- Xuân Lan
Theo trang tin Rappler của Philippines hôm 17/9, 3 nước Anh, Pháp và Đức đã đồng loạt gửi công hàm lên Liên Hiệp Quốc nhằm phản đối các yêu sách chủ quyền phi pháp của Trung Quốc ở biển Đông.
Bộ Ngoại giao Anh, Pháp và Đức hôm 16/9 đã gửi công hàm lên Liên Hợp Quốc với tư cách các quốc gia thành viên của Công ước Liên Hợp Quốc về Luật biển (UNCLOS 1982), nhấn mạnh những yêu sách của Trung Quốc đưa ra tại biển Đông là vô lý chiểu theo UNCLOS 1982.
Trong công hàm chung, cả 3 nước châu Âu, được biết đến với tên nhóm E3, nhấn mạnh sự cần thiết phải duy trì biển Đông là đường biển được tiếp cận một cách tự do và không bị cản trở. Công hàm nhấn mạnh quyền đi lại không gây hại, tự do hàng hải và hàng không như đã nêu trong UNCLOS phải được tôn trọng.
3 nước tuyên bố các yêu sách của Trung Quốc là vô căn cứ và những hoạt động của Trung Quốc như bồi đắp, xây đảo nhân tạo hay các hình thức khác trên biển Đông không thể dùng để thay đổi phân loại theo đối tượng địa lý dựa trên các quy định của UNCLOS mà Bắc Kinh là bên tham gia ký kết.
Công hàm khẳng định “quyền lịch sử” và đường cơ sở thẳng ở Hoàng Sa mà Bắc Kinh đưa ra không tuân thủ luật pháp quốc tế và các điều khoản của UNCLOS và “quyền” này đã bị Tòa trọng tài quốc tế về biển Đông bác bỏ trong phán quyết ngày 12/7/2016.
Mặc dù công hàm cho thấy Anh, Pháp, Đức không đứng về bên nào trong tranh chấp ở biển Đông, song “với tư cách các quốc gia thành viên của UNCLOS, Anh, Pháp và Đức sẽ tiếp tục tuân thủ và khẳng định các quyền và tự do theo quy định của UNCLOS, góp phần thúc đẩy hợp tác trong khu vực dựa trên Công ước”.
Trước đó, trong công hàm ngoại giao gửi lên Liên Hợp Quốc ngày 29/7, Malaysia cũng bác bỏ yêu sách chủ quyền “đường chín đoạn” của Trung Quốc ở biển Đông.
Hồi tháng 7, Mỹ và Úc cũng đã ra tuyên bố lên án và bác bỏ các yêu sách của Trung Quốc tại biển Đông. Đến tháng 8, Mỹ đã liệt vào danh sách đen 24 công ty và hàng chục cá nhân Trung Quốc liên quan tới các hành động xây dựng và quân sự hóa biển Đông. Đây là lần đầu tiên Mỹ trừng phạt các thực thể Trung Quốc liên quan tới vùng biển chiến lược tại Đông Nam Á.
Xuân Lan