- Lâm Trung Vũ
Một báo cáo của truyền thông Anh đề cập, dưới áp lực quốc tế, Bắc Kinh có thể cần phải “giải quyết” ông Tập Cận Bình. Ngược lại, nếu ông Tập không chấp nhận hạ đài, ĐCSTQ cũng sẽ sụp đổ vì đấu đá nội bộ. Ngày càng gia tăng các dấu hiệu cho thấy khả năng tan rã từ bên trong do hậu quả của những cuộc chiến giành quyền lực.
Ngày 12/9, trong cuộc phỏng vấn với mạng tin tức Daily Express tại Anh, cựu sĩ quan quân đội Anh – cố vấn quốc phòng Nicholas Drummond cho biết, báo cáo tạm thời của cuộc điều tra độc lập về đại dịch viêm phổi Vũ Hán có thể mang lại tai họa cho ông Tập Cận Bình.
Ông Drummond tin rằng khi kết quả điều tra độc lập được công bố, Bắc Kinh sẽ phải đối mặt với hai lựa chọn: buộc ông Tập Cận Bình từ chức trước áp lực quốc tế, hoặc ĐCSTQ và phương Tây bước vào một cuộc chiến tranh lạnh mới. Và bởi vì đại dịch sẽ không chỉ định hình lại mối quan hệ giữa Trung Quốc và Vương quốc Anh, mà còn định hình lại mối quan hệ giữa Bắc Kinh và thế giới. Do vậy, nếu Bắc Kinh muốn thiết lập lại quan hệ với phương Tây và khôi phục quan hệ Trung – Tây theo hướng tích cực, có thể cần phải “sắm thêm một cây chổi mới” để “dọn dẹp nhà” và thay thế ông Tập Cận Bình.
Ông Drummond cho rằng, nếu sáng suốt nhận ra đại dịch COVID-19 không chỉ ảnh hưởng đến nền kinh tế của Trung Quốc, mà còn làm lung lay vị thế quốc gia trong cộng đồng quốc tế, thì Bắc Kinh sẽ phải lựa chọn cách thay thế ông Tập Cận Bình.
Ông phân tích, nếu ông Tập không chịu từ chức, có thể xảy ra tranh giành quyền lực, và chế độ ĐCSTQ có thể sụp đổ từ bên trong.
Mặc dù, khách mời phỏng vấn là ông Drummond, cựu sĩ quan quân đội Anh, và hiện là cố vấn quốc phòng, nhưng chương trình đã bị mạng tin tức Daily Express của Anh xóa lập tức ngay sau khi xuất bản, nội dung được đăng lại trên các trang web tái bản cũng biến mất. Chỉ có một vài trang lẻ tẻ là vẫn còn giữ lại một phần nội dung báo cáo.
Trên thực tế, những gì ngoại giới biết là, ông Tập Cận Bình lên nắm quyền tại Đại hội ĐCSTQ lần thứ 18, đã chống tham nhũng và củng cố quyền lực của mình trong 5 năm. Vào thời điểm “tư tưởng Tập Cận Bình” được đưa vào hiến pháp tại Đại hội ĐCSTQ lần thứ 19, và Hiến pháp đã được sửa đổi thành công vào năm sau, ông Tập bị coi là “cá nhân tập trung quyền lực”.
Tuy nhiên, cuộc chiến thương mại Mỹ – Trung sau đó và chính sách ngoại giao sói chiến của ĐCSTQ tiếp tục gặp thất bại. Năm nay lại phải đối mặt với truy cứu trách nhiệm về việc giấu diếm nguồn gốc virus và tình hình dịch COVID-19. Đồng thời, Bắc Kinh áp đặt Luật An ninh Quốc gia lên đặc khu Hồng Kông và nhiều vấn đề như nhân quyền ở Tân Cương, suy thoái kinh tế, dân chúng bất mãn, tiếng nói phản Tập dấy lên trong đảng…, khiến ông Tập Cận Bình bốn bề khốn đốn.
Đặc biệt, một số Hồng Nhị đại, như Nhậm Chí Cường và Thái Hà, đã công khai nổi dậy chống lại ông Tập, thậm chí còn thiết kế một lộ trình cho việc từ chức của Tập Cận Bình và sự sụp đổ của ĐCSTQ.
Bà Thái Hà (Cai Xia), cựu giáo sư Trường Đảng trung ương, vì một đoạn ghi âm chống ông Tập vào giữa năm nay, mà hôm 17/8 đã bị khai trừ đảng tịch, hủy bỏ toàn bộ đãi ngộ hưu trí. Trong đoạn ghi âm này, bà Thái Hà chỉ trích ĐCSTQ là “thây ma chính trị”, còn ông Tập Cận Bình là “trùm băng đảng”, “nếu không giải quyết cá nhân này, thì thể chế đảng sẽ rơi tự do”… Thật ra, thể chế này tự nó đã không có lối thoát, cải cách chỉ là vô ích, nhất định chỉ có thể là vứt bỏ.
Một bản ghi âm khác của bà Thái Hà được tiết lộ gần đây phân tích con đường hoặc hình thức sụp đổ cuối cùng của ĐCSTQ:
Một là, nó sẽ bị kết liễu bởi áp lực từ bên ngoài. Các chế độ độc tài như Hitler của Đức Quốc xã và Gaddafi của Libya cũng là bị giải quyết bằng hình thức tương tự.
Hai là, dựa vào cải cách nội bộ đảng, như cải cách nội bộ của Gorbachev (Liên bang Xô Viết), đã dẫn đến sự chuyển hướng hệ thống. Sự thay đổi này là vứt bỏ thể chế, vứt bỏ đảng chính trị và toàn bộ xã hội được chuyển giao trong hòa bình.
Ba là, thể chế này thống trị dựa trên khủng bố, liên tục tạo ra mâu thuẫn bên trong, cuối cùng khi áp lực khốc liệt đè nén từ trên xuống đến điểm giới hạn, thể chế này tự nó sẽ nổ bung bét từ bên trong.
Bà Thái Hà nhận định, tình hình hiện nay là lực lượng cải cách trong đảng chưa dám động, bởi vì một khi ông Tập còn cầm súng và dao trong tay, ai cũng không thể làm nên thành tựu gì. Ông Nhậm Chí Cường dám nói sự thật, và đã bị bắt lại chỉ trong chưa đến 10 ngày. Vì vậy, lực lượng cải cách ẩn mình trong đảng nhất định chưa thể động, ai cũng muốn thay đổi nhưng chưa thể nhúc nhích, chỉ có thể đợi nó mất kiểm soát và tự sụp đổ.
Hàng loạt dấu hiệu gần đây cho thấy ông Tập Cận Bình đang phát động một cuộc thanh trừng lớn trong hệ thống chính trị pháp luật. Thời báo Tài chính (Financial Times) tại Anh nhận định, ông Tập đã tăng cường nỗ lực thanh trừng các quan chức chính trị và luật pháp không trung thành của ĐCSTQ, mở đường cho việc khôi phục chức danh “Chủ tịch đảng” do ông Mao Trạch Đông thiết lập và tiếp tục nắm quyền sau nhiệm kỳ thứ hai.
Giới quan sát cho rằng, ông Tập tất nhiên sẽ không chịu xuống đài, trong hoàn cảnh không thể tự mình từ bỏ ĐCSTQ, khả năng tan rã từ trong nội bộ do các cuộc chiến tranh giành quyền lực đang ngày càng nóng bỏng.
Lâm Trung Vũ