Tin thế giới tối thứ Tư

Hiệu trưởng tự tử phản đối việc Trung Quốc ra lệnh hủy bỏ dạy chữ Mông Cổ, học sinh khóc thương cô

Bên trái: ảnh chụp video Twitter. Bên phải: ảnh chụp bản tin Soundofhope.

Hiệu trưởng trường tiểu học Mông Cổ ở thành phố Erenhot, Nội Mông, đã tự tử tại nhà vào chiều 13/9 nhằm phản đối chính quyền Trung Quốc cưỡng chế hủy bỏ dạy chữ Mông Cổ.

Theo thông tin từ trang Soundofhope, bà hiệu trưởng vừa từ chức sau khi chính quyền Trung Quốc buộc các trường học Mông Cổ ở Nội Mông phải hủy bỏ việc dạy ngôn ngữ Mông Cổ, thay vào đó các trường ở đây phải dạy học bằng tiếng Hán. Đây là một vụ tự tử thương tâm khác sau cái chết của cô Surnaa, 33 tuổi, viên chức người Mông Cổ của chi bộ ĐCSTQ ở khu vực tây nam Nội Mông. Cô đã nhảy xuống từ tòa nhà chung cư của mình tự tử vào sáng 4/9 nhằm phản đối việc xóa bỏ ngôn ngữ mẹ đẻ của mình. Bi kịch nối tiếp bi kịch.

Trước việc chính quyền Trung Quốc buộc hủy bỏ việc dạy tiếng Mông Cổ ở Nội Mông đã khiến hàng chục nghìn học sinh và phụ huynh ở nhiều nơi ở khu vực này đứng lên biểu tình và nghỉ học, và đây là sự việc được xem là hiếm thấy. Họ đã bị chính quyền Trung Quốc đàn áp một cách thô bạo. Đã có 5 vụ tự tử chỉ trong vòng hai tuần.

Nhiều cư dân mạng đã bày tỏ sự tiếc thương trước cái chết của nữ hiệu trưởng và lên án chính quyền Trung Quốc, đồng thời cũng xót xa cho hành động của bà.

Theo Hao Yan, Soundofhope,
Vũ Dương biên dịch

Trung Quốc hết lợi thế, nhiều công ty Đài Loan quay về quốc đảo đầu tư

Công nhân đang làm việc trong công ty Gigabyte ở Đài Loan (ảnh: Từ video của PCWorld)

Taiwan News cho hay, vì Trung Quốc gặp khó trong cuộc thương chiến với Mỹ nên các công ty Đài Loan đã rời Đại lục quay về kinh doanh tại quê nhà với khoản đầu tư lên tới 1.890 nghìn tỷ Đài tệ (64 tỷ USD) và tạo ra hơn 90.000 việc làm trong vòng chưa đầy hai năm qua.

Trong bài phát biểu với tiêu đề “Hướng tới thời kỳ hậu đại dịch, những thách thức và cơ hội kinh tế của Đài Loan” trước các thành viên của Phòng Thương mại Hoa Kỳ vào ngày 9/9 , Bộ trưởng Bộ Kinh tế Đài Loan, Vương Mỹ Hoa, nói rằng nhà sản xuất máy tính Quanta Computer Inc. là một ví dụ điển hình về một trong số những công ty Đài Loan từ Trung Quốc quay trở về đầu tư tại quê nhà.

Ông Vương cho biết sau khi chuyển hoạt động sản xuất từ Trung Quốc về lại Đài Loan, chi phí trên mỗi sản phẩm của Quanta Computer Inc. chỉ tăng 1 Đài tệ.

Ông Vương Kiện Toàn, Phó chủ tịch Viện Nghiên cứu Kinh tế Chung-Hua (CHIER), nói với FTV News rằng trước đây Trung Quốc cho sử dụng đất miễn phí và chiết khấu phí tiện ích để thu hút các nhà sản xuất Đài Loan, nhưng những ưu đãi đặc biệt này đã dần mất đi. Ông Vương Kiện Toàn nhận định khi Trung Quốc vướng vào cuộc chiến thương mại với Mỹ thì “công xưởng của thế giới” không còn được hưởng lợi thế về chi phí như trước đây.

Theo ông Vương Kiện Toàn, ở Đại lục chi phí nhân công tăng chóng mặt cùng với mức lương hàng tháng tăng gần 2.000 nhân dân tệ từ năm 2018 đến 2019 đã khiến thời kỳ “hoàng kim” của các công ty Đài Loan ở Trung Quốc đi vào tàn lụi.

Vị Phó chủ tịch của CHIER cho biết thêm, nhiều công ty Đài Loan đã sở hữu đất riêng ở hòn đảo trong khi họ lại phải trả giá thuê đất ngày càng cao ở Trung Quốc. Các chi phí tiện ích khác ở Trung Quốc cũng đang tăng lên, còn những điều này ở Đài Loan lại đang ở mức “rẻ nhất châu Á”.

Kể từ tháng 1/2019, chính phủ Đài Loan đã đưa ra một số ưu đãi nhằm thu hút các công ty Đài Loan quay trở lại đầu tư ở quê nhà với các dịch vụ tùy chọn, ưu đãi thuế và các chính sách nhằm giảm bớt “năm sự thiếu hụt” – “đất đai, điện, nước, lao động và nhân tài”.

Trung Quốc bắt giữ 130 người ở Nội Mông vì phản đối chính sách ngôn ngữ

Chính quyền ĐCS Trung Quốc đã bắt giữ 130 người liên quan đến các cuộc biểu tình gần đây tại Khu tự trị Nội Mông chống lại chính sách giáo dục bắt buộc bằng tiếng Hán trong trường tiểu học và trung học.

Từ đầu tháng 9, chính quyền Trung Quốc đã đề ra quy định mới trong việc dạy học ở Khu tự trị Nội Mông. Theo đó, tất cả các trường sẽ dạy ba môn học: ngôn ngữ và văn học Trung Quốc; đạo đức và pháp luật; và lịch sử hoàn toàn bằng tiếng Quan Thoại thay vì tiếng Mông Cổ từ năm 2022, đồng thời chuyển sang dùng sách giáo khoa tiếng Quan Thoại. Mặc dù các trường học đã có một số chương trình giáo dục bằng tiếng Quan Thoại, chính sách mới này sẽ làm tăng thêm thời lượng lớp học bằng ngôn ngữ chuẩn (tiếng Quan Thoại).

Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hoa Xuân Oánh sau đó tuyên bố rằng: “Quyền và nghĩa vụ của mọi công dân là học và sử dụng cách viết và nói bằng ngôn ngữ chung của quốc gia.”

Quy định mới của chính quyền Trung Quốc đã kích hoạt hàng loạt các vụ biểu tình phản đối. Theo AFP, nhiều phụ huynh đã giữ con cái của họ ở nhà không cho đến trường; hàng vạn người Mông Cổ đã tham gia biểu tình hoặc tẩy chay trường học.

Còn theo Trung tâm Thông tin Nhân quyền Nam Mông Cổ đặt tại Mỹ, nhiều người đã tự sát trong các cuộc biểu tình. Ngoài ra, việc bắt giữ tùy tiện, các vụ mất tích và quản thúc tại gia đang lan rộng. Những người bị bắt không chỉ là người bất đồng chính kiến nổi tiếng và các thành viên gia đình họ, mà còn có các nhà văn, nhà hoạt động và cư dân mạng.

Tổ chức phi chính phủ này cho biết hôm 14/9 rằng họ ước tính ít nhất 4.000 đến 5.000 người dân tộc Mông Cổ đã bị cảnh sát quản thúc dưới nhiều hình thức trong hơn ba tuần qua.

Tờ Nikkei đã tổng hợp được con số 130 người chính thức bị bắt dựa trên các thông báo của chính quyền địa phương trên WeChat. Các vụ bắt giữ đã được báo cáo tại thủ phủ Hohhot cũng như tại các vùng Tongliao, Chifeng, Ordos và Bayannur với cáo buộc như tham gia biểu tình, kích động phản đối trên mạng xã hội và xâm nhập vào trường học trái phép.

Sự phản đối kịch liệt của người dân địa phương đối với chính sách mới đã khiến chính quyền thực hiện các cuộc đàn áp bằng cách xóa hàng loạt bài đăng trên mạng xã hội về các cuộc biểu tình và cảnh báo những nhân viên lĩnh vực công rằng họ sẽ bị đình chỉ công tác hoặc sa thải nếu họ giữ con cái của họ ở nhà không cho đến trường. Các quan chức đã đăng ảnh của hơn 100 người lên mạng xã hội cùng với yêu cầu người dân cung cấp thông tin về những người này.

Một phụ huynh người Mông Cổ cho biết: “Cuộc săn lùng học sinh quy mô lớn đang diễn ra khắp khu vực. Thậm chí tại các cộng đồng nông thôn hẻo lánh nhất, cảnh sát cũng xuất hiện dày đặc. Toàn bộ khu vực Nam Mông Cổ đã trở thành một nhà nước cảnh sát.”

Theo điều tra dân số năm 2010, Trung Quốc có khoảng 5,98 triệu người dân tộc Mông Cổ. Một quan chức cấp cao của một tổ chức có liên quan đến Nội Mông đặt tại Nhật Bản cho biết tiếng Mông Cổ “không chỉ được dùng trong hội thoại mà còn hỗ trợ văn hóa, chẳng hạn thông qua các bài hát dân gian.”

Quan chức này cho biết: “Nhiều người lo ngại rằng trẻ em Mông Cổ sẽ mất đi kỹ năng nói và viết bằng tiếng Mông Cổ.”

Mặc dù hiến pháp Trung Quốc đảm bảo 55 dân tộc thiểu số của nước này có “quyền tự do sử dụng và phát triển ngôn ngữ dân tộc của họ dưới cả hình thức viết và nói,” nhưng chính phủ của ông Tập Cận Bình đã tăng cường yêu cầu giáo dục bằng tiếng phổ thông tiêu chuẩn. Sách giáo khoa tiếng Quan Thoại về ba môn học nói trên đã được áp dụng tại Khu tự trị Tân Cương Duy Ngô Nhĩ vào năm 2017 và tại Tây tạng vào năm 2018.

Bà Sophie Richardson, giám đốc phụ trách về Trung Quốc của Tổ chức Theo dõi Nhân quyền, cho biết: “Cũng như tại Tân Cương và Tây Tạng, chính quyền Trung Quốc dường như đang áp đặt nhiệm vụ chính trị lên trên nhiệm vụ giáo dục. Mặc dù học sinh Mông Cổ được thông báo rằng họ sẽ vẫn có một số môn học bằng tiếng Mông Cổ, nhưng lo ngại của họ về việc các môn này dần dần cũng bị thay đổi là hoàn toàn có cơ sở.”

Ngân Hà (theo Nikkei)

Vương Nghị lại bị dân Mông Cổ đuổi về nước

Những người biểu tình tham gia một cuộc tuần hành phản đối những thay đổi của Trung Quốc đối với chương trình giảng dạy ở trường học, loại bỏ tiếng Mông Cổ khỏi các môn học chính ở Nội Mông. Cuộc biểu tình diễn ra ở Ulaanbaatar, Mông Cổ ngày 1/9/2020. (Ảnh: Reuters / B. Rentsendorj).

Hôm qua (ngày 15/9), hàng trăm người dân ở Ulaanbaatar, thủ đô của Mông Cổ, đã xuống đường kháng nghị phản đối chuyến viếng thăm của Ngoại trưởng kiêm Ủy viên Quốc vụ Trung Quốc Vương Nghị, lên án chính sách “diệt chủng văn hóa Nội Mông” của Bắc Kinh.

Nhóm người biểu tình đã tập trung tại quảng trường Sukhbaatar trước Cung điện Chính phủ Mông Cổ hô vang khẩu hiệu: “Bảo vệ tiếng mẹ đẻ của chúng tôi”, “Vương Nghị cút đi!”, theo RTI.

Theo đề án của Bắc Kinh, bắt đầu từ mùa thu này, Nội Mông sẽ sử dụng sách giáo khoa thống nhất của Trung Quốc cho lớp đầu tiên của trường tiểu học và trung học cơ sở. Năm 2021, lớp đầu tiên của trường tiểu học và trường trung học cơ sở sẽ sử dụng sách giáo khoa môn “Đạo đức và Pháp trị” thống nhất. Lớp đầu tiên của trung học cơ sở năm 2022 sẽ sử dụng sách giáo khoa môn “Lịch sử” thống nhất, và tất cả các môn học sẽ dùng ngôn ngữ chung của quốc gia, cũng chính là tiếng Hán để giảng dạy.

Bắc Kinh tuyên bố rằng mục đích của chính sách này là thúc đẩy tình đoàn kết dân tộc và khẳng định rằng vẫn còn chỗ cho việc giảng dạy tiếng Mông Cổ ở các môn học khác.

Tuy nhiên, chính sách này vẫn làm dấy lên các cuộc biểu tình và bỏ học hiếm hoi của người dân Mông Cổ, đồng thời các nhóm nhân quyền cũng cáo buộc Bắc Kinh đang cố xóa sổ văn hóa dân tộc Mông Cổ một cách có chủ đích.

Trung tâm Thông tin Nhân quyền Miền Nam Mông Cổ tại Hoa Kỳ (Southern Mongolian Human Rights Information Center) hôm thứ Hai (14/9) đã cáo buộc chính quyền Trung Quốc biến Nội Mông Cổ thành một “xã hội cảnh sát”, nói rằng phía cảnh sát đã giam giữ từ 4.000 đến 5.000 người, ít nhất 9 người trong cuộc biểu tình kéo dài ba tuần.

Chính phủ Mông Cổ cho đến nay vẫn chưa đưa ra bình luận liên quan.

Khaliun Sukhbaatar, người tham gia cuộc biểu tình nói với Reuters: “Các nhà lãnh đạo của chúng tôi phải lên tiếng. Nếu chính phủ của chúng tôi lấy lý do quan hệ quốc tế và ổn định kinh tế để giữ im lặng, tộc người Mông Cổ chính là đang bị xóa sổ từng người một, con cháu Mông Cổ sẽ không tồn tại nữa”.

Nền kinh tế Mông Cổ phụ thuộc khá nhiều vào Trung Quốc. Dự kiến, Trung Quốc sẽ viện trợ 700 triệu Nhân dân tệ (khoảng 10,32 triệu đô-la Mỹ) cho Mông Cổ trong chuyến thăm kéo dài hai ngày lần này của Vương Nghị.

Theo Wu Ningkang, rti.tw
Vũ Dương biên dịch

H&M cắt quan hệ với nhà cung cấp Trung Quốc trước cáo buộc lao động cưỡng bức

Tập đoàn thời trang khổng lồ của Thụy Điển H&M hôm thứ Ba (15/9) cho biết họ đã chấm dứt mối quan hệ với một nhà sản xuất sợi Trung Quốc vì có nguy cơ liên quan tới “lao động cưỡng bức” tại Tân Cương.

Nhà bán lẻ thời trang nêu rõ rằng họ không làm việc với bất kỳ nhà máy may mặc nào trong khu vực và sẽ không còn mua bông (cotton) từ Tân Cương, khu vực trồng bông lớn nhất Trung Quốc.

Trước đó, một báo cáo của Viện nghiên cứu chính sách chiến lược Úc (ASPI) được công bố vào tháng 3 đã chỉ ra rằng H&M là một trong những đơn vị thụ hưởng trong chương trình chuyển giao lao động cưỡng bức tại nhà máy sản xuất sợi nhuộm Huafu ở An Huy, nơi bị cáo buộc có sử dụng lao động ép buộc từ Tân Cương.

Tuy nhiên, H&M cho biết trong một tuyên bố rằng họ chưa bao giờ có mối quan hệ với nhà máy ở An Huy, cũng như các hoạt động của Huafu ở Tân Cương.

H&M đã thừa nhận rằng họ có “mối quan hệ kinh doanh gián tiếp với một nhà máy” ở Thượng Ngu, tỉnh Chiết Giang, trực thuộc Huafu Fashion.

“Mặc dù không có dấu hiệu nào cho thấy lao động cưỡng bức ở nhà máy Shangyu, nhưng cho đến khi chúng tôi hiểu rõ hơn về các cáo buộc lao động cưỡng bức, chúng tôi đã quyết định loại bỏ mối quan hệ kinh doanh gián tiếp của chúng tôi với Huafu Fashion Co ở bất kể khu vực nào trong thời gian 12 tháng tới,” H&M tuyên bố.

Công ty cũng cho biết họ đã tiến hành một cuộc điều tra tại tất cả các nhà máy sản xuất hàng may mặc mà hãng đang làm việc ở Trung Quốc nhằm đảm bảo rằng họ không sử dụng lao động cưỡng bức thông qua các chương trình chuyển đổi lao động hoặc các chương trình việc làm khác.

Áp lực quốc tế đang gia tăng đối với ĐCSTQ về các hành vi vi phạm nhân quyền ở khu vực Tân Cương.

Hôm thứ Hai (14/9), Liên minh châu Âu đã đề nghị Trung Quốc cho các quan sát viên độc lập của họ đến Tân Cương, đồng thời sẽ ràng buộc vấn đề nhân quyền vào trong các thỏa thuận thương mại và đầu tư trong tương lai với Bắc Kinh.

Các nhóm nhân quyền cho biết hơn một triệu người Duy Ngô Nhĩ hiện đang bị giam cầm trong các trại cải tạo chính trị mà Bắc Kinh mô tả là các trung tâm đào tạo nghề.

Trung Quốc đã liên tục phủ nhận các cáo buộc liên quan đến vi phạm nhân quyền ở Tân Cương, nói rằng những lời chỉ trích về Tân Cương là có động cơ chính trị và dối trá.

Hôm 14/9, hải quan Hoa Kỳ cho biết họ sẽ cấm vận chuyển một loạt các sản phẩm của Trung Quốc bao gồm bông, hàng may mặc và các sản phẩm tóc từ Tân Cương vì lo ngại chúng là sản phẩm từ việc sử dụng lao động cưỡng bức.

Ngay sau đó, Trung Quốc đã đánh giá động thái của Mỹ là “bắt nạt” và bác bỏ mọi cáo buộc về lao động cưỡng bức, nói rằng chúng là “hoàn toàn bịa đặt”.

Xuân Lan (theo SCMP)

Trung Quốc ‘thị uy’, phóng tên lửa qua bầu trời Đài Loan

Ảnh chụp màn hình Youtube/ No No No

Truyền thông nhà nước Trung Quốc loan báo rằng nước này đã bắn một quả tên lửa Long March “bay qua bầu trời Đảo Đài Loan, Trung Quốc”.

Theo một bài đăng trên trang China 航天 (Không quân Trung Quốc) của mạng xã hội Weibo hôm thứ Hai (14/9), Trung Quốc đã lên kế hoạch tổ chức vụ phóng tên lửa thứ hai trên biển vào khoảng 9h20 sáng hôm nay (15/9). Trang này tuyên bố rằng một quả tên lửa Long March-11 HY2 sẽ khai hỏa tại Hoàng Hải mang theo chín vệ tinh viễn thám dòng Jilin-1 Gaofen-03 vào quỹ đạo đồng bộ Mặt trời dài 535 km.

Bài đăng cho biết tên lửa sẽ sử dụng phương pháp “một mũi tên mang chín ngôi sao” khi tên lửa “bay qua bầu trời đảo Đài Loan, Trung Quốc”. Thông báo cũng bao hàm một bản đồ mô phỏng quỹ đạo tên lửa, cho thấy tên lửa phóng từ một vị trí ở Hoàng Hải và bay thẳng về phía nam qua trung tâm Đài Loan trước khi đi qua Kênh đào Ba Sĩ, bay qua Philippines, rồi qua Biển Đông, bang Sabah của Malaysia, tiếp đến là Kalimantan của Indonesia rồi đến Đông Java.

(Ảnh chụp màn hình weibo)
Quỹ đạo dự kiến ​​của tên lửa Long March-11 (ảnh: weibo).

Kể từ mùa hè năm ngoái, một công trình trên biển ở biển Hoàng Hải đã trở thành một bệ phóng các vệ tinh thương mại và nhỏ của Trung Quốc, kết hợp với các bãi phóng trên bộ của họ ở Tửu Tuyền, Tây Xương, Thái Nguyên và Văn Xương. Bệ phóng trên biển đã có lần phóng thành công đầu tiên vào ngày 5/6 năm ngoái.

Thời điểm đó, Trung Quốc không nói rõ tên lửa sẽ đi qua những quốc gia nào. Do đó, so sánh tương quan thông báo hôm thứ Hai rõ ràng là một tuyên bố khiêu khích nhắm vào Đài Loan, tờ Taiwan News bình luận.

Phương pháp được gọi là “một mũi tên mang chín ngôi sao” đề cập đến khả năng mang theo một số vệ tinh hoặc nhiều đầu đạn của Long March trong trường hợp xảy ra chiến tranh. Với vụ phóng tên lửa này, Trung Quốc đang phô diễn những tiến bộ trong lĩnh vực hàng không vũ trụ và sức mạnh quân sự của mình.

Cơ quan ngôn luận nhà nước Trung Quốc, Thời báo Hoàn cầu hôm nay vừa đưa tin chính quyền ĐCSTQ vừa tiến hành một nhiệm vụ phóng tên lửa Long March-11 từ biển tại biển Hoàng Hải ngoài khơi tỉnh Sơn Đông. Tờ báo này cho biết trong trường hợp này, tên lửa được phóng từ một tàu tên là Debo-3.

Long March-11 được phóng từ tàu Debo-3 hôm nay (ảnh: Trung Quốc 航天/Weibo).

Theo tờ China News của chính quyền Bắc Kinh, tên lửa được phóng lúc 9:32 sáng, giờ Bắc Kinh (8:32 giờ Việt Nam). Tờ Nhân dân Nhật báo – cơ quan ngôn luận khác của của ĐCSTQ – đã khen ngợi vụ phóng này là “vụ phóng không gian thương mại trên biển đầu tiên của Trung Quốc”.

Phản ứng trước vụ việc, Bộ Quốc phòng Đài Loan tuyên bố:

 “Trước những diễn biến liên quan, các đơn vị tình báo, giám sát và trinh sát chung của quân đội đã tiến hành đánh giá đầy đủ tình hình và đưa ra các biện pháp thích hợp”.

Theo Taiwan News
Quý Khải biên dịch

Ấn Độ: Quân đội Trung Quốc đặt mạng cáp quang liên lạc tại các điểm nóng biên giới

Đèo Nathu La trên dãy Hy Mã Lạp Sơn, thuộc bang Sikkim của Ấn Độ. Đây là điểm kết nối giữa bang Sikkim với Khu Tự trị Tây Tạng của Trung Quốc (ảnh: ShutterStock).

Gần đây, hai quan chức Ấn Độ tiết lộ rằng, quân đội Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) đã đặt mạng cáp quang tại các điểm nóng biên giới ở Tây Himalaya giáp ranh Ấn Độ, khiến giới chức Ấn Độ nâng cao cảnh giác.

Các quan chức chính phủ Ấn Độ cho biết, những mạng cáp quang này đã được phát hiện ra ở phía Nam của hồ Pangong Tso, Ladakh, Himalaya, nó có thể là đường dây cung cấp phương thức liên lạc an toàn cho quân tiền tuyến với các căn cứ hậu phương của Trung Quốc.

Quân đội ĐCSTQ đang đặt mạng cáp quang tại điểm nóng ở biên giới ở phía tây Himalaya và Ấn Độ (ảnh chụp màn hình Taiwan News dẫn từ Associated Press).

Quan chức Ấn Độ đầu tiên cung cấp thông tin cho biết, phía Ấn Độ lo lắng nhất chính là việc Trung Quốc hạ đặt mạng cáp quang. Và thông tin chính xác cho thấy, quân đội ĐCSTQ đã đặt mạng cáp quang với tốc độ nhanh ở phía nam hồ Pangong Tso.

Quan chức này cũng nói rằng, các nhà chức trách đã cảnh giác với những hoạt động này sau khi quan sát thấy những đường cát bất thường xuất hiện ở sa mạc phía nam hồ Pangong Tso trên ảnh chụp vệ tinh. Các đường dây này được các chuyên gia Ấn Độ nhận định là đường dây mạng thường được bố trí trong chiến hào (hầm trú ẩn). Điều này cũng đã được các cơ quan tình báo nước ngoài xác nhận.

Quan chức thứ hai của Ấn Độ cung cấp thông tin cho biết thêm rằng, vào đầu tháng trước, các cơ quan tình báo Ấn Độ đã chú ý thấy đường dây mạng tương tự xuất hiện ở phía bắc hồ Pangong Tso.

Một cựu quan chức tình báo quân sự Ấn Độ khác chỉ ra rằng, việc sử dụng bộ đàm để liên lạc có thể bị truy xét ra, còn truyền tin bằng mạng cáp quang sẽ tương đối an toàn, ảnh và tài liệu có thể được truyền đi một cách nhanh chóng.

Được biết, khi hỏi Bộ Ngoại giao ĐCSTQ về vấn đề này, các quan chức quốc phòng có liên quan đến việc đặt mạng cáp quang ở biên giới Trung-Ấn đều không đưa ra bất kỳ phản hồi nào, theo Reuters.

Hiện tại, hàng nghìn binh sĩ Ấn Độ và Trung Quốc cùng với chiến xa và phi cơ đang đứng đối nhau dọc theo bờ nam của hồ Pangong Tso ở Ladakh, dãy Himalaya. Ngay cả sau khi hai Ngoại trưởng gặp nhau tại Moscow vào tuần trước để đạt được thỏa thuận 5 điểm, Trung Quốc và Ấn Độ vẫn không có dấu hiệu rút quân, tình hình “vẫn căng thẳng như trước”.

Theo Vân Thiên, Sound of Hope
Tâm Thanh biên dịch

Related posts