Tin Việt Nam sáng Chủ Nhật

Thái Bình: Thiết bị phòng Covid-19 xuất xứ Nhật nhưng là hàng Trung Quốc

Ảnh chụp màn hình video VTV1.

Giá trúng thầu và giá ký hợp đồng khác nhau, thẩm định giá trên thông tin không có thật, thiết bị trên hồ sơ là của Nhật Bản nhưng thực tế xuất xứ từ Trung Quốc…

Đó là một loạt những sai phạm mà giới chức tỉnh Thái Bình vừa có kết luận thanh tra chỉ ra trong việc mua sắm trang thiết bị y tế, hóa chất vật tư tiêu hao trong phòng dịch virus Vũ Hán tại tỉnh này, thông tin trên được truyền thông trong nước loan đi hôm 19/9.

Theo đó, năm 2020, Sở Y tế Thái Bình được tỉnh phê duyệt làm chủ 3 gói thầu với tổng giá trị hơn 43 tỷ đồng; Trung tâm kiểm soát bệnh tật (CDC) Thái Bình làm chủ đầu tư 3 gói thầu khác với tổng giá trị hơn 4,7 tỷ đồng. Qua thanh tra cho thấy tại hầu hết các gói thầu này đều có sai phạm với nhiều mức độ khác nhau.

Trên hồ sơ xuất xứ Nhật Bản nhưng thực tế là hàng Trung Quốc…

Tại gói mua sắm trang thiết bị y tế cho Bệnh viện Đa khoa tỉnh và Bệnh viện Nhi do Sở Y tế làm chủ đầu tư thì hợp đồng với nhà thầu, biên bản nghiệm thu, bàn giao, tiếp nhận tài sản ngày 17/4, giữa Sở Y tế với Công ty TNHH Thiết bị khoa học kỹ thuật và công nghệ Việt Nam, Bệnh viện Đa khoa tỉnh và Công ty TNHH tư vấn xây dựng 3Dmax, mặt hàng máy điện tim 3 kênh Model ECG-2150, hãng sản xuất Nihon Kohden, xuất xứ Nhật Bản nhưng kiểm tra thực tế máy đã bàn giao thì có xuất xứ Trung Quốc.

Ngoài ra, cũng tại gói thầu mua sắm trang thiết bị cho 11 bệnh viện đa khoa tuyến huyện, thanh tra cũng phát hiện trong hợp đồng thẩm định giá, chứng thư thẩm định giá của Công ty Cổ phần thẩm định giá và đầu tư bưu điện, thể hiện mặt hàng máy truyền dịch model Top-2300, Hãng sản xuất Top/Nhật Bản, xuất xứ Nhật Bản, nhưng trong hồ sơ đề xuất của nhà thầu trúng thầu máy truyền dịch có model Top 2300, Hãng sản xuất Meditop/Malaysia, xuất xứ Malaysia…

Đơn vị bàn giao một số trang thiết bị y tế cũng không phải là nhà thầu trúng thầu (Công ty TNHH Thiết bị khoa học kỹ thuật và công nghệ Việt Nam).

‘Tự’ giảm giá sau khi trúng thầu?

Sở Y tế Thái Bình đã chỉ định thầu đối với 3 gói thầu mua sắm thiết bị y tế nhưng khi ký hợp đồng thì giá đều giảm so với giá chỉ định.

Cụ thể, gói thầu mua sắm trang thiết bị y tế tại CDC Thái Bình, Công ty TNHH thương mại và dịch vụ kỹ thuật Tài Lộc trúng với mức giá 6,48 tỷ đồng, khi ký hợp đồng được điều chỉnh xuống còn 5,8 tỷ đồng.

Gói thầu mua sắm trang thiết bị y tế tại Bệnh viện đa khoa tỉnh Thái Bình và Bệnh viện Nhi Thái Bình, Công ty TNHH thiết bị khoa học kỹ thuật và công nghệ VN trúng với mức giá 19,3 tỷ đồng, khi ký hợp đồng đã điều chỉnh giảm còn 17,9 tỷ đồng.

Gói thầu mua sắm trang thiết bị tại 11 bệnh viện đa khoa tuyến huyện, Công ty TNHH sản xuất thương mại Trần Lê trúng với giá 20,6 tỷ đồng, khi ký hợp đồng cũng giảm còn 18,5 tỷ đồng.

Thanh tra Thái Bình còn chỉ ra, trong quá trình thẩm định giá, các thẩm định viên đã vi phạm tiêu chuẩn thẩm định giá Việt Nam… Cụ thể, không tuân thủ quy trình thẩm định giá, phương pháp thẩm định giá; các hồ sơ thẩm định đều không có biên bản khảo sát thực tế, không có tài liệu thể hiện kết quả thu thập, phân tích thông tin các giao dịch chào bán…

Một số chứng từ trang thiết bị phòng dịch kèm theo tờ khai hải quan có dấu hiệu tẩy xóa giá trị như các loại Commercial Invoice (hóa đơn thương mại) không có giá trị tính trên đơn vị (price/unit) và tổng giá trị (Total amount).

“Một số chứng từ kèm theo tờ khai hải quan có dấu hiệu tẩy xóa giá trị như các loại Commercial Invoice (hóa đơn thương mại) không có giá trị tính trên đơn vị (price/unit) và tổng giá trị (Total amount)”, báo Thanh Niên dẫn kết luận điều tra.

Đặc biệt, kết luận điều tra của Thanh tra tỉnh Thái Bình đã không nêu rõ thiết bị máy xét nghiệm do Công ty TNHH thương mại và dịch vụ kỹ thuật Tài Lộc cung cấp cho CDC Thái Bình là loại máy gì, xuất xứ từ đâu; đồng thời cũng không đề cập lý do sau khi trúng thầu lại điều chỉnh giá (?!).

Với hàng loạt sai phạm, thanh tra tỉnh Thái Bình chỉ kiến nghị Chủ tịch tỉnh xử phạt hành chính đối với các doanh nghiệp là nhà thầu, thẩm định giá; đồng thời kiểm điểm trách nhiệm tập thể, cá nhân tại Sở Y tế, Sở Tài chính, CDC Thái Bình và một số đơn vị liên quan khác.

Phó hiệu trưởng cùng giáo viên mở ‘tiệc ma túy’ trong trường

Ông Dương Xuân Kiểm (SN 1968), Phó hiệu trưởng Trường Tiểu học và Trung học cơ sở xã An Thắng, huyện Pắc Nặm (Bắc Kạn) cùng 1 giáo viên và 2 người khác bị bắt quả tang sử dụng trái phép chất ma túy tại trường học tối 17/9.

Tối 19/9, trao đổi với PV báo Giao thông, lãnh đạo Công an tỉnh Bắc Kạn xác nhận thông tin trên và cho biết, những người hút ma túy với ông Kiểm là Lý Nguyên Bảo (SN 1973, giáo viên cùng trường với ông Kiểm), Mồng Văn Duy (SN 1988, trú thôn Nà Bản) và Mã Văn Đới (trú tại thôn Nặm Vằn, xã Nghiên Loan cùng huyện Pác Nặm).

Tang vật thu giữ tại phòng làm việc ông Kiểm nơi trường học gồm 7 cục nhựa thuốc phiện, 2 lọ sái thuốc phiện, 1 gậy điện, 1 bộ dụng cụ sử dụng thuốc phiện, 4 điện thoại di động và 418.000 đồng. Qua xét nghiệm cả 4 người trên đều có kết quả dương tính với chất ma túy.

Trao đổi với Thanh Niên, một lãnh đạo huyện Pắc Nặm cho biết, ông Kiểm đã bị tạm giữ để làm rõ hành vi tổ chức sử dụng trái phép chất ma túy.

Bị phạt hơn 500 triệu đồng, công ty của người Trung Quốc vẫn tiếp tục xả thải

Nước thải đen ngòm, mùi hôi thối từ bể nước thải khu xử lý kén tằm của công ty Sunfeel Việt Nam (ảnh: Moitruong.net.vn).

Công ty TNHH Sunfeel Việt Nam (Khu công nghiệp Phú Hội, huyện Đức Trọng) do Li Chun (Lý Xuân, quốc tịch Trung Quốc làm Tổng Giám đốc) bị xử phạt 522 triệu đồng do hoạt động và xả thải ra môi trường, tuy nhiên đến nay công ty này vẫn tiếp tục xả thải.

Báo Môi Trường đưa tin, từ 31/7, UBND tỉnh Lâm Đồng ban hành quyết định số 1628 xử phạt Công ty TNHH Sunfeel Việt Nam (Khu công nghiệp Phú Hội, huyện Đức Trọng) 522 triệu đồng về hành vi xả nước thải vượt quy chuẩn kỹ thuật về chất thải từ 5 đến dưới 10 lần trong trường hợp thải lượng nước thải từ 100 m3/ngày đến dưới 200 m3/ngày.

Hình phạt bổ sung kèm theo là đình chỉ hoạt động gây ô nhiễm môi trường trong 4 tháng kể từ ngày ban hành quyết định. Trong vòng 30 ngày, Công ty Trách nhiệm hữu hạn Sunfeel Việt Nam phải thực hiện khắc phục tình trạng ô nhiễm môi trường và báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh.

Tuy nhiên, theo báo Lao Động đăng tải, ngày 21/8 Sở TNMT tỉnh Lâm Đồng phối hợp với Phòng Cảnh sát môi trường (Công an tỉnh), Phòng TNMT huyện Đức Trọng và Công ty Phát triển hạ tầng KCN Lộc Sơn – Phú Hội kiểm tra đột xuất Công ty TNHH Sunfeel Việt Nam. Tại thời điểm kiểm tra, Công ty TNHH Sunfeel Việt Nam vẫn hoạt động sản xuất và chưa chấp hành yêu cầu tạm đình chỉ gây ô nhiễm môi trường theo quyết định số 1628 ngày 31/7/2020 của UBND tỉnh Lâm Đồng. Đoàn kiểm tra đã yêu cầu công ty này tạm ngưng các hoạt động gây ô nhiễm môi trường theo quyết định xử phạt.

Ngày 16/9, Sở TNMT tỉnh Lâm Đồng tiếp tục kiểm tra đột xuất và phát hiện công ty vẫn tiếp tục hoạt động và xả nước thải ra môi trường. Ngoài ra, công ty này còn tự ý đưa máy múc vào đào hố để xây dựng hệ thống xử lý nước thải khi chưa được sự cho phép của cơ quan chức năng.

Công ty TNHH Sunfeel Việt Nam đăng ký hoạt động từ ngày 11/4/2017 tại tỉnh Lâm Đồng, do ông Lý Xuân (quốc tịch Trung Quốc) là người đại diện theo pháp luật.

Công ty này đăng ký lĩnh vực hoạt động “Sản xuất các loại hàng dệt khác chưa được phân vào đâu”, địa chỉ trụ sở tại Khu công nghiệp Phú Hội, Xã Phú Hội, Huyện Đức Trọng, Lâm Đồng.

Từ khi đi vào hoạt động vào năm 2017, chuyên sản xuất tơ và dệt lụa tơ tằm đến nay, doanh nghiệp này liên tục bị các đơn vị hoạt động cùng trong Khu công nghiệp Phú Hội khiếu nại vì gây ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất kinh doanh của các đơn vị khác trong khu vực.

Từ năm 2018 đến nay, đại diện Công ty Trách nhiệm hữu hạn APPOLO Việt Nam liên tục kiến nghị về tình trạng ô nhiễm môi trường do Sunfeel Việt Nam gây ra, làm ảnh hưởng đến môi trường và sức khỏe của nhân viên công ty.

3 người bị nước cuốn khi qua cầu tràn

Báo Zing đưa tin, sự việc xảy ra lúc 5h ngày 19/9, tại cầu tràn Đập Quát ở xã Sơn Giang, huyện Hương Sơn, Hà Tĩnh. Nạn nhân tử vong là N.T.H.(27 tuổi, trú thị trấn Phố Châu, huyện Hương Sơn).

Theo lãnh đạo địa phương, rạng sáng nay, H. cùng 2 thanh niên khác chở nhau bằng xe máy hướng từ xã Sơn Giang đi thị trấn Phố Châu. Khi qua cầu tràn Đập Quát, cả 3 bị nước cuốn trôi. Hai người đi cùng bơi được vào bờ, riêng H. mất tích.

Đến 8h cùng ngày, lực lượng chức năng địa phương và người dân đã tìm thấy thi thể nạn nhân cách cầu tràn khoảng 10m.

“Do ảnh hưởng của bão số 5, nước qua đập tràn dâng cao và chảy xiết. Chính quyền đã cắm biển cảnh báo nguy hiểm nhưng có thể 3 thanh niên cố vượt qua nên gặp nạn”, lãnh đạo chính quyền sở tại nói.

Học sinh dùng điện thoại trong lớp

Theo VTV, Điều 37 của Thông tư 32 vừa được ban hành quy định về các hành vi mà học sinh không được làm. Một trong số đó là “Sử dụng điện thoại di động khi đang học tập trên lớp mà không phục vụ cho việc học tập và không được giáo viên cho phép”.

Làm rõ hơn về quy định mới mà Bộ GD&ĐT vừa đưa ra, ông Nguyễn Xuân Thành – Vụ trưởng Vụ Giáo dục Trung học (Bộ GD&ĐT) cho biết, quy định này để hỗ trợ trong trường hợp học sinh cần truy cứu, tìm những nguồn học liệu để hỗ trợ cho bài học khi được sự cho phép của giáo viên.

“Theo thông tư 12 trước đây, hành vi học sinh không được làm là “sử dụng điện thoại di động trong giờ học”. Tức là cấm hoàn toàn việc sử dụng điện thoại trong giờ học, đã vào lớp học là không được dùng điện thoại. Như vậy, thông tư mới sẽ áp dụng từ ngày 1/11 tới đây là chỉ cấm việc sử dụng mà không phục vụ cho việc học tập và việc sử dụng sẽ có sự quản lý của giáo viên”, ông Thành chia sẻ.

Như vậy, Bộ GD&ĐT không cấm dùng điện thoại trong lớp nhưng cũng không có nghĩa là được dùng một cách thoải mái, không có sự kiểm soát”, ông Thành nhấn mạnh.

Nâng cầu hơn 55 năm tuổi cho tàu thuyền qua lại

Theo báo Người lao động, trưa 19/9, khi hay tin cầu Nguyễn Văn Trỗi chuẩn bị nâng nhịp để tàu thuyền từ sâu trong sông Hàn đi ra cửa sông, anh Nguyễn Thanh Đại (trú phường Mỹ An, quận Ngũ Hành Sơn) đã chở gia đình đến cầu để lưu niệm khoảnh khắc độc lạ này. “33 năm sống ở Đà Nẵng, lần đầu tôi mới thấy cầu Nguyễn Văn Trỗi nâng nhịp. Nhìn thấy ảnh trên mạng, ban đầu tôi không tin nên mới cùng cả nhà đến đây check-in, tận mắt xem cây cầu nâng nhịp” – anh Đại nói.

Không chỉ riêng gia đình anh Đại, hàng trăm người dân hiếu kỳ đã đến các khu vực gần cầu Nguyễn Văn Trỗi để chứng kiến cây cầu hơn 55 tuổi nâng 1 nhịp, cho tàu thuyền qua lại bên dưới.

Trước đó, ngày 17/9, đơn vị vận hành cầu Nguyễn Văn Trỗi đã quyết định nâng 1 nhịp cầu, để tàu thuyền được vào sâu bên trong sông Hàn nhằm tránh bão số 5. Đến ngày 19/9, bão số 5 suy yếu thành áp thấp nhiệt đới, cầu Nguyễn Văn Trỗi lại một lần nữa nâng nhịp để các tàu thuyền trở ra lại cửa sông.

Theo thông số, ở nhịp cầu được nâng, số kích nâng là 4, với tải trọng nâng 1 kích là 100 tấn, vận tốc nâng: 0,233 m/phút. Hành trình nâng với độ cao 3,6m. Chiều dài nhịp thông thuyền được nâng là 36,45m.Theo tìm hiểu, cầu Nguyễn Văn Trỗi được đưa vào sử dụng vào năm 1965, là cầu đường bộ đầu tiên bắc qua sông Hàn.

Related posts