Lục Du
Các cường quốc của châu Âu đang tìm kiếm các biện pháp để tăng cường sự hiện diện của họ ở các vùng biển gần Trung Quốc, bao gồm Biển Đông, trong bối cảnh quan hệ giữa phương Tây và Bắc Kinh trở nên căng thẳng và có thể dẫn tới một cuộc chiến tranh lạnh mới.
Trong số các cường quốc châu Âu thì Anh và Pháp cho thấy họ quan tâm nhiều hơn tới các vấn đề ở Biển Đông. Họ cũng là những quốc gia thể hiện lập trường ngày càng cứng rắn với các động thái đơn phương mang tính “bắt nạt” của Trung Quốc trên vùng biển này.
Cả hai nước châu Âu này đều là thành viên thường trực của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc và là các cường quốc hạt nhân. Họ cũng là đối tác thương mại và đầu tư của nhiều nước có tranh chấp lãnh thổ với Trung Quốc.
Năm ngoái, Pháp đã công bố một báo cáo chiến lược đối với khu vực Ấn Độ-Thái Bình Dương, trong đó cam kết “củng cố vị thế của mình như một lực lượng ở Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương, nỗ lực bảo vệ các lợi ích chủ quyền và an ninh của người dân khu vực này, đồng thời đóng góp tích cực vào sự ổn định quốc tế”.
Pháp cũng đã mở rộng quan hệ quốc phòng và kinh tế với các cường quốc dân chủ cùng chí hướng trong khu vực này như với Úc, Nhật Bản, Ấn Độ và nhiều nước thuộc khu vực Đông Nam Á.
Năm ngoái, Bắc Kinh đã cố tình loại Pháp khỏi lễ kỷ niệm 70 năm Ngày thành lập Hải quân Trung Quốc sau khi tàu chiến Pháp Vendemiaire (F734) tiến hành hoạt động tự do hàng hải ở eo biển Đài Loan.
Đầu tháng này, Đức cũng đã có động thái bộc lộ việc nước này quan tâm nhiều hơn tới vùng biển châu Á khi đưa ra một hướng dẫn chính sách dài 40 trang trong đó Berlin thể hiện mong muốn “đóng góp tích cực vào việc định hình trật tự quốc tế ở Ấn Độ – Thái Bình Dương”.
Thủ tướng Anh Boris Johnson được cho là đang dự tính điều tàu sân bay HMS Queen Elizabeth mới trị giá 3,1 tỷ bảng Anh (4 tỷ USD) tới Biển Đông để thể hiện sức mạnh cũng như ủng hộ hoạt động của các đồng minh tại vùng biển này.
Nghị sĩ Anh Andrew Bowie đã kêu gọi chính phủ Johnson “mở rộng tầm mắt trước những mối đe dọa rõ ràng rõ ràng” do Trung Quốc gây ra và “tiến lên” bằng cách triển khai tàu sân bay tới Tây Thái Bình Dương.
Trong một cuộc phỏng vấn hồi tháng Bảy, Đại sứ Trung Quốc tại Vương quốc Anh Lưu Hiểu Khánh cáo buộc chính quyền Johnson đã “đầu độc nghiêm trọng bầu không khí của mối quan hệ Trung Quốc-Anh” và cảnh báo về những hậu quả to lớn nếu London quyết định “hợp tác với Hoa Kỳ” trong vấn đề Biển Đông.
“Một số chính trị gia Anh bám vào tâm lý Chiến tranh Lạnh. Họ bày ra cái gọi là mối đe dọa Trung Quốc, coi Trung Quốc là một quốc gia thù địch, đe dọa tách rời hoàn toàn khỏi Trung Quốc và thậm chí kêu gọi một cuộc Chiến tranh Lạnh mới chống lại Trung Quốc”, ông Lưu nói.
Theo Asia times