Vụ nâng khống giá thiết bị y tế lên hàng chục tỷ: Bắt cựu lãnh đạo BV Bạch Mai
Cựu Giám đốc, Phó giám đốc, Kế toán trưởng Bệnh viện Bạch Mai bị bắt để điều tra về vụ nâng khống giá thiết bị y tế từ 7,6 tỷ đồng lên thành 40 tỷ đồng, khiến bệnh nhân phải chịu một khoản chi phí “trên trời”, thay vì trả 4 triệu đồng cho 1 ca phẫu thuật, thì họ phải trả số tiền lên đến 23 triệu đồng.
Truyền thông nhà nước vừa loan tin, Bộ Công an Việt Nam đã có lệnh khởi tố bị can, bắt tạm giam 4 tháng đối với ông Nguyễn Quốc Anh, cựu Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai; ông Nguyễn Ngọc Hiền, cựu Phó Giám đốc bệnh viện Bạch Mai; và bà Trịnh Thị Thuận, cựu Kế toán Trưởng bệnh viện Bạch Mai.
Những người này bị khởi tố để điều tra hành vi “Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ”, theo Điều 365 Bộ luật hình sự Việt Nam năm 2015, sửa đổi bổ sung 2017.
Cơ quan chức năng nhận định, bị can Nguyễn Quốc Anh có vai trò chính, Nguyễn Ngọc Hiền và Trịnh Thị Thuận là đồng phạm.
Đây là diễn biến mới nhất trong quá trình mở rộng điều tra vụ án lừa đảo chiếm đoạt tài sản xảy ra tại Bệnh viện Bạch Mai, Công ty cổ phần công nghệ y tế BMS (Công ty BMS) và các đơn vị có liên quan.
Mới đây, dư luận Việt Nam rúng động trước thông tin, từ đầu năm 2017, Bệnh viện Bạch Mai ký hợp đồng liên doanh liên kết với Công ty BMS, về việc đặt máy robot Rosa tại Khoa Phẫu thuật thần kinh, sọ não.
Các bên thống nhất, máy robot Rosa có tổng giá trị 39 tỷ đồng, do Công ty BMS đầu tư 100% vốn khai thác theo dạng liên doanh liên kết tại Bệnh viện Bạch Mai trong thời hạn 7 năm (2017 – 2024).
Nhưng, theo trích xuất thông tin từ hải quan, máy robot Rosa được Công ty BMS nhập khẩu vào chỉ với giá gần 7,6 tỷ đồng. Cộng với chi phí đào tạo, chuyển giao công nghệ, máy ước tính khoảng 10 tỷ đồng.
Như vậy, với việc thổi khống giá trị máy lên gấp 4 lần giá trị thực, Công ty BMS và Bệnh viện Bạch Mai đã thu của bệnh nhân số tiền cao gấp nhiều lần số tiền họ phải trả.
Trong đó, một ca phẫu thuật theo thiết bị này chỉ khoảng 4 triệu đồng nhưng đã bị đội lên thành 23 triệu đồng.
Thống kê, từ năm 2017-2019, có hơn 500 ca bệnh sử dụng thiết bị này, số tiền chênh lệch hưởng lợi chiếm đoạt của người bệnh là 10 tỷ đồng.
Vụ án này được Bộ Công an Việt Nam xác định có tính chất đặc biệt nghiêm trọng.
Trước đó, 3 người có liên quan đã bị khởi tố về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”, quy định tại điều 174 bộ luật Hình sự năm 2015, sửa đổi, bổ sung năm 2017, gồm:
- Phạm Đức Tuấn, Chủ tịch HĐQT, Giám đốc Công ty cổ phần Công nghệ y tế BMS (Công ty BMS);
- Ngô Thị Thu Huyền, Phó giám đốc Công ty BMS;
- Trần Lê Hoàng, Thẩm định viên của Công ty cổ phần Thẩm định giá và dịch vụ tài chính Hà Nội (Công ty VFS).
Phạm Toàn
Giám đốc Sở VHTT&DL Hòa Bình lên tiếng vụ khẩu hiệu 11 chữ, tốn 11 tỷ đồng
Hiểu Minh | DKN 12 giờ trước 1,512 lượt xem
Liên quan đến công trình lắp đặt khẩu hiệu có 11 từ hết 11 tỷ đồng ở Hòa Bình khiến dân mạng xôn xao, chiều 25/9, bà Bùi Thị Niềm, Giám đốc Sở VHTT&DL tỉnh Hòa Bình đã lên tiếng quanh việc này.
Trên báo Người lao động, bà Bùi Thị Niềm cho hay, công trình lắp dựng khẩu hiệu tạo cảnh quan trang trí đồi Ông Tượng do Sở VH-TT-DL tỉnh Hòa Bình làm chủ đầu tư với tổng số tiền trên 10 tỷ đồng từ nguồn vốn sự nghiệp. “Việc phê duyệt báo cáo kinh tế – kỹ thuật đầu tư xây dựng công trình, đấu thầu đã được thực hiện theo đúng quy định. Qua đấu thầu, Công ty Cổ phần đầu tư và phát triển Anh Kỳ trúng thầu phần xây lắp có giá trị hơn 10 tỷ đồng”- bà Niềm thông tin.
Cũng theo Giám đốc Sở VH-TT-DL tỉnh Hòa Bình, công trình trang trí tạo cảnh quan ngoài trời có đến 68 nội dung, hạng mục liên quan đến hệ thống cấp điện, chiếu sáng, chống sét… Trong đó, riêng hạng mục chữ gồm gia công giằng mái thép bằng thép hình, thép bản, lắp dựng giằng thép liên kết, Bulong M16, tấm aluminium…
“Khu vực đồi Ông Tượng là khu vực tập trung các công trình quan trọng của tỉnh, cạnh đó là Công trình Thủy điện Hòa Bình và trụ sở các cơ quan đầu não của tỉnh như Tỉnh ủy, UBND tỉnh, HĐND tỉnh, các sở, ban, ngành của tỉnh… Do đó, việc lắp, dựng khẩu hiệu tại khu vực chân đồi Ông Tượng là rất cần thiết và hợp lý”.
“Để đảm bảo an toàn cho công trình tượng đài Bác Hồ phía trên đỉnh đồi, các công trình trụ sở và nhà dân ở phía dưới, đơn vị thi công đã phải khoan tạo lỗ neo để cắm neo gia cố mái vách taluy, lắp dựng ống thép, gia công giằng mái thép, bơm keo xi măng lỏng…. Ngoài ra, do vị trí thi công trình là vách núi cao nên việc vận chuyển các loại vật liệu như cát, sỏi, đá dăm, sắt thép… đều phải làm thủ công.
Đây không phải là công trình chào mừng Đại hội Đảng bộ tỉnh Hòa Bình lần thứ 17, như thông tin trên một số trang mạng xã hội đã đưa. Theo Hợp đồng thi công xây lắp công trình số 11/2020 giữa chủ đầu tư và đơn vị nhận thầu ngày 7/8 và biên bản bàn giao mặt bằng ngày 8/8 thì thời gian thi công công trình là 80 ngày (tức trước ngày 27/10), tức là công trình mới thi công được khoảng hơn 50% thời gian”, bà Niềm cho biết, theo báo Giao Thông.
Trước đó, trên mạng xã hội Facebook có nhiều thông tin, hình ảnh kèm theo phản ánh về việc tỉnh Hòa Bình chi tới 10 tỷ đồng khắc dòng chữ lớn với 11 chữ, tương đương mỗi chữ gần 1 tỷ đồng. Thông tin trên đã được rất nhiều trang mạng chia sẻ, bình luận. Nhiều ý kiến cho rằng tỉnh Hòa Bình là một tỉnh còn nghèo, khó khăn. Vùng sâu, vùng xa còn thiếu thốn về điện, đường, trường, trạm…; giá như số tiền đó dành cho việc làm đường, trường, trạm thì tốt…
Ông Chu Ngọc Anh làm Chủ tịch UBND Hà Nội
Báo Zing đưa tin, Tại kỳ họp bất thường sáng 25/9 của HĐND TP, Phó bí thư Thành ủy Chu Ngọc Anh (sinh ngày 17/6/1965, quê xã Thái Hòa, huyện Ba Vì, Hà Nội) được bầu làm Chủ tịch UBND Hà Nội nhiệm kỳ 2016-2021.
Theo kết quả bỏ phiếu được công bố, ông Chu Ngọc Anh đã trúng cử chức danh Chủ tịch UBND thành phố với sự nhất trí của 100% đại biểu có mặt. Ông Chu Ngọc Anh là người thay thế ông Nguyễn Đức Chung.
Cũng tại cuộc họp này, tất cả đại biểu HĐND TP. Hà Nội đã thông qua biểu quyết việc bãi nhiệm chức danh Chủ tịch UBND TP. đối với ông Nguyễn Đức Chung. 100% đại biểu có mặt ở hội trường đã biểu quyết thông qua việc này bằng hình thức giơ tay.
Ba thi thể và lá thư tuyệt mệnh trong chòi nuôi tôm
Trên báo Pháp Luật TP.HCM, sáng 22/9, người dân phát hiện 3 nạn nhân tử vong tại chòi nuôi tôm. Danh tính các nạn nhân chị Nguyễn Thị K.L. (40 tuổi, ngụ xã Thạnh Trị, huyện Bình Đại), anh Nguyễn Thành L. (33 tuổi, ngụ huyện Chợ Lách, là người chung sống như vợ chồng với chị L.) và Nguyễn Minh P.T (16 tuổi, con riêng của của chị).
Tại hiện trường, cảnh sát tìm thấy 3 chai thuốc trừ sâu đã sử dụng và hai lá thư tuyệt mệnh.
Theo người dân địa phương, chị L. từng có một đời chồng và có hai con riêng. Anh Thành L. là người ở huyện Chợ Lách đến huyện Bình Đại để giữ tôm thuê.
Sau đó anh THành L. gặp và quen biết chị L. nên nảy sinh tình cảm, hai người chung sống với nhau như vợ chồng nhưng không được gia đình đồng ý. Từ đó chị L. và anh Thành L. đến chòi tôm sống chung.
Đến sáng 22/9 thì người dân phát hiện vụ việc nêu trên.
Tin xấu cho Đồng bằng sông Cửu Long
Báo Zing đưa tin, chuyên gia dự báo tình trạng hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn ở Đồng bằng sông Cửu Long sẽ diễn ra tương tự mùa khô năm 2019-2020 và có thể gay gắt hơn.
Sau đợt hạn mặn khốc liệt năm 2019-2020, lượng nước tại lưu vực sông Mekong tiếp tục giảm dù đã bước vào mùa lũ.
Ông Vũ Đức Long, Phó giám đốc Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn quốc gia, nhận định người dân ở khu vực Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) tiếp tục đối mặt với tình trạng xâm nhập mặn sớm và gay gắt trong mùa khô năm nay, đồng thời trải qua mùa lũ với mực nước thấp kỷ lục.