Tin thế giới chiều Chủ Nhật

Gọi ông Tập là ‘gã hề xấu’, trùm địa ốc Trung Quốc hầu tòa sau nửa năm mất tích

Ông Nhậm Chí Cường (Ren Zhiqiang), trùm địa ốc Trung Quốc (ảnh chụp màn hình từ kênh Wall Street Journal).

Mới đây, tại Bắc Kinh đã mở phiên tòa xét xử ông Nhậm Chí Cường (Ren Zhiqiang) – trùm bất động sản Trung Quốc và là “hồng nhị đại” của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ).

Vụ án ông Nhậm Chí Cường đã nhận được sự quan tâm cao độ của từ các giới cả trong và ngoài nước, nhưng chính quyền đã thực hiện các biện pháp phong tỏa nghiêm ngặt, và chỉ “những người đặc biệt được mời” mới được phép tham dự phiên tòa. Có nguồn tin trong cuộc cho hay, ông Nhậm Chí Cường xuất hiện tại phiên tòa trong tình trạng “vẫn tạm ổn”. Ông Nhậm từ chối nhận tội và kiên quyết muốn tự bào chữa cho mình.

Sáng ngày 11/9, phiên tòa xét xử ông Nhậm Chí Cường diễn ra tại Tòa án Trung cấp thứ hai của Bắc Kinh. Ông bị cáo buộc 4 tội danh lớn: tham nhũng, hối lộ, biển thủ công quỹ và lạm dụng chức quyền. Đây là lần đầu tiên ông xuất hiện trước công chúng kể từ khi bị bắt vào tháng Ba năm nay.

Đông đảo dư luận tin rằng vụ án ông Nhậm Chí Cường là “họa từ miệng ra”. Vào tháng Ba năm nay, ông Nhậm Chí Cường đã đăng một bài bình luận với tiêu đề: “Gã hề xấu dù đã bị lột sạch quần áo cũng muốn trở thành hoàng đế” được lan truyền rộng rãi trên mạng. Bài viết chỉ trích ông Tập Cận Bình và giới chức ĐCSTQ vì đã che giấu dịch bệnh, xử lý dịch bệnh không thỏa đáng khiến dịch bệnh lây lan trên khắp cả nước và thế giới. Sau đó, ông Nhậm Chí Cường đã bị nhà chức trách bí mật bắt giữ.

Vụ án ông Nhậm Chí Cường có bối cảnh là “thế hệ đỏ thứ hai” đã nhận được sự quan tâm cao độ của các giới cả trong và ngoài nước. Mặc dù bên phía chính quyền lên tiếng nói rằng đây là một phiên tòa xét xử công khai nhưng bên ngoài phiên tòa đã được bố trí dày kín lực lượng an ninh canh phòng nghiêm ngặt. 

Khoảng 7h sáng, nhiều phương tiện khác nhau lần lượt đến nơi. Có nhân chứng nói rằng chiếc xe tù được cho là đang áp giải ông Nhậm Chí Cường đã đi vào theo lối vào theo cửa bên của tòa án.

Sáng sớm hôm đó, nhiều kênh truyền thông nước ngoài và những người ủng hộ ông Nhậm Chí Cường đã tập trung bên ngoài tòa án, nhưng họ đã bị cảnh sát truy hỏi và xua đuổi, những người chụp ảnh bên ngoài tòa án được yêu cầu rời đi càng sớm càng tốt. Cảnh sát nói rõ rằng chỉ “những người đặc biệt được mời” mới được vào phiên tòa dự thính.

Cô Vương, người quan tâm theo dõi vụ án của ông Nhậm Chí Cường, nói với đài Á Châu Tự Do rằng, nhà chức trách dàn ra trận thế như đang giáp mặt với kẻ thù hòng dọa nạt người dân: “Xe cảnh sát dàn trận ở đó, không cho phép người dân vây xem, cũng không cho phép người dân đến gần”.

Cô Trương Dĩnh, người của kênh truyền thông Trùng Khánh cho biết, “Có rất nhiều cảnh sát mặc thường phục, và cũng có rất nhiều cảnh sát mặc đồng phục. Ở Trung Quốc có rất nhiều người quan tâm đến vụ án ông Nhậm Chí Cường, bởi ông là một ‘hồng nhị đại’, ông ấy dám can đảm nói ra những ý kiến phản đối thực sự của mình, có thể thấy ông ấy thực sự là một người có lương tâm ”.

Các kênh báo chí nước ngoài như Hoa Kỳ, châu Âu, Úc, Nhật Bản cùng đại sứ quán của nhiều nước phương Tây có trụ sở tại Trung Quốc đều đã gửi đơn lên tòa xin được dự thính, nhưng đều bị nhà chức trách chối bỏ với lý do “phòng chống dịch bệnh”.

Nguồn tin nội bộ cho hay, người nhà của ông Nhậm Chí Cường nhận được 2 đến 3 tờ giấy dự thính, nhưng sau khi vào tòa, người nhà ông Nhậm thấy rằng bên trong tòa án đã chật kín người, hơn nữa hầu hết đều là các nhân viên giới tư pháp do chính quyền sắp xếp.

Một người nhà của một tù nhân chính trị xin giấu tên cho biết: “Họ (chính quyền) cũng sẽ cho một vài người trong gia đình ông Nhậm có mặt trong phiên tòa xét xử, còn 99% trong số đó đều là nhân viên của cục công an, viện kiểm sát, sở tư pháp cải trang dự thính”.

Thông tấn xã Trung ương CNA dẫn lời từ người thạo tin cho biết, phiên tòa hôm đó được tiến hành vào buổi sáng và buổi chiều. Trong phiên tòa buổi sáng, công tố viên đã liệt kê nhiều cáo buộc khác nhau đối với các khoản nợ của công ty trong nhiệm kỳ của ông Nhậm Chí Cường. Phía công tố cũng đưa ra bằng chứng cho thấy ông Nhậm Chí Cường đã lợi dụng quyền lực của mình để trục lợi cho con trai mình. Khoảng 3 giờ chiều, thẩm phán tuyên bố hoãn phiên tòa, chọn ngày tái thẩm.

Nguồn tin trong cuộc cho hay, khi ông Nhậm Chí Cường ra hầu tòa, trạng thái tinh thần của ông “vẫn tạm ổn”. Ông ấy không mời luật sư và nhất quyết muốn tự bào chữa cho mình. Đối mặt với cáo buộc tại tòa của công tố viên và thẩm vấn của quan tòa, ông ấy hầu như đều từ chối nhận tội, thậm chí còn tự mình phản bác. Chỉ có một phần nhỏ ông trả lời rằng “không nhớ rõ”.

Người nhà của tù nhân chính trị nói trên cũng cho biết: “Ông ấy không thuê luật sư, mà muốn tự mình bào chữa cho mình. Tôi cũng tin rằng ông ấy có năng lực này. Nhậm Chí Cường nhất định sẽ nắm bắt cơ hội này”.

Một nhân viên kế toán nghỉ hưu ngày trước từng làm việc tại Ủy ban Quản lý và Giám sát Tài sản Nhà nước Trung Quốc nói với kênh CNA rằng, năm đó ông đã từng kiểm tra tài khoản của tập đoàn Hoa Viễn (Huayuan Group) và ông Nhậm Chí Cường, “Các tài khoản đều rất rõ ràng. Hơn nữa, ông Nhậm Chí Cường năm đó là người có thu nhập cao với thu nhập hàng năm lên đến vài triệu Nhân dân tệ. Dưới tình huống này, ông Nhậm Chí Cường có cần phải tham nhũng nữa không?”.

Cao Du, một người trong giới truyền thông Trung Quốc cho biết: “Ông Nhậm Chí Cường không mời luật sư. Bản thân ông ấy từng nói rõ rằng ông ấy sẽ tự bào chữa cho mình. Khi ông ấy nghỉ hưu (năm 2014), ông ấy đã thực hiện kiểm toán công việc và không có vấn đề gì”.

Ông Nhậm Chí Cường, năm nay 69 tuổi, sinh tháng 3/1951 tại tỉnh Sơn Đông. Cha của ông là Nhậm Tuyền Sinh (Ren Quansheng), cựu thứ trưởng Bộ Thương mại Trung Quốc. Ông là một “thế hệ đỏ thứ hai” điển hình. Ông Nhậm Chí Cường nổi tiếng là người dám ăn ngay nói thẳng, vậy nên có biệt danh là “Nhậm đại pháo”.

Về việc ông Nhậm Chí Cường bị kết tội vì lời nói của mình, ông Dương Kiện Lợi (Yang Jianli), người sáng lập Lực lượng Công dân, một tổ chức phi chính phủ có trụ sở tại Washington, D.C., nói với hãng thông tấn VOA rằng vụ án ông Nhậm Chí Cường “cho thấy sóng ngầm đang cuộn trào bên trong thể chế ĐCSTQ”.

Hiện, vụ án ông Nhậm Chí Cường vẫn đang tiếp tục thẩm lý. Kênh truyền hình Đức Deutsche Welle phân tích rằng do ông Nhậm Chí Cường là thế hệ đỏ thứ hai, nên nếu nhà chức trách xử lý nghiêm khắc ông Nhậm Chí Cường có thể sẽ dẫn đến làn sóng phản ứng lớn từ thế hệ đỏ thứ hai, không loại trừ thế hệ đỏ thứ hai chống Tập cũng sẽ theo đó trỗi dậy.

Phân tích chỉ ra rằng chính quyền ĐCSTQ trước đó không công khai tin tức về phiên tòa xét xử ông Nhậm Chí Cường, mà cố tình xử lý một cách âm thầm, điều này cho thấy rằng người đứng đầu cũng không dám hoặc không muốn dồn ông Nhậm Chí Cường đến chỗ chết để ngăn chặn các lực lượng chống Tập trong thế hệ đỏ thứ hai “vùng lên” quyết một phen sống chết với ông Tập Cận Bình.

Theo Dai Ming, Epochtimes
Vũ Dương biên dịch

Cháy rừng dữ dội ở Mỹ 

Thống đốc bang Kate Brown cho biết hàng chục người mất tích chỉ riêng ở bang Oregon, khi các đám cháy rừng dữ dội tiếp tục quét qua các bang Bờ Tây nước Mỹ, theo BBC.

Hỏa hoạn đã hoành hành ở California, Oregon và Washington trong ba tuần.

Được thổi bùng bởi gió trong bối cảnh nắng nóng kỷ lục, các ngọn lửa đã thiêu rụi hàng triệu mẫu Anh, phá hủy hàng nghìn ngôi nhà và giết chết ít nhất 25 người.

Chính quyền Trump ‘mở rộng vòng tay’ chào đón doanh nghiệp Mỹ trở lại từ Trung Quốc 

Trưởng ban cố vấn kinh tế Nhà trắng Larry Kudlow cho biết hôm thứ Sáu (11/9) rằng chính quyền Trump có thể tạo ra các động lực tài chính và tín dụng để hỗ trợ doanh nghiệp Mỹ chuyển dời hoạt động sản xuất từ Trung Quốc trở về đất mẹ, tạo việc làm cho người dân Mỹ, theo The Epoch Times.

“Nó giống như đứa con hoang tàng trong Kinh thánh, bạn biết đấy, chúng tôi muốn đứa con hoang tàng đó trở về nhà”, ông Kudlow phát biểu tại hội nghị trực tuyến thường niên của Ngân hàng Xuất nhập khẩu Hoa Kỳ (Exim).

“Và chúng ta sẽ mở rộng vòng tay cho đứa con hoang tàng và châm chước cho nó bất cứ phần thưởng nào mà chúng ta có thể”.

Sự gián đoạn chuỗi cung ứng do đại dịch gây ra đã thúc đẩy nhu cầu đưa dây chuyền sản xuất các lĩnh vực quan trọng trở lại Hoa Kỳ.

EU tổ chức diễn đàn đầu tư ‘quan trọng’ tại Đài Bắc

Các nước thành viên Liên minh châu Âu (EU) sẽ tổ chức diễn đàn đầu tiên của họ tại Đài Bắc để trao cơ hội đầu tư trực tiếp cho các công ty Đài Loan, với đặc phái viên hàng đầu EU khuyến khích các doanh nghiệp địa phương đóng vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế hậu đại dịch tại châu Âu, theo Taiwan News.

Theo ông Filip Grzegorzewski, người đứng đầu Văn phòng Kinh tế và Thương mại Châu Âu (EETO) ở Đài Loan, các doanh nghiệp Đài Loan muốn tăng cường sự hiện diện của họ ở châu Âu, đặc biệt là vào thời điểm chuỗi cung ứng toàn cầu đang được tái cấu trúc do đại dịch Covid-19. 

Trong một cuộc phỏng vấn độc quyền với thông tấn xã Đài Loan CNA hôm thứ Sáu, ông Grzegorzewski cho biết các công ty trên khắp thế giới đã rút ra bài học từ cuộc khủng hoảng Covid-19.

Ông nói: “Chúng ta phải xem xét lại chuỗi cung ứng toàn cầu và khả năng phục hồi hoạt động kinh doanh”, đồng thời cho biết EU không muốn quá phụ thuộc vào một thị trường hoặc một nguồn nguyên liệu thô nào đó. 

10.000 phụ nữ tuần hành đòi tổng thống Belarus từ chức

Khoảng 10.000 phụ nữ đã diễu hành tại thủ đô Belarus hôm thứ Bảy (12/9), đập nồi niêu xoong chảo và la hét đòi tổng thống độc tài của nước này từ chức trong cuộc biểu tình lớn chống chính phủ đã bước sang ngày thứ 35 liên tiếp, theo AP.

Nhiều người mang theo chân dung của Maria Kolesnikova, một nhà lãnh đạo Hội đồng Điều phối Phe đối lập đang yêu cầu tổ chức bầu cử lại cho quốc gia 9,5 triệu dân từng thuộc Liên Xô cũ này. 

Cô đã bị bỏ tù trong tuần sau khi cảnh sát cố gắng buộc cô rời khỏi đất nước.

Pháp báo cáo số ca nhiễm mới Covid cao kỷ lục

Hơn 10.000 ca nhiễm Covid-19 mới đã được xác nhận ở Pháp chỉ trong một ngày – con số ca nhiễm mới hàng ngày cao nhất tại quốc gia Châu Âu này kể từ khi đại dịch bùng phát, theo Sky News.

Tổng cộng 10.561 ca nhiễm Covid-19 mới đã được ghi nhận hôm thứ Bảy (12/9), lần đầu đạt mốc 10.000 ca trong vòng 24 giờ tại Pháp.

Tổng số ca nhiễm đã vượt mốc kỷ lục trước đó là 9.843 ca mới một ngày được ghi nhận hôm thứ Năm.

Mỹ ‘quan ngại sâu sắc’ chính quyền Trung Quốc bắt 12 nhà hoạt động Hồng Kông

Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo (ảnh: Reuters).

Ngoại trưởng Mike Pompeo hôm thứ Sáu (11/9) cho biết Hoa Kỳ quan ngại sâu sắc về việc chính quyền Trung Quốc bắt giữ 12 nhà hoạt động dân chủ Hồng Kông, theo Reuters.

Các nhà hoạt động dân chủ này đang bị giam tại tỉnh Quảng Đông, Trung Quốc. Ông Pompeo nói rằng giới chức Trung Quốc không cho luật sư tiếp cận các nhà hoạt động và cũng không cung cấp thông tin về tình trạng sức khỏe hoặc các cáo buộc chống lại họ.

Các nhà hoạt động đã bị bắt ngoài khơi bờ biển Hồng Kông khoảng hai tuần trước. Vào cuối tháng 8, Cục Cảnh sát biển tỉnh Quảng Đông cho biết trong một bài đăng trên mạng xã hội rằng họ đã bắt giữ ít nhất 10 người Hồng Kông sau khi chặn một chiếc thuyền ở biển phía nam tỉnh Quảng Đông. Truyền thông Hồng Kông dẫn các nguồn tin cho biết 12 người đang trên đường đến Đài Loan để xin tị nạn chính trị.

Đặc khu trưởng Hồng Kông Carrie Lam hồi đầu tuần tuyên bố nếu họ “bị bắt vì hành vi phạm luật ở đại lục thì họ phải bị xử lý theo luật pháp ở đại lục”.

“Chúng tôi chất vấn về cam kết mà bà đặc khu trưởng Carrie Lam đã tuyên bố về việc bảo vệ quyền lợi của người dân Hồng Kông, và kêu gọi các nhà chức trách đảm bảo quy trình hợp lệ”, ông Pompeo cho biết.

Quan hệ Mỹ – Trung đang ở mức thấp nhất trong nhiều thập niên qua do một loạt vấn đề, trong đó có Hồng Kông. Washington từng nhiều lần lên án Bắc Kinh cũng như chính quyền Carrie Lam vì bóp nghẹt nền dân chủ của Hồng Kông. Bộ Tài chính Mỹ hôm 7/8 thông báo áp lệnh trừng phạt với bà Carrie Lam cùng 10 quan chức Hồng Kông và Trung Quốc đại lục vì làm suy yếu quyền tự trị của đặc khu.

Mỹ dành hơn 153 triệu USD cho các dự án hợp tác khu vực Mêkông

Ngoại trưởng Michael Pompeo tham gia hội nghị trực tuyến với các ngoại trưởng 10 nước ASEAN (ảnh: Bộ Ngoại giao Mỹ/Vietluan).

Tại Hội nghị Bộ trưởng quan hệ đối tác Mêkông – Mỹ lần thứ nhất diễn ra hôm 11/9, Bộ ngoại Giao Mỹ cam kết dành khoảng 153,6 triệu USD cho các dự án hợp tác tại khu vực sông Mêkông.

Theo Truyền thông trong nước, hội nghị được tổ chức theo hình thức trực tuyến, do Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Bình Minh và Thứ trưởng Thường trực Mỹ Stephen Biegun (thay mặt Ngoại trưởng Michael Pompeo) đồng chủ trì, với sự tham dự của Bộ trưởng Ngoại giao các nước Campuchia, Lào, Myanmar, Thái Lan và Tổng Thư ký ASEAN.

Hội nghị chính thức công bố nâng cấp hợp tác lên Quan hệ đối tác Mekong – Mỹ (MUSP) trên cơ sở thành công của Sáng kiến Hạ nguồn Mêkông (LMI) thành lập năm 2009.

Các nước khu vực sông Mekong và Mỹ đã hợp tác chặt chẽ trên lĩnh vực quản lý bền vững tài nguyên nước, bảo vệ môi trường, ứng phó thiên tai, y tế, giáo dục, kết nối khu vực. Các bộ trưởng nhận định MUSP cần hướng tới mục tiêu thúc đẩy hòa bình, ổn định và thịnh vực trong khu vực, hỗ trợ thực hiện Mục tiêu phát triển bền vững 2030 và Tầm nhìn Cộng đồng ASEAN 2025. MUSP cần “đề cao nguyên tắc ASEAN làm trung tâm, cởi mở, bình đẳng, đồng thuận, cùng có lợi, minh bạch, tôn trọng chủ quyền của các nước, không can thiệp, tôn trọng luật pháp quốc tế cùng quy định và luật pháp của các nước thành viên”.

Các lĩnh vực MUSP dự kiến tập trung gồm kết nối kinh tế, quản lý bền vững nguồn nước, tài nguyên thiên nhiên và bảo vệ môi trường, an ninh phi truyền thống, phát triển nguồn nhân lực.

Tại hội nghị, Bộ Ngoại giao Mỹ thông báo Mỹ dành 153,6 triệu USD cho các dự án hợp tác tại khu vực Mêkông, trong đó có 55 triệu USD cho các dự án phòng chống tội phạm xuyên biên giới; 1,8 triệu USD hỗ trợ Ủy hội sông Mêkông tăng cường chia sẻ dữ liệu nguồn nước phục vụ công tác hoạch định chính sách và một số dự án về quản lý thiên tai, tổ chức đối thoại chính sách nhiều bên về phát triển khu vực Mêkông.

Trước đó Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo đã lên ủng hộ việc Uỷ ban sông Mêkông hôm 14/8 kêu gọi kêu gọi Trung Quốc và các nước Đông Nam Á chia sẻ thêm dữ liệu về hoạt động đập thủy điện một cách minh bạch và nhanh chóng, khi dòng nước ở sông Mêkông xuống mức thấp kỷ lục sang năm thứ 2 liên tiếp khiến cộng đồng ở các nước thành viên – Campuchia, Lào, Thái Lan và Việt Nam mất nguồn thủy sản và tiềm năng tưới tiêu.

Theo Uỷ ban sông Mêkông, mực nước sông Mekong thấp kỷ lục là do lượng mưa giảm trong 2 năm và hoạt động của 13 đập thủy điện ở thượng nguồn, trong đó có 11 đập của Trung Quốc.

Mới đây hôm 10/9, tại cuộc họp trực tuyến cấp bộ trưởng với các thành viên ASEAN, ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo cũng cho biết sẽ chi 87 triệu USD mở văn phòng ở Việt Nam để ứng phó Covid-19.

Các nhà lập pháp Mỹ chất vấn Disney về phim ‘Hoa Mộc Lan’

Một nhóm nhà lập pháp lưỡng đảng Mỹ đã thúc giục Giám đốc điều hành Walt Disney, ông Bob Chapek, giải thích mối quan hệ của tập đoàn giải trí và truyền thông này với các cơ quan “an ninh và tuyên truyền” tại khu vực Tân Cương (Trung Quốc) trong quá trình sản xuất bộ phim sử thi chiến tranh “Hoa Mộc Lan”, theo Reuters.

Bản làm lại bộ phim hoạt hình kinh điển về một nữ chiến binh cổ đại nổi tiếng ở Trung Quốc với mức vốn đầu tư lên đến 200 triệu USD của Disney đã gây tranh cãi vì được bấm máy một phần tại khu vực Tân Cương, nơi cuộc đàn áp người Duy Ngô Nhĩ và những người Hồi giáo khác của Bắc Kinh đang bị  nhiều chính phủ, bao gồm Mỹ và các tổ chức nhân quyền lên án.

“Sự hợp tác rõ ràng giữa Disney với các quan chức Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa, những người chịu trách nhiệm hàng đầu trong việc tiến hành các hành vi tàn bạo – và việc che đậy những tội ác đó – là điều vô cùng đáng lo ngại”, các thượng nghị sĩ và đại diện Đảng Cộng hòa viết trong lá thư hôm thứ Sáu (11/9).

Bức thư thúc giục Disney đưa ra lời giải thích chi tiết cho vấn đề này.

Gia đình các nhà hoạt động Hồng Kông bị bắt yêu cầu phóng thích thân nhân khỏi trại giam Trung Quốc

Thân nhân 6 nhà hoạt động dân chủ trong buổi họp báo yêu cầu phóng thích thân nhân (ảnh Reuters).

Một nhóm các gia đình Hồng Kông hôm nay đã yêu cầu phóng thích ngay lập tức thân nhân là các nhà hoạt động dân chủ bị chính quyền Trung Quốc bắt giam hồi tháng trước khi cố gắng chạy đến Đài Loan bằng thuyền, theo Reuters.

Thân nhân của 6 trong số 12 nhà hoạt động bị giam giữ đã đeo khẩu trang và đội mũ để che giấu danh tính khi họ lần đầu công khai kêu gọi sự giúp đỡ đối với hoàn cảnh của họ. Đi cùng họ là một số chính trị gia ủng hộ dân chủ tại địa phương.

Một số người đã khóc nức nở khi đưa ra một số yêu cầu, bao gồm việc cho phép những người bị giam giữ tham vấn luật sư do gia đình chỉ định chứ không phải do chính phủ Trung Quốc chỉ định, và phải được phép liên lạc với người thân của họ ở Hồng Kông.

Ngoại trưởng Mike Pompeo hôm thứ Sáu cho biết Hoa Kỳ quan ngại sâu sắc về việc chính quyền Trung Quốc bắt giữ 12 nhà hoạt động dân chủ Hồng Kông.

Ứng viên thủ tướng Nhật tiềm năng muốn thắt chặt kênh liên lạc với láng giềng châu Á

Chánh văn phòng Nội các Nhật Bản Yoshihide Suga, ứng viên được nhiều người kỳ vọng sẽ kế nhiệm ông Shinzo Abe làm tân thủ tướng, hôm nay cho biết ông muốn thúc đẩy các mối liên hệ ngoại giao vững chắc với các nước láng giềng châu Á, bao gồm Trung Quốc và Hàn Quốc, theo Reuters.

Yoshihide Suga

Ông Suga đã đưa ra bình luận trên trong một cuộc tranh luận trên truyền hình với các ứng viên đối thủ cho cuộc bầu cử vị trí lãnh đạo Đảng Dân chủ Tự do (LDP) cầm quyền hôm thứ Hai (7/9) để thay thế ông Abe làm người đứng đầu đảng. Người chiến thắng hầu như chắc chắn sẽ trở thành thủ tướng do Đảng này chiếm đa số trong nghị viện Nhật.

Hồi tháng trước ông Abe đã từ chức vì sức khỏe kém.

Cuộc đàm phán hòa bình ở Afghanistan bắt đầu với đề xuất ngừng bắn

Các đại diện chính phủ Afghanistan và lực lượng nổi dậy Taliban đã tập hợp hôm nay cho cuộc đàm phán hòa bình lịch sử nhằm mục đích chấm dứt hai thập kỷ chiến tranh đã giết chết hàng chục nghìn binh sĩ và dân thường, theo Reuters.

Trước khi các bên tham chiến ngồi xuống để đàm phán mặt đối mặt trong những ngày tiếp theo, họ đã được nhiều quốc gia và tổ chức thúc giục đạt được một thỏa thuận ngừng bắn tức thì và xây dựng một thỏa thuận duy trì quyền lợi của phụ nữ.

Chính phủ Tổng thống Mỹ Donald Trump đã nỗ lực đặt dấu chấm hết cho cuộc xung đột dai dẳng nhất của nước Mỹ trong bối cảnh ông đang tìm kiếm một nhiệm kỳ tiếp theo, đã bày tỏ ý định sử dụng viện trợ làm đòn bẩy cho một thỏa thuận.

Lễ khai mạc cuộc đàm phán diễn ra một ngày sau lễ kỷ niệm 19 năm vụ tấn công 11/9 nhằm vào Mỹ khiến nước này can thiệp quân sự vào Afghanistan.

Iran hành quyết võ sĩ biểu tình đòi dân chủ thu hút sự chú ý quốc tế

Truyền hình nhà nước Iran đưa tin giới chức nước này đã hành quyết một đô vật với cáo buộc sát hại một người đàn ông sau khi Tổng thống Donald Trump yêu cầu tha mạng, theo AP.

Trường hợp của Afkari đã thu hút sự chú ý của một chiến dịch truyền thông xã hội miêu tả anh và những người anh em của anh là nạn nhân chính trị do tham gia biểu tình chống chế độ thần quyền người Shiite của Iran hồi năm 2018.

Iran đã phát sóng màn thú tội trên truyền hình của tay đô vật này vào tuần trước. Đoạn phim có sự tương đồng với hàng trăm lời thú tội cưỡng chế bị tính nghi khác được phát sóng trong thập kỷ qua tại quốc gia Cộng hòa Hồi giáo.

Trước đó, Tổng thống Trump đã bày tỏ mối quan ngại của ông về trường hợp của Afkari trên Twitter cá nhân.

“Gửi tới các nhà lãnh đạo của Iran, tôi sẽ đánh giá rất cao nếu các vị có thể tha mạng cho người thanh niên này và không xử tử anh ta”, ông Trump viết hồi tuần trước. “Cảm ơn các vị!”

Related posts