- Xuân Lan
Chủ tịch Tập Cận Bình đã đảm bảo với các doanh nhân trong khối tư nhân của Trung Quốc rằng họ là một phần quan trọng của “nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa” khi Bắc Kinh chuẩn bị cho cuộc cạnh tranh kinh tế và công nghệ kéo dài với Hoa Kỳ.
Hôm 16/9, ông Tập đã đưa ra thông điệp trên trong hội nghị Khai mạc Công tác Mặt trận Thống nhất dành cho các doanh nghiệp tư nhân, một ngày sau khi Đảng Cộng sản đưa ra chính sách ra lệnh cho khu vực tư nhân giúp đáp ứng các mục tiêu chiến lược của quốc gia khi khu vực này phải đối mặt với môi trường bên ngoài ngày càng thù địch, SCMP đưa tin.
Tân Hoa Xã dẫn lời ông Tập cho biết: “Điều cực kỳ quan trọng là phải thúc đẩy sự phát triển lành mạnh của nền kinh tế ngoài công lập.”
Tổng bí thư Tập kêu gọi ban Công tác Mặt trận Thống nhất – bộ phận chịu trách nhiệm dự báo ảnh hưởng của Đảng Cộng sản ở trong và ngoài nước – và các liên đoàn công nghiệp được nhà nước hậu thuẫn đoàn kết với khu vực tư nhân và tập hợp họ đóng góp vào công cuộc “trẻ hóa toàn diện đất nước Trung Quốc.”
Trong thông điệp của mình, ông Tập nhấn mạnh nỗ lực của Bắc Kinh nhằm điều chỉnh hoạt động kinh doanh tư nhân với các mục tiêu của đảng và đẩy mạnh tiếng nói của khu vực tư nhân trong hoạch định chính sách.
Chính sách mới cũng xác định các doanh nhân của Trung Quốc là “nhân dân”, nhấn mạnh vai trò của khu vực tư nhân trong việc phát triển chủ nghĩa xã hội đặc sắc của Trung Quốc, tuy nhiên không khoan nhượng trước những yêu cầu về lòng trung thành.
Theo chính sách mới, “những người trong kinh tế tư nhân là một lực lượng quan trọng mà đảng phải đoàn kết và dựa vào để quản trị lâu dài.” Tuy nhiên, ban Công tác Mặt trận Thống nhất phải tiếp tục “giáo dục và hướng dẫn” các doanh nhân “lắng nghe và làm theo các bước của đảng.”
Ngoài ra, các nỗ lực “xây dựng đảng” sẽ tiếp tục trong khu vực tư nhân. Số liệu chính thức cho thấy hơn 90% doanh nghiệp tư nhân đã thành lập chi bộ vào cuối năm 2018.
Zhao Xijun, giáo sư tại Đại học Renmin Trung Quốc, cho biết chính sách này sẽ giúp Bắc Kinh áp dụng chiến lược ‘lưu thông kép’ để thúc đẩy nền kinh tế trong nước. Ông Zhao nói: “Để làm được điều này, Trung Quốc cần sự tham gia tích cực của kinh tế tư nhân.”
Trong khi bài phát biểu của ông Tập thể hiện rằng đảng đang cố gắng xây dựng lòng tin với các chủ doanh nghiệp tư nhân, vẫn chưa rõ liệu họ có sẵn sàng đáp lại hay không.
Tại Trung Quốc, nơi nhà nước pháp quyền gần như không tồn tại, các doanh nhân lúc nào cũng có thể trở thành nạn nhân của chính quyền.
Sự bất an trong giới nhà giàu mới của Trung Quốc là một yếu tố quan trọng thúc đẩy dòng vốn chảy ra ngoài và đầu tư tư nhân trong nước suy yếu.
Đảng Cộng sản Trung Quốc, vốn vẫn tuân theo học thuyết Mác-xít rằng nên chấm dứt sở hữu tư nhân, từ lâu đã có mối quan hệ không mấy dễ chịu với các doanh nghiệp bên ngoài khu vực nhà nước và chỉ coi họ như những công cụ phục vụ mục đích riêng của mình.
Vào đầu những năm 1950, đảng đã tiến hành một cuộc “cải tạo xã hội chủ nghĩa” đối với khu vực tư nhân bằng cách chiếm đoạt tài sản và thanh trừng các chủ doanh nghiệp.
Nền kinh tế tư nhân của Trung Quốc nổi lên sau khi cựu lãnh đạo Đặng Tiểu Bình ban hành cải cách thị trường vào cuối những năm 1970, giúp chuyển đổi đất nước từ một nền kinh tế nghèo nàn trở thành nền kinh tế lớn thứ hai thế giới hiện nay.
Nền kinh tế tư nhân của Trung Quốc hiện đóng góp khoảng 60% tổng sản phẩm quốc nội và 90% việc làm.
Nỗ lực mới nhất của Bắc Kinh nhằm đưa các doanh nghiệp tư nhân đến gần hơn với nhà nước diễn ra khi Hoa Kỳ đang cố gắng phân định rõ giới tuyến giữa người dân Trung Quốc và Đảng Cộng sản, một tổ chức chính trị với hơn 90 triệu thành viên và các chi bộ đảng ở hầu hết các cấp xã hội.
Xuân Lan (theo SCMP)