Trụ trì chùa Phước Quang phải hoàn tục vì lừa đảo số tiền lớn
Vì lừa đảo chiếm đoạt số tiền lớn, ông Thích Phước Ngọc, trụ trì chùa Phước Quang ở tỉnh Vĩnh Long đã bị kỷ luật cho hoàn tục trở về gia thất. Tuy nhiên, số tiền bị ông Ngọc chiếm đoạt lại không được tiết lộ.
Trang Giáo hội Phật giáo Việt Nam vừa truyền tin, ông Thích Phước Ngọc (tên thật Phạm Văn Cung), trụ trì chùa Phước Quang, kiêm Giám đốc cô nhi viện Suối Nguồn tình thương (ở thị trấn Tam Bình, huyện Tam Bình, tỉnh Vĩnh Long) bị hoàn tục trở về gia thất, không còn là tu sĩ Phật giáo.
Ông này đã bị thu hồi các giấy tờ, gồm: Chứng điệp thọ giới, chứng nhận tăng ni và đã xóa tên tu sĩ trong danh bộ tăng ni của Giáo hội Phật giáo Việt Nam tỉnh Vĩnh Long.
Lý do, ông Thích Phước Ngọc bị tố cáo đã ép buộc, lừa đảo chiếm đoạt số tiền lớn. Tuy nhiên, số tiền cụ thể không được tiết lộ.
Hiện Hội đồng Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam đã loan tải thông tin trên tới Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam các tỉnh, thành phố.
Ông Thích Phước Ngọc sinh năm 1982, ở xã Thiện Mỹ, huyện Trà Ôn, tỉnh Vĩnh Long, được phong chức trụ trì chùa Phước Quang vào năm 2006, và chính thức làm giám đốc cô nhi viện Suối Nguồn tình thương từ năm 2008.
Năm 2017, ông Ngọc được chính phủ Việt Nam tặng Huân chương lao động hạng 3.
Ông Thích Thiện Nhơn – phó chủ tịch, kiêm tổng thư ký hội đồng trị sự Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam, từng ca ngợi ông Thích Phước Ngọc rằng, ông Ngọc “là một vị xuất gia trẻ tuổi, nhưng quả là tài cao, đã thẩm thấu rất rõ nghĩa sống tình người”.
Cán bộ ngân hàng ở Đắk Lắk lừa đảo, tham ô hơn 100 tỷ đồng bị tuyên tử hình
Bị cáo Chu Ngọc Hải, nguyên cán bộ tín dụng Agribank Krông Bông (Đắk Lắk) bị tuyên tử hình vì lừa đảo, tham ô hơn 100 tỷ đồng.
Báo chí nhà nước vừa cho biết, tòa cấp cao Đà Nẵng đã tuyên án 16 bị cáo nguyên là nhân viên, cán bộ Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (Agribank) Chi nhánh huyện Krông Bông, tỉnh Đắk Lắk.
Trong các bản án mà tòa Đà Nẵng tuyên, có một án tử hình dành cho bị cáo Chu Ngọc Hải (36 tuổi), nguyên cán bộ tín dụng Agribank Krông Bông, vì hai tội: “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”, và “Tham ô tài sản”.
Người này được cho là đã lập khống 562 bộ hồ sơ vay vốn, chiếm đoạt hơn 110 tỷ đồng và hơn 3,2 tỷ đồng của 76 khách hàng.
Toàn bộ số tiền chiếm đoạt, Hải dùng vào việc cá độ bóng đá và mua vật dụng chơi game, gần 4 tỷ đồng tiêu xài cá nhân.
Bị cáo Ngô Quốc Vinh, nguyên giám đốc Agribank Krông Bông bị tuyên phạt 8 năm tù; Các bị cáo còn lại bị tuyên phạt từ 1 năm 6 tháng tù treo đến 6 năm tù, cùng về tội “Cố ý làm trái quy định của nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng”.
Những bị cáo này được cho là đã làm trái quy định của nhà nước, tạo cơ hội cho bị cáo Chu Ngọc Hải lợi dụng chiếm đoạt tài sản.
Trong một diễn biến có liên quan, hôm 4/9, tòa sơ thẩm Hải Phòng cũng đã tuyên tử hình bị cáo Trần Thị Kim Chi, cựu Giám đốc OceanBank Hải Phòng vì tham ô hơn 400 tỷ đồng.
Bị cáo Lê Vương Hoàng, cựu Kiểm soát viên và Nguyễn Thị Minh Huệ, cựu Trưởng phòng Kế toán kho quỹ, nhận mức án tù chung thân.
Bị cáo Chu Văn Nha, nguyên Thủ quỹ Oceanbank lĩnh 20 năm tù.
Quảng Trị: Đề xuất tiêu diệt đàn voọc nếu hết cách
Sáng 23/9, nhà chức trách Quảng Trị đề nghị hỗ trợ hai chó nghiệp vụ xua đuổi đàn voọc. Nếu dùng hết cách mà đàn voọc tiếp tục tấn công người thì có quyền tiêu diệt
VnExpress đưa tin, tại Đồn biên phòng Hướng Lập (huyện Hướng Hoá), các nhà trách tỉnh Quảng Trị họp bàn giải pháp xua đuổi đàn voọc ba con, gồm hai đực một cái, trở lại rừng.
Từ tháng 7/2020 đến nay, tại đoạn đường Hồ Chí Minh nhánh Tây qua thôn Cha Lỳ và đường bê tông rẽ vào thôn Sê Pu (xã Hướng Lập), đàn voọc đã tấn công 9 người dân, trong đó có một phụ nữ mang thai tám tháng, ba người phải khâu bốn mũi ở chân.
Bà Nguyễn Hồng Phương, Phó giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Quảng Trị, nói tình trạng trên kéo dài ảnh hưởng đến trật tự và tâm lý người dân. Bà Phương đề nghị Biên phòng Quảng Trị hỗ trợ hai chó nghiệp vụ trong năm ngày, với mục đích chỉ sử dụng tiếng chó để xua đuổi, không để xảy ra xung đột giữa chó và voọc.
Cuộc họp cũng đề xuất các phương án gây mê, đặt bẫy lồng, đặt bả có chất gây mê… Nếu các phương án bảo tồn không hiệu quả, trong khi đàn voọc tiếp tục tấn công người thì nhà chức trách có quyền tiêu diệt theo quy định hiện hành.
Trước đó, về đề xuất dùng chó nghiệp vụ đuổi voọc vào rừng, đại tá Lê Văn Phương, Chỉ huy trưởng Bộ chỉ huy Bộ đội biên phòng tỉnh Quảng Trị, cho biết đơn vị đang thảo luận với chuyên gia và trao đổi với Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn để có hướng xử lý phù hợp.
“Voọc là loài quý hiếm, chuyên gia cũng nhận định loài này rất manh động, nhất là mùa sinh sản. Trong khi chó nghiệp vụ phục vụ chiến đấu cũng rất mạnh mẽ nên nếu không cẩn thận thì chó và voọc sẽ xung đột, cắn nhau khi giáp mặt. Điều này sẽ rất nguy hiểm, ảnh hưởng đến quá trình bảo tồn động vật hoang dã”, đại tá Phương nói với Zing.
“Chó nghiệp vụ được huấn luyện đánh hơi, truy tìm, chiến đấu trấn áp tội phạm trong các vụ án. Việc sử dụng chúng để đuổi đàn voọc là thiếu hợp lý, không khả thi vì chó khi đã giáp mặt sẽ càng gây nguy hiểm cho đàn voọc”, trung tá Long lý giải.
Voọc Hà Tĩnh, hay còn gọi voọc đen Hà Tĩnh, voọc gáy trắng (tên khoa học Trachypithecus hatinhensis) được tìm thấy trong các khu rừng núi đá vôi thuộc tỉnh Quảng Bình. Chúng sống theo đàn từ 2 đến 15 con, cá biệt có đàn 30 con, thuộc nhóm IB động vật rừng nguy cấp, quý, hiếm.