- Nguyễn Duy Xuân
Hình ảnh những hũ tro cốt, di ảnh của người đã khuất được để bừa bộn giữa nền nhà, chất đống trong xó tại chùa Kỳ Quang 2 (quận Gò Vấp, TP.HCM) xuất hiện trên mạng xã hội Facebook hôm 01/9/2020 nhằm đúng ngày Rằm tháng Bảy khiến nhiều người bức xúc, đang là tâm điểm chú ý của dư luận mùa Vu Lan này.
Dù vị trụ trì có giải thích chuyện “tro cốt một đằng, di ảnh một nẻo” là do quá trình vệ sinh các hũ tro cốt, tưới nước mạnh quá nên hình rơi ra, cũng không làm dịu nỗi bức xúc của thân nhân những người quá cố. Hơn 100 người đã ký vào đơn khiếu kiện Thượng tọa Thích Thiện Chiếu – Trụ trì chùa Kỳ Quang 2 về hành vi “Xâm phạm mồ mả, thi thể, hài cốt”.
Chuyện này chắc chắn chưa dừng lại nhưng người viết bài này không muốn bàn luận về vụ việc mà hướng suy ngẫm sang một phạm trù khác.
Những năm gần đây, việc xây dựng chùa chiền phát triển mạnh. Những ngôi chùa đồ sộ mọc lên cùng với cái gọi là “khu du lịch tâm linh” ở khắp mọi miền đất nước. Đi liền với sự ra đời của những tổ hợp “nhà chùa -du lịch tâm linh” là hoạt động kinh doanh hái ra tiền đang nở rộ ở các khu “công nghiệp” đặc biệt này.
Trước nhu cầu tâm linh ngày càng cao của xã hội, nhiều ngôi chùa có lịch sử tồn tại hàng chục, hàng trăm năm cũng đã tiến hành tôn tạo, cơi nới cơ sở thờ tự bằng các nguồn tiền cúng tiến của xã hội.
Nhiều ngôi chùa, đặc biệt là ở thành phố, còn xây tháp lưu giữ tro cốt người quá cố. Mỗi ngăn tủ lưu giữ tro cốt có giá giao động từ vài chục triệu đến trăm triệu đồng, chưa kể phí quản lý. Mỗi tòa tháp có hàng ngàn ngăn tủ lưu giữ tro cốt như thế. Đây quả là nguồn thu khủng trong bối cảnh hỏa táng đang là sự lựa chọn được nhiều người quan tâm mỗi khi có thân nhân qua đời.
Tuy nhiên, ai cũng biết, xưa nay chùa là nơi thờ Phật, tôn nghiêm, thanh tịnh. Vong linh người chết nếu được gửi lên chùa thì chỉ là di ảnh và bát hương thờ phụng. Việc lưu giữ tro cốt như một nghĩa trang lộ thiên, liệu có làm mất đi sự thanh tịnh và môi trường trong lành chốn linh thiêng?
Nguồn thu của nhà chùa còn ở các hoạt động có tính chất tâm linh, thậm chí là mê tín dị đoan như dâng sao giải hạn, cầu may, cầu tài cầu lộc, cầu chức tước,… Điển hình cho loại hình “dịch vụ” này là chùa Ba Vàng ở Quảng Ninh mà báo chí và dư luận đã từng lên tiếng, vạch trần sự thật về cái gọi là “thỉnh vong báo oán”.
Những hoạt động nói trên sẽ chẳng có gì để bàn luận nếu như nó nằm trong khuôn phép của nhà Phật. Điều khiến dư luận quan tâm là ở chỗ, người ta đang núp bóng tâm linh để làm những việc xa lạ đối với giáo lý tốt đẹp của Phật giáo nói chung và Giáo hội Phật giáo Việt Nam nói riêng. Câu răn “Phật tùy tâm” còn ý nghĩa gì giữa thời buổi kim tiền?
Bây giờ, lên chùa niệm Phật, người ta ít bắt gặp cảnh tĩnh lặng, yên bình, vốn là nét đặc trưng của văn hóa chùa Việt ngàn năm nay.
Chùa bây giờ tuy to nhất châu lục, lớn nhất thế giới nhưng “hoành tráng không tôn nghiêm/ồn ào không tĩnh lặng/Phật vẫn buồn ngàn năm!”.
Trở lại câu chuyện của chùa Kỳ Quang 2 (quận Gò Vấp). Dẫu giải thích kiểu gì thì cũng không thể tha thứ cho hành vi ứng xử bất cẩn, thất đức đối với di cốt của người đã khuất.
Chốn linh thiêng mà thế, chúng sinh còn biết gửi gắm đức tin vào đâu?