Đối phó Trung Quốc, tân thủ tướng Nhật tiếp nối con đường của ông Abe
Thông qua các lựa chọn nội các, Tân thủ tướng Nhật Bản Yoshihide Suga đã phát tín hiệu cho thấy ông sẽ tiếp nối con đường của người tiền nhiệm Shinzo Abe trong chính sách đối ngoại, bao gồm cả cách tiếp cận với Trung Quốc theo đó cân bằng các mối quan hệ kinh tế kết hợp với phản ứng cứng rắn trước các hành động khiêu khích từ Bắc Kinh, theo Asian Nikkei Review.
Sau cuộc điện đàm dự kiến giữa ông Suga và Tổng thống Mỹ Donald Trump sớm nhất vào hôm Chủ nhật (20/9), Shigeru Kitamura – cố vấn an ninh quốc gia của vị tân Thủ tướng – sẽ đến thăm Washington vào tuần tới để gặp gỡ các quan chức Mỹ bao gồm người đồng cấp Robert O’Brien.
Ông Kitamura khá thân cận với vị cựu thủ tướng, từng là thư ký điều hành trong thời gian ông Abe làm thủ tướng nhiệm kỳ đầu vào hồi năm 2006. Ông được bổ nhiệm giữ chức vụ hiện tại hồi năm ngoái trước khi được ông Suga quyết định giữ lại trong nội các mới.
Giữ chức vụ chánh văn phòng nội các dưới thời ông Abe hơn 7 năm, tân thủ tướng Suga được biết đến nhiều trong vấn đề đối nội nhưng không gây được nhiều ấn tượng như người tiền nhiệm trên phương diện ngoại giao.
Việc tái bổ nhiệm ông Kitamura và Bộ trưởng Ngoại giao Toshimitsu Motegi, và việc ông chọn Nobuo Kishi, em trai của Abe, làm bộ trưởng quốc phòng, dường như nhằm xoa dịu những nghi ngờ này.
Tân bộ trưởng quốc phòng Kishi nói với các phóng viên hôm thứ Sáu (18/9) rằng, “việc xây dựng quân đội nhanh chóng của Trung Quốc là một vấn đề nghiêm trọng cần quan tâm” đồng thời cũng thừa nhận tầm quan trọng của việc bồi dưỡng lòng tin giữa các quan chức quốc phòng hai bên.
Việc bổ nhiệm ông Kishi đã khiến Trung Quốc khó chịu vì ông Kishi được biết đến là người ủng hộ Đài Loan. Ông chủ trì một nhóm các nhà lập pháp liên đảng tìm cách thúc đẩy trao đổi với quốc đảo này. Và vào năm 2015, ông là người định hướng cho lãnh đạo phe đối lập lúc bấy giờ là bà Thái Anh Văn, hiện là đương kim tổng thống, trong một chuyến công du đến Nhật Bản.
Khi được hỏi về ông Kishi trong buổi họp báo ngày 16/9, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Vương Bân đã nói: Trung Quốc hy vọng rằng “phía Nhật Bản sẽ tuân thủ nguyên tắc ‘Một Trung Quốc’ và kiềm chế mọi hình thức trao đổi chính thức với khu vực Đài Loan”.
Trung Quốc vẫn luôn coi Đài Loan là một tỉnh của mình và tuyên bố có thể sử dụng vũ lực để thâu tóm nếu cần thiết.
Căng thẳng giữa Mỹ – đồng minh thân cận nhất của Nhật Bản – với Trung Quốc đang leo thang, với hoạt động tăng cường quân sự của Bắc Kinh ở Biển Đông và mối quan ngại của quốc tế đang gia tăng về cuộc đàn áp ở Hồng Kông. Tokyo cũng đang phải vật lộn với các cuộc xâm nhập của tàu Trung Quốc xung quanh quần đảo Senkaku do phía Nhật Bản quản lý, mà Trung Quốc gọi là đảo Điếu Ngư và tuyên bố yêu sách chủ quyền.
Ông Suga đã cho thấy rằng, giống như người tiền nhiệm Abe, ông sẽ có lập trường cứng rắn đối với Bắc Kinh về những vấn đề nêu trên.
Một số nhà quan sát cho rằng ngôn ngữ cứng rắn này và danh sách các quan chức ngoại giao và an ninh theo khuynh hướng bảo thủ của thủ tướng Suga, có thể khởi tác dụng cân bằng quan điểm của chính ông về tầm quan trọng của việc duy trì mối quan hệ kinh tế giữa Tokyo với Bắc Kinh.
Thủ tướng Suga có thể xử lý các cuộc đối thoại trực tiếp với các nhà lãnh đạo thế giới khác ra sao vẫn còn phải chờ xem. Người tiền nhiệm của ông đã xây dựng mối quan hệ nồng ấm với tổng thống Donald Trump, nên đã giữ cho liên minh Nhật-Mỹ luôn vững chắc.
Một cuộc thử nghiệm sớm về năng lực của chính quyền mới với Mỹ, sẽ là các cuộc đàm phán sắp tới về việc Nhật Bản chia sẻ chi phí duy trì quân đội Mỹ, khi Washington gây áp lực buộc Tokyo phải trả thêm tiền. Với thỏa thuận dự kiến sẽ hết hạn vào tháng 3, hai bên hy vọng sẽ kết thúc các cuộc đàm phán vào cuối năm.
Nhà văn Anh: Không thể tiếp tục làm ngơ trước tội ác thu hoạch tạng
Ngày 14/9/2020 vừa qua, ông Mal Mitchell, một nhà văn, nhà hoạt động nhân quyền người Anh, đã đăng tải một bài bình luận trên tạp chí nhân quyền Bitter Winter của Ý, kêu gọi cộng đồng quốc tế hành động khẩn cấp và không thể tiếp tục thái độ nhắm mắt làm ngơ trước tội ác thu hoạch nội tạng của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ). Ông Mal Mitchell là thành viên của nhóm Giải phóng Tây Tạng (Free Tibet) và cũng là thành viên của Liên minh Quốc tế Chống Lạm dụng Cấy ghép tạng ở Trung Quốc (ETAC).
Trong bài bình luận có tiêu đề “Thu hoạch tạng: Nhắm mắt làm ngơ trước thảm kịch tàn bạo”, ông Mal Mitchell viết: “Thu hoạch nội tạng là một hành vi tàn bạo đang xảy ra ở Trung Quốc ngày nay nhưng lại được biết đến khá ít và có người thậm chí không tin nó xảy ra. Đây là việc thảm sát, tra tấn trên quy mô lớn và là thủ đoạn kiếm tiền do nhà nước hậu thuẫn. Chúng ta phải khiến sự thật này được biết đến rộng rãi và tiến hành các biện pháp quốc tế hiệu quả một cách khẩn cấp.”
“Nạn nhân chính của tội ác này là các tù nhân lương tâm, đặc biệt là người tập Pháp Luân Công. Nhóm chủ yếu thứ hai có bằng chứng rõ ràng về việc chế độ đã chuẩn bị sẵn để thu hoạch tạng của họ là người Hồi giáo Duy Ngô Nhĩ. Cũng có bằng chứng cho thấy các Phật tử Tây Tạng và các nhóm Kitô giáo là nạn nhân.”
Theo báo cáo “Thu hoạch đẫm máu – Đại thảm sát (Bản cập nhật)” được công bố vào năm 2016 của nhà báo được đề cử Nobel Hòa Bình Ethan Gutmann, cựu Quốc vụ khanh Canada phụ trách khu vực Châu Á-Thái Bình Dương David Kilgour, và luật sư nhân quyền được đề cử Nobel Hòa Bình David Matas, dựa trên dữ liệu từ hơn 700 bệnh viện ghép tạng, ước tính số ca cấy ghép tạng ở Trung Quốc là khoảng 60.000-100.000 ca mỗi năm, tổng cộng có thể lên tới 1,5 triệu ca từ năm 2000 đến năm 2016. Phần lớn số nội tạng này theo các nhà nghiên cứu là đến từ hoạt động thu hoạch tạng do nhà nước hậu thuẫn.
Ông Mal Mitchell bình luận: “Đối với ĐCSTQ, đây là một ngành công nghiệp mang lại lợi nhuận khổng lồ. Người giàu ở Trung Quốc, Hoa Kỳ, Vương quốc Anh và trên thế giới đang tiếp nhận những ca cấy ghép tạng này. Một số người chắc chắn biết về nguồn gốc của nội tạng, trong khi những người khác thì không.”
Ông Mal Mitchell cũng nhắc lại phán quyết của Tòa án độc lập điều tra về thu hoạch nội tạng cưỡng bức từ tù nhân lương tâm tại Trung Quốc do luật sư Anh quốc Geoffrey Nice chủ tọa rằng: “Việc thu hoạch tạng đã bị thực hiện trên khắp Trung Quốc trong nhiều năm, trên quy mô lớn, và… người tập Pháp Luân Công trở thành một – và có thể là phần lớn – trong số các nguồn cung nội tạng.”
Bên cạnh đó, Tòa án cũng cho biết: “Tòa án chưa có chứng cứ cho thấy các cơ sở vật chất quan trọng liên quan tới ngành công nghiệp cấy ghép tại Trung Quốc đã bị phá dỡ; đồng thời cũng không có giải thích hợp lý nào khác đối với nguồn cung nội tạng; vì thế tòa cho rằng việc thu hoạch tạng vẫn đang tiếp diễn cho tới ngày nay.” “Việc thực hiện tội ác chống lại loài người đối với Pháp Luân Công và Duy Ngô Nhĩ là chắc chắn không chút hoài nghi…”
Ông Mal Mitchell cho rằng hầu hết các nước vẫn đồng lõa với tội ác chống lại loài người này, ngoại trừ một vài nước đã có các động thái lập pháp để cấm việc công dân của họ tới Trung Quốc cấy ghép tạng như Israel, Tây Ban Nha, Ý, Đài Loan và một vài nước khác.
Ông Mal Mitchell nhắc lại tuyên bố của Tòa án: “Các chính phủ và những ai tiếp xúc với chính quyền Cộng hòa Nhân dân Trung hoa… cần phải hiểu rằng họ đang tiếp xúc với một nhà nước tội ác.”
“Nhiệt tâm với việc tiếp tục và mở rộng thương mại với Trung Quốc đã khiến các chính phủ và các tổ chức tư nhân không muốn xem xét các bằng chứng về việc cưỡng bức thu hoạch nội tạng người. Nếu họ biết rằng lịch sử sẽ xem xét và coi đây là một điều sỉ nhục, liệu họ có làm khác đi hay không? Dường như họ vẫn đang hy vọng rằng họ có thể bỏ qua các bằng chứng…”, ông bình luận.
Ông Mal Mitchell kêu gọi mỗi người dân thế giới hãy công khai phản đối tội ác chống lại loài người của ĐCSTQ bắt đầu từ chính bản thân mình. “Liệu sự phản đối mạnh mẽ công khai trên trường quốc tế có thể đảo ngược các cuộc đàm phán kinh tế và thay đổi cục diện đáng xấu hổ này không? Chắc chắn là có thể.”
Phản đối ‘Hán hóa’, dân Nội Mông cho biết nơi đây đã thành xã hội ‘cảnh sát trị’
Và Nội Mông đang dần trở thành một Tân Cương thứ hai.
Chính quyền Trung Quốc đã áp đặt việc dạy học bằng tiếng Hán đối với con em học sinh tộc người Mông Cổ ở khu tự trị Nội Mông. Hai tuần sau khi năm học mới bắt đầu, trước việc người dân Mông Cổ từ chối cho con em họ đi học trở lại, chính quyền Nội Mông đã tự ý bắt giữ hơn 1.000 người biểu tình và yêu cầu tộc người Mông Cổ phản đối việc dạy bằng tiếng Trung phải chấp nhận “đào tạo giáo dục pháp chế”.
Tân Cương thứ hai
Hốt Tất Tư, một học giả người Mông Cổ có chuyến du lịch ở Nhật Bản nói với trang Apple Daily của Hồng Kông rằng lớp cải tạo này giống như một “trại giáo dục cải tạo” ở Tân Cương. “Họ (Đảng Cộng sản Trung Quốc – ĐCSTQ) chính là muốn biến Nội Mông thành Tân Cương với một loạt các trại tập trung, trại giáo dục cải tạo”, anh nói.
Theo một bản báo cáo gần đây nhất của Trung tâm Thông tin Nhân quyền Miền Nam Mông Cổ, tính đến ngày 14/9, đã có ít nhất 9 người bị bức tử do chịu áp lực từ việc chính quyền cưỡng bức dạy học bằng tiếng Hán, trong đó có một hiệu trưởng đã mất vì nhảy lầu tử tự.
Nội Mông đã trở thành một xã hội “cảnh sát trị”
Trung tâm Thông tin Nhân quyền Nam Mông Cổ chỉ ra rằng chính quyền đã có những vụ bắt giữ tùy tiện, giam giữ bất hợp pháp, cưỡng chế mất tích và quản thúc tại nhà đối với những người bất đồng chính kiến. Số người bị bắt giữ đã trên nghìn người, và nhiều người phụ huynh học sinh đã bị giam giữ tại trường làm con tin trước ngày tựu trường. Trung tâm này mô tả hiện giờ Nội Mông đã thành một xã hội “cảnh sát trị”.
Chính quyền địa phương thậm chí còn ban hành văn bản cứng rắn quy định tất cả các trường phải có một tỷ lệ tuyển sinh nhất định. Anh Hốt Tất Tư nói với trang Apple Daily rằng nhà chức trách muốn đạt được tỷ lệ nhập học đã được chỉ định, giống như nổi điên vậy, thậm chí cử cảnh sát đặc nhiệm đến các vùng chăn nuôi bắt giữ bố mẹ để buộc các em phải đến trường.
Liên quan đến năm cơ quan lớn của Nội Mông là “Công, Kiểm, Pháp, Tư, Giáo” (Cục Công an, Viện Kiểm sát, Tòa án, Cục Thể thao Khoa học Kỹ thuật Giáo dục, Sở Tư pháp), họ đã đưa ra một thông báo chung nêu rõ rằng nếu công nhân viên chức không cho con mình đi học trở lại, các bậc cha mẹ sẽ buộc phải tiếp nhận “đào tạo giáo dục pháp chế”. Anh Hốt Tất Tư lo lắng rằng điều này sẽ theo chân các dân tộc thiểu số khác ở Tân Cương, bởi cái khái niệm này tương tự như các “trại giáo dục cải tạo” ở Tân Cương, đều là nhằm mục đích cải tạo tư tưởng.
Đài Loan điều chiến đấu cơ chặn 19 máy bay Trung Quốc
Chính quyền Đài Loan hôm 19/9 cho biết đã điều động khẩn cấp chiến đấu cơ trước sự tiếp cận của không lực Trung Quốc trong ngày thứ hai liên tiếp, trong bối cảnh Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Mỹ Keith Krach đang thăm hòn đảo, theo Reuters.
Bộ Quốc phòng Đài Loan cho hay 19 máy bay Trung Quốc tham gia hoạt động, nhiều hơn 1 máy bay so với ngày 18/9. Một số phi cơ đã băng qua đường trung tuyến ở eo biển Đài Loan, trong khi một số khác xâm nhập vùng nhận dạng phòng không phía tây nam hòn đảo.
Trước tình hình đó, lực lượng không quân của Đài Loan “đã tức tốc điều động máy bay chiến đấu và triển khai hệ thống tên lửa phòng không để giám sát các hoạt động”.
Bắc Kinh đe dọa trả đũa Mỹ vì lệnh cấm TikTok, WeChat
Reuters đưa tin, Bộ Thương mại Trung Quốc hôm nay tuyên bố họ “kiên quyết phản đối” lệnh cấm của Mỹ đối với ứng dụng chia sẻ video TikTok và ứng dụng tin nhắn WeChat của Trung Quốc.
Bắc Kinh tuyên bố nếu Hoa Kỳ không sửa chữa những sai lầm của mình, thì Trung Quốc sẽ thực hiện các biện pháp cần thiết để bảo vệ lợi ích hợp pháp của các công ty Trung Quốc, song không nêu rõ chi tiết.
Trước đó, Bộ Thương mại Mỹ thông báo kể từ ngày 20/9, bất cứ hoạt động phân phối hay duy trì ứng dụng WeChat và TikTok trong kho ứng dụng tại Mỹ đều bị cấm. Theo đó, người dùng ở Mỹ sẽ không thể tải mới ứng dụng này, nhưng với những ai đã tải các ứng dụng này có thể tiếp tục sử dụng không phải xóa, nhưng với lệnh hạn chế mới, họ không thể tải cập nhật ứng dụng.
Lần đầu tiên sau 48 năm, một thủ tướng Nhật Bản muốn gọi điện thoại cho tổng thống Đài Loan
Kể từ khi hai nước cắt đứt quan hệ ngoại giao chính thức vào năm 1972, đây có thể là động thái có ý nghĩa rất quan trọng.
Trong chuyến thăm gặp mặt Tổng Thống Đài Loan hôm thứ Sáu (18/9), ông Yoshiro Mori chuyển lời của tân Thủ tướng Nhật Bản Suga Yoshihide muốn được nói chuyện với Tổng thống Thái Anh Văn qua điện thoại. Nếu ông Suga Yoshihide thực hiện, đây sẽ là cuộc gọi điện thoại ngoại giao đầu tiên giữa lãnh đạo Nhật Bản và Đài Loan sau 48 năm, theo Taiwan News.
Ngày 18/9 theo giờ địa phương, ông Mori Yoshiro đã dẫn đầu phái đoàn tới Đài Loan để dự lễ viếng cố Tổng thống Lý Đăng Huy. Trong cuộc gặp mặt Tổng thống Thái Anh Văn, cựu thủ tướng Mori Yoshiro chuyển lời chào của tân Thủ tướng Suga Yoshihide tới bà Thái và người dân Đài Loan. Ông cho biết thêm, ông Suga mong muốn nói chuyện với bà Thái qua điện thoại.
Phát ngôn viên phủ Tổng thống Trương Đôn Hàm (Zhang Dunhan) nói rằng, ông Mori Yoshiro đã đề cập trong cuộc trò chuyện với bà Thái, “Nếu có cơ hội trong tương lai, Tổng thống Thái Anh Văn cùng Tân Thủ tướng Suga Yoshihide có thể nói chuyện qua điện thoại”. Tuy nhiên, phiên dịch tiếng Trung tại chỗ đã không hoàn thành kịp thời việc phiên dịch, sau khi được nhân viên giải thích bổ sung, bà Thái đã bày tỏ lòng biết ơn.
Theo lời Trương Đôn Hàm nói với báo chí, mặc dù hai bên vẫn chưa sắp xếp cuộc gọi, nhưng chính phủ Đài Loan cũng mong rằng, Đài Loan và Nhật Bản sẽ tiếp tục tăng cường các hoạt động trao đổi khác nhau trong tương lai và cùng nhau giải quyết mọi vấn đề có lợi cho nhân dân hai nước.
Cựu Thủ tướng Nhật Bản Mori Yoshiro đã thực hiện lời hứa của mình. Ngay cả khi bị thương, ông ấy vẫn không thoái thác, đến Đài Loan để tham gia lễ tưởng niệm cựu Tổng thống Lý Đăng Huy. Tình hữu nghị của ông Mori Yoshiro với Đài Loan thực sự khiến người ta rất xúc động, bà Thái bày tỏ với giới truyền thông.
Bà Thái cũng nói: “Tôi xin gửi lời chúc mừng tốt đẹp nhất tới nội các mới của Nhật Bản, tới Thủ tướng Suga và cảm ơn cựu Thủ tướng Abe Shinzo vì những đóng góp của ông trong việc làm sâu sắc hơn quan hệ Đài Loan – Nhật Bản trong nhiệm kỳ của mình. Tôi tin rằng với những nỗ lực chung của chúng ta, tình hữu nghị Đài Loan – Nhật Bản sẽ có thể đánh dấu thêm nhiều mốc son hơn nữa”.
Sau khi cựu Thủ tướng Nhật Bản Abe Shinzo từ chức vì lý do bệnh tật, ông Suga Yoshihide, tân chủ tịch của Đảng Dân chủ Tự do Nhật Bản, chính thức được bầu làm Thủ tướng thứ 99 của Nhật Bản vào ngày 16/9.
Tây Ban Nha cáo buộc tin tặc Trung Quốc đánh cắp dữ liệu vắc-xin Covid
Tin tặc Trung Quốc đã đánh cắp thông tin từ các phòng thí nghiệm Tây Ban Nha đang nghiên cứu vắc-xin cho viêm phổi Vũ Hán, AFP dẫn tin từ El Pais hôm thứ Sáu (18/9).
Phát biểu với các nhà báo hôm 17/9, Giám đốc Trung tâm Tình báo Quốc gia Tây Ban Nha Paz Esteban Lopez cho biết đã có sự gia tăng hoạt động tấn công mạng trong thời gian áp dụng các biện pháp kiểm dịch, và các tin tặc nhắm vào “các lĩnh vực nhạy cảm như chăm sóc sức khỏe và dược phẩm”.
Theo Paz Esteban, các tin tặc đã thực hiện “một chiến dịch đặc biệt thâm độc nhắm vào các phòng thí nghiệm đang chế tạo vắc-xin” không chỉ ở Tây Ban Nha mà còn ở những nơi khác.
Theo các nguồn tin an ninh, hầu hết các cuộc tấn công được thực hiện bởi tin tặc từ Trung Quốc và Nga. Nhưng một cuộc tấn công – trong đó dữ liệu Tây Ban Nha đã bị đánh cắp – được thực hiện bởi các tin tặc Trung Quốc.
Tổng thống Trump: Mỹ sẽ có đủ vắc-xin Covid cho người dân vào tháng 4 năm sau
Tổng thống Donald Trump hôm 18/9 cho biết Hoa Kỳ sẽ sản xuất ít nhất 100 triệu liều vắc-xin viêm phổi Vũ Hán trước cuối năm nay và sẽ có đủ để tiêm chủng cho tất cả người dân Mỹ vào tháng 4 năm sau.
CNBC đưa tin, trong cuộc họp báo ở Tòa Bạch Ốc hôm 18/9, Tổng thống Trump nói: “Hàng trăm triệu liều sẽ được cung cấp mỗi tháng và chúng tôi dự kiến sẽ có đủ vắc-xin cho mọi người dân Mỹ vào tháng 4. Một lần nữa tôi sẽ nói ngay cả ở giai đoạn sau đó, việc phân phối sẽ diễn ra nhanh nhất có thể”.
Dự báo của Tổng thống Trump trái ngược với Tiến sĩ Robert Redfield, người đứng đầu Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Mỹ (CDC). Ông đã nói hồi đầu tuần này rằng Hoa Kỳ sẽ không bắt đầu tiêm chủng cho người dân sớm nhất cho đến tháng 11 hoặc tháng 12 và liều lượng ban đầu sẽ bị giới hạn.
FBI đang đẩy mạnh điều tra gián điệp Trung Quốc
Christopher Wray, Giám đốc Cục Điều tra Liên bang (FBI), cho biết Bắc Kinh đang tiến hành “cuộc chiến nhân tài” để duy trì tham vọng công nghệ và lợi dụng tiền đóng thuế của người Mỹ nhằm đạt được các mục tiêu chính trị của họ. Để đối phó, FBI đang gia tăng các hoạt động điều tra gián điệp Trung Quốc.
“Vì vậy, người Trung Quốc coi họ như đang trong một cuộc chiến tranh nhân tài quốc tế, và họ nhận ra rằng công nghệ và nghiên cứu của Mỹ là những gì mà thế giới phải ghen tị và thẳng thắn mà nói, đó là điều mà Trung Quốc thèm muốn”, ông Wray nói tại một phiên điều trần do Ủy ban An ninh Nội địa, thuộc Hạ viện Mỹ, tổ chức vào ngày 17/9.
Giám đốc FBI nói thêm: “Và khi họ không thể có công nghệ và nghiên cứu mới, họ cử người đến đây, trong một số trường hợp là hợp pháp, nhưng trong nhiều trường hợp thì không, họ đến đây thực hiện việc ăn cắp tài sản trí tuệ, lấy thông tin, nghiên cứu của Mỹ và mang nó trở lại Trung Quốc để thúc đẩy các mục tiêu an ninh quốc gia của Trung Quốc”.
“Bởi vì phần lớn nghiên cứu được tài trợ bằng tiền thuế của người dân Mỹ, vì thế chiến thuật của Bắc Kinh trong việc đánh cắp tài sản trí tuệ và bí mật thương mại của Hoa Kỳ gây thiệt hại đối với người Mỹ đóng thuế, họ giành sở hữu công nghệ [Mỹ] nhưng với chi phí của chúng ta”, ông Wray nói.
Trong nhiều thập kỷ, Bắc Kinh đã duy trì các chương trình tuyển dụng nhân tài để thu hút những chuyên gia Hoa kiều và nước ngoài làm việc cho các lĩnh vực khoa học và công nghệ của Trung Quốc, với tham vọng sớm đưa quốc gia đông dân nhất thế giới trở thành cường quốc công nghiệp và công nghệ.
Một trong những chương trình mà Bắc Kinh quan tâm nhất là “Kế hoạch Nghìn nhân tài”, được triển khai từ năm 2008. Truyền thông nhà nước Trung Quốc đưa tin rằng tính đến tháng 11/2017, chương trình này đã tuyển dụng được hơn 7.000 nhà khoa học và nhà nghiên cứu, hầu hết là từ các trường đại học, các viện nghiên cứu và các công ty quốc tế có trụ sở tại Hoa Kỳ, Châu Âu và các nước phát triển về công nghệ khác.
Trong những tháng gần đây, các công tố viên liên bang Mỹ đã cáo buộc một số nhà nghiên cứu tham gia chương trình “Nghìn nhân tài” của Trung Quốc tội danh đánh cắp tài sản trí tuệ của Hoa Kỳ.
Tại phiên điều trần tại Hạ viện, ông Wray đã đề cập lại những nhận xét công khai trước đây của mình về việc FBI hiện đang có nhiều cuộc điều tra liên quan đến người Trung Quốc.
“Tôi nghĩ tôi đã nói rõ rằng FBI hiện có hơn 2.000 cuộc điều tra phản gián liên quan đến Trung Quốc, cho đến nay đây là chiến dịch điều tra lớn nhất trong danh mục phản gián của chúng tôi và chúng tôi đang mở một cuộc điều tra phản gián Trung Quốc mới [với tần xuất] khoảng 10 giờ một lần rà soát”, ông Wray nói.
Ông Wray cho biết thêm rằng cả khu vực tư nhân và giới học thuật Hoa Kỳ đều ủng hộ các cuộc điều tra của FBI, và người Mỹ “đang bắt đầu cảnh giác với mối đe dọa của [Trung Quốc]”.
Trước phiên điều trần ông Wray nói rằng “Trung Quốc là thực thể đang đặt ra mối đe dọa lớn và nghiêm trọng nhất đối với tài sản trí tuệ [của người Mỹ]”.
“Chính người dân Hoa Kỳ là nạn nhân của những vụ trộm cắp của Trung Quốc với quy mô lớn đến mức nó được xem như một trong những vụ ăn cắp tài sản lớn nhất trong lịch sử nhân loại. Nếu bạn là một người Mỹ trưởng thành, nhiều khả năng Trung Quốc đã đánh cắp dữ liệu cá nhân của bạn”, ông Wray nói.
Ông Wray cho biết vụ tấn công mạng do tin tặc Trung Quốc thực hiện năm 2017 nhắm vào hệ thống của Equifax đã khiến khoảng 145 triệu thông tin cá nhân của công dân Mỹ bị đánh cắp. Vào tháng Hai, bốn “tin tặc được quân đội Trung Quốc hậu thuẫn” đã bị truy tố vì vụ tấn công này.
Giám đốc FBI nhấn mạnh rằng mối đe dọa Trung Quốc không phải là từ người dân Trung Quốc mà là từ lực lượng đang cầm quyền ở nước này.
“Khi FBI đề cập đến mối đe dọa Trung Quốc, [là] chúng tôi muốn đề cập đến [mối đe dọa từ] Chính phủ Trung Quốc và Đảng Cộng sản Trung Quốc”, ông Wray lưu ý.
Sau khi từ chức, ông Abe đến thăm đền Yasukuni
Vài ngày sau khi từ chức, ông Shinzo Abe hôm 19/9 đã viếng thăm đền Yasukuni, theo Nikkei Asian Review.
Trong phần lớn thời gian nắm quyền, ông Abe không đến ngôi đền này nhằm tránh xung đột ngoại giao với các nước láng giềng. Trước đó, ông Abe cũng không tới thăm đền Yasukuni trong lễ kỷ niệm 75 năm kết thúc Chiến tranh Thế giới II. Lần cuối ông Abe tới thăm đền Yasukuni là vào tháng 12/2013.
Đền Yasukuni là nơi thờ cúng linh hồn của khoảng 2,5 triệu binh sĩ Nhật Bản thiệt mạng trong các cuộc chiến tranh từ cuối thế kỷ 19.
Trung Quốc và Hàn Quốc coi đền Yasukuni là biểu tượng cho quá khứ quân phiệt hiếu chiến của Tokyo, do 14 lãnh đạo Nhật Bản bị kết án vi phạm tội ác chiến tranh được thờ cúng tại đây.
Nhiều thủ tướng của Nhật Bản không đến thăm đền Yasukuni trong thời gian đương nhiệm nhằm tránh tạo ra xung đột với Trung Quốc và Hàn Quốc.