siêu sang là những nạn nhân đầu tiên vì phục vụ chủ yếu giới doanh nhân nước ngoài và những khách hàng giàu có, chủ yếu đến từ Mỹ, Nhật, Trung Quốc, Trung Đông, Brazil và Nga. Nhà báo Christophe Dansette cho biết thêm:
“Cứ 2 khách sạn thì có 1 khách sạn cho rằng đóng cửa, tận dụng biện pháp hỗ trợ đặc biệt về trợ cấp thất nghiệp bán phần sẽ đỡ tốn kém hơn là mở cửa khách sạn. Đây là quyết định của nhiều khách sạn 5 sao và 11 trong tổng số 12 palace ở Paris. Chỉ có palace La Réserve – palace nhỏ nhất ở thủ đô với 40 phòng và phòng suite nằm ngay gần phủ tổng thống Pháp là đã mở cửa trở lại. Chủ palace đã đặt cược vào việc mở cửa lại khách sạn ngay từ khi nước Pháp vẫn chưa ra khỏi phong tỏa, từ ngày 05/05. Khách hàng của họ thuộc giới doanh nhân.
Theo phụ trách truyền thông của palace này, trước hết đó là vì chủ của khách sạn muốn làm việc trở lại và cho những nhân viên đang hưởng chế độ trợ cấp thất nghiệp bán phần làm việc trở lại. Hiện giờ, tỉ lệ kín phòng của họ là 64% vào những ngày trong tuần và 40% vào ngày nghỉ cuối tuần. Tất cả khách hàng của họ đều đến từ các nước châu Âu. Palace này hoạt động trong những điều kiện khó khăn, vì thường là khách đặt phòng vào phút chót. Paris, thủ đô du lịch của thế giới hồi năm ngoái, đang chờ đợi du khách trở lại nhưng những người bi quan nhất cho rằng du khách nước ngoài sẽ chưa trở lại đông trước năm 2023″.
Còn theo số liệu của Ủy ban du lịch vùng Paris, trong hai tháng 06-07, hơn 50% khách sạn trong nội đô Paris vẫn đóng cửa. Những cơ sở còn hoạt động ghi nhận tỉ lệ phòng có khách lưu trú chỉ đạt 30%. Còn ở các vùng ngoại ô, hoạt động của các khách sạn có vẻ khởi sắc hơn một chút với 70% khách sạn hoạt động đón khách và tỉ lệ kín phòng đạt 40%. Trong bối cảnh này, ông Quentin Michelon, hiệp hội du lịch Ahtop nhấn mạnh: “Không ai có thể dự báo về khả năng trụ lại được của các khách sạn Paris”.
Ban đầu, một nửa số nhà kinh doanh trong lĩnh vực nhà trọ và khách sạn hy vọng từ nay đến cuối tháng 10/2020 thì hoạt động sẽ được cải thiện, nhờ nguồn du khách Pháp và các nước châu Âu lân cận. Tuy nhiên, trước tình hình số khách đặt vé máy bay quốc tế đường dài trong khoảng từ tháng 09 đến tháng 12 đã giảm 80%, không mấy ai còn giữ vững tinh thần lạc quan, nhất là khi một số nước láng giềng như Đức và Bỉ lại xếp Pháp vào danh sách “vùng đỏ” – vùng có nguy cơ lây nhiễm cao.
Các nhà làm du lịch lo âu vì làm ăn thất bát, chỉ có người dân Paris là hài lòng về “một mùa hè không du khách”. Kẻ khóc người cười ! Thoát khỏi “cơn lốc xoáy du khách”, thoát khỏi “vũ điệu valse” bất tận của những chiếc vali bị kéo lê trên hè phố, người dân Paris khoan khoái tận hưởng nhịp sống êm đềm, những khoảnh khắc tĩnh lặng hiếm có. Thảnh thơi khám phá những “viên ngọc” trong lòng một Paris “quen mà lạ, lạ mà quen”, nhưng không phải mất thời gian chen chúc xếp hàng, không phải chịu cảnh xô bồ của những đoàn du khách đông nghịt, là một cơ may hiếm có của người dân thành Paris, mặc cho nỗi lo làm ăn thất bát của các nhà làm du lịch.