Thu Tuyết
Một người bạn Facebook đã hỏi tôi: “Có bao nhiêu mùa xuân trong cuộc đời người phụ nữ?”
Tuổi ấu thơ, Tết là thiên đường, là hân hoan với mọi thứ chumg quanh. Những bộ quần áo rực rỡ, hoà vào sắc hoa xuân cùng đàn bướm lượn lờ… và màu nắng, tạo nên một sắc thái riêng của xuân mà không lẫn lộn vào đâu được.
Riêng tôi lúc ấy, nghe như có cái mùi của xuân. Đó là một hỗn hợp mùi: mùi từ bộ quần áo mới, mùi các loại hoa ngan ngát lan trong không khí, mùi thịt nướng bay khắp làng và đặc biệt là cái mùi của trẻ con rộn ràng đi chúc tết ông bà. Thật ra lúc ấy tôi “hứng thú” đến nhà ông bà là vì thích cái bao lì xì màu đỏ, sẵn sàng khoanh tay dạ thưa khi được gọi tên.
Để được ngày mồng một linh thiêng bên mâm cơm cúng ông bà đầy đủ, Mẹ tôi phải vất vả hàng tháng trước đó làm các loại bánh mứt, dưa kiệu dưa hành dưa món… Nhà cửa được dọn dẹp sạch sẽ đặc biệt là bàn thờ phải tinh tươm với nhang đèn hoa quả. Vì là con gái, nên tôi bị Mẹ sai vặt, từ việc phụ trong bếp đến việc theo bà đi chợ để xách đồ.
Sung sướng nhất là khi được Mẹ cho thử quần áo mới. Đồ mới luôn đẹp. Được mặc nó, được đi chơi và được nhận tiền lì xì trong những ngày đầu năm. Không biết có phải vì những lý do này mà chúng tôi, những đứa trẻ con luôn mong đến tết. Nhất là con gái, ít ra trong những ngày này không bị Mẹ sai vặt. Vì vậy, mỗi năm là một cái xuân.
Rồi đến mùa xuân thứ 16, các cô gái bắt đầu để ý đến màu sắc kiểu dáng của bộ áo quần mới, bắt đầu thích đổi kiểu tóc, thích một chút đồ trang sức và hay ngắm mình trong gương. Đôi mắt long lanh, má và môi hồng hơn. Bắt đầu biết e thẹn khi bị ánh mắt của một đứa con trai nào đó nhìn theo. Cũng không còn thích các bao lì xì màu đỏ nữa mà thích đi chơi với những đứa con gái cùng lứa để rôm rả những câu chuyện tập làm người lớn.
Rồi cứ thế, nhiều mùa xuân trôi qua đã làm họ dịu dàng trầm lắng, tâm hồn bay bổng với những giấc mơ lạ. Còn gì đẹp bằng cái tuổi “hồn hoang” này.
Cho đến một mùa xuân thứ …, tôi nghĩ mình đã lớn để duyên dáng trong chiếc áo dài hồng với những bông hoa trắng rớt trên vạt áo lụa mềm, làm phù dâu cho cô bạn thân rạng rỡ trong ngày cưới. Đôi má tôi ửng hồng khi chạm phải ánh nhìn say đắm của anh chàng phù rể lịch lãm, để rồi có nhiều mùa xuân hạnh phúc tiếp nối.
***
Người ta nói, hôn nhân là một kết thúc (khía cạch nào đó), là nhốt mình vào địa ngục. Nếu không là “…đi bên cạnh cuộc đời…Từng mùa thu chết mùa thu chết…” thì cũng: Em đứng đó bên góc đời lặng lẽ. Giữa hoàng hôn và bóng tối bủa vây… Ôi là đủ thứ não nề nghe hay lắm bởi “Tình chỉ đẹp khi còn dang dở”, nhưng thực chất ai cũng muốn chui vào cái ngục ấy cho dẫu có kết thúc cuộc đời.
Có những cái ngục không tối tăm hay chỉ tối tăm từng giai đoạn, nhưng cũng có những cái ngục tối tăm vĩnh viễn trừ phi ta thoát khỏi nó để bước hoặc không bước vào cái ngục khác. Mỗi người phụ nữ có một cách để xây dựng cái ngục của mình, có thể biến nó thành thiên đường hay ngược lại. Tất cả đều có giá trị riêng của nó. Chúng ta không nói đúng hay sai; bởi nó tuỳ vào hoàn cảnh, quan niệm sống, hoặc số phận của mỗi người
Khi xã hội phát triển, ngày càng có nhiều cuộc hôn nhân đổ vỡ hơn. Trái ngược với thời của ông bà chúng ta, hôn nhân đôi khi do sắp đặt; nhưng hầu hết họ sống với nhau cho đến cuối cuộc đời.
Một trong những tư tưởng của Chủ nghĩa phong kiến đã hình thành sâu trong nếp nghĩ của người Phương Đông nói chung, người Việt nói riêng là “Tam tòng, Tứ đức”. “Tại gia tòng phụ. Xuất giá tòng phu. Phu tử tòng tử”, và “Công Dung Ngôn Hạnh”. Chính vì văn hoá ấy mà người phụ nữ luôn cam chịu và an phận. Họ tự tạo cho mình những hạnh phúc quanh quẩn bên gia đình, con cái… để thích nghi với cuộc sống lúc bấy giờ.
Khi văn hoá phương Tây thâm nhập vào Việt Nam bắt đầu từ thời kỳ Pháp thuộc, người phụ nữ đã làm một cuộc cách mạng lớn để thoát khỏi ảnh hưởng của Chủ Nghĩa Phong Kiến. Qua thời gian, ý thức hệ của họ đã thay đổi. Họ xây dựng một tính cách mới: độc lập và mạnh mẽ để bước ra xã hội và tham gia vào nhiều lĩnh vực mà trước đây chỉ có nam giới. Họ không còn lệ thuộc vào người đàn ông. Họ đòi hỏi quyền bình đẳng. Và cũng từ đó những cuộc ly hôn ngày càng gia tăng.
Theo thống kê cho thấy hiện có khoảng 60.000 vụ ly hôn trong một năm. Tương đương 0,75/1000 dân. 70% người đứng đơn là phụ nữ (Nhiettam.vn: Vì đâu tỉ lệ ly hôn ngày càng cao). Đáng chú ý là số vụ ly hôn tăng vọt sau đại dịch Covid 19 trong giai đoạn cách ly, đặc biệt là Trung Quốc, với những lý do rất đơn giản: Thu nhập giảm, chạm mặt nhau quá nhiều… Từ đó, mâu thuẫn xảy ra và đã đẩy nhiều cuộc hôn nhân xuống vực thẳm (VN express.net: Ly hôn tăng vọt sau đại dịch).
Những yếu tố khách quan ngày càng nhiều hơn đã tác động đến tuổi thọ của cuộc sống gia đình. Vì những lý do nêu trên mà có rất nhiều người phụ nữ hiện đại hạnh phúc với sự lựa chọn đời sống độc thân.
Vì vậy, “có bao nhiêu mùa xuân cho người phụ nữ” là tuỳ thuộc vào sự lựa chọn kiểu sống của mỗi cá nhân, như vun vén một gia đình hoặc một cuộc sống tự do. Với tôi, mỗi cái Tết là một mùa xuân, và mỗi ngày đi qua là một ngày xuân nếu ta nghĩ đó là xuân.
Melbourne, 7/9/2020
TÔI NHỚ
Thu Tuyết
Tôi nhớ, ngày hạ dài mẹ qua cầu gánh nắng
Trời nghiêng nghiêng cong vành nón mong manh
Giọt mồ hôi mằn mặn chát quai lành
Bóng mẹ hắt giòng sông con nước lặng
Tôi nhớ, buổi chiều vàng cánh diều treo lơ lửng
Sáo vi vu, ru hát khúc thanh bình
Lũ trẻ con theo gió chiều đạp nắng
Bầu trời thơ, thả sợi nắng lung linh
Tôi nhớ, một sáng thu con đường làng sương ướt
Mẹ ra đồng mờ bóng dưới sương thu
Bờ vai nghiêng trĩu nặng chất nỗi niềm
Gánh tất tả mùa thu, hàng liễu rũ
Tôi nhớ, hiên nhà xưa, quanh năm gió gọi
Đàn bồ câu túc túc chạy quanh sân
Ba tôi vốc đầy tay một nắm thóc
Vung nhẹ nhàng cho hạt rớt long lanh
Và tôi nhớ, tôi không còn cô bé
Để gió chiều mơn trớn lọn tóc thưa
Cô bé ơi, bây giờ xa lắm
Cả bầu trời, tôi muốn đổi một ngày xưa…
Sydney, 25/04/2016
MÊNH MANG CHÚT NHỚ (tiếp theo)
Thiên Hương
Trời đã bắt đầu nhạt dần ánh nắng, vùng địa cực mùa hè 9g vẫn còn sáng lắm. Chúng tôi đi lên điểm cao của thành phố mỏ ngắm xuống thành phố. Dãy núi Grampians xa xa như dáng núi voi nhìn thấy trên đường Ðơn dương Ðà lạt. Thành phố phía dưới nhìn đỏm dáng với vẻ tươm tất gọn gàng. Lòng chợt chùng xuống khi nhớ về Ðà lạt. Ðã bao nhiêu người bạn đã trở về, và đã cất lời than thở về nét romantic của Ðà lạt đã mất đi. Ðã nhiều lần tôi trở về thành phố đó, và nỗi buồn trong mỗi lần về hình như lại lũy tích thêm lên. Mỗi lần về là lại thấy thêm nhiều thay đổi. Lại thấy nhiều rặng cây mất đi, nhiều kiến trúc lại thêm xây dựng. Việc xây dựng xảy ra nhanh chóng và chụp giật làm thành phố như từ một cô gái e ấp dịu dàng, sau vài ngày trở lên thành phố, khoác vội những món đồ trang sức rẻ tiền, những chiếc áo cắt may vội vã, phấn son vụng về loang lổ…
“Hôm qua em đi tỉnh về,
Ðợi em ở mãi con đê đầu làng.
Khăn nhung quần lĩnh rộn ràng
Áo cài khuy bấm em làm khổ tôi!
….
Nói ra sợ mất lòng em
Van em em hãy giữ nguyên quê mùa…
Hoa chanh nở giữa vườn chanh
Thày u mình với chúng mình chân quê
Hôm qua em đi tỉnh về,
Hương đồng gió nội bay đi ít nhiều”
(Chân Quê- Nguyễn Bính)
Cái nét mộc mạc đơn sơ của Ðà lạt bây giờ đã đi đâu mất. Cái hương đồng gió nội ngày nay cũng không còn. Những ngôi nhà nhỏ e ấp dưới những dàn hoa giấy, những con dốc nhỏ thẹn thùng sau những hàng thông cũng đã tan biến theo thời gian . Các căn nhà đã bước hẳn ra lề đường, những quán ăn, những nhà nghỉ đã đua nhau chường mặt trên đường phố. Valley d’amour đã mất hẳn nét huyền bí hoang sơ để chỉ còn những mái lều ngoi lên vội vã chưng bày sản phẩm Ðà lạt. Ðà lạt đã mất hẳn chất thơ, mất hẳn nét dịu dàng đằm thắm và duyên dáng của cô con gái tỉnh nhỏ ngày xưa. Ðà lạt ơi, Ðà lạt ơi….
Tôi lại nhớ đến những hụt hẫng của mình khi đứng trên đồi Ða thiện nhìn về khu trường Ða nghĩa hồi xưa. Hàng khuynh diệp bố tôi vun vén ngày xưa đã đi đâu mất. Hình ảnh con bé nhỏ xíu học lớp Mẫu giáo, mỗi chiều ra sớm ngồi một mình trên hàng ghế đá đợi các anh chị tan học để cùng về. Rồi những hàng nước mắt nhõng nhẽo với bố để xin vào lớp năm. Học được vài ngày lại nhức đầu vì phải học bài và làm toán để lại đòi trở lại lớp mẫu giáo. Sau vài buổi chiều ra sớm, ngồi buồn thiu nhặt lá trên sân lại xin trở về lớp năm. Một năm chạy đi chạy lại với kết quả cả năm là vị thứ 57 trên sĩ số 63. Vậy mà cuối năm vẫn đòi lên lớp tư để học làm Bố trợn mắt, biết cái gì mà lên. Nhưng con bé vẫn phụng phịu, nếu tháng đầu con không đứng nhất bố đuổi con xuống lớp mẫu giáo con cũng chịu. Làm bố phì cười và con bé phải ráng để không mang tiếng sạo với bố. Cái ngày xa xưa ấy, cái hình ảnh ấy giờ đang ở đâu. Chỉ còn tôi, đang đứng đây với nỗi nhớ làm mi mắt trĩu nặng. Thày Tín, thày Ðính, thày Tùng, cô Nhâm, cô Hướng, cô Thủy Tiên, cô Yến, v.v… các thầy cô giáo ngày xưa, giờ người đã khuất bóng, người đang ở xa xôi, làm thế nào cho tôi tỏ được tấm lòng kính nhớ và biết ơn về những công lao dậy dỗ.
Những buổi phát thanh trên đài, những buổi đứng đánh tay tập làm nhạc trưởng cho các màn hợp xướng của thày Tín. Những buổi đi học lớp học mẫu, những ngày ấy giờ chỉ còn là chút hương hoa cho khu vườn kỷ niệm ngày xưa và làm tia nhìn mù sương trong mịt mùng nhung nhớ.
Ðã bắt đầu có những cơn gió mát. What a nice breeze… Ngày xưa, cái ngày còn bé tí bố đi đâu cũng lẽo đẽo đằng sau. Mà sao lạ, cái thời bấy giờ mà bố chăm con gái út quá trời, đi họp Sài gòn cũng kéo theo cô con gái, làm babysit ở mọi nơi mọi chỗ. Giờ tôi vẫn không hiểu những người vào họp với bố có buồn cười không khi lúc nào cũng chễm chệ trên ghế một con bé mắt tròn xoe ngồi cạnh bố. Làm sao tôi quên được cái thời gian nhỏ xíu làm cục cưng của cả nhà và của cả đám bạn vong niên của bố.
Một tàng lá từ cây táo nhỏ trong hàng rào xòa xuống trán, nhìn những trái táo chín đỏ, tôi chợt nhớ đến những cây ăn trái trồng trong chậu kiểng của một người bạn thân với bố. Mỗi cây hình như chỉ có một trái và lúc nào cũng để dành cho tôi đến hái. Nhớ đến những buổi tối nằm ngủ dưới chân bố, dưới những hàng thiên lý tỏa mùi nhè nhẹ, mùi nước trà thoang thoảng, dưới ánh đèn nê ông trong suốt hắt lên những ánh sáng mềm dưới tùm lá xanh và thoang thoáng bóng những chùm kim điệp vàng óng ả, văng vẳng là tiếng truyện trò về thơ văn của bố và của các bác. Các ngày ấy sao giờ đã xa lắm, như những ngày xưa trong truyện cổ tích.
Rồi đến ngày bố dắt tay con gái vào xem phòng thi vào lớp đệ thất ở trường Bùi thị Xuân. Khu trường vắng, rộng làm cô con gái nắm chặt tay bố. Phòng thi ở tầng hai, dãy bên phải từ ngoài nhìn vào, sau này là lớp đệ Lục II. Lúc bước lên bậc thang, sao nhìn cầu thang cao hun hút, tôi sợ té dễ sợ. Khung trời bị cắt thành từng ô xanh vuông vắn. Cái khung trời ấy đã nuôi tôi lớn, đã ôm ấp bao nhiêu mộng mơ của một thời con gái.
(Còn tiếp)