- Như Ngọc
Buổi lễ khai mạc cuộc đàm phán giữa chính phủ Afghanistan và quân nổi dậy Taliban đã bắt đầu tại thủ đô Doha, Qatar vào sáng thứ Bảy 12/9 (giờ địa phương). Hoạt động này đánh dấu sự khởi đầu của các cuộc đàm phán nhằm chấm dứt hai thập kỷ chiến tranh, cướp đi sinh mạng của hàng chục nghìn binh lính và thường dân.
19 năm xung đột tại Afghanistan cũng là hoạt động quân sự tại nước ngoài lâu nhất của Mỹ, làm đau đầu ba đời tổng thống liên tiếp.
Theo Reuters, buổi lễ khai mạc bắt đầu vào lúc 9 giờ sáng 12/9 (giờ Qatar) bằng nghi lễ đọc kinh Koran, theo sau là phát biểu khai mạc của ngoại trưởng Qatar.
Những nhân vật chính trong tiến trình tìm kiếm hoàn bình lần này, bao gồm chủ tịch hội đồng hòa bình Afghanistan Abdullah Abdullah, lãnh đạo Taliban Mullah Baradar Akhund và Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo dự kiến cũng sẽ phát biểu trong buổi lễ khai mạc.
Các quan chức, các nhà ngoại giao và các nhà phân tích nói rằng mặc dù việc đưa các bên vào bàn đàm phán là một thành công, nhưng điều này không đồng nghĩa con đường tới hòa bình sẽ là dễ dàng.
Đặc phái viên của Liên Hiệp Quốc về Afghanistan Deborah Lyons trong phát biểu tại Hội đồng Bảo an tháng này đã nói: “Các cuộc đàm phán sẽ phải giải quyết hàng loạt các vấn đề thâm sâu về loại hình nhà nước mà người Afghanistan mong muốn”.
Buổi khai mạc đàm phán hòa bình của những người Afghanistan đến chỉ một ngày sau ngày kỷ niệm 19 năm cuộc khủng bố 11/9 tại Mỹ, sự kiện đã kích hoạt Washington can dự quân sự vào Afghanistan.
Lực lượng Mỹ đã can thiệp vào Afghanistan theo lệnh của Tổng thống President George W. Bush một tháng sau vụ khủng bố 11/9. Hành động can thiệp này của Washington là để săn lùng trùm khủng bố Osama bin Laden, người được cho là đã lẩn trốn tại Afghanistan với sự bảo trợ của nhà cầm quyền Taliban. Mỹ ban đầu chủ yếu sử dụng hoạt động không kích để hỗ trợ các nhóm phiến quân địa phương chống đối Taliban.
Mặc dù chế độ Taliban đã nhanh chóng bị lật đổ, nhưng họ đã tập hợp lại lực lượng và từ sau đó đã tiến hành một cuộc nổi dậy đã gây ảnh hưởng đến nhiều người dân và binh lính Afghanistan từ hàng chục quốc gia.
Mỹ và Taliban hồi tháng Hai đã ký một hiệp định hòa bình. Đây là nỗ lực nhằm tìm một phải pháp chính trị kết thúc cuộc chiến tranh Afghanistan.
Sau nhiều tháng bị trì hoãn, tranh cãi về yêu cầu của Taliban trong việc chính phủ Afghanistan phải thả 5000 tù nhân Taliban đã được các bên giải quyết trong tuần này.
Việc đưa được chính phủ Afghanistan và Taliban vào bàn đàm phán là thành công tiếp theo trong kế hoạch hòa bình Trung Đông đầy tham vọng của chính quyền Trump. Trước đó, Tòa Bạch Ốc đã làm trung gian hòa giải thành công cho UAE, Bahrain bình thường hóa quan hệ với Israel.
Tổng thống Donald Trump cũng đang cụ thể hóa lời hứa chấm dứt những cuộc chiến tranh bất tận của Mỹ và rút hầu hết lực lượng Mỹ đang đồn trú tại Afghanistan.
Mỹ đã đang giảm dần quy mô binh lính tại Afghanistan và đến trước tháng Mười Một dự kiến sẽ còn ít hơn 5000 lính Mỹ tại quốc gia Nam Á này, giảm từ khoảng 13.000 binh lính vào thời điểm hiệp định Mỹ-Taliban được ký kết. Tính đến nay, 2.300 lính Mỹ đã thiệt mạng tại Afghanistan.
Nhiều nhà ngoại giao, nạn nhân của bạo lực và các thành viên của các tổ chức xã hội dân sự nhận định rằng các cuộc đàm phán giữa chính phủ Afghanistan và Taliban là con đường thực tế duy nhất có thể dẫn tới chấm dứt cuộc xung đột dai dẳng đã cướp đi sinh mạng của hơn 100.000 thường dân và cản trở sự phát triển của Afghanistan, cũng như đẩy hàng triệu người vào cảnh nghèo đói.
Như Ngọc