Khi Trung Quốc phát triển sức mạnh kinh tế và quân sự, các nhà đầu tư toàn cầu và các doanh nghiệp hoạt động tại đại lục sẽ phải đối mặt với một tình thế khó xử, CNBC trích dẫn một nhà phân tích.
“Trung Quốc đang chuyển đổi sự tăng trưởng kinh tế của nó thành sức mạnh quân sự, và tôi nghĩ đây là một tình thế tiến thoái lưỡng nan thực sự cho những ai muốn đầu tư vào Trung Quốc. Bởi vì bạn phải hiểu chính xác những gì bạn đang đầu tư vào, và điều gì đang thực sự diễn ra ở đây”, Jonathan Ward, người sáng lập hãng tư vấn Atlas Organization, cho biết.
Atlas Organization là hãng tư vấn chiến lược về lĩnh vực cạnh tranh toàn cầu giữa Mỹ và Trung Quốc cho các doanh nghiệp và chính phủ.
Phát biểu tại Diễn đàn Châu Á Jefferies khai mạc hai tuần trước, ông Ward cho biết có nhiều tập đoàn Trung Quốc – bao gồm những tập đoàn trong các ngành hàng không vũ trụ, công nghệ và xây dựng – được “hậu thuẫn bởi quân đội”.
Khi ranh giới giữa nhà nước và doanh nghiệp mờ đi, các nhà đầu tư sẽ khó biết được mức độ kiểm soát của chính phủ Trung Quốc đối với doanh nghiệp tư nhân và mức độ độc lập của họ đến như thế nào.
Trung Quốc muốn sở hữu một quân đội hùng mạnh
Ông Ward cho biết chi tiêu quốc phòng của Trung Quốc đã tăng lên và hiện lớn hơn tất cả các nước láng giềng trong khu vực cộng lại. Ông trích dẫn báo cáo mới nhất của Lầu Năm Góc về sự phát triển của quân đội Trung Quốc và cho biết lực lượng trên bộ của Trung Quốc, tương tự lực lượng hải quân, không quân và tên lửa, là một trong những lực lượng lớn nhất trên thế giới.
“Năm 2019, CHND Trung Hoa tuyên bố ngân sách quân sự hàng năm của họ sẽ tăng 6,2%, tiếp tục đà tăng chi tiêu quốc phòng thường niên trong hơn 20 năm và duy trì vị trí là nước chi tiêu quân sự lớn thứ hai thế giới”, theo Báo cáo Sức mạnh Quân sự Trung Quốc năm 2020.
Ông Ward cũng chỉ ra rằng Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã nói rõ mục tiêu của đất nước ông là xây dựng một quân đội hùng mạnh có thể chiến đấu và chiến thắng trong các cuộc chiến.
“Chúng ta đang tiến gần hơn bao giờ hết đến việc hiện thực hóa viễn cảnh trẻ hóa của đất nước Trung Hoa và chúng ta cần xây dựng một quân đội hùng mạnh hơn bao giờ hết trong lịch sử”, ông Tập nói tại lễ kỷ niệm thành lập Quân Giải phóng Nhân dân Trung Quốc.
“Quân đội của chúng ta phải coi khả năng chiến đấu là tiêu chí cần đáp ứng trong mọi hành động của mình và tập trung vào cách giành chiến thắng khi được huy động”, ông Tập nói.
“Nhiều ngân hàng quốc tế lại đang tìm cách mở rộng hoạt động của họ ở Trung Quốc, bất chấp những thực tế địa chính trị này … Liệu (rủi ro chính trị) có thực sự được đánh giá một cách chuẩn xác – ngay cả ở các ngân hàng đầu tư hàng đầu thế giới và các doanh nghiệp đầu tư?”
-Jonathan Ward, nhà sáng lập Atlas Organization
Ông Ward nói, Bắc Kinh cũng tuyên bố rằng Mỹ là mối đe dọa đối với hòa bình thế giới.
Người phát ngôn Bộ Quốc phòng Trung Quốc, Đại tá Wu Qian đã nói vào đầu tháng 9 rằng:
“Nhiều bằng chứng trong nhiều năm cho thấy chính Mỹ mới là kẻ gây ra bất ổn trong khu vực, kẻ vi phạm trật tự quốc tế và kẻ hủy diệt hòa bình thế giới”.
Tranh chấp Biển Đông
Trung Quốc cũng đang tăng cường hiện diện quân sự ở châu Á, đặc biệt là ở khu vực Biển Đông đang có nhiều tranh chấp.
Trung Quốc đã làm dấy lên sự bất bình của các nước láng giềng như Philippines, Đài Loan và Việt Nam, những nước cũng có tuyên bố chủ quyền đối với vùng biển nhiều tài nguyên này. Trung Quốc cũng đã hứng chịu những chỉ trích gay gắt từ Hoa Kỳ, khi Mỹ gọi các yêu sách lãnh thổ của Bắc Kinh là “hoàn toàn phi pháp”.
Tuần trước, Trung Quốc đã tăng cường các cuộc tập trận quân sự gần Đài Loan sau chuyến thăm của Thứ trưởng Ngoại giao Hoa Kỳ tới Đài Bắc. Bắc Kinh coi Đài Loan là một phần lãnh thổ của mình và cần phải được tái thống nhất với đại lục, thậm chí bằng vũ lực, đồng thời phản đối sự tham gia của Đài Loan vào các chính sách ngoại giao quốc tế.
Lầu Năm Góc cho biết các cuộc tập trận là một ví dụ khác về việc Trung Quốc sử dụng quân đội của mình như một công cụ mang tính cưỡng chế, theo Reuters.
“Vào cuối ngày, các nhà lãnh đạo Trung Quốc đã sử dụng tất cả… sức mạnh công nghiệp của họ, tất cả những tiến bộ công nghệ của họ vào việc hiện đại hóa quân sự… được thiết kế cho các cuộc xung đột ở Thái Bình Dương – với các nước láng giềng của nó và với Mỹ – họ khá thẳng thắn về điều này”, ông Ward nói thêm.
Thế khó xử cho các doanh nghiệp Mỹ
Ông Ward nói rằng về cơ bản, Trung Quốc đang đối đầu công khai với Mỹ và khu vực.
“Vậy câu hỏi đặt ra là tất cả những thứ này để làm gì? … Đó là để đạt được điều mà các nhà lãnh đạo Trung Quốc gọi là ‘sự trẻ hóa tuyệt vời’ sứ mệnh Trung Quốc”, ông Ward nói. “Trung Quốc dự định đạt được tất cả những điều này bằng cách nào?”
Ông Ward cho rằng Trung Quốc sẽ đạt được điều này không chỉ thông qua xây dựng quân đội hùng mạnh, mà còn thông qua cỗ máy kinh tế của nó – hạm đội chiến đấu kinh tế hùng mạnh bao gồm các tập đoàn quốc doanh được nhà nước hậu thuẫn.
Bên trong đó bao hàm các ngụ ý địa chính trị đối với các tập đoàn Mỹ, ông Ward gợi ý.
“Điểm mấu chốt là các mục tiêu của Trung Quốc về … sự thống trị công nghiệp, về sức mạnh công nghệ – tất cả điều này về cơ bản đang hình thành sự gắn kết giữa ĐCSTQ và các công ty của nó. Trong khi đó nhiều ngân hàng quốc tế lại đang tìm cách mở rộng hoạt động của họ ở Trung Quốc, bất chấp những thực tế địa chính trị này”, ông nói.
“Liệu (rủi ro chính trị) có thực sự được đánh giá một cách chuẩn xác – ngay cả ở các ngân hàng đầu tư hàng đầu thế giới và các doanh nghiệp đầu tư?” ông hỏi.
Ông Ward nói thêm rằng các tập đoàn đa quốc gia của Mỹ sẽ cần phải hoạt động sao cho tương hợp với các lợi ích an ninh quốc gia trong dài hạn của chính phủ Mỹ.
“Khi các vụ vi phạm nhân quyền do nhà nước bảo trợ ngày càng trở nên rõ ràng hơn… chúng ta thấy rằng các doanh nghiệp của chúng ta có liên quan – trực tiếp hoặc gián tiếp đến chúng [khi đầu tư vào Trung Quốc đại lục]”, ông Ward cho hay.
Nói cách khác, ở một khía cạnh, việc đầu tư vào Trung Quốc chính là đang cấp vốn cho ĐCSTQ bức hại nhân quyền và xây dựng lực lượng quân đội hùng mạnh.