Thái độ cứng rắn của Ngoại trưởng Mỹ Pompeo với Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) từ lâu đã chọc giận Bắc Kinh. Mới đây, truyền thông nhà nước Nhật báo Bắc Kinh đã đăng bài bình luận trực tiếp xúc phạm Ngoại trưởng Mỹ Pompeo là “lợn béo”. Động thái chửi đổng kiểu đầu đường xó chợ này đã khiến một lượng không nhỏ cư dân mạng Trung Quốc cảm thấy khó coi.
Kể từ cuối tháng Tư, khi một số tổ chức truyền thông trung ương ĐCSTQ liên tục công kích Ngoại trưởng Mỹ Pompeo là “kẻ thù chung của nhân loại”, “virus chính trị”, “điên rồ mất khả năng tự kiểm soát”. Mới đây vào ngày 12/9, tờ Nhật báo Bắc Kinh của Ủy ban thành phố Bắc Kinh lại công bố bài “Pompeo lo ngại về 12 phần tử độc hại Hồng Kông? Càng quan tâm, bản án càng nặng!”, ngay mở đầu bài viết đã gọi Ngoại trưởng Mỹ là “con lợn béo” để bày tỏ sự bất bình trước việc lên tiếng của ông Pompeo đối với an toàn của 12 thanh niên Hồng Kông đấu tranh dân chủ.
Bài báo cho biết nhân kỷ niệm 19 năm vụ khủng bố 11/9 tại Mỹ, ông Pompeo “quan ngại sâu sắc” về 12 công dân Hồng Kông bị ĐCSTQ giam giữ và đặt câu hỏi về pháp quyền của chính quyền Hồng Kông cũng như bảo vệ quyền của người dân Hồng Kông, đồng thời kêu gọi chính quyền ĐCSTQ thực hiện các thủ tục pháp lý tương ứng bảo đảm 12 người này cùng những người Hồng Kông bị bắt khác được hưởng các quyền hợp pháp liên quan.
Nhật báo Bắc Kinh còn cho rằng ông Pompeo không quan tâm đến công việc nội bộ tại Mỹ mà lại xen vào chuyện của Chính phủ Trung Quốc ở nơi xa xôi, qua đó gạch chéo vào hình ảnh của Pompeo.
Ngoài ra, Nhật báo Bắc Kinh cũng chỉ trích luật sư Đồ Cẩn Thân (James To), nghị viên Hội đồng Lập pháp Hồng Kông là “luật sư phe nổi loạn Hồng Kông”, sử dụng “loại logic bệnh hoạn để cố tình bóp méo các khái niệm pháp lý”. Đồng thời đe dọa rằng những tài liệu mà Đồ Cẩn Thân gửi lên bị nghi ngờ vi phạm “Luật An ninh Quốc gia Hồng Kông” vừa được thông qua, nếu bị kết tội có thể bị án “ba năm đến mười năm tù”.
Được biết rằng vào ngày 9/9 luật sư Đồ Cẩn Thân đã công khai yêu cầu ĐCSTQ chuyển những vụ án liên quan đến người Hồng Kông cho Đặc khu hành chính Hồng Kông.
Sau khi bài báo được đăng đã gây náo động công luận thế giới bên ngoài. Nhiều cư dân mạng Trung Quốc thấy rằng ngôn ngữ của các phương tiện truyền thông nhà nước chính thống quá khó nghe, có nhận xét: “CCTV chửi ông Pompeo là kẻ thù chung của nhân loại, còn BTV-1 Bắc Kinh gọi ông ấy là nô lệ, giờ đây Nhật báo Bắc Kinh lại chửi ông ta là lợn béo, hành vi như vậy khác gì giang hồ đường phố?” “Việc dùng biệt danh ‘lợn béo’ là rất không phù hợp và khiếm nhã …. Vì đâu một tờ chính thống như Nhật báo Bắc Kinh lại chửi đổng mất tư cách như vậy?”.
Có cư dân mạng còn thẳng thừng cho rằng: “Nhật báo Bắc Kinh là tờ báo hàng đầu của Đảng lại dùng thứ ngôn từ đầu đường xó chợ sỉ nhục ngoại trưởng của một quốc gia là ‘lợn béo’ thì bộ mặt truyền thông chính thống Trung Quốc còn ra thể thống gì? Nghiêm trọng hơn, hành vi này có phải là sự phân biệt đối xử về thể chất với những người béo phì?”
Một cư dân mạng khác viết: “Không còn gì để nói, có khác gì đàn bà chanh chua chửi thề ngoài chợ để giải tỏa!”….
Do công luận ngày càng nổi sóng, tờ Nhật báo Bắc Kinh đã vội vàng gỡ bỏ bài đăng trên Baidu, nhưng nội dung được sao lưu vẫn có thể nhìn thấy khắp nơi trên mạng. Có phóng viên nước ngoài đã gọi điện đến Nhật báo Bắc Kinh để hỏi về vụ việc, nhưng người phát ngôn từ chối bình luận với lý do vượt quá thẩm quyền và trách nhiệm của mình.
Trên thực tế, việc Nhật báo Bắc Kinh xem ngoại trưởng Mỹ Pompeo là “phần tử chống Trung Quốc” là không đúng vấn đề. Ông Pompeo đã nhiều lần công khai chỉ trích chính quyền ĐCSTQ, bao gồm để dịch bệnh viêm phổi Vũ Hán lây lan toàn cầu, thúc đẩy Luật An ninh Quốc gia đối với Hồng Kông, và cuộc đàn áp các nhóm tín ngưỡng Trung Quốc.
Ông từng nói: “Người dân Trung Quốc không đồng nghĩa với ĐCSTQ, dối trá lớn nhất của ĐCSTQ là tự cho phép nói thay cho 1,4 tỷ người dân Trung Quốc. ĐCSTQ sợ những ý kiến trung thực của người dân Trung Quốc hơn bất kỳ kẻ thù nào”. Ông cũng chỉ ra rằng, “Xung đột Mỹ – Trung thực chất là xung đột Mỹ với ĐCSTQ chứ không phải xung đột giữa Mỹ và Trung Quốc”. “Trung Quốc không phải là một quốc gia tự do, 1,4 tỷ người Trung Quốc bị theo dõi và đàn áp ngay tại đất nước của họ, Trung Quốc lặp lại những sai lầm của Liên Xô cũ…”.
Lê Tiểu Quỳ