EU lên tiếng quan ngại về phiên tòa xét xử vụ án Đồng Tâm

  • Xuân Tường

Bốn ngày sau khi phiên tuyên án vụ Đồng Tâm kết thúc, ngày 18/9, Liên minh châu Âu (EU) ra thông cáo phát ngôn về phiên tòa, trong đó cho biết: “Các báo cáo về những điều kiện và thủ tục tố tụng của phiên tòa làm dấy lên quan ngại sâu sắc về tính minh bạch và công bằng của phiên tòa này”.

Thông cáo ngày 18/9 của Liên minh châu Âu (EU) về bản án trong phiên tòa xét xử vụ Đồng Tâ. (Ảnh chụp màn hình/eeas.europa.eu)

Thông cáo đăng trên trang web https://eeas.europa.eu ngày 18/9 lấy việc tôn trọng quyền được sống và quyền được xét xử công bằng của con người làm chủ đạo.

Nhắc lại bản án ngày 14/9/2020 do TAND TP Hà Nội tuyên, Người phát ngôn của Phái đoàn Liên minh châu Âu tại Việt Nam nhận định các bị cáo bị tuyên án tử hình vì liên quan đến cuộc đối đầu giữa người dân và lực lượng an ninh tại xã Đồng Tâm ngày 9/1/2020.

“Liên minh châu Âu phản đối việc sử dụng hình phạt tử hình dưới mọi hình thức và trong mọi hoàn cảnh, đồng thời luôn kiên định kêu gọi xóa bỏ hình phạt này trên toàn cầu. Hình phạt tử hình là tàn nhẫn và vô nhân đạo, và việc bãi bỏ hình phạt này là cần thiết để bảo vệ quyền được sống của mỗi người”, thông cáo viết.

EU cho biết ngày càng có sự đồng thuận cao trên thế giới phản đối việc sử dụng hình phạt tử hình. EU hối thúc Việt Nam thông qua việc tạm hoãn áp dụng án tử hình, coi đây là một bước đầu tiên hướng tới việc bãi bỏ.

Người phát ngôn của EU cũng đặt ra băn khoăn đối với phiên tòa xét xử vụ Đồng Tâm. Thông cáo cho biết: “Các báo cáo về những điều kiện và thủ tục tố tụng của phiên tòa làm dấy lên quan ngại sâu sắc về tính minh bạch và công bằng của phiên tòa này.

EU nhắc lại việc Việt Nam đã ký kết cam kết tôn trọng và thúc đẩy các quyền của con người trước quốc tế, như một ràng buộc về nghĩa vụ mà Việt Nam cần phải thực hiện.

“EU và các nước thành viên ủng hộ mạnh mẽ sự tôn trọng pháp quyền và được hưởng đầy đủ quyền được xét xử công bằng, như quy định tại Điều 14 của Công ước Quốc tế về các Quyền Dân sự và Chính trị mà Việt Nam là một bên ký kết.” – thông cáo viết.

Hôm 16/1/2020, trang VOA Việt ngữ đăng tin cho biết bà Virginie Battu-Henriksson, phát ngôn viên của EU về Quan hệ Đối ngoại và Chính sách An ninh, đã nói vào ngày 9/1, đúng ngày xảy ra vụ việc, Đại sứ Giorgio Aliberti, Trưởng Phái đoàn EU tại Hà Nội “đã trực tiếp nêu vấn đề với ông Mai Tiến Dũng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ, bày tỏ quan ngại và sự dè dặt về cách xử lý tình hình của lực lượng an ninh”.

“Việc sử dụng bạo lực đối với dân thường đã dẫn tới tổn thất đáng lên án về nhân mạng”, bà Battu-Henriksson nói, đồng thời “xin gửi lời chia buồn tới các gia đình và bạn bè của các nạn nhân”.

Tại cuộc Đối thoại thường niên về nhân quyền diễn ra vào ngày 19/2/2020, Việt Nam và EU khẳng định các quyền con người có tính phổ quát, quan hệ chặt chẽ với nhau, không thể tách rời và nên được xem xét một cách cân bằng. EU nhắc lại quan điểm về án tử hình, trong đó khuyến khích tiếp tục giảm các tội danh có thể chịu án tử hình và đề nghị tiếp tục trao đổi thêm thông tin về vấn đề này.

Tờ Diplomat ngày 15/9/2020 đã đưa tin về phán quyết vụ Đồng Tâm hôm 14/9, đồng thời dẫn lời của nhà nghiên cứu chính trị Carl Thayer (ĐH New South Wales, Australia) mô tả cuộc đột kích Đồng Tâm và kết quả xét xử là “đỉnh điểm của 40 năm vấn đề” về phân phối đất đai.

Bài báo dẫn ý kiến của TS Toan Le (chuyên ngành Luật và Thuế Kinh doanh, Đại học Monash, Australia) cho biết Luật Đất đai được Việt Nam thông qua vào năm 1993, cấp quyền sử dụng đất cho các cá nhân, nhưng cũng cho phép Chính phủ lấy đất vì mục đích “lợi ích công cộng”. Điều này sau đó được mở rộng ra bao gồm “mục đích phát triển kinh tế” và “mục đích phát triển kinh tế xã hội” được xác định một cách mơ hồ. Kết quả là những bất đồng về bồi thường ngày càng gia tăng dẫn đến tranh chấp kéo dài.

Theo Diplomat, các phán quyết ngày 14/9 cho thấy quyết tâm của nhà cầm quyền trong việc dập tắt mọi khuấy động của tình trạng bất ổn của nông dân, nhưng ngược lại, sự gia tăng các tranh chấp đất đai đặt ra một thách thức đặc biệt gai góc đối với chính quyền này.

Điều 14 Công ước Quốc tế về các Quyền Dân sự và Chính trị 1. Mọi người đều bình đẳng trước các tòa án và cơ quan tài phán. Mọi người đều có quyền được xét xử công bằng và công khai bởi một toà án có thẩm quyền, độc lập, không thiên vị và được lập ra trên cơ sở pháp luật để quyết định về lời buộc tội người đó trong các vụ án hình sự, hoặc để xác định quyền và nghĩa vụ của người đó trong các vụ kiện dân sự. Báo chí và công chúng có thể không được phép tham dự toàn bộ hoặc một phần của phiên tòa vì lý do đạo đức, trật tự công cộng hoặc an ninh quốc gia trong một xã hội dân chủ, hoặc vì lợi ích cuộc sống riêng tư của các bên tham gia tố tụng, hoặc trong chừng mực cần thiết, theo ý kiến của toà án, trong những hoàn cảnh đặc biệt mà việc xét xử công khai có thể làm phương hại đến lợi ích của công lý. Tuy nhiên mọi phán quyết trong vụ án hình sự hoặc vụ kiện dân sự phải được tuyên công khai, trừ trường hợp vì lợi ích của người chưa thành niên hay vụ việc liên quan đến những tranh chấp hôn nhân hoặc quyền giám hộ trẻ em.2. Người bị cáo buộc là phạm tội hình sự có quyền được coi là vô tội cho tới khi hành vi phạm tội của người đó được chứng minh theo pháp luật.3. Trong quá trình xét xử về một tội hình sự, mọi người đều có quyền được hưởng một cách đầy đủ và hoàn toàn bình đẳng những bảo đảm tối thiểu sau đây:a) Được thông báo không chậm trễ và chi tiết bằng một ngôn ngữ mà người đó hiểu về bản chất và lý do buộc tội mình;b) Có đủ thời gian và điều kiện thuận lợi để chuẩn bị bào chữa và liên hệ với người bào chữa do chính mình lựa chọn;c) Được xét xử mà không bị trì hoãn một cách vô lý;d) Được có mặt trong khi xét xử và được tự bào chữa hoặc thông qua sự trợ giúp pháp lý theo sự lựa chọn của mình; được thông báo về quyền này nếu chưa có sự trợ giúp pháp lý; và được nhận sự trợ giúp pháp lý theo chỉ định trong trường hợp lợi ích của công lý đòi hỏi và không phải trả tiền cho sự trợ giúp đó nếu không có đủ điều kiện trả;e) Được thẩm vấn hoặc yêu cầu thẩm vấn những nhân chứng buộc tội mình, và được mời người làm chứng gỡ tội cho mình tới phiên toà và thẩm vấn họ tại toà với những điều kiện tương tự như đối với những người làm chứng buộc tội mình;f) Được có phiên dịch miễn phí nếu không hiểu hoặc không nói được ngôn ngữ sử dụng trong phiên toà;g) Không bị buộc phải đưa ra lời khai chống lại chính mình hoặc buộc phải nhận là mình có tội.4. Tố tụng áp dụng đối với những người chưa thành niên phải xem xét tới độ tuổi của họ và mục đích thúc đẩy sự phục hồi nhân cách của họ.5. Bất cứ người nào bị kết án là phạm tội đều có quyền yêu cầu tòa án cấp cao hơn xem xét lại bản án và hình phạt đối với mình theo quy định của pháp luật.6. Khi một người bị kết án về một tội hình sự bởi một quyết định chung thẩm và sau đó bản án bị huỷ bỏ, hoặc người đó được tha trên cơ sở tình tiết mới hoặc phát hiện mới cho thấy rõ ràng có sự xét xử oan, thì người đã phải chịu hình phạt theo bản án trên, theo luật, có quyền yêu cầu được bồi thường, trừ trường hợp cơ quan tố tụng chứng minh rằng việc sự thật không được làm sáng tỏ tại thời điểm đó hoàn toàn hoặc một phần là do lỗi của người bị kết án gây ra.7. Không ai bị đưa ra xét xử hoặc bị trừng phạt lần thứ hai về cùng một tội phạm mà người đó đã bị kết án hoặc đã được tuyên trắng án phù hợp với pháp luật và thủ tục tố tụng hình sự của mỗi nước.

Xuân Tường

Related posts