Lúc đó là vào nửa đêm, bảy tên công an ở Bắc Kinh ập vào căn nhà có ký giả Úc Bill Birtles ở. Bill Birtles làm việc cho đài ABC Úc và đã từng ở Bắc Kinh từ năm 2015. Theo dự trù, ký giả Úc này sẽ lên máy bay trở lại Úc vào sáng hôm sau.
Công an cho biết Bill Birtles đã bị cấm rời khỏi Trung Cộng và hôm sau phải trình diện để ‘làm việc’ có liên quan đến một trường hợp an ninh quốc gia. Bill Birtles biết chuyện chẳng lành sắp ập đến. Ký giả Úc gọi ngay cho toà đại sứ Úc và xin cho người đến mang mình đi chỗ khác.
Trong khi đó, cũng vào nửa đêm ở Thượng Hải, công an Cộng Sản gõ cửa nhà ký giả Úc Michael Smith – làm việc cho báo The Australian Financial Review. Công an đòi hôm sau Michael Smith trình diện ‘làm việc’ nhưng ông đã trốn vào lãnh sự quán Úc ở Thượng Hải.
Trong năm ngày đêm, cả hai lánh mình trong toà đại sứ Bắc Kinh hay lãnh sự quán Thượng Hải. Cuối cùng, vào thứ Ba tuần qua hai ký giả Úc đã khoác tay nhau bước xuống phi trường Sydney. Cả hai hít cho đầy phổi một làn không khí trong lành ở đất phương Nam phước đức này.
Khi hai ký giả Bill Birtles và Michael Smith về tới Sydney thì ở bên Trung Cộng không còn một ký giả Úc làm việc cho báo Úc nào cả. Đây là khoảng trống lần đầu tiên kể từ năm 1973. Nhớ lại, khi phương Tây đánh thức con rồng Trung Hoa thì Úc là một trong những nước đầu tiên bắt tay với Trung Cộng (cũng như Úc là đã làm thế với Bắc Việt). Qua 50 năm, sau khi ông Gough Whitlam bắt tay Chu Ân Lai vào năm 1971 ở Bắc Kinh, hai nước Trung Cộng và Úc Đại Lợi ngày càng kết tình thắm thiết. Úc đào quặng mỏ được bao nhiêu thì bán phần lớn cho Trung Cộng. Trung Cộng cần bao nhiêu người tài thì gởi con ông cháu cha sang Úc du học. Có những năm, di dân vào Úc đông nhất là từ Trung Cộng. Nhưng tình Tàu-Úc này đã thành sóng gió khi Trung Cộng bị chạm nọc vì Úc đòi mở điều tra về gốc gác con Corona, Úc bác bỏ chủ quyền của Trung Cộng ở Biển Đông, và Úc đứng về phía người biểu tình ở Hongkong. Ngược lại, Trung Cộng ỷ mình là thị trường hơn tỷ dân nên yêu sách ngưng mua thịt bò, đánh thuế lúa mạch và ỏng ẹo với rượu nhập cảng từ Úc.
Trong khi hai nước chỉ lời qua tiếng lại về buôn bán thì bộ ngoại giao Úc đã lường trước nước cờ của Trung Cộng. Từ tháng Bảy, Úc khuyên công dân suy nghĩ kỹ trước khi bước vào vòng cương toả của Trung Cộng. Canberra nói thẳng với công dân khi qua bển coi chừng bị bắt vô cớ. Nói như thánh! Từ giữa tháng Tám, công an Trung Cộng chộp bà Cheng Lei (Trình Lôi). Bà này sinh ở Trung Cộng nhưng lớn lên, ăn học và có quốc tịch Úc. Bà Trình Lôi từ Úc về nước làm việc cho đài truyền hình của Cộng Sản Trung Hoa. Vậy mà cũng bị bắt! Cũng như bất kỳ ai bị bắt ở Việt Nam hay Trung Cộng, tội của họ là ‘nguy hại nền an ninh quốc gia’. Bà Trình Lôi đã bị khép tội này. Sau khi bà Trình Lôi bị chộp, chính phủ Úc đoán Trung Cộng chộp thêm ký giả Úc khác nên đã khuyên hai ông Bill Birtles và Michael Smith rời Trung Cộng.
Nước Tự Do và chế độ Cộng Sản quan niệm khác nhau về việc làm của ký giả. Ký giả của nước Tự Do hành nghề khi xông xáo đưa những chuyện xảy ra trong đời thường. Chuyện của họ có thể là những cay đắng mà cũng có thể là mật ngọt của người dân ở dưới phố. Ngược lại, ký giả làm việc cho đảng Cộng sản là một trong trùng trùng cái loa tuyên truyền. Chính Tập Cận Bình đã nói tên họ của ký giả ở Trung Cộng là ‘Đảng’. Vì quan niệm khác nhau này, điệp viên Cộng Sản dễ dàng luồn lách trong nước Tự Do. Ngược lại, ký giả chuyên nghiệp bị dòm ngó kỹ khi hành nghề trong xứ Cộng Sản.
Nói cho ngay, Trung Cộng chưa bắt giam hai ký giả Úc nhưng bàn tay hắc ám của công an đã sờ tới gáy hai ông Bill Birtles và Michael Smith. Trung Cộng chưa ký giấy trục xuất ký giả Úc nhưng chuyện đã xảy ra vòng vo ở Bắc Kinh và Thượng Hải trong tuần qua cho thấy Trung Cộng không còn muốn thấy ‘cái bản mặt’ Thòi Lòi nữa. Trong tình huống này, cựu ngoại trưởng Úc Bob Carr – người bị coi là phò Trung Cộng, lên tiếng. Ông Bob Carr cho rằng khi Trung Cộng đã chơi xấu bằng cách dùng ký giả làm con cờ thí … thì Úc phải ngồi xuống nghĩ lại có nên tiếp tục giữ mối bang giao với Trung Cộng hay không.
Trước khi, chính phủ hai nước đi thêm nước cờ khác thì khá đông người mang quốc tịch Úc đang có mặt ở bển phải sờ gáy. Họ là những người làm ăn buôn bán, sang bển để nghiên cứu, du lịch hay người Úc gốc Hoa áo gấm về làng… Ngoài ra, vẫn còn vài ba ký giả Úc làm việc cho các hãng thông tấn hay tờ báo của Mỹ.
Xin đừng có thêm người Úc nào ở bển phải một phen lạnh gáy.
Việt Luận